Tiếp Tục Hoàn Thiện Cơ Cấu Tổ Chức Bên Trong Các Bộ, Cơ Quan Ngang ...

Ảnh minh họa

Thực trạng cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII đến nay luôn duy trì cơ cấu 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 08 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Về tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, đã từng bước phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị, bộ phận thuộc cơ cấu bên trong của các cơ quan này, tách chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản tại doanh nghiệp, hạn chế dần sự can thiệp trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh và hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công. Thực hiện đúng quy định về tiêu chí thành lập các tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ như cục, vụ, tổng cục; cơ cấu tổ chức bên trong tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động của từng tổ chức. Đã giảm bớt việc thành lập đơn vị cấp phòng trong vụ (chỉ thành lập ở những vụ có nhiều mảng công tác hoặc khối lượng công việc lớn). Vì vậy, đã hạn chế đáng kể việc thành lập mới các phòng trong vụ, cục, chi cục thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Đồng thời, đã và đang tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ theo hướng chỉ giữ lại các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc Bộ, như: nghiên cứu chiến lược, chính sách về ngành, lĩnh vực; báo; tạp chí; tin học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ được rà soát, sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực. Tính đến ngày 30/6/2021, số lượng các vụ và tương đương thuộc bộ giảm 3,1% (năm 2015 có 257 đơn vị, đến năm 2021 còn 249 đơn vị năm 2021) và số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành giảm 11% (từ 1.123 đơn vị xuống 998 đơn vị)(2). Ví dụ, năm 2018, Bộ Công an bỏ 06 tổng cục; sắp xếp giảm gần 60 đơn vị cấp cục, gần 300 đơn vị cấp phòng, sáp nhập 20 sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

Một số Bộ đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong theo hướng tách đơn vị tham mưu xây dựng chính sách (vụ) với đơn vị thực thi chính sách (cục, tổng cục). Tại Bộ Tài chính, đã sáp nhập Vụ Chính sách thuế (đơn vị thuộc Bộ) với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, giúp cơ cấu tổ chức cho hợp lý hơn. Việc tách bạch chức năng tham mưu xây dựng chính sách với chức năng thực thi chính sách trong tổ chức của Bộ là phù hợp với tinh thần cải cách hành chính nhà nước, khắc phục được tình trạng trùng lắp chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động của tổng cục trực thuộc Bộ, đồng thời đảm bảo được vai trò quản lý, điều hành trực tiếp của Bộ trưởng đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Có thể nói, trong thời gian qua các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tiến hành rà soát, điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị trong nội bộ, khắc phục dần tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót công việc; đã hoàn thiện quy chế hoạt động của cơ quan, tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị, làm cho bộ máy vận hành được thông suốt, suôn sẻ hơn.

Tuy nhiên, sau quá trình sắp xếp, điều chỉnh, cơ cấu bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm giữa một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa, đan xen hoặc phân công chưa thực sự phù hợp hoặc chưa đủ rõ, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. Cơ cấu tổ chức bộ máy của một số Bộ vẫn tiếp tục tăng thêm một số tổng cục, cục, vụ trong Bộ và phòng, ban trong cục, vụ; trong đó có một số tổ chức mới ra đời chưa thực sự cần thiết và làm tăng thêm đáng kể biên chế hành chính tại các cơ quan này trong những năm gần đây. Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và dịch vụ công trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các bộ, ngành vẫn can thiệp khá nhiều vào hoạt động dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập và hoạt động của doanh nghiệp; trực tiếp thực hiện nhiều công việc của chính quyền địa phương; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và dịch vụ công giữa Trung ương và địa phương còn hạn chế, bất hợp lý; chậm trễ, thiếu kiên quyết trong điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ.

Mặt khác, cơ cấu bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn chưa thực sự tinh gọn, thậm chí tiếp tục tăng về số lượng và quy mô của các tổ chức. Việc thành lập mới các tổng cục trên cơ sở hợp nhất hoặc nâng cấp các cục, vụ ở một số Bộ trong những năm gần đây có phần không thật sự cần thiết, bởi vì hai chức năng tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật và thực thi chính sách, pháp luật đều tập trung vào tổng cục (hoặc tổ chức tương đương) làm cho mỗi tổng cục này vô hình trung giống như một bộ quản lý chuyên ngành (còn được ví như là “bộ trong bộ”), dẫn đến Bộ trưởng khó nắm bắt được công việc cụ thể của từng ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý mà chỉ như là cấp trung gian giữa Tổng cục trưởng và Thủ tướng Chính phủ, do đó không thể hoàn thành tốt được vai trò của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Việc thành lập tổng cục chỉ phù hợp với các tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, trong khi phần lớn các tổng cục chỉ giới hạn nhiệm vụ ở cấp Trung ương (là một đơn vị thuộc Bộ), không có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, các tổng cục này về tính chất hoạt động cũng giống như cục, nhưng lại làm tăng thêm một cấp trung gian trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ. Mặt khác, còn làm tăng thêm một số đơn vị tham mưu cho lãnh đạo tổng cục trong công tác quản lý, điều hành… làm cho bộ máy của Bộ cồng kềnh, nhiều đầu mối trung gian và tăng thêm biên chế. Bên cạnh đó, một số cơ quan trực thuộc Chính phủ trước đây, nay sáp nhập vào Bộ, nhưng chưa hoặc chậm được sắp xếp lại cơ cấu bộ máy mà về cơ bản vẫn giữ như cũ, không phát huy được ưu thế của việc tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Tại một số Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn thành lập thêm một số vụ và tương đương chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cả về khối lượng và tính chất công việc, không phù hợp với yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy hiện nay.

Giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Một là, tiếp tục điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo hướng tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô, loại bỏ những nhiệm vụ về quản lý doanh nghiệp và giảm các nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp công.

Việc sắp xếp, hoàn thiện cơ cấu bộ máy phải trên cơ sở điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô (xây dựng và hướng dẫn thực hiện thể chế, chính sách, cơ chế; thanh tra, kiểm tra); cơ cấu lại, đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ giữ lại các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định; đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, chuyển giao cho chính quyền địa phương đảm nhiệm các công việc của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công mà họ thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, chuyển giao cho các chủ thể ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ công.

Hai là, tách bạch về mặt tổ chức giữa các đơn vị tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật với các đơn vị thực thi chính sách, pháp luật trong cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Sắp xếp lại các tổ chức bên trong của một số tổng cục và tương đương (ban) đã được sáp nhập vào Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tách riêng các đơn vị tham mưu (vụ) với đơn vị thực thi chính sách, pháp luật (cục) và bỏ cấp tổng cục và tương đương trong Bộ. Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của một số cục trong Bộ chuyển nhiệm vụ tham mưu xây dựng chính sách về các vụ phù hợp (có thể hình thành vụ đa ngành mà không cần thành lập thêm vụ mới).

Ba là, giảm thiểu tổ chức tổng cục trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, chỉ nên có tổng cục đối với các ngành, lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, không phân cấp cho địa phương quản lý.

Công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội đều được phân cấp, phân quyền cho địa phương và có tổ chức bộ máy thực hiện quản lý theo chuyên ngành, lĩnh vực tại các sở, ngành của UBND cấp tỉnh (chi cục, phòng, trung tâm…). Các bộ, ngành ở Trung ương chủ yếu thực hiện xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; hướng dẫn triển khai thực hiện và thanh tra, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện. Do đó, không cần thiết có bộ máy quản lý chuyên ngành quy mô lớn là tổng cục đảm nhiệm cả chức năng tham mưu và chức năng thực thi chính sách, giống như một Bộ chuyên ngành trong Bộ đa ngành. Tổ chức tổng cục chỉ cần thiết đối với một số chuyên ngành, lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, không phân cấp phân quyền cho địa phương (như thuế, hải quan, thống kê, thi hành án dân sự…) vì các ngành, lĩnh vực này phải có bộ máy đủ lớn để quản lý xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đối với các hoạt động của ngành, lĩnh vực từ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ đến tổ chức, nhân lực, tài chính cơ sở vật chất kỹ thuật...

Không tổ chức cấp tổng cục trong Bộ sẽ giảm bớt được một cấp trung gian giữa Bộ trưởng và các đơn vị (cục, vụ), tạo thuận lợi để lãnh đạo Bộ nắm vững được lĩnh vực xây dựng chính sách và thực thi chính sách thuộc phạm vi quản lý, góp phần nâng cao tính nhanh nhạy, thông suốt, kịp thời trong quản lý, điều hành, đúng vai trò người đứng đầu ngành, lĩnh vực. Đồng thời, khắc phục được tình trạng khép kín các nhiệm vụ quản lý nhà nước (từ xây dựng chính sách đến thực thi và thanh tra, kiểm tra) vào một tổ chức nội bộ của bộ (tổng cục), đảm bảo được tính độc lập, khách quan giữa hoạt động xây dựng chính sách với hoạt động thực thi chính sách, tạo điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Bốn là, thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức phòng trong vụ.

Cần phát huy đầy đủ chế độ chuyên viên trong các đơn vị tham mưu xây dựng chính sách, hạn chế tình trạng sản phẩm của chuyên viên phải thông qua nhiều cấp lãnh đạo khác nhau (Trưởng phòng, Vụ trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng), vì công tác tham mưu xây dựng chính sách thường do các chuyên viên cao cấp, với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm khá phong phú thực hiện hoặc chủ trì thực hiện, không nhất thiết phải đặt dưới sự chỉ đạo, kiểm tra của cấp phòng trong vụ./.

--------------------------

Ghi chú:

(1) Chính phủ, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoan 2021-2030.

(2) Bộ Nội vụ, Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Quốc hội, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

4. Nguyễn Thu Huyền (2019), “Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Bộ Nội vụ.

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền - Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Từ khóa » Cải Cách Hành Chính Nhà Nước ở địa Phương