Tiếp Tục Phối Hợp Thực Hiện Hiệu Quả Chương Trình Tín Dụng Học Sinh ...

Khu vực Miền trung diễn ra ngày 13/12/2017 tại trường Đại học Vinh, TP Vinh, Tỉnh Nghệ An; Khu vực Miền Nam tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 18/12/2017 và ngày 25/12/2017 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với sự tham dự của các trường đại học, cao đẳng trong khu vực.

Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc chủ động nghiên cứu và khảo sát, xin ý kiến của các nhà trường, đặc biệt là các trường tự chủ và sắp tới hoàn toàn tự chủ về hình thức triển khai chương trình tín dụng học sinh, sinh viên tại các nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Khảo sát kết hợp Hội thảo tham vấn ý kiến các trường đào tạo về triển khai chương trình tín dụng sinh viên” tại 03 khu vực: Khu vực Miền trung diễn ra ngày 13/12/2017 tại trường Đại học Vinh, TP Vinh, Tỉnh Nghệ An; Khu vực Miền Nam tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày 18/12/2017 và khu vực miền Bắc vào ngày 25/12/2017 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với sự tham dự của các trường đại học, cao đẳng trong khu vực.

Hình ảnh của buổi Hội thảo diễn ra tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân vào ngày 25/12/2017

Tại buổi Hội thảo, Ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác HSSV- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo kết quả qua 10 năm triển khai chương trình tín dụng HSSV của ngành Giáo dục giai đoạn 2007 – 2017, đồng thời cũng giới thiệu những mô hình tín dụng khác của một số trường đại học tự chủ đã và đang phối hợp triển khai với các ngân hàng, như: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh….

Theo báo cáo đánh giá, chính sách tín dụng cho HSSV vay vốn học tập (NHCSXH) suốt 10 năm qua là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho những gia đình, HSSV nghèo, đây là chương trình mang tính nhân văn đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo triển khai nhằm thực hiện mục tiêu không để sinh viên nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Theo thống kê của NHCSXH cho thấy, trong 10 năm qua tổng doanh số tín dụng cho sinh viên vay học tập đã chạm ngưỡng gần 60.000 tỉ đồng với hơn 3,5 triệu HSSV được vay vốn cho chi phí học tập.

Theo bà Hoàng Thị Chương - Phó Giám đốc Ban Tín dụng sinh viên và các đối tượng chính sách khác -  NHCSXH: Hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu của ngân hàng chính sách đã được hiện đại hóa và liên thông trên toàn quốc, giúp việc chuyển trả nợ thuận tiện, qua đó có thể cung cấp các thông tin liên quan đến sinh viên vay vốn cho các nhà trường để cùng phối hợp thực hiện cũng như quản lý đối tượng vay vốn và sử dụng vốn tốt hơn trong thời gian tới.

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Công thương Việt Nam và Nông nghiệp Việt Nam tiến hành mở tài khoản qua thẻ cho HSSV, do vậy hộ gia đình có thể hoàn thiện hồ sơ nhận tiền vay vốn với NHCSXH nhưng tiền có thể chuyển trực tiếp qua thẻ cho HSSV sử dụng rất thuận tiện, đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích học tập của HSSV tại các nhà trường. Trong thời gian tới chính sách tín dụng cho HSSV cần thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng hơn cho HSSV tại các nhà trường, đặc biệt làm cho HSSV hiểu rõ và đầy đủ hơn về đối tượng chính sách được vay theo Quyết định 157.

Tại Hội thảo, đại diện Lãnh đạo các nhà trường, Lãnh đạo các phòng, ban phụ trách triển khai chương trình tín dụng HSSV đã sôi nổi thảo luận, đánh giá, đưa ra những ý kiến góp ý hiệu quả, thiết thực nhằm đảm bảo giữ ổn định và phát triển Chương trình với công tác phối hợp thực hiện một cách có hiệu quả. Hầu hết, các Nhà trường đánh giá và ghi nhận hiệu quả của Chương trình đáp ứng đúng mục đích đề ra, đóng góp rất lớn vào quá trình học tập của HSSV, đảm bảo hỗ trợ kịp thời giúp HSSV ổn định học tập, nghề nghiệp và tương lai của các em. Chương trình cho sinh viên vay vốn để hỗ trợ học tập là rất cần thiết, đặc biệt đối với những trường hợp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng mạnh dạn đưa ra những bất cập, khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Các thủ tục, xác nhận giấy tờ vay vốn cho sinh viên có sự cứng nhắc, gây mất thời gian cho cả sinh viên và nhà trường; chưa có sự phối hợp qua lại để phản hồi về số liệu thống kê cụ thể số lượng sinh viên được vay vốn hằng năm từ Ngân hàng Chính sách về các nhà trường, giúp nhà trường kiểm kiểm soát số lượng HSSV của trường đã được vay vốn; mức vay vốn hiện nay về mặt bằng chung là đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay của sinh viên.

Tại Hội thảo nhiều ý kiến đề xuất cần xem xét đề xuất nâng mức cho vay tối đa lên 2-2.5 triệu đồng/1 HSSV/1tháng khi mức học phí và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là tại các địa bàn ở các thành phố lớn; xem xét mở rộng đối tượng đối với hộ gia đình không thuộc đối tượng vay vốn theo quyết định 157/2007/QĐ-TTg nhưng có 2 con đi học đại học, cao đẳng, thu nhập thấp- kinh tế gặp nhiều khó khăn, sinh sống tại vùng khó khăn nhưng chưa được vay vốn chương trình. Ngoài ra, các trường đều mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn với NHCSXH trong thời gian tới, đặc biệt là việc cung cấp thông tin hai chiều về sinh viên của các trường đã được vay vốn tại Ngân hàng.

Cân nhắc việc chuyển hình thức cho HSSV vay qua các trường hoặc vay trực tiếp tại ngân hàng

Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157 đã được NHCSXH triển khai 10 năm qua theo hình thức cho vay thông qua hộ gia đình, việc triển khai được NHCSXH phối hợp và ủy thác qua 4 hội, đoàn thể tại địa phương là: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; với phương thức triển khai này, trong 10 năm qua chương trình đã đạt hiệu quả tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình, thuận tiện cho người dân và đặc biệt là thu hồi nợ rất tốt, nợ quá hạn đến thời điểm này chưa đến 0,8%.

Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV, Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc Hội thảo tại Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngày 18/12/2017

Tại Hội thảo này Ban tổ chức cũng đề nghị các đại biểu bàn về các phương án có thể chuyển đổi hình cho vay thông qua nhà trường hoặc cho HSSV vay trực tiếp tại ngân hàng. Đây là điều mà đa số đại biểu các cơ sở đào tạo tham dự Hội thảo đều băn khoăn và cho rằng việc đưa về nhà trường quản lý, phối hợp để lập hồ sơ và cho vay vốn là không khả thi và không đúng chức năng; các nhà trường đều băn khoăn việc kiểm soát đối tượng sẽ rất khó khăn; đặc biệt là việc thu hồi nợ đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp là hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường, bởi khi sinh viên tốt nghiệp ra trường thì không còn sự ràng buộc về mặt pháp lý.

Việc cho HSSV vay trực tiếp từ ngân hàng trong điều kiện hiện nay cũng sẽ rất rủi ro trong thu hồi nợ và bảo toàn nguồn vốn cho chương trình, theo các đại biểu thì đến lúc nào nhà nước có chính sách quản lý công dân thông qua mã số định danh thì mới có tính khả thi với việc cho vay trực tiếp. Trên cơ sở đó, cơ bản các trường đều đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành và NHCSXH tiếp tục triển khai chương trình theo phương thức như hiện nay là hợp lý và hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay. Theo PGS.TS Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thì “Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Chính phủ cho HSSV vay vốn với thời hạn dài, sau khi HSSV ra trường có việc làm mới hoàn trả nợ vay, do đó vẫn phải được duy trì và tiếp tục thực hiện thông qua NHCSXH mới hiệu quả”.

Ngoài chương trình tín dụng theo Quyết định 157, hiện nay có nhiều trường Đại học đang triển khai mô hình vốn vay học tập cho SV một cách khá linh hoạt bằng chính nguồn lực tài chính của trường mình hoặc phối hợp với các ngân hàng thương mại. Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng đã ký kết với NHCSXH thỏa thuận hỗ trợ lãi vay vốn NHCSXH cho HSSV tựu trường từ năm học 2017, theo đó toàn bộ lãi phát sinh của HSSV vay vốn NHCSXH trong thời gian học ở trường sẽ được nhà trường hỗ trợ thanh toán trực tiếp với Ngân hàng. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng có quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo, khó khăn từ nguồn lãi ngân hàng mỗi năm lên tới 25 tỉ, bên cạnh đó trường còn phối hợp với Ngân hàng thương mại có chương trình vay vốn ngắn hạn để đóng học phí dành cho sinh viên có khó khăn về tài chính.

Hay Học Viện Ngân hàng có sự phối hợp với 06 Ngân hàng triển khai hỗ trợ vay vốn cho HSSV trong toàn trường rất hiệu quả và thuận tiện. Những trường này có một chương trình tín dụng theo gói, và với HSSV thuộc diện chính sách, các em sẽ được hỗ trợ 100% học phí, miễn phí KTX và hỗ trợ một khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày thông qua quỹ học bổng được trích lập từ nguồn lãi học phí hàng năm ngân hàng trả. Với SV cần vay vốn ngắn hạn (theo học kỳ) để đóng học phí trong thời gian HSSV đang học ở trường, chỉ cần soạn đơn theo mẫu của nhà trường, có xác nhận của phụ huynh, là ngân hàng giải ngân. Hoặc với các đối tượng HSSV khó khăn đột xuất cũng có những hỗ trợ với mức 70 – 100% chi phí đảm bảo cho HSSV yên tâm học tập tại trường.

Hình thức tín dụng này giúp trường dễ kiểm soát nguồn vay, thu hồi nợ cũng như tạo sự thuận lợi đối đa cho SV của mình.Kết thúc buổi Hội thảo, đồng chí Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay mặt Ban Tổ chức tiếp thu các ý kiến góp ý và kiến nghị, đề xuất của các đại biểu để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản triển khai chương trình tín dụng HSSV cho phù hợp và hiệu quả trong thời gian tới.

Đồng thời đề nghị Ngân hàng chính sách Xã hội tiếp thu một số nội dung của các nhà trường đã đề xuất về đơn giản và linh hoạt quy trình, thủ tục, mẫu xác nhận vay vốn HSSV sao cho xác thực, phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu việc các trường đề xuất cho sinh viên vay đi thực tập tại nước ngoài, việc đề xuất mở rộng đối tượng và đề xuất nâng mức vay trong thời gian tới. Đề nghị Ngân hàng Chính sách cũng có hướng phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên và tích cực hơn với các cơ sở đào tạo để thực hiện tốt chương trình vay vốn đối với học sinh, sinh viên.

Từ khóa » Chương Trình Hỗ Trợ Vay Vốn Cho Sinh Viên