Tiếp Tục Tăng Cường Và đổi Mới Công Tác Dân Vận Trong Đảng Bộ ...

Công tác dân vận, với tư cách là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng và là một trong những phương thức chủ yếu để Đảng lãnh đạo cách mạng, không thay đổi về bản chất và mục tiêu tổng quát, nhưng có sự điều chỉnh nhất định về nội dung, về bước đi, cách làm để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI) về công tác dân vận có nhiều quan điểm, chủ trương, tư tưởng chỉ đạo rất mới và việc kiên trì thực hiện thắng lợi Nghị quyết sẽ tạo cơ hội thực sự cho các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tiếp tục tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận sẽ trực tiếp góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược. Điều đó càng đúng đối với Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, một đảng bộ bao gồm các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan tham mưu chiến lược của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương. Kết quả công tác, hoạt động của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương có tác động trực tiếp, sâu sắc đến đời sống của nhân dân. Làm tốt công tác dân vận ở các cơ quan Trung ương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI) chính là đóng góp thiết thực của cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Với ý nghĩa đó, công tác dân vận phải được xem là một bộ phận cực kỳ quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Khối, hàm chứa nhiều nội dung phong phú, phức tạp, nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhiều lực lượng và đối tượng tham gia, tác động nhiều mặt, nhiều chiều vào đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, khó có thể nói rằng đây là công việc có tính “khô khan, máy móc” như ý kiến của một số cán bộ, đảng viên, nếu không muốn nói rằng đây là mảnh đất còn rộng rãi cho việc thực hành những ý tưởng, biện pháp, cách làm sáng tạo cho các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.  

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện QUyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X)

về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị

Nói về người làm công tác dân vận, một bộ phận dư luận vẫn hiểu đó chỉ là những người chuyên nói suông, chỉ đạo suông. Ngay trong bài báo “Dân vận” rất quan trọng từ năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về một bộ phận cán bộ “chỉ nói suông, ngồi viết mệnh lệnh suông” đồng thời hướng cán bộ dân vận tới các tiêu chí “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Để trong thực tế ngày càng bớt đi những cán bộ chỉ nói suông, ngồi viết mệnh lệnh suông, Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI) chỉ rõ: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, trong đó Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. Như vậy, đối với Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, chủ thể làm công tác dân vận là hầu hết lực lượng lao động trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương. Cán bộ dân vận nhiều thế hệ đi trước đã học và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiều tấm gưong cán bộ dân vận thực hành phương châm: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm và thật thà nhúng tay vào công việc. Đó cũng là phương châm tiến hành công tác dân vận một cách có hiệu quả nhất hiện nay. Bên cạnh đó, trong thực tế ở Đảng bộ Khối, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên “chỉ nói suông, ngồi viết mệnh lệnh suông”. Đảng uỷ Khối và các cấp uỷ cần tập trung trước hết vào việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác dân vận, chỉ đạo làm rõ những công việc cụ thể trong công tác dân vận của cơ quan nhà nước, khắc phục căn bản tình trạng nói suông, nói không đi đôi với làm trong công tác dân vận. Yêu cầu đặt ra về vấn đề này là phát huy cao độ trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là bí thư cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với việc tự xác định trách nhiệm cá nhân và thực hành nhiệm vụ dân vận ngay trong cơ quan, đơn vị mình và tiếp đó là tác động trực tiếp đến khâu tham mưu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hợp lòng dân.

Tuyên truyền, giáo dục, tác động tới nhận thức của quần chúng nhân dân ngày nay chắc chắc là phần việc khó khăn hơn so với các thời kỳ trước bởi con người ngày càng hiểu biết hơn, được đào tạo bài bản hơn và có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn. Như vậy, một trong những thách thức đối với công tác dân vận trong các cơ quan Trung ương hiện nay là phải làm dân vận trong điều kiện trình độ dân trí nói chung, trình độ của cán bộ, đảng viên nói riêng đã được nâng lên. Bác Hồ từng nói: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đây là một thách thức lớn chỉ có thể vượt qua nếu xây dựng được mội đội ngũ làm công tác dân vận có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của thời đại, một đội ngũ làm công tác dân vận thực sự tâm huyết và có năng lực hoạt động thực tiễn, đồng thời tích cực, chủ động đổi mới phương thức tập hợp, vận động quần chúng. Cán bộ, đảng viên và quần chúng tin tưởng, làm theo thông thường thông qua trực giác, nhưng ngày càng có xu hướng xây dựng lòng tin trên cơ sở khoa học, được thuyết phục bởi lý lẽ, lập luận sắc bén, có lý, có tình, có lý luận, có thực tiễn. Vì vậy, việc quan trọng trước hết là phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, để mỗi  thành viên trong hệ thống chính trị phải thực sự trở thành một cán bộ dân vận của Đảng. Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối hầu hết có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao, giàu tâm huyết, nhiệt tình với công tác vận động quần chúng, có thể được tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao khả năng làm công tác dân vận, nhất là nâng cao kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn của cán bộ cấp uỷ. Có thể nói, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng là hai khâu đột phá để xây dựng đội ngũ làm công tác dân vận trong Đảng bộ Khối thời gian tới.

Từ thực tiễn cuộc sống đã có nhiều phong trào thuộc diện “người tốt việc tốt” do chính quần chúng nhân dân đứng ra động viên, khích lệ hô hào nhau và gương mẫu thực hiện đã thu được kết quả tốt như các cuộc vận động chung tay vì người nghèo, phong trào chung sức bảo vệ biển Đông,… thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước đây cũng như hiện nay, luôn xuất hiện nhiều phong trào rộng lớn của quần chúng nhân dân, trong đó có những phong trào thể hiện vai trò tích cực, chủ động, tự giác của những người dân làm dân vận. Đó là những nhân tố hết sức tích cực trong đời sống xã hội, có tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm, truyền thống và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng. Không phải những “người dân làm cán bộ dân vận” này không ý thức được vai trò của mình. Ngược lại, những “cán bộ dân vận” ấy rất hiểu và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tất nhiên cấp uỷ và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần quan tâm động viên, định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân tố này phát huy tác dụng, kết hợp chặt chẽ giữa dân vận của cấp uỷ, tổ chức đảng, dân vận của các cơ quan nhà nước, của các đoàn thể với dân vận của chính quần chúng nhân dân. Suy cho cùng, sự nghiệp dân vận không chỉ là nhiệm vụ vẻ vang của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn là sự nghiệp của của chính quần chúng nhân dân.

Cũng từ thực tế cuộc sống, trong một số ít trường hợp, ở một số nơi, một số việc, chủ trương, chính sách đưa ra chưa được người dân đồng tình, ủng hộ. Trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương đôi khi cũng có những trường hợp như vậy, chủ trương của cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đôi khi chưa được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngay trong cơ quan, đơn vị chưa đồng tình, hưởng ứng. Bên cạnh nguyên nhân chính là khi xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách thiếu sự tham vấn ý kiến của những người thụ hưởng hoặc chịu tác động của cơ chế, chính sách, còn có nguyên nhân rất quan trọng là công tác giải thích, vận động, tuyên truyền cho người dân còn hạn chế, kém hiệu quả. Có thể nói, ở mọi cấp độ và mọi khâu của quá trình xây dựng, ban hành, thực thi cơ chế, chính sách, quyết định liên quan đến người dân, rất cần sự tham vấn rộng rãi, đầy đủ ý kiến của nhân dân, của những người thụ hưởng hoặc chịu tác động của cơ chế, chính sách, đồng thời phải tích cực, chủ động làm công tác giải thích, vận động, tuyên truyền trước, trong và sau khỉ ban hành cơ chế, chính sách, quyết định. Ở một số nước phát triển, tham vấn ý kiến của các đối tượng thụ hưởng hoặc chịu tác động của chính sách là khâu bắt buộc trong quy trình xây dựng và ban hành chính sách. Ở nước ta thời gian tới cũng nên xem xét, bổ sung yêu cầu này vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời phải nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, ý thức tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương cũng như phát huy sức nạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, vốn là thế mạnh của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương.

Hiện nay, trong tư duy, nhận thức của một số cấp lãnh đạo chính quyền, vẫn coi dân vận là hoạt động phong trào, hoạt động đoàn thể, có thì vui mà không có cũng chẳng ảnh hưởng gì. Không chỉ một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem dân vận chỉ là hoạt động phong trào, đoàn thể, mà cả một bộ phận cấp uỷ viên, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối cũng còn có suy nghĩ lệch lạc như vậy. Theo tinh thần Nghị quyết Trung 7 (khoá XI), công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, chủ thể tiến hành công tác dân vận là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, mỗi một cán bộ, công chức phải là một cán bộ dân vận của Đảng. Chính vì vậy, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm làm công tác dân vận của các cấp uỷ, tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó tập trung xác định rõ trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị. Đảng uỷ Khối cần chỉ đạo các cấp uỷ phải tiến hành sát sao, khẩn trương, bền bỉ nhiệm vụ này. Đồng thời, phải cụ thể hoá các nội dung công tác dân vận trong chương trình, kế hoạch công tác của các cấp uỷ, trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và gắn kết quả triển khai công tác dân vận với việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên định kỳ hằng năm. Có thể tin tưởng rằng, quyết tâm chính trị và nỗ lực của các cấp uỷ đảng trong Đảng bộ Khối cùng sự phối hợp chặt chẽ với ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở Trung ương sẽ mang lại chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương về công tác dân vận thời gian tới./.

Theo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Từ khóa » Công Tác Dân Vận Là Trách Nhiệm Của Tổ Chức Nào