Tiếp Tục Thực Hiện Chính Sách Tài Khóa Chủ động, Kỷ Luật, Kỷ Cương ...

Chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn năm 2020

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách nhà nước năm 2020 được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước bị tác động nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu.

Trước tình hình đó, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bảo đảm kinh phí triển khai phòng, chống dịch bệnh, xử lý hậu quả thiên tai, hạn hán, bão lũ,... Cụ thể:

Về thu ngân sách nhà nước, đã thực hiện giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm tiền thuê đất; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, thực hiện miễn, giảm hàng chục loại phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp...

Kết quả thực hiện các chính sách đến hết tháng 11-2020 đạt khoảng 103,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 67,2 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 16,5 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 19,5 nghìn tỷ đồng.

Về chi ngân sách nhà nước, trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách khó khăn, nhưng vẫn bảo đảm bổ sung nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai hạn hán, bão lũ.

Đến hết tháng 11-2020, ngân sách đã chi hơn 17,9 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho trên 12,95 triệu người dân, hơn 30,3 nghìn hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ngân sách Trung ương đã sử dụng hơn 4,54 nghìn tỷ đồng dự phòng để khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp khoảng 32,95 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, đã yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, rà soát cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, hủy dự toán một số nhiệm vụ chi sử dụng không triển khai thực hiện,....

Tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 cùng với việc triển khai các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nên cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 có khó khăn. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2020 đạt 83,4% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, thu ngân sách Trung ương năm 2020 đạt 88,4% dự toán.

Tuy nhiên, nhờ những kết quả tích cực từ công tác phòng, chống dịch bệnh, tác động lan tỏa từ các giải pháp hỗ trợ tài chính - tiền tệ của Chính phủ, tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm có khởi sắc hơn, niềm tin người tiêu dùng được củng cố, từ đó góp phần tăng thu cho ngân sách. Ước cả năm, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1,44 triệu tỷ đồng, bằng 95% - 96% dự toán (đã báo cáo Quốc hội là 1,32 triệu tỷ đồng, đạt 87,5% dự toán).

Mặc dù thu ngân sách sụt giảm, song nhờ chủ động trong điều hành và dư địa tài khóa tích lũy được trong giai đoạn 2016 - 2019, trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 18-11-2016, của Bộ Chính trị, về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, nên cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2020 vẫn bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế  - xã hội quan trọng theo dự toán đã được giao. Tại kỳ họp cuối năm 2020, Chính phủ đã báo cáo và xin phép Quốc hội được điều chỉnh bội chi tăng lên mức 4,99% GDP. Tuy nhiên, trên cơ sở số thu ngân sách ở mức khá hơn và triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi, nên khả năng bội chi ngân sách chỉ ở mức khoảng 4,1% - 4,2%GDP.

Từ khóa » Chi Tiêu Chính Phủ Năm 2021