Tiết Kiệm Với Thanh Toán Online - Báo Tuổi Trẻ

Tiết kiệm với thanh toán online - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều bạn trẻ chuộng hình thức thanh toán qua các ví điện tử (ảnh chụp tại một cửa hàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khi công nghệ kết nối ngày càng đơn giản hơn, cộng thêm sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp, hệ thống cửa hàng và dịch vụ, người dùng được tận hưởng sự tiện lợi của thanh toán không tiền mặt.

Nhanh gọn và tiết kiệm…

Thay vì phải ghé tiệm quen mua cà phê mang đi vào mỗi buổi sáng như trước đây, chị Ngọc Liên (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đến thẳng công ty và nhận cà phê đã đặt giao tận nơi, đỡ mất thời gian dừng, thanh toán, thối tiền…

"Chúng tôi thường mua theo nhóm và thanh toán trực tiếp trên app đặt hàng nên được giảm một khoản kha khá cho mỗi lần mua, sau khi đã trừ tiền giao hàng. Ngày nào đi làm cũng đặt mua nên số tiền tiết kiệm được lên đến hơn trăm nghìn mỗi tháng", chị Liên cho biết.

Ngay cả chuyện ăn trưa, thanh toán không tiền mặt cũng giúp dân văn phòng, công sở "nhẹ đầu". Theo chị Hoài Thu (quận 1), đặt đồ ăn chung và giao tận nơi tốn ít tiền hơn đi ra ăn trực tiếp tại quán và các ví điện tử, ứng dụng đặt đồ ăn liên tục có khuyến mãi...

"Số tiền tiết kiệm được mỗi lần như vậy có thể mua được thêm ly trà sữa, chưa kể việc đỡ tốn chi phí cho việc đặt xe đi lại giữa trưa nắng, mưa khá tốn kém và mất thời gian", chị Thu nói.

Với hình thức đi ăn uống trực tiếp tại nơi bán, việc thanh toán qua ví điện tử hay quẹt thẻ không chỉ nhanh gọn trong khâu thanh toán (giữa lúc quán xá đông người) mà người dùng còn dễ nhớ được số tiền đã chi trả, dễ dàng chia lại cho các thành viên nếu đi ăn theo nhóm.

"Khi dùng ví điện tử thanh toán, tôi còn được tặng thêm nhiều mã ưu đãi giảm giá cho các dịch vụ mua sắm khác, tiết kiệm được một khoản kha khá hằng tháng", chị Hồng Uyên (quận 5) cho biết.

Nhiều người dùng cũng đánh giá cao tính năng thống kê thu chi có sẵn trên ví điện tử. Theo đó, sau khi thanh toán xong, ví sẽ tự phân loại và thống kê khoản tiền vừa chi thuộc sản phẩm hay dịch vụ nào.

"Không còn phải ghi chép chi phí một cách thủ công, hoặc chờ đến cuối tháng để thống kê thu chi, tính năng này của ví điện tử giúp người dùng theo dõi tình hình tài chính của mình liên tục. Tôi sẽ biết mức chi tiêu của mình đã vượt ngưỡng hay chưa để có cách điều chỉnh thích hợp", chị Uyên nhận xét.

Phương thức thanh toán này còn giúp việc chi tiêu các khoản sinh hoạt trong gia đình hay học hành của con cái không còn là mối lo của nhiều bậc cha mẹ.

"Các loại phí từ Internet, truyền hình, điện, nước, sinh hoạt chung cư… đều được thiết lập thanh toán tự động qua app. Đặc biệt, phí bảo hiểm, học phí cho con… cũng được kết nối thanh toán qua app nên tôi không còn phải lo chuyện đi rút tiền rồi đến tận nơi đóng nữa", chị Mai Ngọc (quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Nhiều công nghệ thanh toán mới

Thời gian qua, nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng, trung gian thanh toán… đã hợp tác triển khai nhiều hình thức thanh toán mới và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dùng. Chẳng hạn, theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ sau 4 tháng triển khai đã có 1,1 triệu tài khoản mobile money (dùng tài khoản viễn thông để thanh toán) được mở mới, trong đó 60% người dùng ở nông thôn.

NHNN cho biết sẽ cùng Bộ TT&TT, Bộ Công an… thúc đẩy phát triển hơn nữa mobile money, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.

Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho biết đang phát triển loại thẻ chip đa ứng dụng (vừa chạy ứng dụng ngân hàng vừa chạy ứng dụng lĩnh vực khác như giao thông, y tế, bảo hiểm...). Chẳng hạn, NAPAS đã hợp tác với Công ty Vinbus cung cấp thẻ vé thông minh thanh toán trên xe buýt điện thay cho vé truyền thống trước đây.

Một số ngân hàng như Sacombank, HD Bank đang phát triển mô hình One-stop bank (một điểm đến, đa dịch vụ). Đây là mô hình ngân hàng giúp người dùng có thể mở tài khoản và thực hiện các dịch vụ ngay trên điện thoại ở bất kỳ đâu, không cần phải đến ngân hàng làm thủ tục.

Ngoài ra, người dùng có thể thực hiện các dịch vụ khác như thanh toán, bảo hiểm, vay vốn, đầu tư… mà không cần phải chuyển sang ứng dụng khác của đơn vị cung cấp khác.

Trước đó, Công ty Visa và VNPAY đã công bố hợp tác cung cấp giải pháp chấp nhận thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động (tap to phone), cho phép người dùng thanh toán dễ dàng chỉ với một cú chạm trên ứng dụng ví VNPAY đã liên kết thẻ Visa.

Khi nhà bán hàng triển khai áp dụng, bất kỳ điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android cũng có thể trở thành một thiết bị chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, hoạt động trên ứng dụng phần mềm và không cần đến sự hỗ trợ của thiết bị phần cứng.

Bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết theo nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2021, 80% người dùng Việt quan tâm đến việc sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại.

"Mối quan hệ hợp tác chiến lược với VNPAY sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt đang diễn ra tại Việt Nam", bà Dung khẳng định.

Thanh toán không tiếp xúc tăng mạnh

Với sự tác động của dịch bệnh, nhiều người dùng ngày càng thấy rõ sự tiện lợi của các công nghệ thanh toán không tiền mặt trong cuộc sống hằng ngày.

Anh Duy Nguyễn - giám đốc một công ty truyền thông ở TP.HCM, một "tín đồ" của xe ôm - cho biết trước đây sau mỗi cuốc xe anh đều mất khá nhiều thời gian để móc ví trả tiền mặt, chưa kể có lúc đang vội nhưng không mang tiền lẻ mà bác tài cũng chẳng có đủ tiền thối.

"Giờ các ứng dụng gọi xe đều có ví thanh toán riêng hoặc liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Mình chỉ việc book xe đi đến nơi, bước xuống cảm ơn bác tài là xong, không mất thời gian như trước. Muốn "bo" thêm khi gặp bác tài vui tính, dễ thương, mình có thể gửi sau trên app, qua những gợi ý có sẵn với nhiều mức từ 5.000 đến 20.000 đồng, cũng được", anh Duy Nguyễn nói.

Với những tiện lợi của việc thanh toán không tiền mặt sau các trải nghiệm thực tế, lượng người dùng lựa chọn cách thanh toán này ngày càng nhiều hơn.

Theo số liệu thống kê trên mạng lưới đối tác F&B của ví điện tử Payoo, các nguồn thanh toán không tiền mặt phổ biến của người dùng VN hiện nay là thẻ (gồm thẻ nội địa và thẻ quốc tế) chiếm 85%, mã QR qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng chiếm 15%.

Trong nguồn thanh toán thẻ, hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless) có xu hướng tăng cao. Cụ thể, trong quý 1-2022, thanh toán không tiếp xúc chiếm khoảng 38% trên khối lượng và 33,5% theo giá trị giao dịch.

Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 4-2022, thanh toán không tiếp xúc đang chiếm đến gần 44% tổng khối lượng giao dịch và chiếm gần 40% giá trị giao dịch. Trong khi đó, con số này ở quý 4-2021 lần lượt chỉ là 27% và 28%.

Tăng tiện ích cho thanh toán online Tăng tiện ích cho thanh toán online

TTO - Theo khảo sát của Visa, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng đáng kể qua tần suất sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và mã QR trong thời gian đại dịch tại Việt Nam.

Từ khóa » Thanh Toán Trực Tuyến ứng Dụng