Tiết Lộ Ba Thành Phần Chính Của Tác Chiến điện Tử - Vietnamnet
Có thể bạn quan tâm
Hãng tin Sputnik cho biết, lực lượng tác chiến điện tử của Nga vừa chế áp thành công một máy bay không người lái của NATO trên Biển Đen đang tiến gần đến bờ biển Crưm. Trước đó, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga cũng nhiều lần ngăn chặn tàu chiến NATO định tiếp cận bờ biển bán đảo này để do thám.
Tác chiến điện tử là hành động quân sự được tiến hành để khai thác phổ điện từ trường, phát hiện và chặn bức xạ điện từ trường, nhằm làm giảm hoặc ngăn chặn đối phương sử dụng điện từ trường, đồng thời bảo vệ sử dụng điện từ trường chống lại đối phương thực hiện các chiến dịch tập kích đường không hay đổ bộ đường biển.
Trinh sát điện tử
Đây là một trong những thành phần quan trọng của tác chiến điện tử được triển khai để theo dõi, phân tích, định vị, đo đạc các tham số kỹ thuật, khả năng hoạt động các phương tiện điện tử của đối phương nhằm chế áp điện tử và bảo vệ điện tử hoạt động có hiệu quả.
Trong các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây, trước khi tiến công, quân đội Mỹ thường sử dụng các vệ tinh trinh sát chụp ảnh KH-11, KH-12, vệ tinh trinh sát bằng Lacross để trung tâm chỉ huy có được những thông tin mới nhất về tình hình đối phương ở khu vực dự kiến tiến công.
Đồng thời, sử dụng các máy bay trinh sát (E-8A, E-2C, E-3C, RC-135V/W Rivet Joint...) tiến hành trinh sát điện tử thông báo các hoạt động máy bay, tên lửa của đối phương cho chỉ huy.
Ngoài ra, để nắm chắc đối phương, quân đội Mỹ còn sử dụng máy bay không người lái nhử radar phòng không của đối phương mở máy, qua đó nắm tần số và vị trí các radar của đối phương, sau đó dùng máy bay EC-130 và RC-135 chế áp.
Điển hình, trong cuộc chiến Afghanistan năm 2001, ngoài sự giám sát chặt chẽ của các vệ tinh trên quỹ đạo, Mỹ còn sử dụng các loại máy bay trinh sát và gây nhiễu để phát hiện mục tiêu; máy bay trinh sát chiến lược U-2, các máy bay trinh sát không người lái E-8A Joint Stars, Global Hawk hoạt động liên tục trong nhiều giờ.
Hệ thống trinh sát điện tử cứ 6 giây một lần cung cấp hình ảnh về bố trí lực lượng và di chuyển lực lượng của đối phương; trong 2 phút cung cấp quĩ đạo bay và các dữ liệu cần thiết khác của tên lửa Scud đối phương phóng lên cho các bệ tên lửa Patriot của Mỹ đặt ở các nước đồng minh gần khu vực tác chiến kịp phóng tên lửa tiêu diệt.
Chế áp điện tử
Là thành phần chủ yếu của tác chiến điện tử, có thể thực hiện bằng hai cách: huỷ diệt các phương tiện điện tử của đối phương bằng xung lực hoặc hỏa lực; và vô hiệu hóa hoạt động điện tử của đối phương bằng gây nhiễu.
Trong cuộc chiến Nam Tư năm 1999, máy bay tác chiến điện tử EA-6B của Mỹ được trang bị tên lửa chống radar AGM-88 đột nhập vào không phận Nam Tư, tiến hành gây nhiễu-chế áp từ bên ngoài tầm hỏa lực phòng không của Nam Tư. Các máy bay này đã tạo ra đám mây nhiễu tiêu cực làm cho màn hiện sóng radar của Nam Tư bị nhiễu mạnh, vì thế, rất khó phát hiện máy bay của NATO.
Máy gây nhiễu thông tin AN/ALLQ14 trên máy bay tác chiến điện tử có thể phát tín hiệu gây nhiễu tất cả tần số radar phòng không Nam Tư, đồng thời tạo ra tiếng ồn chói tai. Máy bay EA-6B còn yểm trợ cho hàng loạt máy bay chiến đấu F-16, F-15, F-117A bằng cách thực hiện gây nhiễu, khi radar của Nam Tư mở máy, lập tức bị tên lửa chống radar của máy bay EA-6B tiến công.
Trong cuộc chiến Iraq năm 2003, số máy bay tác chiến điện tử chiếm 9-10% trong tổng số máy bay chiến đấu. Các vệ tinh và máy bay đã tiến hành trinh sát điện tử trên các môi trường khác nhau liên tục trước và trong quá trình tác chiến trên dải tần rộng và công nghệ tiên tiến nhất.
Máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng EA-6B, EC-130H chế áp, áp đảo các hệ thống radar, tên lửa và hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và tình báo (C3I) của Iraq, tạo điều kiện cho máy bay chiến đấu đánh phá các mục tiêu trọng yếu của Iraq. Máy bay EA-6B gây nhiễu hộ tống cho máy bay tàng hình F-117 đánh phá. Các máy bay tác chiến điện tử và máy bay chiến đấu còn phóng tên lửa bức xạ AGM-88 tiêu diệt trạm radar của Iraq.
Trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quân đội Nga sử dụng những hệ thống tác chiến điện tử như Krasukha, Moskva, Murmansk-BN, Borisoglebsk... Trong đó, tổ hợp Krasukha có thể phát hiện, đánh dấu và xác định các nguồn phát sóng trong phạm vi 250km, tạo ô phòng thủ có đường kính từ 50 tới 80km.
Bảo vệ điện tử
Đây là tổng hợp các biện pháp kỹ-chiến thuật được áp dụng để chống trinh sát điện tử, chế áp điện tử, điều khiển vũ khí của đối phương và đảm bảo an toàn cho các phương tiện điện tử trong mọi tình huống.
Khi đối phương tiến công điện tử, phía phòng thủ sử dụng các phương tiện gây nhiễu tự vệ đặt trên máy bay, tàu chiến và sử dụng tên lửa chống bức xạ tiến công radar của đối phương. Đồng thời, thực hành thả nhiễu tiêu cực với khối lượng lớn kết hợp gây nhiễu đánh lừa với nhiễu mục tiêu giả làm cho đối phương nhầm đã bắn rơi được nhiều máy bay.
Mặt khác, lắp các thiết bị điện tử có khả năng chống nhiễu cao như radar trên máy bay, các đài thông tin có khả năng đổi tần nhanh, khi đối phương gây nhiễu, các phương tiện điện tử của quân nhà vẫn hoạt động bình thường.
Nguyên Phong
Từ khóa » Hệ Thống Tác Chiến điện Tử Của Việt Nam
-
Tác Chiến điện Tử Việt Nam: Bước Tiến Bắt Kịp Thế Giới
-
Một Số Dòng Sản Phẩm Tác Chiến điện Tử
-
HỆ THỐNG TÁC CHIẾN ĐIỆN TỬ - Viettel RD
-
Tác Chiến điện Tử – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cục Tác Chiến điện Tử Tập Trung Nâng Cao Sức Mạnh Chiến đấu đáp ...
-
Thượng Tướng Phạm Hoài Nam Thăm, Làm Việc Tại Cục Tác Chiến ...
-
Tác Chiến điện Tử - Bí Mật Trong Xung đột Nga - Ukraine - VOV
-
Bí ẩn Chết Chóc: Tác Chiến điện Tử định Hình Chiến Sự Nga-Ukraine
-
Tác Chiến điện Tử - Tin Tức Cập Nhật Mới Nhất Tại | Kết Quả Trang 1
-
Làm Chủ Thiết Bị Tác Chiến điện Tử Hiện đại
-
Tác Chiến điện Tử: Giải Pháp đảm Bảo Hoạt động Cho Lực Lượng Hải ...
-
Hệ Thống Tác Chiến điện Tử Của Nga Ngăn Chặn Một UAV Của NATO ...
-
Hệ Thống Tác Chiến điện Tử Của Nga ở Syria Lập Công Lớn .CÔNG AN ...