Tiêu Chí Nào để đánh Giá Một Tờ Báo Hiệu Quả? - Báo Nghệ An
Có thể bạn quan tâm
(Baonghean.vn) - Làm quản lý báo chí bao năm nay, tôi vẫn băn khoăn với một câu hỏi “Tiêu chí nào để đánh giá một tờ báo hiệu quả?”. Câu hỏi tưởng rất đơn giản nhưng để có câu trả lời thấu đáo thì có bao vấn đề trăn trở xung quanh nó.
Chức năng của báo chí
Theo Dangcongsan.vn (bài đăng ngày 21/6/2021): “Báo chí là một loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội. Báo chí đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội như: Chức năng thông tin - giao tiếp; chức năng tư tưởng; chức năng giám sát, phản biện; chức năng văn hóa, giáo dục và giải trí; chức năng kinh tế - dịch vụ xã hội…”.
Thông tin là chức năng cơ bản, chức năng khởi nguồn của báo chí. Báo chí ra đời là để đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu thông tin, giao tiếp của con người và xã hội. Xã hội càng phát triển, con người càng văn minh thì nhu cầu thông tin giao tiếp càng cao, càng đa dạng phong phú. Quá trình đáp ứng nhu cầu này làm cho báo chí phát triển nhanh chóng. Chức năng tư tưởng là chức năng xuyên suốt, thể hiện tính của báo chí.
Với chức năng này, theo quan điểm của Đảng ta, báo chí là công cụ, phương tiện quan trọng dùng để truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, giáo dục lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và làm cho hệ tư tưởng – lý luận trở thành chủ đạo, chiếm ưu thế trong đời sống tinh thần, tư tưởng của đông đảo nhân dân.
Báo là một binh chủng xung kích, đi đầu trong công tác tư tưởng của Đảng. Ảnh minh họa |
Báo là một binh chủng xung kích, đi đầu trong công tác tư tưởng của Đảng. Chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội của báo chí thể hiện ở chỗ, báo chí duy trì và phát triển mối liên hệ chặt chẽ giữa chủ thể và khách thể quản lý thông qua việc duy trì và phát triển dòng thông tin hai chiều, bảo đảm cho các quyết định quản lý được thông suốt và thực thi,… Giám sát có thể được hiểu là “theo dõi, kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không”. Điều đó có nghĩa là, giám sát bao gồm hai quá trình, theo dõi và kiểm tra. Giám sát có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm cho hoạt động được thực hiện đúng mục đích và đạt hiệu quả tốt nhất trong điều kiện có thể, theo mục tiêu, chương trình, kế hoạch đã đề ra. Chức năng văn hóa giáo dục và giải trí được hiểu rằng, báo chí không chỉ là kênh thông tin – truyền thông quan trọng cung cấp thông tin, kiến thức, mà còn là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm phong phú nhằm nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Hiện tượng xã hội đặc biệt. Hệ thống giá trị văn hóa được tồn tại và phát triển trong quá trình giao lưu và truyền tải từ người này sang người khác, từ cộng đồng này sang cộng đồng khác và từ thế hệ này đến thế hệ khác. Báo chí là kênh quan trọng cung cấp thông tin, kiến thức, giáo dục, giao lưu, truyền tải, tiếp biến văn hóa có hiệu quả nhất. Chức năng kinh tế – dịch vụ là chức năng xuất phát từ đòi hỏi khách quan của hoạt động báo chí trong nền kinh tế thị trường, đồng thời, theo quan điểm chỉ đạo của các văn kiện chính trị của Đàng và Nhà nước, như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VII), Luật Báo chí và các văn bản dưới Luật…
Như vậy, căn cứ vào các chức năng của báo chí nêu trên thì rất khó để phân định tờ báo hiệu quả hay không hiệu quả. Nếu xét về chức năng tư tưởng thì rõ ràng những tờ báo như Nhân dân, Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội Mới, Lao Động và một số tờ báo đảng địa phương là hiệu quả. Tương tự, nếu xét ở các chức năng khác thì những tờ báo khác lại hiệu quả hơn.
Các phóng viên tác nghiệp tại họp báo sau Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Thành Duy |
Tiêu chí nào để đánh giá một tờ báo hiệu quả?
Lâu nay chúng ta vẫn thường nghe khái niệm “báo lá cải” để chỉ những tờ báo luôn viết về những vấn đề câu like, câu view. Những tờ báo này thường được cho là không hiệu quả. Nhưng trong làng báo Việt Nam, cũng có những người lý luận rằng không có thứ gọi là báo lá cải, không có tin lá cải mà chỉ có cách khai thác tin lá cải. Vậy thế nào là “lá cải” và có phải cứ “lá cải” đã là tiêu cực, là không hiệu quả?
Những năm gần đây, khái niệm “lá cải” gần như chỉ được đề cập với góc độ cung cách và chủ đề đưa tin của tờ báo. Nên hiểu “lá cải” ở đây là những tờ báo giật gân câu khách nhưng nghiệp vụ thấp kém, đưa tin không có nguồn đáng tin cậy, bất chấp các giá trị đạo đức và nhân văn để nhằm mục tiêu thu lợi nhuận. Xét về chức năng tư tưởng, giáo dục thì những tờ báo dạng “lá cải” là không hiệu quả.
Nhưng xét về doanh thu thì sao? Rất nhiều tờ báo bị xem là “lá cải” lại có doanh thu quảng cáo cao, lượt view, tera (phát hành) lớn.
Vậy căn cứ vào doanh thu quảng cáo hay chất lượng chính trị để đánh giá hiệu quả? Nếu dựa trên tiêu chí quảng cáo thì chức năng giáo dục thẩm mỹ, định hướng dư luận xã hội ở đâu?
Có lẽ điều này những người làm báo ai cũng hiểu, khi đánh giá một tờ báo mạnh/yếu dường như mọi người lại đo lường bằng số lượng báo phát hành hay số tiền thu được từ quảng cáo bao nhiêu, ít nghe thấy ai đề cập đến nội dung chất lượng chính trị tờ báo, hoặc chương trình truyền hình thế nào, ngoại trừ một vài đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý báo chí, một số công chức nhà nước và số ít cán bộ hưu trí. Ngay cả những người làm báo cũng ít khi bày tỏ chính kiến của mình để bảo vệ tiêu chí hiệu quả căn cứ vào tôn chỉ mục đích của tờ báo.
Báo in được bày bán tại Bưu điện tỉnh Nghệ An. Ảnh: congthuong.vn |
Vậy nguyên nhân từ đâu? Vì sao có những nhận xét đánh giá trái chiều như vậy? Có lẽ căn nguyên của nó là vấn đề kinh tế, chi phí hoạt động, thu nhập, đời sống cán bộ, viên chức người làm báo...
Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (Trung ương: 68, địa phương: 74, 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử). Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 2 đài quốc gia (Đài THVN, Đài TNVN), 1 Đài TH KTS VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội).
Điều cần nói là, trong đó có đến hơn 70% tự tìm kiếm kinh phí hoạt động xuất bản, phát sóng. Số lao động hưởng lương, thu nhập làm việc trong cơ quan báo chí trên hàng chục vạn người, chưa tính một số lượng đông đảo sinh viên các cơ sở đào tạo báo chí, các trường ngoài báo chí ra trường chưa tìm kiếm được việc làm tham gia lao động tại các cơ quan báo chí. Điều đó khiến các báo buộc phải lao vào làm tin, bài thời sự, điều tra vụ việc để từ đó có người đọc, nguồn thu cao để có tiền trang trải hoạt động. Do vậy xuất hiện cái quan điểm dựa vào doanh thu quảng cáo, dựa vào lượt view để đánh giá hiệu quả của tờ báo.
Hiện nay một số cơ quan báo chí đang hoạt động với các loại tự chủ tài chính như: thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo Nghị định 43/CP của Chính phủ, tự chủ một phần hoặc toàn phần. Đối với một vài tờ báo lớn, Đài truyền hình có công suất cao tầm phủ sóng rộng, có thương hiệu, có được doanh thu cao thì được xem là hoạt động hiệu quả. Còn lại phần lớn các báo, đài địa phương phải vất vả chạy vạy kiếm quảng cáo, tìm tài trợ để có nguồn thu cân đối hoạt động. Thậm chí khá nhiều văn phòng đại diện, phóng viên thường trú ở các địa phương không được trả lương, lại còn bị giao khoán doanh thu. Do vậy không lạ gì thời gian gần đây các “cò” báo, tạp chí ngành cấp trên thường xuyên điện thoại o ép các tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp trong tỉnh đăng tải quảng cáo với nhiều lời lẽ hoa mỹ.
Mạnh bạo hơn có một số “cò báo” còn lợi dụng pháp nhân của các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp trên yêu cầu cấp ủy, cơ quan Nhà nước địa phương đăng quảng cáo mà chẳng cần biết đối tác có nhu cầu hay không. Tình trạng cạnh tranh thông tin không lành mạnh, bão hòa tin tức, trùng lặp thông tin, vi phạm đạo đức, vi phạm tôn chỉ, mục đích, suy giảm uy tín và nhiều bất cập xuất phát từ đó.
Không ít lãnh đạo cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, xem nhẹ việc định hướng mục đích, tôn chỉ hoạt động tới các cán bộ, phóng viên trong tòa soạn; miễn sao có được tin bài có lượt xem (view) cao, và nhất là mang về được hợp đồng kinh tế, hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn. Thậm chí hiện nay đang có tình trạng một số văn phòng đại diện hoạt động theo hình thức "khoán doanh thu". Tòa soạn sẽ không chịu trách nhiệm trả lương cho phóng viên tại văn phòng, mà phóng viên phải tự lo. Theo đó, trưởng văn phòng đại diện được giao quyền tuyển dụng nhân sự, tổ chức các hoạt động để sao cho mỗi năm nộp về tòa soạn số tiền theo định mức. Cách thức quản lý này tất yếu nảy sinh tình trạng coi nhẹ thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Báo chí, không bám vào tôn chỉ, mục đích để hoạt động.
Thay vào đó, các nhà báo phải tìm mọi cách để mang được tiền về cho tòa soạn cũng như tìm kiếm thu nhập cho bản thân. Từ đây, "đồng tiền bẩn" đã xuất hiện thông qua việc dọa dẫm, đánh đấm,... các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Nhiều cơ quan báo chí đã bị xử phạt, nhắc nhở, một số tổng biên tập bị tạm đình chỉ chức vụ do có sai phạm về tôn chỉ, mục đích.
Nhà báo, phóng viên phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Ảnh: tư liệu |
Việc các cơ quan báo chí ngoài nhiệm vụ chính trị, tổ chức thông tin quảng cáo để có nguồn thu, chi phí cho hoạt động nâng cao đời sống CBVC để họ tiếp tục gắn bó với nghề, không trông chờ ỉ lại vào sự bao cấp của Nhà nước là một chủ trương đúng cần phát huy. Tuy nhiên, để báo chí không sa đà vào kinh tế, buông lỏng tôn chỉ mục đích của mình, các cơ quan chủ quản nên bổ sung đủ kinh phí hoạt động cho các báo, đài để các báo, đài thực hiện chức năng chính trị của mình. Đồng thời, phải thực sự xem báo chí là công cụ tuyên truyền chính trị phi lợi nhuận để báo chí tập trung vào nhiệm vụ chính của mình, không bị chi phối kinh tế ảnh hưởng chất lượng chính trị của báo chí.
Hiện nay, triển khai Quy hoạch Báo chí đến 2025, các cơ quan báo chí dần tiến đến cơ chế tự chủ về tài chính, điều này đặt ra bài toán khó khăn cho một số cơ quan báo chí. Nhà nước nên căn cứ vào tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, nhiệm vụ chính trị của đất nước, tỉnh hay ngành để thông qua chính sách đặt hàng, bổ sung kinh phí để báo chí thực hiện chức năng tuyên truyền nhiệm vụ chính trị có hiệu quả. Đồng thời, khi nhận xét đánh giá báo chí phải lấy hiệu quả chính trị, ổn định xã hội làm thước đo cho một tờ báo, không nên nhìn vào số lượng báo phát hành hay số lượng khán giả xem phim bộ nhiều tập phát sóng trên truyền hình để đánh giá, có như vậy báo chí sẽ an tâm tập trung hơn cho nhiệm vụ báo chí “Cách mạng” của mình./.
Từ khóa » Tờ Báo Là Gì
-
Báo Viết – Wikipedia Tiếng Việt
-
Báo Chí – Wikipedia Tiếng Việt
-
'tờ Báo' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Tờ Báo In đầu Tiên Trên Thế Giới Ra đời Khi Nào? - Zing News
-
Sức Sống Của Tờ Báo Là Niềm Tin Yêu Từ Bạn đọc
-
TỜ BÁO - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Các Bộ Phận Và Phần Của Một Tờ Báo Là Gì? - Thpanorama
-
Báo Tạp Chí - Sự Giống Nhau Và Khác Biệt
-
Các Nguyên Tắc Cơ Bản Trong Trình Bày Báo
-
Báo In Thế Giới: Từ Chuyện Của Những Tờ Báo đầu Tiên…
-
03. Thuật Ngữ Chuyên Ngành Báo Viết - 24h Dans Une Rédaction
-
Báo In - 24h Dans Une Rédaction
-
Nhà Báo Và Tờ Báo Tiếng Việt đầu Tiên ở Việt Nam - Tạp Chí Kiểm Sát
-
Những Tờ Báo Và Nhà Báo đầu Tiên Của Việt Nam
-
Góc Nhìn Mới Về Báo Chí Chính Luận
-
Báo “Thanh Niên” Ra đời - Khai Sinh Nền Báo Chí Cách Mạng Việt Nam
-
Lịch Sử Của Báo Giấy - Báo Thanh Niên
-
Website Tin Tức Là Gì? Báo điện Tử Là Gì - W3seo Tìm Hiểu Về Báo điện Tử
-
Cội Nguồn Báo Chí Cách Mạng Việt Nam