Tiêu Chuẩn Chẩn đoán Rối Loạn Lipid Máu Như Thế Nào?

Chẩn đoán rối loạn lipid máu đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời, từ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim… Vậy bạn đã biết gì về chẩn đoán rối loạn lipid máu? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Thông tin hữu ích về cách chẩn đoán rối loạn lipid máu
Thông tin hữu ích về cách chẩn đoán rối loạn lipid máu

1. Rối loạn lipid máu là gì?

Lipid máu (hay còn gọi là mỡ máu) gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol, triglyceride, HDL-cholesterol và LDL-cholesterol.

Có thể hiểu đơn giản, rối loạn lipid máu là tình trạng tăng một cách bất thường nồng độ cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL-cholesterol và làm giảm HDL-cholesterol trong máu.

Theo Hội tim mạch Quốc gia Việt Nam 2015 về chẩn đoán và điều trị rối loạn lipid máu, bệnh rối loạn lipid máu xảy ra khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau:

  • Tăng cholesterol toàn phần: ≥ 200mg/dL (5.2mmol/L)
  • Tăng LDL-C: ≥ 130mg/dL (3.4mmol/L)
  • Giảm HDL-C: < 40mg/dL (1.0mmol/L)
  • Tăng Triglyceride: ≥ 200mg/dL (2.26mmol/L)
  • Rối loạn kiểu hỗn hợp: khi tăng cholesterol kết hợp với tăng triglyceride

2. Chẩn đoán rối loạn lipid máu

Chẩn đoán rối loạn lipid máu là bước đầu tiên giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Dưới đây là phương pháp chẩn đoán phổ biến hiện nay.

2.1. Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng rối loạn lipid máu
Chẩn đoán lâm sàng rối loạn lipid máu

Ở giai đoạn đầu, bệnh không có biểu hiện rõ ràng. Khi người bệnh cảm nhận được các triệu chứng thì bệnh đã tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng dựa trên các dấu hiệu như:

Dấu hiệu đặc trưng ở ngoại biên:

  • Cung giác mạc có màu trắng nhạt xuất hiện quanh mống mắt. Đây là dấu hiệu đặc trưng khi cholesterol trong máu tăng cao.
  • Xuất hiện vết ban vàng ở mi mắt, khu trú hoặc lan tỏa, thường gặp ở rối loạn mỡ máu type 2a hoặc 2b.
  • U vàng mọc ở gân duỗi của các ngón và gân Achille, hoặc ở các khớp ngón tay.
  • U vàng dưới màng xương: ít gặp hơn u vàng gân, thường xuất hiện tại củ xương chày trước hoặc trên đầu xương của mỏm khuỷu.
  • U vàng da hoặc củ: thường thấy ở khuỷu tay hoặc đầu gối.
  • Ban vàng lòng bàn tay: thường thấy ở các nếp gấp ngón tay và lòng bàn tay.

Dấu hiệu đặc trưng nội tạng:

  • Nhiễm lipid võng mạc: trong trường hợp tăng Triglycerid máu cao, khi soi đáy mắt sẽ phát hiện nhiễm lipid võng mạc.
  • Gan nhiễm mỡ: khi siêu âm hoặc chụp cắt lớp sẽ phát hiện dấu hiệu gan nhiễm mỡ (một vùng hoặc toàn bộ), đi kèm với tăng triglyceride máu.
  • Viêm tụy cấp: dạng viêm cấp, bán cấp phù nề, Amylase máu không hoặc tăng vừa phải, thường gặp khi Triglyceride >10 gam/lít.
  • Xơ vữa động mạch: đây là biến chứng lâu dài khi tăng lipoprotein cùng một số các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, đái tháo đường…

2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Chẩn đoán cận lâm sàng rối loạn lipid máu
Chẩn đoán cận lâm sàng rối loạn lipid máu

Định lượng bilan lipid: Các chỉ số lipid máu sẽ thay đổi sau khi ăn. Do đó, để có kết quả chính xác nhất, bạn cần xét nghiệm vào buổi sáng và nhịn ăn sáng. Các thông số được khảo sát bao gồm: Cholesterol máu, triglyceride, LDL-cholesterol và HDL-cholesterol.

Chẩn đoán rối loạn lipid máu được thực hiện khi có một số triệu chứng lâm sàng như béo phì, xuất hiện ban vàng, biến chứng tại một số cơ quan (tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành…).

Người bệnh được xác định bị rối loạn lipid máu khi các chỉ số mỡ máu có 1 hoặc nhiều rối loạn như sau:

  • Cholesterol máu > 5,2mmol/l (200mg/dl)
  • Triglyceride > 1,7 mmol/l (150mg/dl)
  • LDL- c > 2,58 mmol/l (100mg/dl)
  • HDL- c < 1.03mmol/l (40mg/dl)

>> Tìm hiểu thêm: Phác đồ điều trị rối loạn lipid máu chuẩn nhất!

3. Những ai nên tầm soát rối loạn lipid máu?

Những ai nên tầm soát rối loạn lipid máu?
Những ai nên tầm soát rối loạn lipid máu?

Rối loạn lipid máu không có dấu hiệu báo trước và cách duy nhất để phát hiện bệnh là làm xét nghiệm máu. Chính vì vậy, bạn hãy đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường. Đặc biệt, những nhóm đối tượng dưới đây nên đi tầm soát rối loạn lipid máu càng sớm càng tốt:

  • Những người trong độ tuổi trưởng thành (20 – 40 tuổi) nên xét nghiệm lipid máu 5 năm một lần.
  • Người trên 40 tuổi nên xét nghiệm máu định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu mỡ máu tăng cao.
  • Những người có yếu tố nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, xơ vữa động mạch… cần làm xét nghiệm theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Người bị béo phì, thường xuyên sử dụng rượu bia, người có dấu hiệu trầm cảm… cũng nên đi kiểm tra lipid máu định kỳ.

Rối loạn lipid máu là nguyên nhân của một loạt các bệnh lý nguy hiểm như các bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ… Vì vậy, nếu có những yếu tố nguy cơ bị rối loạn lipid máu, bạn nên thực hiện kiểm tra, chẩn đoán bệnh sớm để có phương pháp điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm:

  • Các nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu được bác sĩ khuyên dùng.
  • Người bị rối loạn lipid máu nên ăn gì để phòng ngừa biến chứng?

Từ khóa » đặc điểm Rối Loạn Lipid Máu