Tiêu Chuẩn Du Lịch Cộng đồng ASEAN Và định Hướng Phát Triển Tại ...

Du lịch cộng đồng là loại hình hiện được nhiều đối tượng du khách ưa chuộng, bởi nó đem lại cho họ những trải nghiệm thú vị về cuộc sống ở từng điểm đến. Du lịch cộng đồng trở thành một xu hướng chủ đạo, mang đến sự thành công và bền vững trong phát triển của các cộng đồng dân cư địa phương, tạo ra nguồn thu nhập, phát triển xã hội bền vững, trong đó yếu tố bảo vệ cộng đồng và quyền lợi của cộng đồng địa phương được đặc biệt chú trọng. Các nước ASEAN đang trở thành những điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, nhờ vào sự đa dạng văn hóa, nhất là văn hóa bản địa mang đậm dấu ấn truyền thống. Nắm bắt được những xu thế mới của du lịch thế giới, các nước ASEAN đã xây dựng Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN và có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế. Việc nghiên cứu áp dụng Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN vào phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam một cách bền vững và thành công là rất cần thiết.

1. Khái niệm du lịch cộng đồng

Trên bình diện quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho khách du lịch thống trị ngành kinh tế du lịch. Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch mà ở đó cộng đồng địa phương được giao quyền để quản lý phát triển du lịch và thỏa mãn những khát vọng hạnh phúc của họ, đồng thời phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, du lịch cộng đồng không chỉ liên quan đến mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp du lịch với cộng đồng để phân chia lợi nhuận cho cả hai mà còn liên quan đến việc cộng đồng (và bên ngoài) hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch nhỏ để từ đó họ cam kết sẽ hỗ trợ ngược lại các dự án cải thiện đời sống hạnh phúc của cộng đồng địa phương.

Du lịch cộng đồng giao quyền cho cộng đồng địa phương để xác định và bảo đảm tương lai kinh tế-xã hội của họ thông qua các hoạt động dịch vụ thu phí, thường là: trình diễn và tổ chức lối sống, phong tục cổ truyền địa phương; bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa; tăng cường bình đẳng và tương tác chủ - khách vì lợi ích của cả hai bên. Du lịch cộng đồng thường phuc vụ cho thị trường ngách như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch sinh thài và du lịch nông nghiệp, nhưng dựa trên các sản phẩm và dịch vụ của địa phương để trải rộng lợi ích kinh tế qua việc tham gia vào du lịch.

Như vậy có thể hiểu du lịch cộng đồng như sau: Du lịch cộng đồng là hoạt động du lịch mà cộng đồng làm chủ, điều hành và quản lý hoặc điều phối ở cấp độ cộng đồng để góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng thông qua việc hỗ trợ sinh kế bền vững và bảo vệ truyền thống văn hóa-xã hội qúy giá, các nguồn tài nguyên tự nhiên và di sản văn hóa.

  1. Các nguyên tắc của du lịch cộng đồng

Dựa vào định nghĩa ở trên, du lịch cộng đồng phải thực hiện các nguyên tắc chủ yếu sau:

  • Tham gia và giao quyền cho cộng đồng để đảm bảo quyền làm chủ và quản lý minh bạch
  • Thiết lập các mối quan hệ giữa các bên liên quan
  • Được các cơ quan có thẩm quyền công nhận
  • Cải thiện đời sống xã hội và duy trì phẩm giá con người
  • Có một cơ chế chia sẻ lợi nhuận công bằng và minh bạch
  • Tăng cường liên kết kinh tế địa phương với khu vực
  • Tôn trọng truyền thống và văn hóa địa phương
  • Đóng góp vào việc bảo tồn tài nguyên tự nhiên
  • Cải thiện chất lượng trải nghiệm của du khách bằng cách tăng cường tương tác có ý nghĩa giữa khách và chủ
  • Hoạt động theo hướng tự chủ tài chính
  1. Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN

3.1. Mục tiêu và cách sử dụng tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN (CBT) sẽ được tất cả các nước thành viên ASEAN chấp nhận khi được khuyến nghị trong Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN (ATSP): 2012-15 để tạo ra những trải nghiệm chất lượng cho du khách bằng việc thể hiện sinh kế cộng đồng, các giá trị tự nhiên và văn hóa một cách hấp dẫn, an toàn và chỉn chu.

Bộ Tiêu chuẩn có thể được áp dụng vào các loại hình du lịch cộng đồng trên khắp tất cả các nước ASEAN như là một điểm chuẩn thể hiện cần thiết để đảm bảo với du khách rằng chuyến tham quan của họ sẽ rất thú vị, ý nghĩa và đáp ứng được mong đợi. Bộ Tiêu chuẩn cũng tìm cách đảm bảo cộng đồng và các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, các di sản văn hóa của họ sẽ được bảo vệ, đồng thời các nguồn thu nhập chảy vào cộng đồng sẽ góp phần cải thiện đời sống của họ.

3.2. Quy mô Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN

Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN cung cấp các chỉ số thể hiện dạng ô để phối hợp quản lý các sản phẩm du lịch do cộng đồng cung cấp dưới một tổ chức của Hội đồng du lịch cộng đồng. Tiêu chuẩn sản phẩm cụ thể được ASEAN chấp nhận và phù hợp với các loại hình du lịch cộng đồng (VD Tiêu chuẩn Homestay ASEAN) hình thành một phần liên hợp của Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng.

Mục đích của Bộ Tiêu chuẩn là để không loại trừ cộng đồng khi được công nhận là loại hình du lịch cộng đồng ASEAN, mà còn là để cung cấp những hướng dẫn cho cộng đồng về chất lượng dịch vụ cần thiết để đảm bảo với du khách rằng họ có thể mong đợi một mức độ hài lòng về chất lượng và dịch vụ qua các loại hình du lịch cộng đồng đã được ASEAN xác nhận.

3.3. Yêu cầu đầu vào tiên quyết

Đối với mỗi loại hình du lịch cộng đồng (CBT) ở khu vực ASEAN để đủ điều kiện đánh giá và cấp chứng nhận cần phải đáp ứng các điều kiện sau: (Không tab tự động)

  1. Phải có một Ủy ban CBT được bầu cử mà Ủy ban đó có thể đại diện cho quyền lợi của cộng đồng ở ngoài cộng đồng và điều phối các hoạt động của CBT trong cộng đồng
  2. Các thành viên Ủy ban CBT phải là những người không có tiền án, tiền sự
  3. Loại hình CBT bao gồm các thành viên CBT hoặc thành viên các tiểu ban chịu trách nhiệm về các sản phẩm, dịch vụ du lịch cụ thể
  4. Ủy ban CBT cần hoàn thành một bản tự đánh giá năng lực so với Tiêu chuẩn
  5. Căn cứ vào bản tự đánh giá, loại hình hoạt động CBT cần đăng ký với Cơ quan quản lý CBT ở quốc gia được chỉ định
  6. Loại hình CBT phải được đăng ký hoặc đang hoạt động được ít nhất một năm
  7. Loại hình CBT phải được Cơ quan quản lý CBT xác nhận, đánh giá và cấp chứng chỉ.

Việt Nam là một đất nước trải dài hàng nghìn km từ Bắc vào Nam với 53 nhóm dân tộc thiểu số, mỗi nhóm lại có văn hoá, tập tục, ngôn ngữ và ẩm thực khác nhau. Quá trình công nghiệp hóa đã khiến cho các nền văn hoá này bị hòa lẫn với thế giới hiện đại, dẫn đến mất dần bản sắc và truyền thống. Du lịch cộng đồng nhắm đến bảo tồn các nền văn hoá thông qua hoạt động du lịch bền vững nhằm bảo vệ môi trường và cộng đồng.

Trong thời gian qua, các cơ quan viện trợ, cơ quan chính phủ và các cơ quan du lịch đã phát triển khoảng 250 dự án du lịch dựa vào cộng đồng trên khắp Việt Nam. Nhưng chỉ có khoảng 10% dự án thành công, chủ yếu do thiếu kinh nghiệm, thiếu sự hỗ trợ cần thiết và khả năng quản lý mong đợi của người nhận lợi ích. Trong nhiều trường hợp, các cộng đồng địa phương bị khai thác, thương mại hóa và sau đó bị bỏ mặc tự xoay sở sau khi các nhà phát triển rời khỏi dự án.

Du lịch dựa vào cộng đồng là một phân khúc nhỏ hơn của du lịch có trách nhiệm, trong đó người dân địa phương từ các cộng đồng yếu thế tạo thu nhập thông qua dịch vụ cư trú, ẩm thực và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng ở Việt Nam chưa đem lại được lợi ích lớn cho cộng đồng địa phương và vì nhiều lý do chưa thực sự thành công.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Úc, Bộ Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN đã được các giáo sư đến từ các trường đại học Australia phối hợp với chuyên gia ASEAN xây dựng và hoàn thiện có thể được coi như là một thước đo để các nước ASEAN áp dụng triển khai và đánh giá các loại hình du lịch cộng đồng trong khu vực.

Mạng lưới Du lịch Cộng đồng Việt Nam nếu áp dụng Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN có thể giải quyết được các thách thức của hệ sinh thái du lịch cộng đồng manh mún tại Việt Nam nhằm đưa phân khúc trở nên bền vững, trao quyền cho người dân và có lợi nhuận thông qua hỗ trợ phát triển, tiếp cận thị trường, chia sẻ kiến ​​thức và kiểm soát chất lượng.

Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN không chỉ hỗ trợ phát triển các dự án có tiềm năng ngay từ đầu để mang lại một kết quả bền vững mà còn giúp cung cấp, tư vấn, đào tạo và củng cố cho các cộng đồng trước đây đã có dự án hỗ trợ nhưng vẫn cần sự giúp đỡ trong việc vận hành một cách bền vững và có lợi nhuận, và mở rộng các sản phẩm du lịch.

4. Định hướng áp dụng đối với đào tạo du lịch tại Việt Nam

1) Tuyên truyền, phổ biến Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN tại Việt Nam; nâng cao nhận thức sâu sắc của đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách ở trung ương và địa phương, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo du lịch trên toàn quốc về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN tại Việt Nam.

2) Xem xét đưa việc phát triển du lịch cộng đồng vào chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và quy hoạch du lịch của các địa phương.

3) Xem xét lồng ghép đưa vào chương trình đào tạo du lịch nội dung phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN.

4) Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN và tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

5) Hoàn thành chỉnh sửa xây dựng các bộ công cụ để triển khai thực hiện tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN phù hợp với điều kiện và bối cảnh Việt Nam.

5. Kết luận

Việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững. Một ngành du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương và phải có tiêu chuẩn để hỗ trợ phát triển và kiểm soát chất lượng.

ĐTT

Tài liệu tham khảo chủ yếu:

ASEAN Community based Tourism Standard, 2015

Chia sẻ qua Facebook Google + Tweet LinedIn Email

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Cbt Asean