TIÊU CHUẨN NGHIỆM THU CHẤT LƯỢNG THI CÔNG

TIÊU CHUẨN NGHIỆM THU XÂY DỰNG VIỆT NAM

TCXDVN 371: 2006

TIÊU CHUẨN NGHIỆM THU CHẤT LƯỢNG THI CÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Acceptance of constructional quality of building works​

Hà Nội – 2006

Lời nói đầu

Tiêu chuẩn này thay thế cho tiêu chuẩn TCVN 4091:1985

Tiêu chuẩn xây dựng TCXDVN 371 : 2006 ” Nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng” được Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số .41/2006/QĐ-BXD ngày 29 tháng 12. năm 2006

1. Qui định chung:

Tiêu chuẩn này qui định nội dung và trình tự tiến hành công tác nghiệm thu chất lượng thi công xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp (xây dựng mới và cải tạo) đã hoàn thành.

Chỉ được phép đưa bộ phận công trình (hạng mục công trình hoặc công trình) đã xây dựng xong vào sử dụng sau khi đã tiến hành công tác nghiệm thu theo những quy định của tiêu chuẩn này.

Chỉ được nghiệm thu những công việc xây lắp, bộ phận kết cấu, thiết bị, máy móc, bộ phận công trình, giai đoạn thi công, hạng mục công trình và công trình hoàn toàn phù hợp với thiết kế được duyệt, tuân theo những yêu cầu của tiêu chuẩn này và các tiêu chuẩn qui phạm thi công và nghiệm thu kỹ thuật chuyên môn liên quan.

Đối với công trình hoàn thành nhưng vẫn còn các tồn tại về chất lượng mà những tồn tại đó không ảnh hưởng đến độ bền vững và các điều kiện sử dụng bình thường của công trình thì có thể chấp nhận nghiệm thu đồng thời phải tiến hành những công việc sau đây:
  • Lập bảng thống kê các các tồn tại về chất lượng (theo mẫu ghi ở phụ lục N) và quy định thời hạn sửa chữa, khắc phục để nhà thầu thực hiện;
  • Các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục các các tồn tại đó;
  • Tiến hành nghiệm thu lại sau khi các các tồn tại về chất lượng đã được sửa chữa khắc phục xong.

Khi nghiệm thu công trình cải tạo có thiết bị, máy móc đang hoạt động phải tuân theo nội quy, tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành và các quy định về an toàn, vệ sinh của đơn vị sản xuất.

Các biên bản nghiệm thu trong thời gian xây dựng và biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng là căn cứ để thanh toán sản phẩm xây lắp và quyết toán giá thành công trình đã xây dựng xong.

Đối với các công việc xây dựng đã được nghiệm thu nhưng thi công lại hoặc các máy móc thiết bị đã lắp đặt nhưng thay đổi bằng máy móc thiết bị khác thì phải tiến hành nghiệm thu lại.

Đối với công việc xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận công trình xây dựng sau khi nghiệm thu được chuyển sang nhà thầu khác thi công tiếp thì nhà thầu đó phảI được tham gia nghiệm thu xác nhận vào biên bản.

Các công việc xây dựng, kết cấu xây dựng, bộ phận công trình xây dựng trước khi bị che lấp kín phải tổ chức nghiệm thu.

Đối với các công việc xây dựng, kết cấu xây dựng, bộ phận công trình xây dựng không nghiệm thu được phải sửa chữa hoặc xử lý gia cố thì phải tiến hành nghiệm thu lại theo phương án xử lý kỹ thuật đã được đơn vị thiết kế và chủ đầu tư phê duyệt.

Không nghiệm thu hạng mục công trình, bộ phận công trình, công việc xây dựng sau khi sửa chữa hoặc xử lý gia cố nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu bền vững và các yêu cầu sử dụng bình thường của công trình.

Công tác quản lý chất lượng thi công trên công trường của các bên tham gia xây dựng công trình phải thực hiện theo qui định của tiêu chuẩn TCVN 5637: 1991 và tiêu chuẩn này.

Chủ đầu tư hoặc đơn vị giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư cần thường xuyên kiểm tra công tác quản lý chất lượng thi công xây dựng trên công trường của nhà thầu xây lắp. Kết quả kiểm tra ghi theo mẫu tại phụ lục A của tiêu chuẩn này.

Công trình xây dựng phải được kiểm soát chất lượng thi công theo các qui định:
  • Phải tiến hành kiểm tra, nghiệm thu chất lượng tại hiện trường tất cả các loại vật liệu, thiết bị, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng vào công trình;
  • Mọi công việc xây dựng đều phải kiểm tra, kiểm soát chất lượng ngay trong khi đang thi công và phải tiến hành nghiệm thu sau khi đã hoàn thành;
  • Chưa có sự kiểm tra và chấp nhận nghiệm thu của chủ đầu tư hoặc đơn vị giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư thì nhà thầu thi công xây dựng không được tiến hành thi công công việc tiếp theo, bộ phận công trình xây dựng tiếp theo, giai đoạn thi công xây dựng tiếp theo.

Chủ đầu tư chủ trì tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng, công trình xây dựng để đưa vào sử dụng.

2. Thuật ngữ và định nghĩa

Chất lượng thi công xây dựng: Là tổng hợp tất cả các đặc tính phản ánh công trình xây dựng đã được thi công đáp ứng được các yêu cầu trong thiết kế, các qui định của tiêu chuẩn, qui phạm thi công và nghiệm thu kỹ thuật chuyên môn liên quan và các điều giao ước trong hợp đồng về các mặt mỹ thuật, độ bền vững, công năng sử dụng và bảo vệ môi trường, được thể hiện ra bên ngoài hoặc được dấu kín bên trong từng kết cấu hay bộ phận công trình.

Thi công xây dựng công trình: Là các công việc xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với các công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình.

Nghiệm thu: Là việc kiểm tra, xem xét, đánh giá để đưa ra kết luận về chất lượng thi công xây dựng công trình sau khi đã hoàn thành so với thiết kế, tiêu chuẩn, qui phạm kỹ thuật có liên quan.

Nghiệm thu nội bộ: Là công việc nghiệm thu trong nội bộ của nhà thầu đối với đối tượng đã hoàn thành trước khi gửi phiếu yêu cầu nghiệm thu tới chủ đầu tư.

Kiểm nghiệm: Là việc đo lường, thử nghiệm các tính chất, tính năng đặc trưng cho chất lượng của đối tượng cần nghiệm thu;

Mẫu kiểm nghiệm: Là mẫu lấy ngay từ bản thân đối tượng nghiệm thu để thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm các mẫu này là cơ sở để đánh giá và đưa ra kết luận về chất lượng đối tượng nghiệm thu.

Sửa lại: Là việc sửa chữa, chỉnh sửa, hoàn thiện lại đối với những công việc xây dựng, máy móc, thiết bị khi phát hiện ra có những khiếm khuyết hoặc sai phạm nhỏ không phù hợp với qui định của tiêu chuẩn, thiết kế.

Làm lại: Là việc chế tạo lại, thi công lại, thay thế mới đối với những công việc xây dựng, máy móc, thiết bị phải dỡ bỏ, loại bỏ khi phát hiện ra có những sai phạm lớn không phù hợp với qui định của tiêu chuẩn, thiết kế.

Bản vẽ hoàn công: Bản vẽ hoàn công là bản vẽ bộ phận công trình, công trình xây dựng hoàn thành, trong đó thể hiện kích thước thực tế so với kích thước thiết kế, được lập trên cơ sở bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt. Mọi sửa đổi so với thiết kế được duyệt phải được thể hiện trên bản vẽ hoàn công. Trong trường hợp các kích thước, thông số thực tế thi công của bộ phận công trình xây dựng, công trình xây dựng đúng với các kích thước, thông số của thiết kế bản vẽ thi công thì bản vẽ thiết kế đó là bản vẽ hoàn công.

3. Các bước nghiệm thu chất lượng thi công xây dựng công trình.

Trong quá trình thi công xây dựng công trình (mới hoặc cải tạo) phải thực hiện các bước nghiệm thu sau:

  • Nghiệm thu vật liệu, thiết bị, sản phẩn chế tạo sẵn trước khi sử dụng vào công trình.
  • Nghiệm thu từng công việc xây dựng;
  • Nghiệm thu bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng;
  • Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng, công trình xây dựng để bàn giao đưa vào sử dụng.

4. Nội dung công tác nghiệm thu chất lượng thi công xây dựng công trình.

4.1 Nghiệm thu vật liệu, thiết bị, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng vào công trình

4.1.1 Thành phần trực tiếp tham gia nghiệm thu
  • Người giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư hoặc người giám sát thi công xây dựng công trình của Tổng thầu đối với hình thức hợp đồng tổng thầu;
  • Người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp của nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Trong trường hợp hợp đồng tổng thầu, người giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư tham dự để kiểm tra công tác nghiệm thu của tổng thầu với nhà thầu phụ.

4.1.2 Trách nhiệm của các thành phần tham gia nghiệm thu:

Trực tiếp tiến hành nghiệm thu trong quá trình xây lắp những đối tượng sau đây sau khi nhận được phiếu yêu cầu của nhà thầu xây lắp:

  • Các loại vật liệu, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng vào công trình;
  • Các loại thiết bị, máy móc trước khi đưa vào lắp đặt cho công trình;

4.1.3 Điều kiện cần để nghiệm thu:

  • Có chứng chỉ kỹ thuật xuất xưởng, lí lịch của các thiết bị, các văn bản bảo hiểm, bảo hành thiết bị (nếu có), các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành thiết bị máy móc của nhà sản xuất;
  • Có kết quả thí nghiệm mẫu lấy tại hiện trường (nếu thiết kế, chủ đầu tư hoặc tiêu chuẩn, qui phạm yêu cầu)
4.1.4 Nội dung và trình tự nghiệm thu:
  • Kiểm tra tại chỗ đối tượng nghiệm thu;
  • Kiểm tra chứng chỉ kỹ thuật xuất xưởng, lí lịch của các thiết bị, các văn bản bảo hiểm, bảo hành thiết bị (nếu có), các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành thiết bị máy móc của nhà sản xuất;
  • Kiểm tra các tài liệu thí nghiệm;
  • Trong khi nghiệm thu trường hợp cần thiết có thể tiến hành thêm các công việc kiểm định sau:
    • Yêu cầu nhà thầu xây lắp lấy mẫu kiểm nghiệm để thí nghiệm bổ sung;
    • Thử nghiệm lại đối tượng nghiệm thu;
    • Thẩm tra mức độ đúng đắn của các kết quả thí nghiệm có liên quan đến chất lượng đối tượng nghiệm thu do nhà thầu xây lắp thực hiện và cung cấp.
  • Đối chiếu các kết quả kiểm tra, kiểm định (nếu có) với tài liệu thiết kế được duyệt, các yêu cầu của các tiêu chuẩn, qui phạm kĩ thuật chuyên môn khác có liên quan, các tài liệu hướng dẫn hoặc các tiêu chuẩn kĩ thuật vận hành thiết bị máy móc để đánh giá chất lượng.
  • Trên cơ sở đánh giá chất lượng ban nghiệm thu đưa ra kết luận:
    • Trường hợp thứ nhất: Chấp nhận nghiệm thu các đối tượng đã xem xét và lập biên bản theo mẫu phụ lục C của tiêu chuẩn này;
    • Trường hợp thứ hai: Không chấp nhận nghiệm thu khi các đối tượng kiểm tra sai với thiết kế được duyệt hoặc không đáp ứng được những yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công trình và những yêu cầu của các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn khác có liên quan. Ban nghiệm thu lập biên bản (vào sổ nhật kí thi công) về nội dung sau:
      • Ghi rõ tên và số lượng các đối tượng không chấp nhận nghiệm thu;
      • Thời gian nhà thầu xây lắp phải phải đưa các đối tượng không chấp nhận nghiệm thu ra khỏi công trường.

4.2 Nghiệm thu công việc xây dựng

4.2.1 Thành phần trực tiếp tham gia nghiệm thu
  • Người giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư hoặc người giám sát thi công xây dựng công trình của Tổng thầu đối với hình thức hợp đồng tổng thầu;
  • Người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp của nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Trong trường hợp hợp đồng tổng thầu, người giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư tham dự để kiểm tra công tác nghiệm thu của tổng thầu với nhà thầu phụ.

4.2.2 Trách nhiệm của các thành phần tham gia nghiệm thu:

Trực tiếp tiến hành nghiệm thu trong quá trình xây lắp những đối tượng công việc xây dựng sau đây sau khi nhận được phiếu yêu cầu của nhà thầu xây lắp :

  • Những công việc xây dựng đã hoàn thành;
  • Những công việc lắp đặt thiết bị tĩnh đã hoàn thành;
  • Những kết cấu, bộ phận công trình sẽ lấp kín;
4.2.3 Điều kiện cần để nghiệm thu:
  • Đối tượng nghiệm thu đã thi công hoàn thành;
  • Có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu:
    • Biên bản nghiệm thu vật liệu, thiết bị, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng;
    • Các phiếu kết quả thí nghiệm mẫu kiểm nghiệm có liên quan lấy tại hiện trường;
    • Các kết quả thử nghiệm, đo lường, đo đạc, quan trắc mà nhà thầu thi công xây lắp đã thực hiện tại hiện trường để xác định chất lượng và khối lượng đối tượng cần nghiệm thu;
    • Bản vẽ hoàn công;
    • Nhật ký thi công, nhật ký giám sát của chủ đầu tư và các tài liệu văn bản khác đã xác lập trong khi xây lắp có liên quan đến đối tượng nghiệm thu.
  • Có biên bản nghiệm thu nội bộ và phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu thi công xây dựng công trình.
4.2.4 Nội dung và trình tự nghiệm thu:
  • Kiểm tra tại chỗ đối tượng nghiệm thu: công việc xây dựng, thiết bị lắp đặt tĩnh tại hiện trường;
  • Kiểm tra các hồ sơ ghi ở mục 4.2.3;
  • Trong khi nghiệm thu, trường hợp cần thiết có thể tiến hành thêm các công việc kiểm định sau:
    • Kiểm tra sự phù hợp giữa khối lượng, chất lượng các công việc hoàn thành với số liệu ghi trong biên bản, tài liệu trình để nghiệm thu
    • Yêu cầu nhà thầu xây lắp lấy mẫu kiểm nghiệm từ đối tượng nghiệm thu ở công trình để thí nghiệm bổ xung;
    • Thử nghiệm lại đối tượng nghiệm thu;
    • Kiểm tra mức độ đúng đắn của những kết luận ghi trong biên bản nghiệm thu vật liệu, thiết bị, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng, và các kết quả thí nghiệm có liên quan đến chất lượng đối tượng nghiệm thu do nhà thầu xây lắp thực hiện và cung cấp.
  • Đối chiếu các kết quả kiểm tra với tài liệu thiết kế được duyệt, yêu cầu của các tiêu chuẩn kĩ thuật chuyên môn khác có liên quan, các tài liệu hướng dẫn hoặc các tiêu chuẩn kĩ thuật vận hành thiết bị máy móc để đánh giá chất lượng.
  • Trên cơ sở đánh giá chất lượng ban nghiệm thu đưa ra kết luận:
    • Trường hợp thứ nhất: Chấp nhận nghiệm thu các đối tượng đã xem xét và lập biên bản theo một trong các mẫu ghi ở phụ lục D và phụ lục E của tiêu chuẩn này;
    • Trường hợp thứ hai: Không chấp nhận nghiệm thu khi các đối tượng thi công chưa xong, thi công sai hoặc có nhiều chỗ sai với thiết kế được duyệt, hoặc không đáp ứng được những yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công trình và những yêu cầu của các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn khác có liên quan. Ban nghiệm thu lập biên bản (vào sổ nhật kí thi công) về nội dung sau:
      • Những công việc phải làm lại;
      • Những thiết bị phải lắp đặt lại;
      • Những sai sót hoặc hư hỏng cần sửa lại;
      • Thời gian làm lại, sửa lại;
      • Ngày nghiệm thu lại.
  • Sau khi đối tượng đã được chấp nhận nghiệm thu cần tiến hành ngay những công việc xây dựng tiếp theo. Nếu dừng lại, thì tuỳ theo tính chất công việc và thời gian dừng lại chủ đầu tư hoặc đơn vị giám sát thi công của chủ đầu tư có thể xem xét và quyết định việc nghiệm thu lại đối tượng đó.

4.3 Nghiệm thu bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng

4.3.1 Thành phần trực tiếp tham gia nghiệm thu

Người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư hoặc người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của

Tổng thầu trong trường hợp nghiệm thu bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng do nhà thầu phụ thực hiện;

Người phụ trách thi công trực tiếp của nhà thầu thi công xây dựng công trình;

Trong trường hợp hợp đồng tổng thầu, người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư tham dự để kiểm tra công tác nghiệm thu của tổng thầu với các nhà thầu phụ.

Đối với những công trình có chuyên gia nước ngoài cần có đại diện chuyên gia thiết kế; và chuyên gia thi công tham gia vào công việc nghiệm thu. Các đại diện này do cơ quan quản lí chuyên gia nước ngoài; tại công trình đề nghị, Chủ đầu tư quyết định.

4.3.2 Trách nhiệm của các thành phần tham gia nghiệm thu:
  • Căn cứ vào qui mô công trình và tham khảo phụ lục 2; để phân chia bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng;
  • Phải trực tiếp tiến hành công tác nghiệm thu không muộn hơn 1 ngày; kể từ khi nhận được phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu chính xây lắp đối với các đối tượng sau đây:
    • Bộ phận công trình xây dựng đã hoàn thành;
    • Giai đoạn thi công xây dựng đã hoàn thành;
    • Thiết bị chạy thử đơn động không tải;
    • Thiết bị chạy thử liên động không tải;
4.3.3 Điều kiện cần để nghiệm thu:
  • Đối tượng nghiệm thu đã thi công hoàn thành;
  • Tất cả các công việc xây dựng của đối tượng nghiệm thu đều đã được nghiệm thu theo qui định ở điều 4.2 của tiêu chuẩn này;
  • Có đầy đủ số các hồ sơ, tài liệu:
    • Các biên bản nghiệm thu vật liệu, thiết bị, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng;
    • Các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng có liên quan;
    • Các biên bản nghiệm thu lắp đặt tĩnh thiết bị có liên quan;
    • Các biên bản nghiệm thu những kết cấu, bộ phận công trình đã lấp kín có liên quan;
    • Các phiếu kết quả thí nghiệm mẫu kiểm nghiệm có liên quan lấy tại hiện trường;
    • Các kết quả thử nghiệm, đo lường, đo đạc, quan trắc mà nhà thầu thi công xây lắp đã thực hiện tại hiện trường để xác định chất lượng, khối lượng đối tượng cần nghiệm thu;
    • Bản vẽ hoàn công;
    • Nhật ký thi công, nhật ký giám sát của chủ đầu tư và các tài liệu văn bản khác đã xác lập trong khi xây lắp có liên quan đến đối tượng nghiệm thu.
  • Có biên bản nghiệm thu nội bộ và phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu thi công xây lắp;
4.3.4 Nội dung và trình tự nghiệm thu:
  • Kiểm tra tại chỗ đối tượng nghiệm thu: bộ phận công trình xây dựng; giai đoạn thi công xây dựng, thiết bị chạy thử đơn động không tải, thiết bị chạy thử liên động không tải;
  • Kiểm tra các hồ sơ ghi ở mục 4.3.3;
  • Trong khi nghiệm thu, trường hợp cần thiết có thể tiến hành thêm các công việc kiểm định sau:
    • Kiểm tra sự phù hợp giữa khối lượng, chất lượng các đối tượng nghiệm thu với số liệu ghi trong biên bản, tài liệu trình để nghiệm thu;
    • Yêu cầu nhà thầu xây lắp lấy mẫu kiểm nghiệm từ đối tượng nghiệm thu ở công trình để thí nghiệm bổ xung;
    • Thử nghiệm lại đối tượng nghiệm thu.
    • Kiểm tra mức độ đúng đắn của những kết luận ghi trong biên bản nghiệm thu vật liệu; thiết bị, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng; biên bản nghiệm thu công việc xây dựng; biên bản nghiệm thu lắp đặt tĩnh thiết bị có liên quan; các kết quả thí nghiệm có liên quan đến chất lượng đối tượng nghiệm thu do nhà thầu xây lắp thực hiện và cung cấp.
  • Đối chiếu các kết quả kiểm tra, kiểm định với tài liệu thiết kế được duyệt, yêu cầu của các tiêu chuẩn kĩ thuật chuyên môn khác có liên quan, các tài liệu hướng dẫn hoặc các tiêu chuẩn kĩ thuật vận hành thiết bị máy móc để đánh giá chất lượng.
  • Trên cơ sở đánh giá chất lượng ban nghiệm thu đưa ra kết luận:
    • Trường hợp thứ nhất: Chấp nhận nghiệm thu các đối tượng đã xem xét và lập biên bản theo một trong các mẫu ghi ở phụ lục F, phụ lục G và phụ lục H của tiêu chuẩn này;
    • Trường hợp thứ hai: Không chấp nhận nghiệm thu khi các đối tượng chưa thi công xong, thi công sai hoặc có nhiều chỗ sai với thiết kế được duyệt, hoặc không đáp ứng được những yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công trình và những yêu cầu của các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn khác có liên quan. Ban nghiệm thu lập biên bản (vào sổ nhật kí thi công) về nội dung sau:
      • Những công việc phải làm lại;
      • Những thiết bị phải lắp đặt lại;
      • Những thiết bị phải thử lại;
      • Những sai sót hoặc hư hỏng cần sửa lại;
      • Thời gian làm lại, thử lại, sửa lại;
      • Ngày nghiệm thu lại.

4.4 Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng, công trình xây dựng để đưa vào sử dụng.

4.4.1 Thành phần trực tiếp tham gia nghiệm thu:

Phía chủ đầu tư:

  • Người đại diện theo pháp luật và người phụ trách bộ phận giám sát; thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư;
  • Người đại diện theo pháp luật và người phụ trách bộ phận giám sát; thi công xây dựng công trình của nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình.

Phía nhà thầu thi công xây dựng công trình:

  • Người đại diện theo pháp luật và người phụ trách thi công trực tiếp; của nhà thầu thi công xây dựng công trình;
  • Người đại diện theo pháp luật và người phụ trách bộ phận ; giám sát thi công xây dựng công trình của Tổng thầu (đối với hình thức hợp đồng tổng thầu).
Phía nhà thầu thiết kế xây dựng công trình tham gia nghiệm thu; theo yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng công trình:
  • Người đại diện theo pháp luật;
  • Chủ nhiệm thiết kế.
Đối với những công trình có chuyên gia nước ngoài thì cần có đại diện chuyên gia thiết kế; và chuyên gia thi công tham gia vào công việc nghiệm thu.

Các đại diện này do cơ quan quản lí chuyên gia nước ngoài tại công trình đề nghị; Chủ đầu tư quyết định.

Đối với những công trình có yêu cầu phòng cháy cao hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường; cần có đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chống cháy; về môi trường tham gia nghiệm thu.

Và các thành phần khác trực tiếp tham gia nghiệm thu (theo yêu cầu của chủ đầu tư)

4.4.2 Trách nhiệm của các thành phần tham gia nghiệm thu:

4.4.2.1 Trực tiếp tiến hành nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng những đối tượng sau:

  • Thiết bị chạy thử liên động có tải;
  • Hạng mục công trình xây dựng đã hoàn thành;
  • Công trình xây dựng đã hoàn thành;
  • Các hạng mục hoặc công trình chưa hoàn thành nhưng theo yêu cầu của chủ đầu tư; cần phải nghiệm thu để bàn giao phục vụ cho nhu cầu sử dụng.

4.4.2.2 Thời gian bắt đầu tiến hành công tác nghiệm thu không muộn hơn 3 ngày; kể từ khi nhận được phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu chính xây lắp; hoặc nhận được văn bản yêu cầu của chủ đầu tư (đối với đối tượng qui định ở mục 4.4.2.1.d)

4.4.2.3 Công tác nghiệm thu phải kết thúc theo thời hạn quy định của chủ đầu tư.

4.4.3 Điều kiện cần để nghiệm thu.
  • Đối tượng nghiệm thu đã thi công hoàn thành;
  • Tất cả các công việc xây dựng, bộ phận công trình xây dựng; giai đoạn thi công xây dựng của đối tượng nghiệm thu đều đã được nghiệm thu; theo qui định ở điều 4.2 và 4.3 của tiêu chuẩn này;
  • Có kết quả thí nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành liên động có tải hệ thống thiết bị công nghệ;
  • Có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phòng chống cháy nổ; an toàn môi trường; an toàn vận hành theo quy định;
  • Có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu hoàn thành xây dựng; có liên quan đến đối tượng nghiệm thu do nhà thầu lập; và cung cấp cho chủ đầu tư cùng với phiếu yêu cầu nghiệm thu; Danh mục các hồ sơ tài liệu hoàn thành nêu tại phụ lục Q của tiêu chuẩn này.
  • Có đủ hồ sơ pháp lý của đối tượng nghiệm thu do chủ đầu tư lập; theo danh mục hồ sơ pháp lý nêu tại phụ lục Q của tiêu chuẩn này;
  • Có bảng kê những thay đổi so với thiết kế đã được duyệt; lập theo mẫu phụ lục L của tiêu chuẩn này ;
  • Có bảng kê các hồ sơ tài liệu chuẩn bị cho nghiệm thu; lập theo mẫu phụ lục P của tiêu chuẩn này;
  • Có biên bản nghiệm thu nội bộ của nhà thầu thi công xây lắp;
  • Đối với trường hợp nghiệm thu để đưa vào sử dụng các hạng mục công trình; công trình chưa thi công hoàn thành thì phải có quyết định; yêu cầu nghiệm thu bằng văn bản của chủ đầu tư kèm theo bảng kê các việc chưa hoàn thành; lập theo mẫu phụ lục M của tiêu chuẩn này;
4.4.4 Nội dung và trình tự nghiệm thu:

Kiểm tra tại chỗ hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng đã hoàn thành;

Kiểm tra các hồ sơ, tài liệu nêu ở mục 4.4.3;

Kiểm tra việc chạy thử thiết bị liên động có tải;

Kiểm tra những điều kiện chuẩn bị để đưa công trình vào sử dụng;

Kiểm tra và đánh giá chất lượng công tác xây lắp, thiết bị; máy móc, vật liệu, cấu kiện chế tạo sẵn đã sử dụng vào công trình; trên cơ sở đó đánh giá chất lượng xây dựng chung của đối tượng nghiệm thu;

Kiểm tra sự phù hợp của công suất thực tế với công suất thiết kế được duyệt;

Trong khi nghiệm thu trường hợp cần thiết có thể tiến hành thêm các công việc kiểm định sau:
  • Yêu cầu các nhà thầu xây lắp lấy mẫu kiểm nghiệm; từ đối tượng nghiệm thu ở công trình để thí nghiệm bổ sung; thử nghiệm lại thiết bị để kiểm tra;
  • Yêu cầu chủ đầu tư chạy thử tổng hợp hệ thống thiết bị máy móc để kiểm tra;
  • Thành lập các tiểu ban chuyên môn về kinh tế; kĩ thuật để kiểm tra từng loại công việc, từng thiết bị; từng hạng mục công trình và kiểm tra kinh phí xây dựng;

Đối chiếu các kết quả kiểm tra; kiểm định với tài liệu thiết kế được duyệt; yêu cầu của các tiêu chuẩn kĩ thuật chuyên môn khác có liên quan; các tài liệu hướng dẫn ;hoặc các tiêu chuẩn kĩ thuật vận hành thiết bị máy móc để đánh giá chất lượng.

Trên cơ sở đánh giá chất lượng Chủ đầu tư đưa ra kết luận:
  • Trường hợp thứ nhất: Chấp nhận nghiệm thu các đối tượng đã xem xét; và lập biên bản theo một trong các mẫu ghi ở phụ lục J và phụ lục K ;của tiêu chuẩn này;
  • Trường hợp thứ hai: Không chấp nhận nghiệm thu hạng mục; công trình khi phát hiện thấy các tồn tại về chất lượng trong thi công xây lắp; làm ảnh hưởng đến độ bền vững; độ an toàn và mỹ quan của công trình hoặc; gây trở ngại cho hoạt động bình thường của thiết bị khi sản xuất sản phẩm.
Bảng kê các tồn tại về chất lượng lập theo mẫu ghi ở phụ lục N; của tiêu chuẩn này để các bên có liên quan thực hiện. Phí tổn để sửa chữa, khắc phục do bên gây ra phải chịu.
  • Trong trường hợp cần thiết; Chủ đầu tư có quyền thuê tư vấn độc lập phúc tra; và kiểm tra công tác sửa chữa các tồn tại về chất lượng.
  • Sau khi các tồn tại về chất lượng đã được sửa chữa và khắc phục xong; Tư vấn phúc tra lập biên bản nghiệm thu theo qui định của tiêu chuẩn này; và báo cáo Chủ đầu tư để tổ chức nghiệm thu lại.
Sau khi nghiệm thu; Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ tới cấp có thẩm quyền; để xin phép được bàn giao đưa hạng mục; công trình xây dựng xong vào sử dụng. Thời hạn xem xét và chấp thuận không quá 10 ngày làm việc; sau khi đã nhận đủ hồ sơ hoàn thành hạng mục, công trình theo qui định.

Sau khi có quyết định chấp thuận nghiệm thu để bàn giao đưa hạng mục; công trình xây dựng xong vào sử dụng của cấp có thẩm quyền; chủ đầu tư phải tiến hành ngay công tác bàn giao cho chủ sở hữu; chủ sử dụng hạng mục, công trình theo qui định của tiêu chuẩn TCVN 5640 : 1991.

Tất cả các hồ sơ tài liệu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng; công trình xây dựng như ghi ở phụ lục Q của tiêu chuẩn này phải được nhà thầu xây dựng lập; đóng quyển thành 6 bộ theo qui định. Trong đó hai bộ do chủ đầu tư, một bộ do cơ quan quản lí sử dụng công trình; hai bộ do nhà thầu xây lắp chính và một bộ do cơ quan lưu trữ nhà nước bảo quản.

  • TIÊU CHUẨN 5587-2008 ỐNG CÁCH ĐIỆN CÓ CHỨA BỌT
  • TIÊU CHUẨN QUỐC GIA 7093-2-2003 ỐNG NHỰA NHIỆT DẺO
  • TIÊU CHUẨN VIỆT NAM BÊ TÔNG XÁC ĐỊNH KHỐI LƯỢNG THỂ TÍCH
  • TIÊU CHUẨN 10TCN 565-2003 MÁY NÔNG LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ LỢI
  • TIÊU CHUẨN 16-1986 CHIẾU SÁNG NHÂN TẠO
  • TIÊU CHUẨN 9383-2012 THỬ NGHIỆM KHẢ NĂNG CHỊU LỬA CỬA
  • TIÊU CHUẨN 245-2000 GIA CỐ NỀN ĐẤT YẾU BẰNG BẤC THẤM
  • TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ NHÀ CAO TẦNG
  • TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ KHÁCH SẠN 4 SAO
  • TIÊU CHUẨN THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
  • Từ khóa » Tiêu Chuẩn Nghiệm Thu Xây Dựng