Tiểu đường Type 1: Nguyên Nhân Và Phương Pháp điều Trị Hiệu Quả

1. Tiểu đường type 1 là gì?

Tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) là bệnh lý rối loạn chuyển hóa mạn tính liên quan đến hormone insulin. Hormone này do tuyến tụy nội tiết sản xuất, có khả năng chuyển hóa glucose từ máu đi vào tế bào, sau đó chuyển hóa thành năng lượng.

Tiểu đường type 1

Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa khá thường gặp

Tiểu đường có 2 dạng là Tiểu đường type 1, chiếm 10% và tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90% được phân chia theo nguyên nhân gây thiếu hụt insulin. Trong đó, tiểu đường type 1 xảy ra sự phá hủy tế bào beta sản xuất hormone insulin của đảo tụy dẫn tới thiếu hụt và rối loạn chuyển hóa glucose. Cùng với đó, glucose không chuyển hóa được tích tụ trong máu theo thời gian, gây nhiều vấn đề nghiêm trọng ở mắt, thần kinh, tim, răng, nướu, thận,…

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường type 1

2.1. Nguyên nhân

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 1. Chỉ biết rằng các tế bào của hệ miễn dịch của cơ thể bình thường chỉ chống lại các tác nhân lạ gây hại vì lý do nào đó đã phá hủy cả tế bào tiết insulin.

Tiểu đường type 1

Tiểu đường type 1 do tế bào tiết insulin của đảo tụy bị phá hủy

2.2. Yếu tố nguy cơ

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác xong các bác sĩ cũng đã tìm được các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

Tiền sử gia đình: Gia đình có bố, mẹ hoặc người anh chị em nào bị bệnh tiểu đường thì nguy cơ mắc bệnh của cá nhân đó cũng cao hơn. Một số loại gen cũng là yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh lớn hơn.

Môi trường: Việc tiếp xúc với một số loại virus như: virus Coxsackie, virus Rubella, Virus Epstein-Barr, Virus Cytomegalo,… gây tình trạng phá hủy hệ thống tự miễn dịch của tế bào cũng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và các bệnh miễn dịch khác.

Địa lý: Các nhà khoa học nhận thấy rằng, cư dân ở các quốc gia xa đường xích đạo như Phần Lan, Thụy Điển hay Sardinia có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn rất nhiều các quốc gia khác như Venezuela (cao gấp 400 lần) hoặc Mỹ (cao gấp 2 - 3 lần).

Tuổi tác: Tiểu đường có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên hai thời điểm rất đáng chú ý ở trẻ nhỏ mà ba mẹ cần quan tâm đó là trẻ từ 4 - 7 tuổi và trẻ từ 10 - 14 tuổi.

Khác: Người bị vàng da bẩm sinh, người uống nhiều nước chứa nitrat, sớm uống sữa bò, mẹ bị tiền sản giật khi mang thai,…

3. Tiểu đường type 1 có di truyền không?

Mặc dù nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên liên quan tới yếu tố di truyền nhưng không phải bố mẹ hay người thân nào mắc tiểu đường thì con cái sẽ chắc chắn bị bệnh. Để phòng ngừa, bạn nên thường xuyên thăm khám kiểm tra và phát hiện bệnh sớm nếu có nhé.

4. Triệu chứng và biến chứng của bệnh

Nhìn chung, triệu chứng bệnh tiểu đường thường khởi phát nhanh, rầm rộ và có xu hướng nặng đi nhanh nếu không điều trị kịp thời.

4.1. Triệu chứng bệnh

Người bệnh có thể gặp phải tình trạng:

- Khát nhiều.

- Uống nhiều.

- Ăn nhiều.

- Gầy nhanh, sụt cân không rõ nguyên nhân.

- Tiểu nhiều.

4.2. Biến chứng bệnh

Biến chứng tiểu đường rất nguy hiểm và diễn tiến nhanh chóng, do đó cần sớm phát hiện và can thiệp kịp thời.

Biến chứng cấp tính thể hiện ở tình trạng hôn mê nhiễm toan ceton: Khô da, khát nước, chuột rút, tụt huyết áp, rối loạn ý thức, hôn mê, lơ mơ, buồn nôn, yếu, thở nhanh,… Khi gặp biến chứng này cần can thiệp cấp cứu càng sớm càng tốt.

Biến chứng mạn tính kéo dài, lặp lại nhiều lần như: đau ngực, loét và nhiễm trùng bàn chân, nhìn mờ, đầy bụng, chậm tiêu, khó nuốt,…

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường type 1

5.1. Chẩn đoán bệnh

Theo Hiệp hội đái tháo đường Mỹ, chẩn đoán tiểu đường type 1 cần:

Chẩn đoán tiểu đường nói chung

- Đường huyết >11,1 mmol/l, kèm triệu chứng bệnh như ăn nhiều, tiểu nhiều, uống nhiều, gầy nhanh.

- Đường huyết sau khi uống 75g glucose 2 giờ >11,1 mmol/l.

- Đường huyết lúc đói (sau nhịn ăn từ 8 – 14 giờ) >7 mmol lặp lại 2 lần.

- HbA1C > 6,5%.

Tiểu đường type 1

Kiểm tra đường huyết để chẩn đoán bệnh tiểu đường một cách chính xác

Chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1

- Khi tuổi khởi phát dưới 30 tuổi, có nguy cơ mắc bệnh cao như: tiền sử gia đình, mắc bệnh tự miễn, triệu chứng rầm rộ,…

- Xét nghiệm có kháng thể kháng đảo tụy, định lượng insulin máu thấp hoặc bằng 0.

- Soi đáy mắt để tìm tổn thương võng mạc.

- Điện tâm đồ tìm dấu hiệu bệnh mạch vành.

- Xét nghiệm LDL-C, HDL-C, Cholesterol, triglyceride, tổng phân tích nước tiểu,…

5.2. Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường type 1

Cần kết hợp các biện pháp điều trị sau:

Bổ sung Insulin và kiểm soát đường huyết

Kiểm soát bằng Insulin ngoại sinh là chủ yếu bằng việc: tiêm đúng giờ và liều lượng theo phác đồ để tránh tụt đường huyết. Các loại insulin bổ sung gồm: Insulin thường (tác dụng nhanh như Insulin Actrapid, Lispro,…), Insulin bán chậm (như NPH, Lente,…), Insulin chậm (hư Ultralente,…) hay Insulin hỗn hợp (Mixtard,…).

Chế độ dinh dưỡng thích hợp

Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường type 1: đủ chất đạm, đường, chất béo, muối khoáng, nước, vitamin,… sẽ giúp kiểm soát lượng đường huyết tố. Các chuyên gia dinh dưỡng sẽ hỗ trợ bạn lên chế độ ăn phù hợp để kiểm soát dinh dưỡng và đường huyết này.

Tiểu đường type 1

Bệnh nhân tiểu đường type cần bổ sung Insulin ngoại sinh

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe cũng giúp kiểm soát lượng đường huyết tốt. Tuy nhiên cần lưu ý chăm sóc cẩn thận chân và kiểm tra mắt thường xuyên để phát hiện sớm nếu có biến chứng. Nên tập 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần với chế độ tập phù hợp với sức khỏe.

Bệnh đái tháo đường type 1 diễn biến bệnh rất nhanh, có thể trầm trọng đi nhanh chóng nếu không được can thiệp chữa trị sớm. Nếu bị chẩn đoán mắc bệnh, bạn cần kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên và chữa trị tích cực cho đến khi kiểm soát hoàn toàn.

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài tư vấn 1900 56 56 56, MEDLATEC sẵn sàng hỗ trợ các bạn.

Từ khóa » Chẩn đoán Tiểu đường Type 1