Tiểu Không Kiểm Soát: Lời Khuyên Của Bác Sĩ Và Cách Cải Thiện

Nội dung bài viết

  • 1. Tiểu không kiểm soát là gì?
  • 2. Triệu chứng của tiểu không kiểm soát là gì?
  • 3. Chẩn đoán bệnh tiểu không kiểm soát thế nào?
  • 4. Làm gì để cải thiện triệu chứng tiểu không kiểm soát?
  • 5. Khi nào cần đi khám?
  • 6. Điều trị tiểu không tự chủ
  • 7. Thay đổi lối sống như thế nào để khắc phục tiểu không tự chủ?

Tiểu không kiểm soát thường gặp ở cả hai giới, gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này có thể mắc phải ở nhiều bệnh lý khác nhau và có khả năng cải thiện phụ thuộc vào việc hiểu và điều trị đúng cách. Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết của bác sĩ Ngô Minh Quân.

1. Tiểu không kiểm soát là gì?

Tiểu không kiểm soát là tình trạng khi bệnh nhân không tự chủ được việc đi tiểu, có tình trạng rò rỉ nước tiểu hay tiểu són.

Tiểu không kiểm soát khá thường gặp. Hiện nay có nhiều phương pháp hỗ trợ, nhiều biện pháp mà bệnh nhân có thể tự tập luyện để giúp giảm hoặc ngừng tình trạng này.

2. Triệu chứng của tiểu không kiểm soát là gì?

Có nhiều cách phân loại tiểu không kiểm soát khác nhau. Mỗi nhóm có những triệu chứng đặc trưng. 3 nhóm thường gặp là :

  • Không kiểm soát do căng thẳng: những bệnh nhân này thường không kiểm soát, rò rỉ nước tiểu khi cười, khi ho, hắc xì hoặc bất cứ sự căng thẳng nào ở vùng bụng. Không kiểm soát do căng thẳng thường gặp nhất ở giới nữ, đặc biệt là sau sinh.
  • Tiểu không kiểm soát đột xuất: bệnh nhân nhóm này thường đột nhiên mắc tiểu dữ dội. Sự đột ngột này làm cho bệnh nhân không thể đến phòng vệ sinh kịp thời. Bàng quang hoạt động quá mức cũng là thuật ngữ thường được dùng để mô tả tình trạng này.
  • Nhóm hỗn hợp: bệnh nhân thường có hỗn hợp triệu chứng của hai nhóm kể trên.
 
Triệu chứng của tiểu không kiểm soát
Triệu chứng của tiểu không kiểm soát khác nhau tùy vào từng nguyên nhân

3. Chẩn đoán bệnh tiểu không kiểm soát thế nào?

Để đánh giá tình trạng tiểu không tự chủ thường là hỏi tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng:

  • Tiền sử bệnh: Người bệnh có thể phải ghi chú lại các triệu chứng và vấn đề gặp phải vào một cuốn nhật ký trong vài ngày để thông báo cho bác sĩ dễ dàng và chính xác hơn
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám vùng chậu để xem người bệnh có bị sa các cơ quan ở vùng chậu hay không và để tìm kiếm các vấn đề khác thuộc về giải phẫu. Nghiệm pháp ho có thể được thực hiện để chẩn đoán tình trạng tiểu không tự chủ do gắng sức.

Đôi khi bác sĩ phải chỉ định cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm chức năng bàng quang nếu cần thêm thông tin.

4. Làm gì để cải thiện triệu chứng tiểu không kiểm soát?

4.1. Những lưu ý giúp cải thiện triệu chứng của bệnh

  • Giảm lượng nước uống, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
  • Ngừng hoặc giảm các loại thức ăn hoặc nước uống làm cho các triệu chứng khởi phát hoặc trầm trọng hơn. Thông thường các loại thực phẩm này là rượu, cafe hay các loại thức ăn cay hoặc nóng.
  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân.
  • Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hãy cố gắng hạn chế lượng đường để kiểm soát đường huyết nhiều nhất có thể.
  • Nếu bạn có sử dụng các loại thuốc nhóm lợi tiểu hãy lưu ý. Nhóm thuốc lợi tiểu tăng nhu cầu đi tiểu do đó hãy uống khi cần thiết và gần nhà vệ sinh.

4.2. Các phương pháp luyện tập 

  • Phương pháp tập luyện bàng quang: Bạn nên tập thói quen cho bàng quang bằng việc đi tiểu vào một số khung giờ cố định. Việc này đôi khi khó khăn và nên được thực hiện ngay cả khi bạn chưa cần đi tiểu ngay. Việc đi tiểu vào khung giờ cố định giúp cho bàng quang có thói quen tối từ đó làm quen với nhịp độ cố định.
  • Phương pháp tập luyện cơ vùng chậu: việc tập luyện giúp cơ vùng chậu thêm vững chắc giúp kiểm soát tốt hơn nước tiểu. Việc luyện tập cần được sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên vật lý trị liệu để đảm bảo đúng kỹ thuật và mang lại hiệu quả tốt nhất

5. Khi nào cần đi khám?

Khi xuất hiện các triệu chứng tiểu không kiểm soát kể trên bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Có nhiều loại thuốc làm cho tình trạng tiểu không kiểm soát trầm trọng hơn, do đó hãy thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc bạn đang sử dụng để được tư vấn.

6. Điều trị tiểu không tự chủ

Việc điều trị phụ thuộc vào loại tiểu không tự chủ của bệnh nhân mắc phải, ngoài ra còn phụ thuộc vào giới tính. Đối với việc chữa trị tiểu không tự chủ, trước tiên bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị không can thiệp phẫu thuật, bao gồm thay đổi lối sống, luyện tập cơ bàng quang, vật lý trị liệu và sử dụng một số thiết bị hỗ trợ bàng quang. Khi điều trị són tiểu cấp kỳ, bệnh nhân có thể phải dùng đến thuốc.

Các phương pháp điều trị có thể gồm có:

  • Thuốc giúp giảm co thắt cơ bàng quang.
  • Phẫu thuật sửa chữa hỗ trợ chức năng bàng quang và đường tiểu.
  • Điện kích thích dây thần kinh chi phối bàng quang nhằm giảm co thắt.

Thông thường, bệnh nhân được chỉ định phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

7. Thay đổi lối sống như thế nào để khắc phục tiểu không tự chủ?

Nhiều bệnh nhân tiểu không tự chủ có thể làm quen, thay đổi lối sống phù hợp để cải thiện cũng như lấy lại khả năng tiểu kiểm soát. Quá trình thay đổi lối sống cần được sự hỗ trợ của nhân viên y tế để tìm được cách hiệu quả nhất cho từng bệnh nhân khác nhau

Việc thay đổi lối sống có thể bao gồm như:

  • Giảm cân: Ở phụ nữ thừa cân, nếu giảm đi một lượng cân nặng ngay cả rất nhỏ (dưới 10% tổng trọng lượng cơ thể) cũng có khả năng làm giảm rò rỉ nước tiểu.
  • Hạn chế nạp thêm nước: Nếu bị són tiểu vào sáng sớm hoặc ban đêm, người bệnh nên hạn chế uống nước vài giờ trước khi đi ngủ. Không nên nạp vào cơ thể quá 2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế rượu, caffeine và các chất kích thích khác.
  • Tập luyện cơ bàng quang: Mục tiêu của việc tập luyện cơ bàng quang là giúp kiểm soát việc đi tiểu và tăng khoảng thời gian giữa hai lần đi tiểu liên tiếp lên mức thời gian bình thường (mỗi 3 – 4 giờ trong ngày và mỗi 4 – 8 giờ vào ban đêm).

Trên đây là những thông tin cơ bản tình trạng tiểu không kiểm soát. Hi vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm về bệnh lý đặc biệt này.

Từ khóa » Tiểu Không Kiểm Soát ở Nữ