Tiểu Liên M3 - Khẩu Súng 'dùng Xong Vứt Luôn' được Lính Mỹ ưa Chuộng
Trong Thế Chiến II, ngoài khẩu súng trường tiêu chuẩn M-1 Garand, lính Mỹ còn được trang bị tiểu liên Thompson, loại súng rất hữu dụng trong các trận chiến tầm gần, đặc biệt là trong chiến hào.
Tuy nhiên, tiểu liên Thompson có một nhược điểm, đó là chi phí chế tạo khá tốn kém, và thời gian xuất xưởng lâu, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của các binh sĩ trên chiến trường. Đó là lý do M3, khẩu tiểu liên giá "rẻ như bèo" xuất hiện và dần dần chiếm được cảm tình của lính Mỹ, trở thành nỗi khiếp đảm của binh lính phát xít Đức trong nhiều trận chiến, theo Military.
Trong chiến tranh, khi những khẩu súng tiểu liên được chế tạo với tiêu chí càng rẻ và nhanh càng tốt, ngoại hình của vũ khí không còn là yếu tố quan trọng. Người Anh chế ra những khẩu Sten 9x19 mm từ ống thép và thép cán, khiến nó có biệt danh là "ác mộng của thợ ống nước". Người Nga thì có khẩu PPSh 7,62x 25 mm có thể dễ dàng được lắp ghép bởi bất cứ người thợ nghiệp dư nào.
Tương tự, tiểu liên M3 có vẻ ngoài khá thô vụng và chẳng mấy ưa nhìn. Với tiêu chí giá rẻ, khẩu súng này nhìn giống như một chiếc máy khoan của thợ cơ khí chứ không phải là sản phẩm của nền công nghiệp tiên tiến Mỹ.
Được chế tạo từ những tấm thép cán chuyên để sản xuất ô tô, tiểu liên M3 trông chẳng khác gì một cục sắt thô kệch, và những mỹ từ như "tinh xảo" hay "đẹp đẽ" không hề được nhắc đến khi bàn về thiết kế của khẩu súng này.
Tiểu liên M3 chỉ có thước ngắm cố định không điều chỉnh được, không thể thay đổi chế độ bắn, không có báng súng hay ốp lót tay bằng gỗ bóng loáng, và chỉ có rất ít bộ phận được làm bằng thép đúc. Các bộ phận của khẩu súng được hàn với nhau một cách thô thiển, thậm chí có thể thấy rõ mối hàn sần sùi ở những phần bên ngoài. Báng của nó chỉ là một thanh thép đặc được uốn cong hình chữ U.
Ưu điểm lớn nhất của tiểu liên M3 là giá rẻ. Theo các nhà sử học, M3 đã tiết kiệm một số tiền rất lớn cho chính phủ Mỹ khi nó chỉ có giá 20 USD một khẩu (tương đương 260 USD hiện nay), trong khi tiểu liên Thompson được thiết kế đẹp mắt tinh xảo hơn có giá tới 225 USD/khẩu (tương đương 3000 USD ngày nay).
"Thế mạnh của tiểu liên M3 là dễ sản xuất với giá rẻ hơn rất nhiều so với tiểu liên Thompson. Chỉ có nòng súng, khóa nòng và các bộ phận cò súng được làm bằng thép đúc", Alan Archambault, cựu phụ trách giám sát Trung tâm Lịch sử Quân sự Quân đội Mỹ, nói. Nhờ sự đơn giản đến mức tối đa như vậy nên chỉ riêng trong Thế Chiến II, đã có hơn 600.000 khẩu M3 được sản xuất và cung cấp cho binh sĩ Mỹ.
M3 khá nặng so với một khẩu súng tiểu liên tiêu chuẩn. Nó có trọng lượng gần 5 kg khi lắp một băng đạn 30 viên đầy đủ và các băng đạn dự phòng mà người lính mang theo nặng tới vài kg.
Tuy nhiên, nó có thể bắn đạn ACP 11,43x23 mm với tốc độ bắn 450 viên/phút, dễ sử dụng và nhỏ gọn nhờ thiết kế báng gập, và đặc biệt đây là thứ vũ khí lính Mỹ có thể "vứt bỏ sau khi sử dụng".
Cho tới năm 1944, sau mỗi trận đánh, lính Mỹ thường vứt luôn những khẩu M3 gặp trục trặc, và lấy một khẩu mới từ trong kho để chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo, bởi không một nhà máy nào trên thế giới quan tâm đến việc sản xuất phụ tùng thay thế cho khẩu súng "rẻ như bèo" này.
Ban đầu, lính Mỹ không thích tiểu liên M3, bởi thiết kế tay kéo bệ khóa nòng của nó rất bất tiện. Nhưng đến năm 1944, biến thể cải tiến M3A1 ra đời loại bỏ tay kéo khóa nòng kiểu này và còn được gắn thêm loa che lửa vào đầu nòng súng.
Nhận thấy những bất tiện của nó đã được loại bỏ, lính lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ dần dần mê tít loại súng có tốc độ bắn đầy ấn tượng và mức sát thương lớn này. Trong lúc nhà sản xuất chưa nghĩ ra tên chính thức cho nó, lính Mỹ đã kịp đặt biệt danh cho M3 là "Súng bắn nhanh" (Grease Gun).
"Trong chiến tranh Triều Tiên, tiểu liên M3 và M3A1 được sử dụng phổ biến hơn khẩu Thompson", Archambault nói. "Dù trông không bắt mắt và có giá rẻ, tiểu liên M3 vẫn là một vũ khí rất thiết thực, có mức sát thương lớn trong cận chiến".
Trong các cuộc chiến tranh, các phi công lái trực thăng Mỹ thường mang theo một khẩu M3 trong khoang lái chật hẹp, bởi nó nhỏ gọn hơn khẩu M16 nhưng lại có hỏa lực mạnh hơn một khẩu súng lục.
Sau Thế Chiến II và chiến tranh Triều Tiên, khẩu súng rất được lính Mỹ ưa chuộng này vẫn tiếp tục nằm trong biên chế của quân đội suốt hàng chục năm. Lần cuối cùng tiểu liên M3 tham chiến là với vai trò vũ khí dự phòng cho các kíp xe tăng trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 - gần 50 năm sau lần đầu tiên nó ra mắt và gây kinh hoàng cho phát xít Đức.
Duy Sơn
- Stg-44 - loại súng uy lực từng bị Hitler hắt hủi
Từ khóa » Tiểu Liên M3
-
Tiểu Liên M3 - Khẩu Súng "dùng Xong Vứt Luôn" - Dân Việt
-
Lịch Sử Hiện đại: Chiến Tranh Và Cách Mạng - Súng Tiểu Liên M3 ...
-
Súng Tiểu Liên M3 - Wikimedia Tiếng Việt
-
Súng Tiểu Liên M3 Của Mỹ: Của Rẻ Là Của ôi - Kiến Thức
-
M3 Grease Gun: Súng Tiểu Liên Mỹ - Du Học Trung Quốc
-
Tiểu Liên M3 Grease Gun Trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ 2 - YouTube
-
Tiểu Liên M3 Grease Gun: “Súng Tra Dầu Mỡ” Của Thế Chiến II Trở ...
-
Súng Tiểu Liên M3 Của Mỹ: 'Của Rẻ Là Của ôi' - Báo Mới
-
Top 6 Loại Súng Tiểu Liên được Quân đội Nước Ta Sử Dụng Phổ Biến ...
-
Top 6 Mẫu Súng Tiểu Liên Mạnh Và Nổi Bật Nhất Của Mỹ
-
Vì Sao Lính Mỹ Suốt 4 Cuộc Chiến Vẫn ưa Dùng Tiểu Liên M3 Grease?
-
M3_Grease_Gun - Tieng Wiki