Tiểu Sử Ca Sĩ Nguyên Khang - Một Hiện Tượng đặc Biệt Của Dòng ...

Trong dòng nhạc trữ tình, tiền chiến của Việt Nam từ xưa đến nay, số lượng những nam ca sĩ thành danh không được nhiều và phong phú như bên nữ ca sĩ. Thế hệ 1950 có sự xuất hiện của Anh Ngọc, Duy Trác, thập niên 1960 có Sĩ Phú, sang thập niên 1970-1980 là Tuấn Ngọc, Vũ Khanh. Đến thập niên 2000 bắt đầu có sự xuất hiện của Trần Thái Hòa và Nguyên Khang.

Có thể thấy dù số lượng ca sĩ rất nhiều, nhưng những người thành danh và thật sự ghi dấu ấn đậm nét với dòng nhạc này giống như những ca sĩ nhắc đến ở trên là rất hạn chế.

Điểm chung của những nam ca sĩ này là không được qua một trường lớp đào tạo thanh nhạc nào. Điều này có vẻ là một nghịch lý, vì dòng nhạc trữ tình tiền chiến có tính chất thính phòng, bán cổ điển, mang tính nhạc thuật cao, nhưng các nam ca sĩ này vẫn chinh phục được khán giả bằng giọng hát rất tình cảm, và cũng không kém phần điêu luyện.

Mặc dù chưa bao giờ qua một trường lớp đào tạo thanh nhạc nào, nhưng ca sĩ Nguyên Khang hiện đang là một trong những giọng hát trữ tình có nét đặc trưng và được nhiều người yêu thích nhất. Với chất giọng thiên phú trầm ấm và “khàn khàn”, Nguyên Khang được giới chuyên môn đánh giá là có quãng giọng rộng và đủ khả năng để chuyển tải những bài hát đòi hỏi tính kỹ thuật cao.

Nhiều người so sánh và cho rằng Nguyên Khang đã bắt chước giọng ca Tuấn Ngọc, nhưng Nguyên Khang nói rằng khi bắt đầu chập chững trên con đường âm nhạc, anh chưa từng được nghe Tuấn Ngọc hát.

Xem bài khác

Những giọng hát tiên phong của nhạc vàng bolero Việt Nam

Tặng “bông” cho ca sĩ/tài tử có từ khi nào?

Nguyên Khang tên thật là Trần Văn Thành, sinh ngày 19/7/1973 tại Vĩnh Long và lớn lên ở Saigon. Gia đình Nguyên Khang sang Mỹ năm 1994, ban đầu ở New York, nhưng vì không quen với cái lạnh nơi đây nên không lâu sau đó chuyển sang Cali, sau đó nữa là thành phố Seattle.

Khi mới sang Mỹ, ban đầu Nguyên Khang không có ý định theo nghiệp ca hát mà đi làm nail để kiếm sống. Năm 1997, theo lời rủ rê của bạn bè, anh hát góp vui trong một đám cưới ở Long Phụng Lầu và được nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy chú ý rồi dìu dắt trong những bước đầu của sự nghiệp. Hoàng Trọng Thụy cũng chính là con đầu của nữ danh ca Tâm Vấn.

Nghệ danh Nguyên Khang được nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy đặt và phải mất thời gian 2 tuần để suy nghĩ. Theo lý giải, Nguyên Khang có nghĩa là “một giọng khàn, nguyên thủy”, mô tả đúng chất giọng của chàng ca sĩ trẻ lúc đó, được anh tự nhận là đầy chất “bụi” và phóng túng…

Sau khi gặp Nguyên Khang, Hoàng Trọng Thụy dựa vào đó để sáng tác ca khúc Người Như Cố Quên dành riêng cho giọng hát đặc biệt này, có thể gọi là “đo ni đóng giày” cho Nguyên Khang và phát trên đài VNCR, được thính giả chú ý đến. Khi đó Nguuyên Khang chỉ hát cho vui chứ vẫn chưa có ý định làm ca sĩ, nhưng vì bài hát đầu tiên được khán giả phản hồi rất tốt nên nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy khuyên chàng trai trẻ cân nhắc.

Click để nghe Người Như Cố Quên – Nguyên Khang

Nhờ xuất hiện trên đài VNCA, nhiều nhà sản xuất âm nhạc đã biết đến và liên hệ với Nguyên Khang, trong đó có ca sĩ Thùy Dương, cô mời anh đến hát trong một show ra mắt CD.

Ngay sau đó, trong đĩa nhạc Cho Em Còn Yêu được ca sĩ Thùy Dương thực hiện năm 1997, có sự góp mặt của Thùy Dương, Tuấn Ngọc cùng 2 ca sĩ vô danh vào thời điểm đó: Nguyên Khang và Trần Đại. Cái tên Trần Đại thì không ai biết đến nữa, nhưng với ca khúc Em Về Nào Có Hay của Hoàng Trong Thụy, tiếng hát Nguyên Khang đã tồn tại trong lòng khán giả suốt hơn 20 năm qua với giọng ca rất nội lực nhưng cũng rất truyền cảm.

Click để nghe Em Về Nào Có Hay – Nguyên Khang

Cũng trong thời gian này, Nguyên Khang cùng một số bạn bè thành lập nhóm nhạc mang tên LA Boyz. Có một lần anh đến phòng thu U-Sing-Along thăm nhạc sĩ Tấn Triệu thì gặp một nam ca sĩ trẻ có giọng ca rất đẹp, đang thu Karaoke track cho U-Sing-Along. Đó chính là Trần Thái Hòa, và được Nguyên Khang mời vô nhóm LA Boyz hát trong một thời gian ngắn thì nhóm tan rã.

Thời gian sau đó Nguyên Khang chuyển sang hợp tác với các hãng Bích Thu Vân, World. Tuy nhiên vì gia đình không thích Nguyên Khang theo nghề ca hát, đồng thời anh cũng thấy nghề này bấp bênh, nên quyết định quay lại làm nail.

Nguyên Khang nói rằng có lẽ tính cách của anh không thích hợp với nghề ca sĩ với nhiều bon chen và thị phi, nên đã không dưới 1 lần anh có dự định giải nghệ.

Đến khoảng năm 2000, trung tâm Biển Tình mời Nguyên Khang hát trở lại, trở thành ca sĩ độc quyền của trung tâm này với nhiều đĩa nhạc được phát hành. Nguyên Khang cho biết ông chủ của Biển Tình đã bỏ rất nhiều tâm huyết để quảng bá cho tên tuổi của anh.

Vào năm 2001, nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy dẫn Nguyên Khang đến trung tâm Asia để giới thiệu với nhạc sĩ Trúc Hồ và để thử giọng, nhưng Nguyên Khang kể lại rằng Trúc Hồ nhìn anh xong rồi chỉ mất 3 giây để quyết định kêu anh ra về.

Cũng trong năm 2001, Nguyên Khang ký hợp đồng độc quyền với trung tâm Thế Giới Nghệ Thuật để thực hiện các video ca nhạc. Trong số này có video bài hát Xin Còn Gọi Tên Nhau rất được khán giả yêu thích, có sự góp mặt diễn xuất của một diễn viên ở trong nước là Lâm Bảo Như, người mà trong 10 năm sau đó (năm 2010) trở thành vợ của anh.

Click để xem MV Xin Còn Gọi Tên Nhau

Tuy nhiên đó lại là thời điểm trung tâm này lại gặp nhiều khó khăn nên sự hợp tác này thất bại và chấm dứt 1 năm sau đó. Điều đáng tiếc nhất là do sự ràng buộc trong hợp đồng này, Nguyên Khang đã bỏ lỡ cơ hội hợp tác cùng trung tâm Thúy Nga trong chương trình Paris By Night 64 chủ đề Nhạc Thính Phòng năm 2002, chủ đề rất thích hợp với chất giọng Nguyên Khang. Khi đó giám đốc trung tâm Thúy Nga là Tô Ngọc Thủy gọi điện đề nghị Nguyên Khang hợp tác trong 2 chương trình, hát song ca với 2 người mà anh xem là thần tượng là Thanh Hà và Tuấn Ngọc, tuy nhiên vì còn thời hạn hợp đồng với Thế Giới Nghệ Thuật nên Nguyên Khang không thể tham gia được.

Phải qua năm 2003, Nguyên Khang mới lần đầu tiên được xuất hiện trong một đại nhạc hội lớn là chương trình Asia 41 – Mùa Hè Rực Rỡ. Ngay lập tức Nguyên Khang lập được dấu ấn trong chương trình này khi song ca cùng Diễm Liên bài hát Mai Tôi Đi, một nhạc phẩm mới do Anh Bằng phổ từ thơ Nguyên Sa. Bài hát này có thể xem là 1 trong những bài hát thành công nhất trong sự nghiệp của Nguyên Khang. Ít người biết rằng ban đầu nhạc sĩ Trúc Hồ định để ca sĩ Thanh Hà hát chung với Nguyên Khang trong bài Mai Tôi Đi, nhưng thay đổi vào phút chót. Từ bài hát này, Diễm Liên trở thành người song ca ăn ý với Nguyên Khang trong nhiều tiết mục sau đó.

Click để xem Mai Tôi Đi – Nguyên Khang & Diễm Liên

Trước đó không lâu, Nguyên Khang tự thực hiện CD đầu tiên cho riêng mình là Cũng Là Trăm Năm và được khán giả đơn nhận nồng nhiệt. Đây không phải là album đầu tiên của Nguyên Khang, nhưng là lần đầu tiên anh tự bỏ tiền túi để thực hiện một CD nhạc, với dự định sẽ album kỷ niệm lần cuối trước khi chia tay với khán giả để trở về làm công việc bình thường. Nhưng không ngờ chính nhờ CD này, Nguyên Khang đã tiếp cận được với số lượng lớn khán giả. Trước đó vẫn có nhiều người dè bỉu là Nguyên Khang chỉ biết “ăn theo” Tuấn Ngọc, nhưng nhờ CD này, anh được các đồng nghiệp tôn trọng hơn, và được mời hát cho các trung tâm lớn là Asia và Vân Sơn, trở thành bậc thang vững chắc để anh bước lên để tiến xa hơn trong sự nghiệp ca hát.

Buổi ra mắt CD Cũng Là Trăm Năm diễn ra tại vũ trường Majestic vào ngày 18/7/2003, đúng vào dịp sinh nhật 30 tuổi của anh, đã được khán giả tham dự rất đông với 600 người ngồi chật khán phòng và nhiều người phải ra về vì không còn chỗ.

Nguyên Khang luôn nhận mình không được đẹp trai nên rất sợ chụp hình và sợ ánh đèn spotlight trên sân khấu. Không cần vào yếu tố ngoại hình hào nhoáng, Nguyên Khang vẫn rất thành công bằng chính giọng hát có thực lực của mình. Anh tự nhận xét giọng hát của mình là rất “bụi”, như cuộc sống của anh trước khi đến với làng ca nhạc: buông thả, phóng khoáng và bất cần, trong những nhạc phẩm trình bày bằng một lối hát rất riêng.

Có rất nhiều người nhận xét là Nguyên Khang bắt chước giọng ca Tuấn Ngọc, nhưng anh nói rằng lúc còn ở Việt Nam anh không hề biết đến Tuấn Ngọc, vì ngày xưa điều kiện băng đĩa hải ngoại ở trong nước còn hạn chế. Thay vào đó anh chủ yếu thích nhạc nước ngoài của Scorpions, Beatles, BeeGees, Metallica, Modern Talking… Sau này sang hải ngoại, Nguyên Khang mới có điều kiện tiếp xúc và học hỏi Tuấn Ngọc ở việc thể hiện cái hồn của bài hát và bày tỏ những cảm xúc của mình thông qua cách hát.

Nguyên Khang là ca sĩ nòng cốt của trung tâm Asia trong một thời gian dài hơn 10 năm, trước khi chấm dứt hợp tác năm 2016 trong một cuộc chia tay không mấy êm thấm. Đây cũng là thời kỳ trung tâm Asia tan rã một cách đáng tiếc vì sự thay đổi của thị trường ca nhạc cũng như sự biến đổi ở thượng tầng quản lý của trung tâm Asia.

Hiện nay Nguyên Khang hợp tác cùng nhạc sĩ – người anh thân thiết là Trúc Hồ trong các dự án âm nhạc của đài SBTN cùng với các ca sĩ cũ của trung tâm Asia như Quốc Khanh, Đoàn Phi, Mai Thanh Sơn…

Đông Kha (biên soạn) Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Share 0 Tags: nguyên khang

Từ khóa » Ca Sĩ Nguyên Khang Hải Ngoại