Tiểu Sử Của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc [HTML]
Có thể bạn quan tâm
Tiểu sử
ĐỨC HỘ PHÁP
PHẠM CÔNG TẮC
Chân dung Đức Hộ Pháp
Mục lục
&
Mở đầu
Thời kỳ niên thiếu
Buổi tráng niên
Thời kỳ ngộ đạo
Những trở lực trên đường hành đạo
Công nghiệp
Tiểu sử của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về đường đạo
T
Mở đầu
Đạo Cao Đài là đạo dung hợp tất cả các đạo hiện hữu.
Đức Giáo Tông danh dự Lý Thái Bạch đã giáng bút diễn giải về Đạo Cao Đài trong một buổi đàn đêm 13 tháng Giêng năm 1927 như sau:
“Hiện nay nhân loại đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng trầm trọng. Trật tự và thanh bình thủa xưa không còn nữa. Luân lý sụp đổ, nhân tâm sa đọa. Đối với những kẻ hoài nghi, Thượng Đế chỉ còn là một tiếng suông. Họ không biết rằng trên Cao Đài kia ngự trị một Đấng Chí Tôn, Chúa Tể cả Vũ Trụ và cả số phận loài người.
Xưa kia các dân tộc vì thiếu phương tiện xê dịch nên xa nhau không biết tới nhau. Đức Chí Tôn đã tạo nên trong những thời kỳ khác nhau, ở những địa phương khác nhau, ngũ chi của Đại Đạo:
1.- Nhân Đạo (KHỔNG TỬ)
2.- Thần Đạo (KHƯƠNG THÁI CÔNG)
3.- Thánh Đạo (GIÊ SU)
4.- Tiên Đạo (LẢO-TỬ)
5.- Phật Đạo (THÍCH CA MÂU NI)
Mỗi chi đặt nền tảng trên những phong tục riêng biệt của nơi phát nguyên.
“Ngày nay, giữa năm châu, sự giao thông trở nên thuận tiện. Nhân loại biết nhau hơn, cầu mong một cảnh thái bình thực sự. Nhưng vì sự hiện hữu của các Giáo phái mà loài người không sống hòa hợp với nhau được; cho nên Đức Chí Tôn quyết định hợp nhất tất cả ngũ chi để đưa về Đại Đạo Cao Đài duy nhất ”.
Đạo Cao Đài chẳng những có mục đích điều hòa tất cả những tín ngưỡng, mà lại còn thích hợp với tất cả mọi trình độ tiến triển của tinh thần.
I - Về phương diện luân lý, Đạo Cao Đài dạy cho người ta bổn phận đối với mình, với gia đình, với xã hội, với nhân loại.
II - Về phương diện triết lý, Đạo Cao Đài khuyên người ta nên khinh rẻ xa hoa, danh vọng, lợi lộc, thoát khỏi cái ách vật chất để tìm cái yên tĩnh của tâm thần.
III - Về phương diện thờ phượng, Đạo Cao Đài khuyên nhủ thờ phụng Đức Chí Tôn, Đấng Cha chung của loài người và các Đấng Thần Linh cùng Tổ tiên, nhưng cấm dâng đồ lễ mặn và đốt vàng mã.
IV - Về phương diện thần học, Đạo Cao Đài đồng ý với các đạo khác là có linh hồn: nó tồn tại sau khi thể phách chết đi, nó tiến triển bằng những cuộc đầu thai liên tiếp theo luật luân hồi.
V - Về phương diện truyền giáo, Đạo Cao Đài truyền cho các Tín Đồ xứng đáng, những điều chỉ giáo thần bí để họ có thể, theo quá trình tiến triển của tinh thần, tiến tới những lạc thú của chân hạnh phúc.
Đạo Cao Đài là Đạo của Đức Chí Tôn, là Đạo duy nhất có chân giá trị, cao cả và mầu nhiệm.
Hiện giờ người thay mặt Đức Chí Tôn tại thế, để bảo vệ và phát huy Đại Đạo là Đức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC, Chưởng quản cả Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài.
Chúng ta cần phải biết tiểu sử của Đức Hộ Pháp, hiểu rõ công nghiệp của Ngài đối với đạo và đời cũng như đối với dân tộc, để nó có thể hiểu sâu thêm về đạo Cao Đài.
T
I
Thời kỳ niên thiếuĐức Hộ Pháp, Giáo Chủ Đạo Cao Đài, Chưởng Quản nhị Hữu Hình Đài, thủa nhỏ sinh nhằm gia đình họ Phạm, tại Bình Lộc, tỉnh Tân An, Nam Việt, lấy tên PHẠM CÔNG TẮC. Ông thân sinh ra Ngài làm việc, đổi về Bình Lộc, nên sinh ra Ngài ở đấy. Còn chính nguyên quán của Ngài ở làng An Hòa, quận Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Một điều đặc biệt là ngài sinh đúng ngày mùng 5 tháng 5 Canh Dần (1890), ngày Khuất Nguyên tự trầm mình xuống dòng song Mịch La, ngày Lưu thần, Nguyễn Triệu nhập Thiên thai. Vì sinh nhằm ngày tết Đoan Ngọ nên trong gia đình, ai cũng lo khó nuôi được Ngài. Mà thực vậy, Ngài khỏe mạnh hồng hào, thiên tư đĩnh ngộ, nhưng thỉnh thoảng tự nhiên cái ngủ thiếp đi như người chết, linh hồn lạc khuất nơi đâu, khiến cả nhà, nhất là bà cụ cố luôn luôn thắc mắc lo âu.
Ngài chết đi, sống lại nhiều lần. Thuốc thang chạy chữa đã nhiều mà bệnh nào cứ tật ấy. Ngài thỉnh thoảng vẫn cứ ngủ lịm đi, rồi tỉnh dậy, có khi đôi ba giờ, có khi kéo dài nữa ngày. Cho mãi tới năm 17 tuổi, Ngài thiếp đi một lần cuối cùng, lâu hơn cả những lần trước. Khi tỉnh dậy, Ngài còn nhớ tất cả cuộc xuất du của linh hồn, nhớ từng hình ảnh, nhớ từng chi tiết, mà sau nầy tất cả đều hợp với đời tu hành của Ngài.
MỘT ĐÊM VỀ TRỜI
Ấy là tháng Giêng năm Đinh Mùi (1907). Sau khi tham gia phong trào Đông Du bị bắt hụt, Ngài về quê nhà tạm lánh. Đêm rằng trăng sáng. Ngài ra nằm trên cái sập bán hàng của cô em gái, kê ngay trước hiên nhà. Nhìn ánh trăng hư ảo, tâm hồn phiêu diêu. Ngài sực nhớ đến bài thơ “Thần Đồng Vấn Nguyệt” của một ông bạn vong niên đã ngâm cho Ngài nghe; và chỉ nghe một lượt Ngài đã thuộc lòng, tưởng chừng như bài thơ đã được in vào trong tâm khảm Ngài từ tiền kiếp xa xưa nào rồi. Ngài nằm, đắm đuối nhìn trăng và ngâm:
Thu thiên dạ thanh quang vận tĩnh,
Chốn lử đình thức tỉnh canh khuya.
Tai nghe văng vẳng bốn bề,
Gương Nga vằng vặc dựa kề quế lan.
Thấy trăng thêm động lòng vàng,
Ngâm câu vấn nguyệt cho đang mấy lời.
Hỏi dì Nguyệt mấy lời sau trước:
Duyên cớ sao mà được thảnh thơi?
Nguyệt rằng: vật đổi sao dời,
Thân nầy trời để cho người soi chung.
Làm cho mỏi mệt anh hùng,
Ngàn thu sương tuyết một lòng thanh quang.
Hỏi dì Nguyệt có đàng lên tới,
Chốn thiềm cung phỏng mấy mươi xa?
Nguyệt rằng ta lại biết ta,
Có cây đơn quế ấy là nhà em.
Anh hùng thử đến nhà xem,
Kìa gương Ngọc thỏ nọ rèm thủy tinh.
Hỏi dì Nguyệt có tinh chăng tá?
Chữ xuân thu phỏng đã nhường bao?
Nguyệt rằng: yếu liễu thơ đào,
Càng lên càng tỏ, càng cao càng tròn.
Gương Nga vằng vặc chẳng mòn,
Bao nhiêu tinh đẩu là con cái nhà.
Nguyệt lại hỏi đến người quân tử:
Buổi vân lôi ai giữ kinh luân?
Ta rằng: có đấng Thánh quân,
Ra tay dẹp loạn, nên thân trị bình.
Nguyệt hỏi ta ngẩn ngơ, ngơ ngẩn,
Ta hỏi nguyệt thơ thẩn, thẩn thơ.
Liễu qua trước gió phất phơ,
Hương đưa bát ngát, phòng thơ ngạo ngào.
Tiếng ngâm thơ của Ngài vang vang làm lay động cả ánh trăng khuya, dập dờn như nổi sóng. Tâm hồn Ngài cũng lâng lâng nhẹ nhàng như mọc cánh bay bổng trên chính tầng thinh không cùng với âm thanh trầm bổng của giọng thơ ngâm dâng cao. Một cảm giác khoan khoái vô biên tràn ngập lòng Ngài, một khoái cảm êm ả, nhẹ nhàng, mang mang, không bờ bến. Ngài nhắm mắt đê mê, vừa để lặng lẻ tận hưởng, vừa để phân tích nguồn khoải cảm kỳ lạ ấy.
Và khi mở mắt ra, Ngài thấy chan hòa một thứ ánh sáng huyền ảo, chẳng phải là ánh sáng nóng bỏng của mặt trời, cũng chẳng phải là ánh sáng lạnh lẽo của mặt trăng trên trái đất. Ánh sáng vừa trong trẻo, vừa dịu dàng, vừa đầm ấm, bàng bạc khắp cả chung quanh. Còn Ngài thì lững thững trên con đường trắng như tuyết, phẵng phiu, sạch sẽ không văng một mảy mai bụi trần, chạy thẳng tắp về chân trời xa. Ngài vừa đi vừa tiếp tục ngâm bài thơ “Thần Đồng Vấn Nguyệt”.
Bỗng thấp thoáng đằng xa đi lại một bóng người, Ngài im bặt chú ý nhìn. Bóng người tiến lại trông rõ dần… Cách ngài vài chục thước hiển hiện một vị sư già, nét mặt vô hạn từ bi, mình khoác bộ áo cà sa vàng. Thấy Ngài có vẻ ngơ ngác nhìn, vị sư lên tiếng:
- Em có nhớ “qua” không?
Ngài nhìn lại vị sư, chợt nhớ ra, vội đáp;
- Dạ.
Chính Ngài đã được gặp vị sư này một lần rồi, cách đây hơn mười năm, hồi Ngài mới lên mười tuổi, đương theo học một ông đồ chữ nho Ngài thường theo hầu thầy đi làm thuốc. Một hôm, ông thầy sai Ngài cân thuốc trong hiệu khách Đức Vọng ở chợ ngã tư Tây Ninh. Bước vào cửa hàng, Ngài đã thấy, ngồi ở cái kỷ dài đối diện với quầy hàng, vị sư già mặc áo cà sa vàng trên kia cùng với một ông già râu tóc bạc phơ, trông thật là tiên phong đạo cốt, làm cho ai nhìn cũng Kính mến.
Ngài đưa toa cân thuốc, Người chủ tiệm cầm lấy toa tính tiền xong đưa tay chỉ về phía trường kỷ mời Ngài ngồi chơi cùng hai ông khách già.
- Được chú để mặc tôi.
Ngài đứng yên dựa vào quầy hàng nhìn kỹ vị sư và ông già. Hai người chỉ chỏ Ngài, rồi nói chuyện với nhau Ngài lắng tai nghe, biết rằng hai người đang nói chuyện về tướng số và rõ ràng đang luận về tướng Ngài. Chính Ngài nghe thấy và còn ghi mãi trong ký ức lời kết luận của nhà sư: “Cậu bé này vào bậc siêu phàm, sự nghiệp cậu vô cùng cao cả”.
Nhớ đến chuyện cũ, Ngài đã định hỏi vị sư về quá khứ, hiện tại, cũng như vị lai, Ngài còn đang suy nghĩ đặt câu hỏi thế nào cho tiện, thì vị sư già hình như biết ý, mỉm cười kéo tay Ngài:
- Em suy nghĩ gì đấy. Thôi hãy đi chơi với qua.
Ngài “dạ” một tiếng rồi bước theo vị sư như một cái máy. Vị sư dục Ngài bước lên ngang hàng để vừa đi vừa đàm đạo cho dễ dàng. Trên con đường trắng phau phau, dưới là ánh sáng trong trắng, dịu dàng, êm ấm, vị sư thuyết cho Ngài nghe về tinh thần bác ái và vị tha của Phật Tổ, khuyên Ngài sau này ráng tu để độ chúng sinh thoát khỏi ách khổ ải của trần gian.
Câu chuyện vừa hết thì cũng thấy vừa hiện ra ở đầu đường phía trước một tòa lâu đài nguy nga, một mầu trắng tinh như chạm bằng viên bạch ngọc khổng lồ.
Đến trước tòa nhà, vị sư bảo Ngài:
- Em chờ qua ngoài này, qua vào nhà một chút nhé.
Ngài đứng đợi một mình. Năm phút qua, mười phút qua rồi nữa giờ qua mà vẫn không thấy vị sư trở ra. Ngài nóng ruột , gõ cửa gọi:
- Thầy ơi!
Cửa vẫn đóng im lìm, không một tiếng trả lời.
Ngài gõ cữa, gọi hai ba lần nữa nhưng chỉ có tiếng Ngài vọng lại, mỗi lần lại càng thêm rõ, làm tăng thêm cái vắng lặng của tòa lâu đài. Sốt ruột, Ngài đi vòng quanh nhà, tìm xem có lối nào vào được chăng. Và nhận thấy tòa lâu đài có tám cửa giống hệt như nhau, cửa nào cũng đóng im ỉm. Qua mỗi cửa, Ngài lại gõ một lần. Vẫn cái im lặng mênh mang bao trùm tất cả. Ngài đã thấy hơi chột dạ, định quay lại tìm lối về. Nhưng bây giờ Ngài mới nhận ra trước mỗi cửa đều có một con đường trắng chạy về phía chân trời xa. Tám cửa đều giống nhau, tám con đường chẳng khác gì nhau, hướng ra tám phương trời. Ngài còn biết chọn con đường nào. Ngài hồi hộp lo lắng.
Giữa lúc băn khoăn ấy. Ngài thấy lập lòe ở phía xa có bóng đèn sáng, Ngài nghĩ thầm trong bụng: “Chỗ có ánh sáng kia hẳn có nhà. Ta hãy tới hỏi thăm đây là đâu và nhờ chỉ lối về”.
Ngài bèn hướng theo con đường đi lại phía có ánh đèn. Quả nhiên ở đấy cũng có một tòa nhà mà cửa cũng lại đóng. Ngài đánh bạo gõ cửa hỏi:
- Có ai ở trong nhà không?
Im lìm. Ngài gõ liên tiếp mấy lần nữa. Vẫn im lìm. Đang lúc Ngài sắp bấn loạn, thì tự nhiên cửa mở, một tiểu đồng hiện ra, đầu để ba chỏm tóc phất phơ, mặt hồng hào, tròn trĩnh dễ thương. Cậu bé bước ra khỏi nhà thì cửa từ từ đóng lại. Cậu chỉ ngay vào mặt Ngài mà nói:
- Anh có phải là anh Tắc không?
- Ủa, sao em lại biết qua.
Cậu bé mỉm cười như triêu chọc:
- Anh thật đớ đẩn! Sao tôi lại không biết! Thầy đợi anh ở trong nhà đấy.
Ngài càng ngạc nhiên:
- Thầy là ai, hở em?
- Rồi anh sẽ biết. Đi vô thôi.
Nói xong, tiểu đồng quay trở lại, vào nhà. Trước khi bước vào trong nhà, cậu bé ngoảnh lại bảo ngài:
- Anh theo tôi nhé.
Rồi hắn vào. Ngài nhìn theo: một cảnh tượng làm cho Ngài hơi ớn mình. Phía trong cửa, một con kim mao hầu nằm, hai chân trước duỗi thấp xuống, hai chân sau dựng lên cao, mông để sát vào ngưỡng cửa. Chú tiểu đồng thản nhiên leo lên mông con kim mao hầu trèo qua lưng, rồi đứng lên chân trước con thú dữ trước khi bước xuống nền nhà.
Thấy Ngài ngần ngại không dám tiến bước, chú bé mỉm cười giục:
- Có gì mà sợ nó không cắn đâu. Anh cứ theo như tôi, đừng ngại gì cả.
Nghe lời chú bé khuyến khích, Ngài đánh bạo bước lên mông con linh vật một cách e dè, leo xuống lưng nó, bước xuống bả vai rồi nhảy đại một cái ra xa.
Chú tiểu đồng thấy thế liếc nhìn Ngài sẽ lắc đầu mỉm cười:
- Anh nhát quá anh Tắc ạ.
Ngài biết chú bé muốn diễu mình, nhưng giả vờ như không biết ngước nhìn chung quanh.
Cái cửa Ngài vừa bước qua tự động đóng lại sau con kim mao hầu. Ngài và chú bé đứng trong một hành lang rộng thênh thang. Theo chiều dài hành lang, có năm phòng lớn, mỗi phòng có một cửa, mà cửa nào cũng đóng kín mít. Hành lang dài rộng, cửa ra vào đều đóng, không có đèn đuốt chi cả, mà vẫn sáng, một ánh sáng dịu dàng và trong trẻo Chú tiểu đồng thấy Ngài ngơ ngác nhìn ngắm, liền kéo tay dẫn đến cửa phòng cuối cùng để Ngài đứng đấy mà dặn:
- Anh chờ đây. Lúc nào thầy kêu, tôi sẽ cho anh hay.
Nói xong, hắn tiến vào, cửa mở cho hắn bước qua rồi đóng ngay.
Ngài đứng một mình chờ đã lâu mỏi chân mà cũng chưa thấy tiểu đồng trở ra. Ngài cũng cố nhẫn đợi chờ, nếu không nghĩ tới trong hành lang này chẳng phải chỉ có một mình Ngài mà còn có con kim mao hầu nữa. Nếu con vật nổi cơn sinh sự, biết làm thế nào? Hồi hộp Ngài vội gõ cửa:
- Em mở cho qua với.
Cửa bật mở. Ngài vào, Chú tiểu đồng quắc mắt gắt:
- Anh làm chi mà rối lên thế!
Thoáng nhìn nét mặt Ngài, hắn dịu giọng ngay:
- À! Anh sợ con kim mao hầu chứ gì! Anh nhát quá. Thôi ở đây mà chờ thầy.
Nói xong, không để Ngài kịp đáp lại, chú bé đi ra lối cửa đối diện lúc nãy. Còn có một mình ở lại trong phòng, Ngài mới chú ý ngắm nghía nhìn chung quanh: Đây là một gian phòng dài đến hai mươi thước, rộng đến mười thước, bốn mặt nền nhà là một khối cẩm thạch liền, phẳng, nhẵn lỳ, thực là đẹp. Giữa phòng, có một chiếc bàn lại có kê một chiếc ghế bành nữa, cũng kiểu như sáu chiếc ghế kia, nhưng cao lớn hơn chút ít. Bàn cũng như ghế làm theo một kiểu mới lạ chưa từng thấy, mặt thì bằng cẩm thạch, vân ngũ sắc, còn chân bàn, chân ghế cùng chỗ dựa lưng, dựa tay đều bằng những giây huyền kết lại vô cùng trang nhã. Ngài ngắm nhìn không chán mắt.
Ngài chờ đã lâu. Ngài muốn gọi chú tiểu đồng, nhưng e hắn gây sự nên lại thôi. Giữa lúc Ngài mong mỏi thì cánh cửa từ từ mở ra trước một hành lang sâu thăm thẳm. Từ cuối hành lang, thấp thoáng bòng một ông già mặc áo xanh đi lại. Ông cao lớn, râu tóc bạc phơ, áo mầu xanh, tay rộng phất phơ, đầu đội mũ cũng mầu xanh, dáng uy nghi đường bệ. Ông già thân mật đưa mắt hiền hậu âu yếm nhìn Ngài suốt từ đầu đến chân. Một niềm hân hoan từ đâu bỗng chan chứa trong lòng. Ngài say nhìn vẻ đẹp siêu phàm của ông già, ông giống hệt ông già đi với nhà sư mà Ngài đã gặp trong tiệm thuốc bắc dạo nào, chỉ có cách phục sức là khác. Ông đi thẳng lại chiêc ghế bành lớn ngay giữa, ngồi xuống ung dung, tự tại, hai tay đặt lên thành ghế, đầu hơi ngửa về phía sau, trông thật oai nghiêm, nhưng không kém hiền từ.
Trong lúc ngài còn ngây ngất, chăm chú nhìn từng nét mặt, từng điệu bộ, từng cử chỉ, và từng chi tiết trong cách phục sức của ông già thì ông đã lên tiếng:
- Con ngồi đi.
Ngài vâng lệnh ngồi xuống cái ghế gần nhất. Nhưng ông già chỉ vào chiếc ghế đầu, sát bên tay mặt mà bảo:
- Con ngồi sang ghế này.
Thoạt tiên ông già hỏi thăm Ngài về gia đình, về bà thân sinh ra Ngài, rồi đến anh Hai, anh Ba, chị Tư, cho đến hết cả mọi người trong nhà. Chỉ có ông thân sinh ra Ngài đã mất rồi thì ông già không hỏi tới. Ngài lấy làm lạ sao ông già hiểu rõ gia đình nhà Ngài như thế.
Ông lại chỉ rõ từng nét xấu, từng tính tốt của mỗi người anh em Ngài; sau hết khuyên nhủ Ngài về đường tu thân giữ sao cho vẹn đạo đức và tỏ ý đặt nhiều hy vọng vài Ngài trên con đường đạo.
Ngài ngồi lặng yên kính cẩn, chân thành lắng nghe những lời khuyên nhũ. Ông già lộ vẽ hài lòng, nụ cười tươi nở trên mặt đạo mạo; ông gọi tiểu đồng:
- Con đem bánh cho anh con ăn.
Tiếng ông gìa kêu vừa dứt, còn âm vang trong phòng thì cửa đã mở. Tiểu đồng mang vào đặt trước mặt Ngài một dĩa bạc lớn trên đựng đầy bánh còn nóng hổi, khói bốc lên thơm phức.
Ông già giục:
- Con ăn đi!
Ngài ngắm nghía dĩa bánh. Đấy là những chiếc bánh bột lọc hình tròn. Chiếc nào cũng hai mầu, nửa đỏ, nửa trắng, xếp theo hình nón Ngài đưa tay nhắc lấy chiếc bánh trên chóp dĩa, bẻ đôi đưa lên miệng, ăn rất ngon lành, vì đi mấy quảng đường dài, bụng đang đói ngấu. Hàng bánh thứ hai có ba chiếc. Ngài lấy ăn thêm một chiếc nữa, bụng đã đỡ đói. Còn đương nghĩ không biết có nên ăn nữa hay không, thì ông già hình như biết ý giục:
- Con ăn nữa đi.
Ngài vâng lời, nhắc đến cái bánh thứ ba, bẻ đôi, ăn xong phần nhân, thấy bụng no, ngán quá, không sao ăn thêm được nữa. Ngài mới vò hai miếng vỏ bánh ném xuống gậm bàn.
Biết Ngài đã no, ông già kếu lấy nước. Tiểu đồng mang lên một tô lớn bằng vàng, nước đầy tận miệng.
Đi nhiều, mệt, lại ăn hết 2 chiếc rưỡi bánh, Ngài cảm thấy khát quá, uống một hơi hết sạch tô nước. Ngài uống đến đâu, ruột mát đến đấy.
Đợi Ngài ăn xuống xong, ông già trầm ngâm thong thả nói:
- Hôm nay con ăn hai cái bánh rưỡi, và uống một tô nước. Những thứ đó sẽ ám hợp vào cuộc đời hành đạo của con sau này.
Đến đây ông già, như ý không muốn để Ngài có nhiều thì giờ hỏi cặn kẻ, liền truyền lệnh cho tiểu đồng:
- Con đưa anh con về.
Ngài chấp tay vái chào ông già, rồi theo chân tiểu đồng đi ra. Sực nhớ đến con kim mao hầu, ngài quay lại lại xin ông già con vật đó. Ông già gật bầu bảo: “Thôi, con cứ về đi, sau này nó sẽ xuống với con”.
Trở ra, đến chỗ con kim mao hầu, tiểu đồng trèo lên chân trước leo lên lưng, rồi đứng trên mong nó, thì cửa cũng vừa mở để hắn bước ra ngoài, Cửa khép lại sau hắn. Con kim mao hầu tỏ vẻ hiền lành. Ngài bước lên lưng, leo lên mông nó, thì cửa vừa mở. Nhưng bóng dáng tiểu đồng đã biến mất. Ngài nhìn xung quanh, lo lắng, không có hắn dẫn lối thì biết đi đường nào. Ngài kêu lớn:
- Em ơi!
Không thấy có tiếng đáp lại, Ngài liền kêu ba tiến nữa, mới thấy bụi bông lồng đèn trước mắt sột soạt lay động và chủ tiểu đồng nhảy ra quát:
- Anh làm cái chi mà lớn tiếng vậy?
Ngài phân trần:
- Qua không thấy em, tưởng em đi đâu, mới phải gọi đấy chứ.
- Thôi tôi biết rồi, anh đã bị lạc, bây giờ lại sợ bị lạc nữa chứ gì. Anh lại đây, tôi đeo cho cái này.
Ngài nhìn thấy chú bé đeo ở cổ và mỗi bên tai một vòng hoa, còn hai tay mang hai vòng nữa, giơ lên, đòi đeo vào hai tai cho Ngài.
Không muốn làm phật lòng chú bé, Ngài đành phải cuối xuống cho hắn đeo hai vòng hoa tủng lẳng vào tai. Chú bé thích chí phì cười:
- Thôi bây giờ anh theo tôi.
Hai người rảo bước một lát, thì tòa lâu đài tám mặt hiện ra trước mắt. Chú bé dẫn Ngài đến một cửa, rồi chỉ hai vết chân in trên bậc:
- Này anh Tắc, chỗ cửa anh đến còn vết chân anh đây, anh có thấy không?
Rồi đổi giọng hắn khuyên Ngài một cách rất dễ thương:
- Lần sau; anh có đi đâu phải chú ý nhé.
Nhìn kỹ theo tay chú bé chỉ, Ngài thấy hai vết chân mình còn in rành rành ở đó. Ngài chưa kịp trã lời, chú bé đã tiếp:
- Từ đây anh nhớ lối rồi, cứ theo đường cũ mà trở về.
- Em về cả với qua cho vui.
- Bây giờ chưa thể được, anh ạ. Nhưng sau này, thầy sẽ cho phép em xuống với anh. Thôi anh về đi, không có ở nhà mong.
Sực nhớ mình đã đi chơi lâu, chắc ở nhà chờ đợi lắm. Ngài nói vài lời từ biệt chú bé rồi rảo cẳng theo đường về. Đi rảo một lúc, quay lại vẫn còn thấy bóng tiểu đồng. Ngài gắng sức chạy, Ngài chạy hết sức nhanh, vô ý vấp phải một mô đất, té lộn đi một vòng.
Ngài giật mình tỉnh dậy, văng vẳng nghe thấy tiếng kêu khóc bên tai, vội mở choàng mắt ra, thấy chung quanh tấp nập những kẻ thì kéo tóc, người thì dựt tay, lay chân, gọi tên Ngài ầm ĩ.
Ngài gượng ngồi dậy. Trong lúc mơ màng, Ngài hỏi người nhà:
- Con chó của tôi đâu?
Ra Ngài còn nhớ con kim mao hầu mà Ngài đã hỏi xin ông già siêu phàm trong giấc mơ kỳ lạ.
TINH THẦN CÁCH MỆNH SỚM NẨY NỞ
Ngài sinh vào năm 1890, thời mà thực dân Pháp đã đặt vững nền đô hộ, trên khắp đất nước Việt Nam. Ngài lớn lên trong cảnh vong quốc giữa một cái xã hội đầy dẫy bất công, dân chúng rên siết dưới những bóc lột, áp bức của quân ngoại xâm, khác màu da khác sắc tóc.
Trước cảnh nước mất chủ quyền, dân sống trong vòng nô lệ, Ngài đã sớm giác ngộ. Tuy còn nhỏ tuổi, mà nhiều đêm Ngài đã thao thức nghĩ đến cách làm sao cho đồng bào cũng đứng lên phá tan xiềng xích, để đòi lấy quyền sống một cuộc đời tự do, độc lập, hạnh phúc.
Trận chiến tranh Nhật-Nga xảy ra vào năm 1905 kết cục bằng cuộc thắng vẻ vang của Nhật là một kích thích lớn lao cho Ngài cũng như cho hầu hết dân Việt Nam có ý thức tranh đấu hồi giờ.
Năm 1906, Ngài bắt đầu tham gia vào phong trào Đông du mà hai nhà lão thành cách mệnh Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đang cho người vận động tuyên truyền và khuyến khích khắp nơi. Năm ấy Ngài 17 tuổi, đang học năm thứ hai trường Chassekoup Laubat. Lúc đó phong trào Đông du ở Saigon do hai ông Dương Khắc Ninh và Gilbert Chiếu, lãnh đạo hai ông đã dẫn đạo ba tốp xuất dương. Tốp thứ tư có tên Ngài Đương hồi niên thiếu đầy lòng phấn khởi bồng bột, Ngài nuôi trong lòng bao nhiêu mộng đẹp viễn phương. Nhưng tốp thứ tư không có cái may mắn như ba tốp trước. Màn bí mật bị khám phá. Mật thám Pháp đến khám sở Minh tân công nghệ là chỗ hay lui tới của ông Ninh, Chiếu mà cũng là trụ sở của phong trào Đông Du tại Saigon. Nhờ được ông Ninh bình tĩnh lẹ tay hành động nên đã tiêu hủy kịp thời hết mọi tài liệu, thành ra tuy bị bại lộ mà không ai bị lôi thôi bắt bớ chi cả. Tuy vậy mật thám Pháp đã chú ý, luôn luôn cho người theo dõi, dò xét các tay lãnh đạo và chính Ngài cũng bị chúng để ý. Nên năm đó, Ngài nghĩ học, về quê ở Tây Ninh tạm tránh những con mắt dòm ngó.
Ngài không xuất dương theo phong trào Đông Du được năm ấy, âu cũng là thánh ý của Đức Chí Tôn muốn giữ Ngài ở lại để trao cho những nhiệm vụ cao cả sau nầy.
T
II
Buổi tráng niênTuổi càng lớn, tinh thần cách mệnh càng cao cũng như tấm lòng băng khoăn tìm đường đạo của Ngài một ngày một rõ rệt.
Tuy năm hai mươi tuổi ra làm thư ký sở Thương Chánh, rồi năm hai mươi mốt vâng lệnh thân mẫu thành lập gia đình, Ngài không như phần đông các đồng nghiệp, sống không băn khoăn, không lý tưởng, chỉ biết tháng tháng lĩnh lương về hú hí với vợ đẹp, con khôn, mặc tất cả thiên hạ sự, đồng bào đau khổ, non nước vơi đầy.
Đời sống công chức không có ảnh hưởng đến đời sống của Ngài, mà gia đình thân yêu cũng không trói buộc được Ngài, không ngăn cản được Ngài trên bước đường lý tưởng.
Sau kỳ dự định Đông Du lở dở, Ngài trở về quê nhà một thời gian, rồi lại lăn mình vào trường tranh đấu. Ngài hoạt động trong bí mật, viết cho nhiều báo như: Công Luận, La Cloche fêlée, La voix libre, Lục tỉnh Tân văn, Nông cổ Mím đàm, v.v… Ngài đã tranh đấu trong thời kỳ khó khăn nhất của dân tộc, khi biết bao nhiêu người còn u mê, chưa thức tỉnh.
Ngài lại giầu tình thương đời, nhất là thương kẻ cô đơn, trụy lạc. Trong thời kỳ này, Ngài đã làm một cử chỉ rất có ý nghĩa. Đang làm công chức trong sở Thương Chánh, đồng tiền chẳng được dồi dào chi lắm, vậy mà Ngài dám vay nợ đặng giải phóng một đoàn nhi nữ ra khỏi chốn thanh lâu cho họ thoát khỏi vòng nhục nhã, được trở về đời sống lương thiện, hưởng hạnh phúc gia đình.
Trong lúc Ngài hoạt động tranh đấu cho hạnh phúc của Quốc Gia dân tộc và làm những việc thiện hằng ngày để cứu giúp những kẻ cô đơn xung quanh, Ngài còn có một nỗi băn khoăn lớn lao hơn nữa là tầm đạo để giải thoát cho cả loài người khổ ải. Ngài sinh ra trong một gia đình Công Giáo, nhưng đạo cứu thế với lòng bác ái của đức Giêsu chưa chiếm hết lòng tin của Ngài. Ngài có óc phán đoán và nhận thấy rằng đạo Phật khuyên người từ bi hỷ xã, đạo Lão đặt trên nền tảng dưỡng tính tồn chân, đạo Khổng dìu dắt người trên con đường trung dung, đều có những ưu điểm, giúp cho loài người trên con đường trung dung, đều có những ưu điểm, giúp cho loài người đi lên con đường sáng không phải ít. Vì vậy Ngài băn khoăn, đêm ngày suy nghĩ, muốn tổng hợp cả 4 đạo lớn, hiện có trên thế gian, và do đấy tạo nên sự hòa hợp giữa hai nền Văn Minh Đông-Tây. Việc đó không phải là không tưởng, vì tất cả vị tổ sư của các môn phái đều hướng tư tưởng về một điểm chung: Thiện và Mỹ. Như vậy tư tưởng đó rất có thể hợp nhất được.
Để đạt mục đích trên Ngài cùng mấy người bạn thân, nghiên cứu và so sánh những giáo lý của bốn đạo. Một nhận xét chung được nêu lên: cứu cánh chỉ có một, còn phương tiện thì khác nhau. Và một hoài bảo chung được phát biểu: kết tinh cả bốn đạo thành một đạo lớn duy nhất cả về tín ngưỡng lẫn phương tiện thực hành.
Nhưng hành động thế nào để thực hiện sự kết tinh đó?
Thật là một công cuộc khó khăn vượt sức lực con người trần gian.
Khi đó Đại Úy Bonner, một người bạn của Ngài ở Pháp sang. Ông là một con đồng vận ngồi cảm thông với các thần linh, trong cuộc giáng thần. Ông rất chú ý đến sự nhiên cứu của nhóm Ngài, nhưng ông cũng không quan niệm nổi là có thể tổng hợp những phương tiện thực hành của các đạo. Ông khuyên nên cầu xin các đấng thần linh chỉ giáo. Và một đàn hầu cơ được tổ chức. Những lời khuyên của đấng thần linh sau đây đã cho Ngài và các bạn Ngài cái chìa khóa mở cửa bí mật để thông hiểu vấn đề khó khăn huyền diệu kia:
“Tín ngưỡng bắt nguồn từ lương tâm. Lương tâm khác nhau tùy theo trạng thái tinh thần của mỗi con người. Nó không có cá tính, cũng chẳng bao giờ bị tiêu diệt, bởi vì nó thoát sinh ra ở nơi Thượng Đế, Vậy tự do tín ngưỡng phải được tôn trọng cho tất cả mọi con người, nhưng sự hòa hợp trong tinh thần Chân, Thiện, Mỹ phải là một nhiệm vụ bắt buộc”.
T
III
Thời kỳ ngộ đạoSáng lập đạo Cao Đài – Trong thời kỳ 1920-1926, Ngài cùng với các ông Cao Huỳnh Cư, Cao Huỳnh Diêu, Cao Hoài Sang, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng v.v… lập thành một nhóm, tiếp tục tìm cách thông cảm với cõi u linh bằng cách phụ bàn ba chân ở một nhà tại đường Bourdais. Trong các vị Tiên, Thánh, Thần, Phật, có một vị giáng cơ không chịu xưng danh, dầu các người dự cầu xin mấy cũng vậy. Mỗi lần vị ấy giáng cơ, chỉ xưng hiệu A, Ă, Â. Trí thần thông quãng bác của vị ấy làm tất cả mọi người khâm phục. Đối với những câu hỏi khó khăn nêu lên để thử thách, vị A, Ă, Â, đều trả lời dễ dàng và hợp lý bằng những câu thơ rất hay cả về từ lẫn ý.
Cho mãi đến đêm 24 tháng 12 năm 1925, vị A, Ă, Â mới cho biết mình là Đức Chí Tôn sắp biểu dương chân lý trên lãnh thổ Việt Nam dưới danh hiệu Cao Đài.
Từ đấy, tất cả nhân viên trong nhóm của Ngài trở thành tín đồ của Cao Đài Tiên Ông. Không bao lâu một người Pháp là Latapie, công chức sở Thương Chánh, gia nhập nhóm này. Latapie là tín đồ Âu Châu đầu tiên của đạo Cao Đài vậy.
Ngày 28 tháng 1 năm 1928 theo lệnh của Đức Chí Tôn, Ngài cùng ông Cư, đến tìm Ngài LÊ VĂN TRUNG, Cựu nghị viện trong Hội đồng thuộc địa và cựu nhân viên trong Hội đồng Tư vấn ở Chợ lớn, Một đàn cầu cơ được tổ chức và sau đó Ngài LÊ VĂN TRUNG thành tín đồ Cao Đài.
Ít lâu sau, Ngài cùng các ông Trung, Cư, Sang và Hậu theo lệnh của Đức Chí Tôn đến Nhà Ông Phủ Ngô Văn Chiêu để hỏi về lai lịch Thiên Nhỡn và để thực hiện sự phối hợp hai nhóm tại Saigon. Nhóm Ông Phủ Chiêu, sau khi đón tiếp ân cần, nhận có thờ Thiên Nhỡn và đưa cho Ngài cùng các bạn xem kiểu vẽ. Ngay ngày hôm đó có sự kết hợp của hai nhóm theo lệnh của Đức Chí Tôn. Ông phủ Ngô Văn Chiêu được coi như là người Anh Cả của tất cả các Tín Đồ Cao Đài, vì ông là người thứ nhất đã được những lời truyền dạy của Đức Chí Tôn về đạo Cao Đài và cách thức thờ phụng Thiên Nhỡn.
Số tín đồ của Đức Chí Tôn lúc đó có 12 người: Ngài cùng các ông Chiêu, Kỳ, Trung, Hoài, Sanh, Bản, Sang, Quý, Giảng, Hậu, Đức, Cư. Ngày mồng 1 tháng Giêng năm Ất Hợi (Tháng hai năm 1926) Đức Chí Tôn có giáng trong một buổi cầu. Sau khi khen ngợi lòng gắng gỏi của mỗi người, Đức Chí Tôn có lưu lại một bài thơ kỷ niệm:
Chiêu kỳ trung độ dẫn hoài sanh
Bản đạo khai sang quý giảng thành
Hậu đức tắc cư thiên địa cảnh
Hườn minh mân đáo thủ đài danh.
Ngày 23-8 năm Bính Dần có một buổi cầu cơ long trọng được tổ chức tại nhà Ông Võ Văn Cương ở số 245 đường Galliesni. Bản danh sách Tín Đồ Cao Đài được thành lập và một bản tuyên ngôn chính thức được khởi thảo để gửi cho Chính Phủ Pháp có tất cả 145 người ký. Trong số những người ký, có những công chức đủ mọi ngành, có những thương gia, kỹ nghệ gia và văn gia đủ các hạng…
THIÊN PHONG HỘ PHÁP
Một đêm đàn long trọng không tiền khoáng hậu lập nên vào năm 1927 tại nhà Ngài Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, đường Tổng Đốc Phương trong Chợ lớn. Đêm ấy có tất cả 19 người. Trong số đó có Ngài, Ngài Quyền Giao Tông Lê Văn Trung, ông Cao Thượng Phẩm, ông Phủ Chiêu v.v…
Sau khi Đức Chí Tôn xuống cơ trục xuất ông Phủ Chiêu, rồi nhập vào người ông Cao Thượng Phẩm, cầm nhang bước lên bàn thờ và khám thờ Thiên Nhỡn. Lúc bấy giờ Ngài đứng ở sau, không nhằm chỗ. Đức Chí Tôn cầm nhang dẫu không nói ra lời, nhưng đã dùng huyền diệu cho Ngài cảm thông biết rằng: Chỗ của Ngài đứng là ở trên bàn thờ đối diện với bàn thờ Đức Chí Tôn. Ngài bước lên chỗ Đức Hộ Pháp phải đừng từ đây, mỗi lần có đàn đại lễ.
Thế là Đức Chí Tôn đã ban cho Ngài chức Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, trực tiếp dưới quyền có Thượng Sanh và Thượng Phẩm.
Ngài là người nắm cơ mầu nhiệm của đạo, nắm luôn cả nền đời thiết thực, xữ đoán chư chức sắc thiên phong và cả chư tín đồ giữ gìn cho đạo khỏi quy phàm, nâng đở cho đời vào thánh vị.
Ngài Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung đăng tiên năm 1933, giỗ xong tang vào ngày 8 tháng 11-1935. Những cuộc lễ vĩ đại được tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh vào ngày 8,9,10 tháng 11 dương lịch có hàng vạn tín đồ các nơi về dự kiến.
Một đại hội đồng gồm cả Nhơn Sanh và Hội Thánh tập hợp vào những ngày 11, 12 sau ba buổi hỗi lễ để giải quyết vấn đề cử người thay thế Ngài quyền Giáo Tông đã đăng tiên.
Tất cả Hội Nhơn sanh và Hội Thánh đều đồng thanh hoàn toàn đặt lòng tín nhiệm nơi Ngài cầm quyền thống nhất chánh trị đạo cho đến ngày có Đầu Sư chính vị.
Ngài được thiên phong chức Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, nay Ngài Chưởng Quản thêm cả Cửu Trùng Đài, thay mặt cho Đức Chí Tôn, đặng bảo tồn đạo tại thế cùng dìu dắt con cái của Đức Chí Tôn trên đường đạo.
T
IV
Những trở lực trên đường hành đạoNgài và các chức sắc đạo Cao Đài, lúc nào cũng tận tâm, lao khổ, len lỏi truyền bá Đạo Trời, vì đều có ý thức rằng: Đạo Cao Đài khai trễ ngày nào là hại nhân sinh thêm ngày ấy. Nhưng một số người vô lương, quá thiên về bã lợi danh, dựa theo quyền đời, ám hại người đạo mưu đồ vu cáo, phao truyền làm cho Hội Thánh Cao Đài phải rời rã và Ngài phải lưu vong một thời gian.
Chúng dịch và chú giải những pháp luật của đạo Cao Đài như Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Đạo Nghị Đinh, Hội Thánh, Hội Nhân sanh, Tòa Giám, Cửu Viện… ra là Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện Cửu bộ Đài Quan, Tòa Án, Tòa Bố… rồi vu cáo cho đạo Cao Đài là có âm mưu đồ vương định bá, Đạo Cao Đài lập một nước nhỏ trong một nước lớn và chủ trương Quân Chủ Lập Hiến.
Ngày 23 tháng 7 Canh Thìn (1940), lính mật thám vào châu vi Thánh Địa xét giấy tờ và đóng cửa Báo Ân Từ.
Ngày 8 tháng 11 Canh Thìn (1940), lính mật thám đem 5 xe ô tô lớn vào Tòa Thánh bắt các chức sắc và đạo hữu giải ra Tây Ninh.
Ngày 25-5, Tân Tỵ (1941), Chánh phủ Pháp ra lệnh cấm nhân công tạo tác Tòa Thánh.
Ngày 4 tháng 6 Tân Tỵ (1941), mật thám vào Tòa Thánh, Bắt Đức Hộ Pháp.
Ngày 9 tháng 7 Tân Tỵ (1941), chủ quận và một số đông cò và lính vào châu vi Tòa Thánh xét giấy thuế thân các đạo hữu Cao Đài và ra lệnh đuổi tất cả người ở các tỉnh về xứ mình cấm không cho những người các tĩnh về ở trong châu vi Tòa Thánh Tây Ninh.
Ngày 11 tháng 7 Tân Tỵ (1941), lính mật thám vào Tòa Thánh bắt 4 vị chức sắc Thiên Phong và bắt thêm tại Saigon một vị Đại Thiên Phong.
Ngày 7 tháng 8 Tân Tỵ (1941) quân đội Phát xít Nhật chiếm đóng Tòa Thánh. Ngày 25 tháng 10 Tân Tỵ, lính mật thám vào Tòa Thánh bắt chiếm ba vị chức sắc nữa.
Ngày 7 tháng 3 Nhâm Ngọ (1942) quân đội Pháp xung công trường học, kho sách. Ngày 20 tháng 3 năm Nhâm Ngọ, quân đội Pháp và chủ quận xung công tất cả văn phòng và chiếm đóng chu vi Tòa Thánh.
Trong khi quân giặc khủng bố các tín đồ tại Tòa Thánh thì chúng đưa đầy Đức Hộ Pháp sang Madagascar, dưới chiếc tầu Compiège vào ngày 27 tháng 7 năm 1941 cùng 5 vị chức sắc.
Cùng đi đầy trong chuyến đó có nhiều nhà cách mạng như các ông Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thế Song, Ngô Văn Phến… Ngài Hộ Pháp cũng như các vị chức sắc, tới Madagascar phải câu lưu trong trại giam cho đến ngày 24 tháng 11 năm 1944 mới được ra ngoài làm việc.
Khi quân Đồng Minh thắng thế, phe De Gaulle giải phóng nước Pháp, Ngài mới được tha đưa về Việt Nam ngày 1 tháng 10 năm 1946.
Thế là Ngài phải biệt xứ, xa các tín độ trong khoảng thời gian 5 năm 2 tháng 3 ngày.
Trong những ngày đi đầy lao khổ nơi viển xứ. Ngài đã được Đức Chí Tôn che chở nên bao tai nàn đều qua khỏi.
Một lần xe ô tô chở Ngài cùng mấy chục người tù đầy, qua chiếc cầu bắc ngang sông. Xe đang đi trên cầu cao, thì cầy gãy, đâm xuống sông, đem theo cả bao nhiêu người, thế mà không ai bị chết hoặc bị thương.
Một lần nữa, chiếc xe chở tù trong đó có Ngài, đang leo lên dốc núi, thì bị thụt lùi, lăn từ trên cao xuống. Chỉ một chút nữa là lao xuống vực thẳm tan tành cả người lẫn xe. May sao, một gốc cây bên bờ vực thẳm đã đón lấy và ngăn lại kịp.
Cả hai lần mọi người trong xe đều sung sướng, chỉ Ngài mà xưng tụng: “Chúng ta thoát chết đều là nhờ ông lão này”. Rồi họ cười ầm ĩ, hồn nhiên vui vẻ, và từ đấy ai cũng có cảm tình với Ngài.
Về đến nước vào cuối năm 1946, Đức Hộ Pháp lại phải đối phó với bọn vô thần có chủ trương diệt các tôn giáo.
Người Pháp theo chân người Anh đột nhập Saigon, mưu mô tái chiếm V.N. Các tín đồ Cao Đài cũng như các con yêu của Tổ Quốc đều đứng dậy mang tầm vong đánh quân xâm lăng. Phong trào Quốc Gia kháng chiến dâng cao. Cộng Sản V.M. sợ đoàn thể mình sẽ chìm đắm trong phong trào Quốc Gia kháng chiến, mới tìm cách diệt dần các Giáo phái cũng như các Đảng Phái Quốc Gia. Bao nhiêu tín đồ Cao Đài đã bị khủng bố, đã bị mất tích, đã bị chết bởi bàn tay V.M. đẫm máu.
Thế chịu đựng đã đến mức cùng, không sao có thể đoàn kết với kẻ chí tâm giết mình các tín đồ Cao Đài phản kháng lại.
Việt minh chẳng những khủng bố các tín đồ Cao Đài tại địa phương, mà lại còn đem quân vây hãm cả Tòa Thánh. Nhờ có uy đức của Ngài, quân đội Cao Đài đã thành lập, đẩy lui được quân độc tài khát máu, man dã, bảo vệ Tòa Thánh, để các chức sắc có thể tiếp tục hành đạo và các tín đồ có thể thờ phụng Đức Chí Tôn trong an ninh trật tự.
T
V
Công nghiệpNgài là một trong những tín đồ được Đức Chí Tôn chọn lọc đầu tiên, lại sớm được Thiên Phong Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Đài, giữ gìn mối đạo buổi đầu cùng với Ngài quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.
Sau khi Ngài Lê Văn Trung đăng tiên, Ngài chưởng quản cả nhị Hữu Hình Đài, dẫn dắt các tín đồ cả Đạo lẩn Đời.
Ngài là một người có kỳ tưởng trời ban một cách rất huyền bí Nhờ uy tín và quyết tâm của Ngài, Đạo Cao Đài phát triển không ngừng, dầu gặp bao nhiêu trở lực khó khăn.
Công nghiệp vĩ đại của Ngài bao gồm:
1) Xây dựng Đền Thánh.
2) Theo lời dậy bảo của Đức Chí Tôn, tổ chức Hội Thánh và Hội Nhân sanh.
3) Phát triển Đạo ra khắp bốn phương.
4) Thành lập quân đội để bảo vệ Đạo và tranh đầu giải phóng dân tộc.
A. – CÔNG CUỘC XÂY DỰNG ĐỀN THÁNH.
Đền Thánh là một công trình kiến trúc làm cho các du khách ngoại quốc phải khâm phục vì những tính cách tân kỳ và vĩ đại. Đức Giáo Tông Danh dự Lý Thái Bạch đã gián tiếp chỉ dẫn tỉ mỉ, về kiểu mẫu cũng như về cách xây dựng ngôi đền thiêng liêng, qua Đức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC. Không ai có thể tưởng tượng được một công trình tân kỳ và vĩ đại như thế, có thể thực hiện chỉ bằng công quả các tín đồ thập phương trong những phương tiện rất eo hẹp. Một đặc điểm là tất cả những thợ xây, thợ hồ trong thời kỳ xây dựng Đền Thánh đều phải thủ trinh để gây một bầu không khí trong sạch thiêng liêng.
Nền móng bắt đầu đặt năm 1933, đến năm 1936 mới khởi công xât lên và cất xong vào năm 1941. Đền chưa kịp trang hoàn thì Đức Hộ Pháp bị đầy trong một thời gian hơn 5 năm, nên công cuộc phải tạm đình. Năm 1946, Ngài trở về mới tiếp tục sửa sang lại và trang hoàng rực rở. Đền Thánh mở cửa ngay từ năm 1947, Nhưng mãi tới năm 1954 mới hoàn thành hẳn và khánh thành vào đầu tháng Giêng năm Ất Mùi (1955).
Đền Thánh dài 145 thước rộng 40 thước, cao 36 thước, về phía gác chuông Hiệp Thiên Đài, 25 thước nơi Cửu Trùng Đài và 30 thước nơi Bát Quái Đài, quay mặt về hướng tây, trang hoàng rất mỹ thuật bằng tất cả những biểu hiện của Tam Giáo Ngủ Chi.
B – CÔNG CUỘC TỔ CHỨC HỘI THÁNH VÀ HỘI NHÂN SANH.
Theo đúng Pháp Chánh Truyền của Đức Chí Tôn ban xuống, Ngài đã tổ chức Hội Thánh cũng như Hội Nhân sanh rất có quy củ phép tắc chưa từng thấy ở các đạo thế gian. Nhờ vậy mà nền đạo được vững vàng và phần đời cũng được sống yên vui trong bầu không khí hòa hảo tươi tốt.
Quyền điều khiển cả đạo lẫn đời thuộc về ba cơ quan tối cao:
Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài, Cơ quan Phước Thiện.
CỬU TRÙNG ĐÀI. – Do Đức Giáo Tông Chưởng quản, giữ quyền hành chính, dìu dắt các tín đồ trên đường Đạo cho khỏi phạm Thiên Điều.
Các chức sắc Cửu Trùng Đài theo thứ tự trên dưới có:
1) Giáo Tông.............................. 1 vị
2) Chưởng Pháp......................... 3 –
3) Đầu Sư................................... 3 –
4) Chánh Phối Sư....................... 3 –
5) Phối Sư................................... 33 –
6) Giáo Sư.................................. 72 -
7) Giáo Hữu............................... 3000 –
8) Lễ Sanh.................................. Vô hạn định
9) Chánh trị sự............................ -
10) Phó trị sự.............................. -
11) Thông sự.............................. -
12) Tín Đồ.................................. -
Cửu Trùng Đài có 9 viện phụ giúp: Lại viện, Lễ viện, Hòa viện, Hộ viện, Lương viện, Học viện, Nông viện, Công viện, Y viện.
HIỆP THIÊN ĐÀI. – Do Đức Hộ Pháp Chưởng quản, giữ quyền lập pháp để bảo vệ đạo, có các ông Thượng Phẩm và Thượng Sanh trực thuộc. Ba vị trên điều khiển thập nhị thời quân, Các chức sắc bên Hiệp Thiên Đài theo thứ tự trên dưới sau đây:
Thượng Sanh Hộ Pháp Thượng Phẩm
Bảo Thế Bảo Pháp Bảo Đạo
Hiến Thế Hiến Pháp Hiến Đạo
Khai Thế Khai Pháp Khai Đạo
Tiếp Thế Tiếp Pháp Tiếp Đạo
Các chức sắc thứ hạng của Hiệp Thiên Đài có:
1) Tiếp Dẫn Đạo Nhơn
2) Chưởng Ấn
3) Cải Trạng
4) Giám Đạo
5) Thừa Sử
6) Truyền Trạng
7) Sỹ Tải
8) Luật Sự
CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN. – Có nhiệm vụ trông nom, săn sóc các ông già, bà lão, các mẹ góa, con côi, các người tàn tật, trong đạo cũng như ngoài đạo. Và nâng đỡ, về tinh thần cũng như về vật chất, gia đình những vị chức sắc đã nguyện xuất gia để hoàn toàn nhập đạo.
Các chức sắc của Cơ Quan Phước Thiện gồm có:
1) Phật Tử
2) Tiên Tử
3) Thánh Nhơn
4) Hiền Nhơn
5) Chơn Nhơn
6) Đạo Nhơn
7) Chí Thiện
8) Giáo Thiện
9) Hành Thiện
10) Thính Thiện
11) Tân Dân
12) Minh Đức
C. – PHÁT TRIỂN ĐẠO RA KHẮP BỐN PHƯƠNG
Tuy Đạo Cao Đài bị thực dân Pháp, phát xít Nhật và Cộng Sản Việt Minh Khủng bố phá hoại bao nhiêu lần, nhưng nhờ sự quyết tâm và trí sáng suốt của Đức Hộ Pháp dẫn dắt, nên mỗi ngày một bành trướng.
Năm 1926 lưa thưa mới chỉ có mấy chục tín đồ. Thế mà số tín đồ hiện nay đã lên tới gần hai triệu Đạo Cao Đài, chẳng những chỉ bành trướng trên dãy đất Nam Việt mà thôi, Đạo đã lan ra Trung Việt, Bắc Việt sang Cao Mên, Ai Lao. Chẳng những thế đạo đã vượt qua muôn trùng biển cả tới Âu Châu, Mỹ Châu.
Đạo Cao Đài đã có đại diện trong nhiều cuộc hội nghị Quốc tế về Thần Học và Tôn Giáo. Ấy là ông Gabriel Goborn. Ông đã đại diện lần thứ nhất cho đạo Cao Đài trong hội nghị Quốc tế về Thần học tại Barcelone (năm 1934), lần thứ nhì trong Hội Nghi Quốc tế về Tôn giáo tại Luân đôn (1936), lần thứ ba trong Hội Nghị Quốc Tế về Thần Học tại Glasgow (1933), lần thứ tư trong Hội Nghị Quốc Tế về Tôn Giáo tại Ba Lê (1933).
Một tờ báo ở Âu Châu có viết về đạo Cao Đài như sau: “Đạo Cao Đài sẽ có một trọng trách lớn lao trong những hội nghị Quốc Tế về Tôn Giáo. Tất cả mọi người đều chú ý đến điểm đạo Cao Đài có cái lý tưởng hợp nhất các Tôn Giáo để đem thái bình ổn định lại cho thế gian. Đấy cũng là mục đích chúng ta theo đuổi.”
D. – TỔ CHỨC QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI – Các tín đồ Cao Đài tuy theo đạo nhưng không quên những bổn phận của con người thế gian.
Gặp phải buổi ly loạn đất nước bị quân ngoại xâm dày xéo rồi lại bị Cộng sản mưu mô đặt ách độc tài, các tín đồ Cao Đài đã đứng lên đấu tranh để cứu nước cũng như để bênh vực nền đạo.
Dưới sự lãnh đạo của Đức Hộ Pháp Quân Đội đã được thành lập tổ chức có hệ thống, có quy củ Và hơn hết đạo quân ấy có tính thần đạo mạnh mẽ đi đôi với một tinh thần ái quốc rất cao sẵn sàng phục vụ cho nền đạo cũng như sẵn sàng phụng sự cho Quốc Gia Dân Tộc. Nhờ đó mà quân đội được lòng dân đi đâu cũng được trìu mến, hoan hô cổ võ.
Trong vòng chưa đầy mười năm quân đội Cao Đài đã phát triển từ vài ba đại đội lên ba bốn mươi tiểu đoàn quân số có tới non ba vạn đặt dưới quyền Tổng Tư Lệnh của Trung Trướng Nguyễn Thành Phương. Đây là một lực lượng đáng kể trong công cuộc tranh đấu chống ngoại xâm và diệt Cộng sản hiện tại.
T
Lòng chiêm ngưỡng của các tín đồ và của nhân dân Việt Nam…
Công nghiệp của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Chưởng quản của Hiệp Thiên Đài lẫn Cửu Trùng Đài cầm quyền thống nhất chính trị đạo của Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ, thật là vĩ đại. Chẳng những tín đồ chúng ta tin tưởng ở Ngài mà tất cả dân tộc Việt Nam khâm phục Ngài. Hơn nữa tất cả thế giới cũng hướng về đất thánh Tây Ninh mà chiêm ngưỡng.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đặt dưới quyền thống nhất của Ngài, mỗi ngày một bành trướng. Ảnh hưởng thiêng liêng của Ngài rất rộng lớn, đã vượt qua cả biên thùy Đông Phương, lan tràn chẳng những ở Âu Châu mà còn cả ở Nam Mỹ và Bắc Mỹ.
Ngày nay giữa cảnh cốt nhục tương tàn trong nước và giữa cảnh sa đọa của thế giới hỗn loạn, tất cả tín đồ ở Việt Nam cũng như ở Thế Giới đều ngưỡng vọng ở Ngài, theo mệnh lệnh của Đức Chí Tôn, ra tay cứu thế, đưa dân tộc đến bến vinh quang, đưa nhân loại đến bờ ổn định và dẫn dắt các bổn đạo tới mức Chân, Thiện, Mỹ.
T
Tiểu sử của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về đường đạoĐoạn trên đã kể sơ lược công nghiệp lập đạo của Ô. Phạm Công Tắc tức Hộ Pháp cùng với hai ông Cao Quỳnh Cư và Cao Hoài Sang từ năm Ất Sửu (1925) là lúc bắt đầu xây bàn cho các chơn linh đến giúp dẫn đường lập Đạo.
Năm 1927 ( d l), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc vâng lịnh Đức Chí Tôn sang Kim Biên (Nam Vang) mở Đạo lúc ấy nơi đây chưa có một ai biết Đạo Cao Đài.
Lúc ở Kim Biên Đức Hộ Pháp tạm trú tại nhà Ô.Cao Đức Trọng, sau đắc Phong Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài.
Người dùng huyền diệu cơ bút do chính tay Người và ông Cao Đức Trọng chép và phổ độ nhiều nhân vật tên tuổi và công chức tại châu thành Kim Biên chẳng hạn như các ông Trần Quang Vinh, Huỳnh Văn Tuy, vân vân.. Hai ông vừa kể, hiện đang giữ chức Phối Sư phái Thượng. Đức Hộ Pháp là đồng tử bên tích cực như đoạn trên đã giải nên bất chấp cơ với ai cũng đều có kết quả mỹ mãn. Người tổ chức lập Hội Thánh Ngoại Giao tại đó, để tuyên truyền mối Đạo trong toàn lãnh Thổ Miên quốc (Cambodge). Đến năm 1951 số tín đồ tang lên 73.164 người theo bản thổng kê chánh thức của Hội Thánh trong lúc ấy.
Từ năm Bính Dần (1929) cho đến năm Quí Dậu (1933) Đức Hộ Pháp cộng tác cùng Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, xây dựng nền Đạo. Nhưng tiếc thay; Đức Quyền Giáo Tông đăng tiên và năm đó (1933). Qua năm 1935, vào ngày 11 và 12 ( dl) một phiên đại hội gồm cả Nhơn Sanh và Hội Thánh đã tổ chức để giải quyết vấn đề cử người thay thế Đức Quyền Giáo Tông.
Cả Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh đồng thanh hoàn toàn đặt tín nhiệm nơi Đức Hộ Pháp để cần quyền thống nhứt chánh trị đạo chưởng quản nhị hửu hình Đài cho đến ngày có Đầu Sư chánh vị vì lúc đó thiếu Đầu Sư.
Người hiệp cùng các Chức sắc đạo Cao Đài lúc nào cũng tận tâm lao khổ, len lỏi truyền bá đạo trời, mặc dù gặp phải nhiều trở lực bên trong cùng bên ngoài. Một số người bất lương, dựa theo quyền thế, ám hại người đạo đồ mưu vu cáo, phao truyền làm cho Hội Thánh Cao Đài phải rời rã và Đức Hộ Pháp phải lưu vong một thời gian.
Nhà chức trách lúc ấy (Pháp thuộc) vu cáo rằng: Đạo Cao Đài âm mưu đồ vương định bá, lập một nước nhỏ trong một nước lớn và chủ trương “Quân chủ lập hiến”
Ngày 23 tháng 7 Canh Thìn (1940) lính Mật Thám vào châu vị Thánh Địa xét giấy tờ và đóng cửa Báo Ân Từ.
Ngày 8 tháng 11 năm ấy, Mật Thám Pháp đem 5 xe hơi lớn vào Tòa Thánh bắt Chức sắc và đạo hữu giải ra Tây Ninh.
Ngày 25 tháng 5 Tân Tỵ (1941), chánh quyền Pháp ra lịnh cấm nhơn công tạo tác Tòa Thánh.
Ngày 4 tháng 6 năm ấy, đúng tám giờ sáng, Mật Thám Pháp vào Tòa Thánh bắt Đức Hộ Pháp.
Ngày mồng 9 tháng ấy, chủ Quận và một số đông Cò và Lính vào châu vi Tòa Thánh xét giấy thuế thân các đạo hữu Cao Đài và ra lịnh đuổi tất cả những người ở tỉnh phải về xứ, không được ở trong châu vi Tòa Thánh nữa.
Ngày 11 tháng 7 năm ấy 2 Chức sắc Hiệp Thiên Đài: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Sĩ Tải Đỗ Đăng Hiển và 3 chức sắc Cửu Trùng Đài là Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh và Thái Gấm Thanh đều bị Mật Thám Pháp bắt.
Ngày 27 tháng đó, chánh quyền Pháp đưa Đức Hộ Pháp và Chức sắc kể trên sang Madagascar (Phi Châu) dưới chiếc tàu compiège Đức Hộ Pháp và 5 Chức sắc đều bị câu lưu trong trại giam xứ ấy cho đến ngày 24 tháng 11 năm 1944 mới được ra ngoài làm việc.
Qua năm 1946, Quân Đồng Minh thắng thế phe DeGaulle giải phóng nước Pháp, Đức Hộ Pháp được phóng thích và đưa về Việt Nam ngày 1 tháng 10 năm 1946. Tính ra Người phải biệt xứ xa đạo trong khoảng thời gian 5 năm 2 tháng 3 ngày. Trong 5 vị chức sắc cùng bị đồ lưu một lượt với người, có hai ông Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển và Giáo Sư Thái Gấm Thanh đã từ trần bên ấy, còn 3 vị kia được đưa về sau.
Trong năm 1946 ấy, vì thời cuộc và hoàn cảnh bắt buộc Người phải lập Quân đội Cao Đài để tự vệ vì bị cả hai quân Pháp và Việt Minh khủng bố.
Công cuộc xây dựng Đền Thánh là một công trình kiến trúc tân kỳ và vĩ đại làm cho du khách tha phương phải khâm phục.
Công nghiệp cao cả ấy đều nhờ bàn tay xây dựng của Người và công lao của chư đạo hửu nhất là của các thợ hồ trong thời kỳ kiến tạo đều phải thủ trinh để gây một bầu không khí trong sạch thiêng liêng.
Nền móng bắt đầu từ năm 1933 đến năm 1936 mới khởi công xây cất. Đến năm 1941 vừa tạm xong, chưa kịp trang hoàng, thì Đức Hộ Pháp bị lưu đầy như đã kể ở trên.
Sau khi trở về nước, Người tiếp tục việc kiến tạo Đền Thánh được trang hoàng rực rở năm 1947, Đền Thánh mở cửa và mãi đến 1954 mới hoàn tất và Khánh Thành vào đầu tháng giêng năm Ất Mùi (1955)
Hội Thánh và Hội Nhơn sanh do Người tổ chức đúng theo Pháp Chánh Truyền và rất có qui củ phép tắc.
Mặc dù Đạo Cao Đài bị thực dân Pháp khủng bố phá hoại bao nhiêu lần nhưng nhờ sự quyết tâm và trí sáng suốt của Đức Hộ Pháp mà Đạo vẫn được phát triển.
Năm 1926, số thiện tín nhập môn chỉ có mấy mươi người. Thế mà hiện nay số tín đồ lên gần lối hai triệu rưỡi.
Đạo Cao Đài chẳng những bành trướng nội trong miền Nam Việt Nam mà thôi mà còn lan ra Trung và Bắc - Việt, sang Cao Miên, Ái lào, tới Âu Châu và Mỹ Châu nữa.
Đạo Cao Đài đã có đại diện trong nhiều cuộc hội nghị Tôn Giáo quốc tế. Ấy là ông Gabriel Gobron đã đại diện cho Đạo Cao Đài lần thứ nhất tại Hội nghị Quốc tế về Thần học ở Barcelone (năm 1934), lần thứ nhì tại Hội nghị quốc tế về Tôn giáo ở Luân Đôn (Londre) vào năm 1936, lần thứ ba tại Hội nghị quốc tế về Thần học ở Glasgow (1938) và lần thứ tư tại Hội nghị quốc tế về Tôn giáo ở Ba Lê (1939).
Một tờ báo Âu Châu viết về Đạo Cao Đài như sau: “Đạo Cao Đài sẽ có một trọng trách lớn lao trong những hội nghị quốc tế về tôn giáo. Tất cả mọi người đều chú ý đến điểm Cao Đài giáo có cái lý tưởng hiệp nhứt các Tôn giáo để đem thái bình, ổn định lại cho cả thế gian. Đây cũng là mục đích chung của chúng ta theo đuổi”.
BƯỚC LƯU VONG CỦA ĐỨC HỘ PHÁP
Ở trên, chũng tôi đã kể sơ lược công nghiệp về đường đạo mà thôi. Công nghiệp ấy không ai còn phủ nhận được. Những người hiểu rõ còn thán phục nữa là khác.
Nhưng than ôi! Kinh nghiệm đã cho ta mục kích nhiều sự ngang trái giữa cõi tạm nầy. Thiếu chi bậc vĩ nhân tạo nên sự nghiệp đồ sộ ở đời, mà rốt cuộc rồi cũng chỉ còn lưu lại cho đời sau thừa hưởng mà thôi, chớ ít khi được hưởng liền sau lúc thành công. Điều ấy gần thành như thông lệ.
Lễ khánh thành Đền Thánh cử hành xong vào đầu tháng giêng năm Ất Mùi (1955) thì cũng trong năm ấy, Tổng Tư Lịnh Quân Đội Cao Đài do chính tay Đức Hộ Pháp lập thành và do tướng Nguyễn Thành Phương lãnh đạo, ra lịnh lập Ban Thanh Trừng bắt nhiều đạo hữu giam cầm, kể cả hai người con gái của Đức Hộ Pháp. Một số thiếu nữ khác trong đạo cũng bị câu lưu mấy tháng và ép buộc phải khai nhiều điều khiếm nhã cho Đức Hộ Pháp v.v… Còn Đức Ngài cũng bị cầm lỏng tại Hộ Pháp Đường, chung quanh có quân đội võ trang canh phòng không cho ra vào. Trước cảnh tủi nhục ấy dầu cho sắt đá cũng châu mày huống lựa là con người còn mang nhục thể.
Bị cẩm lỏng từ 20 tháng 8 năm Ất Mùi (1955) đến mồng 5 tháng giêng năm Bính Thân (1956), vì quá buồn tủi cho cảnh đồng đạo tương tàn, Đức Hộ Pháp quyết định ra đi lúc 3 giờ khuya ngày ấy nhắm thủ đô Miên quốc trực chỉ. Người tá túc tại Kim Biên theo lệ khách lưu vong Thừa lúc ấy. Người lại kiến tạo thêm được Đền Thờ Phật Mẫu tại Thủ Đô nầy – Xin nhắc lại Người được Đức Thái Tử Sihanouk biệt đãi theo bực thượng khách và kính như vị Tôn Sư.
Tiếc thay một bực vĩ nhân một tay rường cét của Đạo mà Đức CHÍ TÔN nở rước về quá sớm. Ngày 10 tháng tư năm Kỷ Hợi 1956 Đức Hộ Pháp qui Tiên sau một thời gian ngọa bịnh Di hài của Đức ngài hiện còn quàn tại Đền Phật Mẩu ở Kim Biên trong một Liên Đài.
Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc sanh ngày mồng 5 tháng 5 năm Canh Dần 1980. Tính đến ngày Người đăng tiên Người hưởng thọ 70 tuổi,
Trước khi đăng tiên ngày 7 tháng 5 Kỷ Hợi 14-5-59 Người có viết cho Thái Tử Sihanouk một bức tâm thơ bằng Pháp văn xin gởi gấm bổn đạo của Người nơi Tần quôc vì Người biết trước rằng đến lúc phải cổi xác trần nhục thể tạm nầy mà trở về thiêng liêng vị.
T
Từ khóa » Tiểu Sử đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc
-
Tiểu Sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc - Khám Phá Lịch Sử
-
Phạm Công Tắc – Wikipedia Tiếng Việt
-
23. TIỂU SỬ ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC - YouTube
-
[PDF] TIỂU SỬ ĐỨC HỘ-PHÁP PHẠM CÔNG TẮC
-
TIỂU SỬ ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC | Đạo Và đời Qui Nguyên
-
Tiểu Sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc - Bất Động Sản ABC Land
-
CDTV 23 - TIỂU SỬ ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC
-
Tiểu Sử Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc | Kinh Sách Cao-Đài
-
Sơ Lược Tiểu Sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc | Kinh Sách Cao-Đài
-
Có Phải Côn đồ đập Phá Tượng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ở Tây ...
-
Tiểu Sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Và Đạo Cao Đài ...
-
TiỂu SỬ ĐỨc HỘ Pháp PhẠm Công TẮc - · Pdf Filenhân Loại...