Tiểu Sử Tổ Bạch Vân – Thủ Đoan Thiền Sư (Đời Thứ 9 Tông Lâm Tế

Fb-Button

TIỂU SỬ

TỔ BẠCH VÂN – THỦ ĐOAN 白 雲 守 端 (1025-1072)

Đời thứ 9 tông Lâm Tế – Thiền Tông Trung Hoa

oOo

Người xưa đối cảnh tỉnh cơn mơ Đốn phá vô minh sạch mối ngờ Anh sợ người cười, sai một thẻ Hắn mừng tôi thích, biết thiên cơ Nghe qua tự rõ đời hư huyễn Lập tức ngộ ngay tánh sạch nhơ Dạo khúc tơ đồng, ai kẻ biết Người đông hiếm kẻ đạt thiền cơ.

Thiền Sư Bạch Vân Thủ Đoan họ Cát, người Hoành Dương, thuở nhỏ học Nho, đến hai mươi tuổi theo Úc Sơn Chủ ở Trà Lăng xuất gia.

Đến cầu pháp nơi Tổ Dương Kỳ. Tổ hỏi: Bổn sư ngươi là ai?

Ngài thưa: Hòa Thượng Úc ở Trà Lăng.

Dương Kỳ bảo: Ta nghe ông ấy qua cầu bị té có tỉnh, làm một bài kệ kỳ đặc, ngươi có nhớ chăng?

Ngài tụng rằng:

Ngã hữu minh châu nhất khỏa Cửu bị trần lao quan tỏa Kim triệu trần tận quang sanh Chiếu phá sơn hà vạn đóa.

Dịch:

Ta có một viên minh châu Đã lâu vùi tại trần lao Hôm nay trần sạch sáng chiếu Soi tột núi sông muôn thứ.

Dương Kỳ liền cười rồi đi. Ngài ngạc nhiên, suốt đêm không ngủ. Hôm sau, Ngài đến thưa hỏi nguyên nhân, gặp ngày cuối năm, Dương Kỳ hỏi: Ông thấy người hát Khu Na(1) hôm qua không?

– Dạ thấy.

– Ông thua hắn ta một nước rồi.

Ngài bối rối: Ý Hòa Thượng thế nào?

– Hắn thích người cười, nhưng ông thì sợ người ta cười!

Ngài chợt đại ngộ! Ở lại hầu Dương Kỳ một thời gian khá lâu sau mới từ tạ.

Ngài đến Lô Phụ, Thiền Sư Nột ở Viên Thông cử Ngài trụ trì chùa Thừa Thiên, tiếng tăm vang dội. Kế đó Ngài lại trụ tại Viên Thông, rồi Pháp Hoa, Long Môn, Hưng Hóa, Hải Hội, nơi nào Chúng cũng tụ họp rất đông.

oOo

Tăng hỏi: Thế nào là Phật?

Ngài đáp: Chảo dầu không chỗ lạnh.

Tăng hỏi: Thế nào là đại ý Phật Pháp?

Ngài đáp: Đáy nước thả trái bầu.

Tăng hỏi: Thế nào là ý Tổ Sư từ Tây sang?

Ngài đáp: Quạ bay thỏ chạy.

Tăng hỏi: Chẳng cầu Chư Thánh, chẳng trọng kỷ linh, chưa phải là việc phần trên của nạp tăng, thế nào là phần trên của nạp tăng?

Ngài đáp: Nước chết chẳng chứa rồng.

Tăng hỏi: Khi thế ấy đi thì sao?

Ngài đáp: Lừa chết ngươi.

oOo

Ngài thượng đường dạy: Chim có hai cánh bay chẳng xa gần, đường bay một góc đi không trước sau, hàng Tăng gia các ông tầm thường cầm muỗng buông đũa trọn nói tri hữu, đến khi leo lên núi tại sao lại thở gấp. Chẳng thấy nói: Người không nghĩ xa ắt có lo gần?

oOo

Ngài dạy Chúng: Phật đất chẳng độ nước, Phật gỗ chẳng độ lửa, Phật vàng chẳng độ lò đúc, Phật thật ngồi ở trong. Đại chúng! Ông già Triệu Châu một lúc đem mười hai phần xương, tám muôn bốn ngàn lỗ chân lông dồn vào trong lòng các ông rồi. Ngày nay Viên Thông (Ngài) trông thấy bất bình vì người xưa nói ra.

Ngài lấy tay vỗ giường thiền nói: Nên biết núi biển về minh chủ, chưa tin càn khôn lấp người lành.

oOo

Ngài dạy Chúng: Thân Phật đầy dẫy nơi pháp giới, khắp hiện trước tất cả quần sanh, tùy duyên cảm ứng đâu chẳng khắp, mà thường ở nơi tòa Bồ-đề. Đại chúng! Thế nào nói đạo lý tùy duyên cảm ứng? Chỉ là khoảng khảy móng tay cả đại địa hàm sanh căn cơ một lúc nên được khắp đủ, mà chưa động đến một đầu mảy lông, bèn nói là tùy duyên cảm ứng mà thường ở tòa này. Ví như sơn tăng ngày nay nhận thỉnh đến Pháp Hoa, ngày mai cùng đại chúng từ biệt nhau, vào trong huyện khai đường rồi mới trở về viện. Hãy nói lại lìa tòa này hay không? Nếu nói lìa là việc thường thế gian. Nếu nói chẳng lìa, làm sao thấy được việc chẳng lìa ấy? Đâu chẳng phải “vô biên cõi nước kia đây chẳng cách đầu mảy lông, mười đời xưa nay trước sau chẳng lìa đương niệm?” Lại đâu chẳng phải “tất cả vô tâm một lúc tự khắp?” Nếu thế ấy chính là cầm gậy đập mặt trăng. Đến trong đây cần phải ngộ mới được. Ngộ rồi cần phải gặp người mới được. Các ông nói đã ngộ rồi thì thôi, lại đâu cần gặp người. Nếu ngộ rồi gặp người, chính khi duỗi tay phương tiện rõ ràng tự có một con đường xuất thân, chẳng làm mù con mắt học giả. Nếu chỉ ngộ được đầu cây cải khô, chẳng những làm mù con mắt học giả, chính mình cử động liền bị chạm bén đứt tay.

Các ông xem! Thầy tôi là Dương Kỳ hỏi Sư ông Từ Minh “Khi chim vắng kêu chão chẹt, mây từ vào núi chùm thì thế nào?” Sư ông đáp: “Ta đi trong cỏ rậm, ngươi lại vào thôn sâu”. Thầy tôi thưa “Quan chẳng cho lọt mũi kim, lại xin một câu hỏi”. Sư ông liền hét! Thầy tôi thưa “Khéo hét!” Sư ông lại hét! Thầy tôi cũng hét! Sư ông hét luôn hai tiếng! Thầy tôi liền lễ bái.

Đại chúng nên biết, ngộ rồi lại gặp người là: nhằm trên đầu đường chữ thập cùng người gặp nhau, lại ở trên ngàn ngọn núi nắm tay, nhằm trên ngàn ngọn núi gặp nhau, lại ở đầu đường chữ thập nắm tay. Vì thế sơn tăng thường có tụng “Chỗ ở người kia ta chẳng ở, chỗ đi người kia ta chẳng đi, chẳng phải vì người khó chung hợp, trọn là tăng tục cốt phân minh”. Đây là sơn tăng sắp đi mở toang túi vải, một lúc ném ở trước mặt mọi người rồi vậy. Người có mắt chớ lấy làm lạ. Trân trọng!

oOo

Ngài thượng đường dạy: Cổ nhân để lại một lời nửa câu, khi chưa thấu sờ đến giống hệt vách sắt. Bỗng nhiên một hôm sau khi nhìn được thấu, mới biết chính mình là vách sắt. Hiện nay làm sao thấu?

Ngài lại nói: Vách sắt! Vách sắt!

oOo

Sư thượng đường dạy: Nếu quả thật được một phen xuất hạn, liền nhằm trên một cọng cỏ hiện lầu quỳnh điện ngọc; nếu chưa quả thật được một phen xuất hạn, dù có lầu quỳnh điện ngọc lại bị một cọng cỏ che lấp. Thế nào được xuất hạn? Tự có một đôi tay khéo ấy, đâu từng xem nhẹ vũ tam đài.

oOo

Năm Bính Tuất, niên hiệu Hy Ninh thứ năm (1073), đời vua Tống Thần Tông, ngài an nhiên thị tịch, trụ thế 48 năm.

Có bài tán:

Kia thích người cười Đèn mờ tỏ rạng Ông sợ người cười Minh châu mất sáng Ngộ thấu ta, người Tơ đồng biệt điệu Vạn dặm hư không Diều đồng no gió.

——=oOo=——

(1) Khu Na: Lễ hội cổ truyền của người Trung Quốc, tổ chức vào cuối năm hoặc đầu xuân để giải trừ yêu quái gây bệnh dịch hạch.

Fb-Button

Bài tương tự:

  1. Tiểu sử Tổ Phần Dương – Thiện Chiêu Thiền Sư (Đời thứ 6 tông Lâm Tế – Thiền Tông Trung Hoa)
  2. Tiểu sử Tổ Ngũ Tổ – Pháp Diễn Thiền Sư (Đời thứ 10 tông Lâm Tế – Thiền Tông Trung Hoa)
  3. Tiểu sử Tổ Hổ Khâu – Thiệu Long Thiền Sư (Đời thứ 12 tông Lâm Tế – Thiền Tông Trung Hoa)
  4. Tiểu sử Tổ Đại Huệ – Tông Cảo (Đời thứ 50 – Thiền Tông Trung Hoa)
  5. Tiểu sử Tổ Mật Am – Hàm Kiệt Thiền Sư (Đời thứ 14 tông Lâm Tế – Thiền Tông Trung Hoa)

Từ khóa » Tiểu Sử Sư ông Bạch Vân