Tìm Cách Bảo Vệ Ngành Gỗ Xuất Khẩu Tỉ USD

Mỹ là một trong những thị trường lớn của ngành gỗ Việt, trong đó có mặt hàng tủ gỗ. Do vậy, trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với mặt hàng tủ gỗ dạng tủ bếp và tủ nhà tắm được nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp Việt quan tâm.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thiệt hại nặng nếu bị áp thuế cao

. Phóng viên: Bộ Thương mại Mỹ mới đây cho biết đã nhận đơn đề nghị xem xét phạm vi sản phẩm và điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể việc này như thế nào, thưa ông?

+ Ông Đỗ Xuân Lập: Việc điều tra này được tiến hành là do Liên minh tủ bếp Mỹ cáo buộc các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã nhập tủ, bộ phận tủ từ Trung Quốc (đang bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao), sau đó lắp ráp hoàn thiện rồi xuất khẩu sang Mỹ. Dự kiến sau 30 ngày xem xét, DOC sẽ thông báo chính thức có quyết định khởi xướng điều tra hay không.

Tuy nhiên, tôi tiếp xúc với các đơn vị tham gia vụ kiện này thì họ khẳng định 80%-90% là DOC sẽ tiến hành khởi kiện, điều tra về lĩnh vực này.

. Nếu bị điều tra và áp thuế cao sẽ gây thiệt hại thế nào tới ngành gỗ Việt Nam?

+ Hiện Mỹ là thị trường lớn nhất của các sản phẩm tủ gỗ, chiếm tỉ lệ đến 99%. Riêng trong năm ngoái, giá trị xuất khẩu tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 2,7 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu tủ gỗ sang Mỹ chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt.

Vì vậy, nếu bị áp thuế cao, các nhà máy sản xuất mặt hàng này xuất sang Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn, thậm chí đóng cửa. Từ đó ảnh hưởng tới cả ngành gỗ như làm giảm sút doanh số, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động, đồng thời ảnh hưởng tới uy tín của ngành gỗ Việt trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỉ USD. Với bối cảnh như hiện nay, việc đạt được mục tiêu trên sẽ có nhiều thách thức. Vì hiện nay dù DOC chưa chính thức tiến hành điều tra nhưng đã có hiện tượng giảm đơn hàng. Cùng với đó là lạm phát tăng cao, nhu cầu của người dân cũng giảm đi.

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2022 dự báo sẽ đối diện với nhiều thách thức. Ảnh: AH

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2022 dự báo sẽ đối diện với nhiều thách thức. Ảnh: AH

Chủ động rà soát xuất khẩu

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cũng đã khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ dạng tủ bếp và tủ nhà tắm chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Mỹ. Nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong suốt quá trình của vụ việc để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Tìm giải pháp ứng phó

. Vậy hiệp hội gỗ và các bên liên quan của Việt Nam làm gì để ứng phó, chứng minh sự minh bạchvà bảo vệ các sản phẩm tủ gỗ xuất khẩu?

+ Ngày 12-5 vừa qua, Bộ Công Thương và các hiệp hội gỗ đã tổ chức họp trực tiếp tại TP.HCM để bàn cách ứng phó về vấn đề này. Đây là buổi họp thứ hai kể từ khi DOC tiếp nhận đơn của Liên minh tủ bếp Mỹ. Nội dung cuộc họp nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phản biện cho doanh nghiệp.

Trước đó, chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi tới các bộ NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT về vấn đề này. Bộ KH&ĐT còn ra công văn gửi cho các doanh nghiệp về việc kiểm soát đầu tư FDI (vốn đầu tư nước ngoài) vào sản xuất những sản phẩm là các mặt hàng đang bị áp thuế ở nước thứ ba. Các đơn vị trong ngành gỗ cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ. Tủ gỗ là ngành hàng quan trọng, chủ lực của ngành gỗ nước ta nên cần được bảo vệ để duy trì xuất khẩu.

. Lâu nay đã có nhiều ý kiến cảnh báo tình trạng đầu tư núp bóng hay gian lận xuất xứ trong ngành gỗ để xuất khẩu. Vậy ngành gỗ có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

+ Giải pháp đầu tiên là không sử dụng các sản phẩm hoặc nguyên vật liệu theo định hình, định dạng những sản phẩm đã bị nước mua hàng của mình áp thuế với nước thứ ba. Đồng thời phải có giải pháp chuyển đổi sử dụng nguyên liệu trong nước để phát triển ổn định, bền vững, giảm thiểu các vụ kiện.

Bên cạnh đó, chúng ta đẩy mạnh hợp tác với các hiệp hội xuất nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Mỹ, tổ chức Forest Trend, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)… để hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực đáp ứng với cuộc điều tra.

Qua câu chuyện này cũng cho thấy cần phải có giải pháp để hạn chế nhập khẩu hay hạn chế sản xuất các sản phẩm bị áp thuế ở nước thứ ba.

. Xin cám ơn ông.

Xuất khẩu tủ sang Mỹ tăng mạnh

Hồi tháng 4-2020, Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với mặt hàng tủ gỗ dạng tủ bếp và tủ nhà tắm có xuất xứ từ Trung Quốc. Mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm trên tương ứng từ 4,37% đến 262,18%; mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%.

Theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, trong giai đoạn 2019-2021, sau khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc, nhập khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 54%, từ 2,5 tỉ USD xuống còn 1,6 tỉ USD. Ngược lại, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng tới hơn 130%, từ 1,37 tỉ lên 2,7 tỉ USD.

AN HIỀN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Gỗ ủi