Tìm Giải Pháp An Toàn Cho Người Dân Miền Trung Mùa Bão Lũ - CAND

Khi chúng tôi đang làm loạt phóng sự điều tra này thì ngày 15,16,17/10/2010 những cơn lũ mới lại chồng lên lũ cũ khiến nhiều huyện miền núi của Hà Tĩnh, Quảng Bình chìm trong biển nước. Để chống chọi kịp thời với đói, rét, thiếu giống, vốn sản xuất, người dân miền Trung lại phải cầu viện đến tấm lòng hảo tâm của đồng bào cả nước. Một lần đổ nhà, mười năm sau mới "hồi sức". Điệp khúc "Lụt - Chạy - Cầu viện - Đói nghèo" như một quy luật luẩn quẩn cứ bám riết đời sống người dân nơi đây.

Mưu cầu một môi trường sống an toàn để phát triển ngay tại nơi chính họ đã sinh ra của người miền Trung bây giờ cần hơn bao giờ hết… Tất cả những người được hỏi, từ chuyên gia trị thủy, cán bộ chống lụt bão đến người dân vùng lũ, đều khát khao trả lời câu hỏi đó và tin tưởng: Hoàn toàn có một lối ra khả dĩ cho bài toán lũ lụt miền Trung!

Xây trường, trạm y tế… "hai trong một" để phòng, tránh lũ

Nhiều cán bộ đề xuất: Bên cạnh phải làm tốt, làm thực tế phương án "4 tại chỗ" như Báo CAND đã đề cập, Nhà nước cần chi tiết, cụ thể đến từng khu dân cư thường xảy ra ngập lụt ở miền Trung để có phương án đối phó phù hợp, hữu hiệu. Đối với những nơi thấp, vùng trũng hay bị lũ, cần được đầu tư các trường học, trạm y tế kiên cố, xây cao 3 đến 5 tầng. Ngày thường trường học, trạm y tế phục vụ nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của người dân. Khi bão lũ xảy ra, trường học, trạm xá xã trở thành nơi ẩn trú cho người dân và tích trữ lương thực, thực phẩm của họ. Thậm chí, nếu lũ lụt diễn ra nhiều ngày hết lương thực thì máy bay trực thăng có thể đậu trên nóc trường học, trạm xá xã để cứu trợ.

Cần nghiên cứu thay đổi cách thả mỳ tôm, lương khô xuống giữa vùng rốn lũ để cứu trợ. Làm như vậy, lương thực đến tay người dân thì ít mà trôi theo nước lũ thì nhiều, ngoài ra còn nguy hiểm đến tính mạng người dân khi họ bơi ra nhận lương thực. Người dân nghèo miền Trung không thể xây nhà cao tầng, Nhà nước cũng không thể xây cho nông dân mỗi hộ một căn nhà vì vậy phương án xây trường, xây trạm y tế theo kiểu "hai trong một" xem ra thật khả thi.

Làm đường cao, xây đê to nhưng có hệ thống xả lũ

Ông Ngô Quyền, 72 tuổi, ở thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bày tỏ: "Sống gần hết cả cuộc đời ở vùng rốn lũ sông Son, tui từng chứng kiến 4 đợt lũ lớn các năm 1945, 1962, 1975, 2009, nhưng năm ni lũ to hơn cả. Để hàng ngàn hộ dân sống 2 bên bờ sông không lo mưa lũ, tui nghĩ Nhà nước nên đầu tư cho nâng cấp 2 con đường dọc sông thành 2 con đê làng. Khi lũ lên, dân làng chạy lên đê, đưa tài sản lên đê thì vừa tránh được mất mạng vừa đỡ mất tài sản. Khi lũ lên nhanh ngập nhà, ngập cửa chỉ có thuyền nhỏ của dân mới len lỏi được vào làng để cứu dân. Chứ ca nô, xuồng máy của Nhà nước không thể chạy vào được vì vướng dây điện, cây cối dễ bị lật chìm. Và nên hạn chế ca nô chạy trên sông khi lũ đến vì nhiều lúc sóng làm sập nhà dân.

Lũ chồng lũ làm thân đập Khe Mơ (Hương Sơn) bị vỡ dài gần 20m.

Thay đổi cách dự báo, không đánh đố người dân

Ông Phó ban Thường trực Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh Quảng Bình Võ Minh Doang, người có thâm niên hơn 10 năm làm Trưởng ban Phòng chống lụt bão huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi thường xuyên bị mưa lũ cho rằng: Cần thay đổi phương thức dự báo bão lũ của Đài Khí tượng thủy văn Trung ương, bởi vì mỗi khi có mưa lớn, có thể gây lũ, bản tin dự báo thời tiết của Đài THVN, Đài Tiếng nói Việt Nam đều dự báo chung chung như: Mưa lớn bao nhiêu mm, có thể gây ngập lụt ở vùng đồng bằng, sạt lở đất ở vùng núi. Nhưng thực tế ở miền Trung lũ thường gây ngập lụt trên diện rộng cả đồng bằng lẫn miền núi. Và khi dự báo mưa bao nhiêu mm thì thực tế hầu hết người dân nông thôn không thể hiểu các thông số khí tượng đó. Chẳng hạn mưa lớn 500mm, thì người dân khó có thể hiểu mưa 500mm sẽ như thế nào, nước ngập đến đâu. Dự báo kiểu này đúng là đánh đố người dân nông thôn.

Theo ông Doang, nên dự báo lũ các sông báo động cấp mấy, và các cấp dự báo thì lũ lên như thế nào. Thông thường, các cơn bão thì đều có dự báo "bão khẩn cấp", trong khi đó chưa khi nào thấy báo "lũ khẩn cấp". Nên chăng cần có dự báo vấn đề này để dân chủ động phòng tránh.

Tại các xã Đồng Văn, Thanh Ngọc, Thanh Văn, Thanh Tường… của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, là những địa phương nằm sát sông Lam, thường xuyên bị nước lũ đe dọa cuộc sống người dân. Nhưng gần 20 năm qua, người dân chưa phải sống chung với lũ lần nào là nhờ vào hệ thống đê bảo vệ dân. Các tuyến đê rộng 5-10m được trải bê tông phẳng lỳ, những lúc mưa lũ, nước sông Lam lên cao, người dân lại vận chuyển tài sản, vật dụng, trâu, bò, vật nuôi của các gia đình… tất cả đều lên đê tránh.

Công trình thủy điện không được gây lũ miền Trung

Không ít chuyên gia thuỷ lợi bức xúc: Phát triển thủy điện là cần nhưng không thể coi nhẹ yêu cầu bảo vệ rừng, phòng chống lũ lụt cho người dân khắp dải miền Trung. Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) nêu: "Việc phát triển thủy điện chưa đi đôi với công tác quản lý; các hồ chỉ xây dựng qui trình vận hành độc lập để đảm bảo nước phát điện và an toàn đập; nhiệm vụ thiết kế các hồ thủy điện vừa và nhỏ cũng chưa bố trí dung tích cắt lũ cho hạ du; theo quy trình hiện tại thì thời điểm cuối mùa lũ các hồ được phép tích nước ngang mực nước dâng bình thường. Vì vậy, khi có lũ về toàn bộ lượng lũ đến hồ được xả xuống hạ du; tất cả các hồ đều xả đồng thời trên lưu vực sông nên lũ lên nhanh và lên cao gây khó khăn cho công tác chống lũ, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.

Mặt khác, cần phải có quy trình vận hành liên hồ; nếu có qui trình vận hành liên hồ và công tác dự báo lũ tốt, chúng ta có thể điều tiết giảm một phần lũ về hạ du giảm căng thẳng ngập lụt cho các khu dân cư ven một số sông, nhất là khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, sự tác động của công trình hạ tầng cơ sở cũng khiến lũ lụt thêm nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng, trong đó có một số tuyến cắt ngang đường thoát lũ như QL1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam, dù đã được tôn cao vượt lũ nhưng không mở rộng khẩu độ thoát lũ ở các cầu, nên làm tăng ngập sâu ở thượng lưu các cầu, đường (trong các đợt lũ vừa qua có nơi chênh lệch mực nước giữa phía Tây và phía Đông đường sắt, đường bộ lên tới 1,0 - 1,5m). Lũ lụt chậm rút ở Hà Tĩnh, Quảng Bình hiện nay là do tình trạng này, cần phải sớm khắc phục".

Tôn cao nền đất nhà dân, mở rộng khẩu độ thoát lũ

Theo ông Phạm Đăng Ấp, kỹ sư cao cấp chuyên ngành trị thủy phòng lụt, "thổ mô" (tôn cao nền đất) là kinh nghiệm quý giá của ông cha ta sáng tạo nên trong cuộc đấu tranh vật lộn với lũ bão, bởi nó đơn giản, rẻ tiền, tại chỗ, ứng phó kịp thời cứu người, cứu tài sản không để lũ lụt phá hoại. Đây cũng từng là một trong hai biện pháp quan trọng trong việc đề phòng ngập lụt do chiến tranh phá hoại miền Bắc trước đây nhằm vào các con đê trong mùa lũ. Hiện nay nó vẫn còn giá trị lớn đối với những vùng dân cư thường xuyên bị bão, lũ đe dọa như miền Trung, phù hợp với phương châm chỉ đạo phòng chống lụt bão của Nhà nước: "Tự cứu và tại chỗ". Tùy theo khả năng, địa hình của từng gia đình, xóm, thôn, xã mà chúng ta tôn cao nền đất vượt trên mực nước lũ lớn nhất đã từng xảy ra ở địa phương từ 0,5-1m (đề phòng lũ sau cao hơn lũ trước).

Quy hoạch công khai liên hồ tích nước thủy điện, thủy lợi tại miền Trung để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra

Theo Tổng cục Thủy lợi Bộ NN& PTNT, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện có 79 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích trữ gần 2,4 tỷ m3; 27 hồ chứa thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý có tổng dung tích 6,426 tỷ m3 và nhiều hồ chứa nước vừa và nhỏ khác do các công ty ngoài EVN quản lý. Việc xây dựng các hồ chứa nước đã gây ngập hàng chục ngàn hecta diện tích rừng do lòng hồ chiếm chỗ, và rừng bị chặt phá để xây dựng hành lang lưới điện, đồng thời làm mất đi hàng chục nghìn hécta thung lũng là nơi tập trung nước và giữ nước mưa tạm thời, có tác dụng điều tiết làm chậm lũ trên sông chính, tăng nhanh quá trình tập trung nước và tốc độ chảy truyền trên lưu vực gây cường suất lũ lên lớn và đỉnh lũ cao. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần làm mất đi nhiều diện tích rừng đầu nguồn, suy thoái thêm thảm phủ thực vật.

Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế: Chính quyền và người dân có sự phối hợp nhịp nhàng thì việc sống chung với bão, lụt không phải quá lo ngại. Nam Đông còn thực hiện thêm "lãnh đạo tại chỗ". Năm nào cũng vậy, ngay trước mùa bão, lụt, chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn 30 tấn gạo, 300 thùng mì tôm, 5.000 lít xăng tập trung tại 2 điểm cao nhất là xã Hương Giang (20 tấn) và thị trấn Khe Tre (10 tấn), đảm bảo cứu trợ cho người dân toàn địa bàn mỗi khi bão, lụt lớn xảy ra, trong khoảng thời gian 10 ngày.

Ông Nguyễn Giáp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị: Ở những khu vực này, địa phương đã mở sẵn những con đường cứu hộ, cứu nạn lên vùng đồi núi, đề phòng những lúc vỡ hồ, đập thuỷ lợi, hay xảy ra lũ ống, lũ quét, sẽ nhanh chóng di dời bà con đến đó. Tại đây, chỗ ở tạm cho người dân cũng được chuẩn bị rất tốt, đồng thời đảm bảo đủ lượng lương thực, thực phẩm, nước uống cho bà con trong thời gian tối thiểu là 10 ngày. So với cường độ bão, lụt xảy ra tại địa bàn, thì có thể nói rằng những năm qua, địa phương đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Từ khóa » Giải Pháp Chống Lũ Miền Trung