Tìm Giải Pháp Phát Triển Bền Vững Cây Công Nghiệp

Nếu trước đây, các loại cây công nghiệp như: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu đóng góp chủ lực vào giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, thì nay, do giá sụt giảm nên sức ảnh hưởng đã thấp đi đáng kể. Vấn đề đặt ra là lối đi nào cho các loại cây công nghiệp trong tương lai, để không rơi vào tình cảnh trồng rồi chặt, chặt lại trồng?

Hiện nay, nông dân trồng nhiều loại cây công nghiệp đang gặp khó do thời tiết thất thường và thiếu nhân công lao động. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.
Hiện nay, nông dân trồng nhiều loại cây công nghiệp đang gặp khó do thời tiết thất thường và thiếu nhân công lao động. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.

ĐỒNG LOẠT GẶP KHÓ

Vụ thu hoạch tiêu vừa qua, bà Nguyễn Thị Loan (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) gần như “tiến thoái lưỡng nan” với hơn 1ha tiêu của gia đình. Giá loại nông sản này chạm đáy, trung bình giữ ở mức dưới 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc BVTV và chăm sóc ban đầu, nông dân không có lãi. Không những vậy, dù chấp nhận chịu lỗ, chi trên 250 ngàn đồng/người/ngày, bà Loan vẫn không tìm thuê được nhân công thu hái tiêu. Bà Loan cho biết: “Việc không tìm được người hái tiêu khiến gia đình tôi gặp khó khăn, bởi thời gian thu hoạch kéo dài sẽ khiến tiêu neo lại lâu trên cây. Điều này làm cho thân cây kiệt quệ khi phải nuôi hạt, do đó ảnh hưởng đến năng suất trong những vụ tiếp theo. Thậm chí, cây sẽ dễ mắc bệnh và chết”.

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều nông dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Giá tiêu chưa có dấu hiệu phục hồi, cộng với việc thiếu nhân công lao động nông nghiệp và mất mùa do thời tiết cực đoan đã khiến loại cây này không còn là “vàng đen”. Có thể nói, người trồng hồ tiêu đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất trong vài năm trở lại đây.

Hiện nay, nông dân trồng nhiều loại cây công nghiệp đang gặp khó do thời tiết thất thường và thiếu nhân công lao động. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.
Các chuyên gia kiến nghị, tỉnh cần có chính sách thu hút các DN liên kết với nông dân chế biến, xuất khẩu các loại nguyên liệu để nâng cao giá trị nông sản BR-VT. Trong ảnh: Phân loại hạt điều tại Công ty TNHH Thảo Nguyên (TX. Phú Mỹ).

Ngoài hồ tiêu, hiện nay hạt điều, cà phê giá bán cũng đang ở mức rất thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Kết thúc vụ cà phê 2019-2020, ông Đỗ Kế (thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) chỉ thu được chưa đến 3 tấn cà phê, giảm hơn 1 tấn so với năm ngoái. Ông Kế cho biết, nguyên nhân chính khiến cà phê mất mùa là thời tiết không thuận lợi. Năm ngoái mưa xuất hiện sớm, nhưng đến tháng 10 lại nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây cà phê ở giai đoạn quả kết nhân. Ngoài ra, đa số các cây cà phê trong vườn đều đã già cỗi, nên cũng không mặn mà chăm sóc do giá giảm nhiều năm liên tiếp cũng khiến năng suất thấp.

Giá cà phê năm nay cũng giảm mạnh so với năm ngoái, chỉ còn 31-32.000 đồng/kg, thấp hơn 3-4.000 đồng/kg so cùng kỳ vụ trước.

Trong khi đó, một trong những loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh là điều cũng liên tục mất mùa, giá thấp. Vụ thu hoạch năm nay, giá bán chỉ ở mức 30-35.000 đồng/kg, giảm đến 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Theo nhiều nông dân, sau hàng chục năm, đây là lần đầu tiên các loại cây công nghiệp chủ lực đồng loạt gặp khó.

LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT, TĂNG CHẾ BIẾN SÂU

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, hiện nay, diện tích các loại cây nguyên liệu (trừ cao su) trên địa bàn tỉnh khoảng gần 27.950ha. Trong đó, cà phê 5.940ha, hồ tiêu 13.000ha, điều gần 9.000ha. Trong những năm qua, các loại cây này gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do giá cả, năng suất bấp bênh, điều này đã khiến nhiều nông dân nản lòng. Tuy nhiên, theo quy hoạch của tỉnh, đây vẫn là những loại cây trồng chủ lực, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Do đó, cần nhiều biện pháp như sắp xếp lại diện tích, tăng liên kết, chế biến sâu để nâng cao hiệu quả canh tác.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, trong các loại cây công nghiệp này, hồ tiêu được tỉnh xác định quan trọng nhất, nên sẽ được định hướng để giữ nguyên diện tích 13.000ha như hiện nay. Các loại cây còn lại sẽ dần thu hẹp diện tích trồng. Song song với việc ổn định lại diện tích, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các loại cây công nghiệp. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ bà con nông dân đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất như tưới nước, làm đất, thu hoạch nhằm giảm chi phí sản xuất; thực hiện tốt, xây dựng quy trình chuẩn thâm canh bền vững để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là quy trình thu hái, bảo quản nông sản.

“Chúng tôi cũng sẽ thực hiện hỗ trợ, tăng diện tích thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, SAN... Những diện tích cây công nghiệp lâu năm già cỗi, năng suất thấp, các cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức hướng dẫn người dân trồng mới hoặc tái canh hợp lý bằng các giống có nguồn gốc rõ ràng, có năng suất và chất lượng ổn định. Đối với các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu, điều, tỉnh sẽ đẩy mạnh các mô hình liên kết với nông dân qua mô hình HTX hoặc tổ hợp tác; nông dân liên kết với DN trong sản xuất, chế biến để tạo ra nông sản an toàn, chất lượng cao”, ông Đức thông tin thêm.

Công nhân chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Thảo Nguyên (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ).         Ảnh: MINH TÂM
Công nhân chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Thảo Nguyên (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ). Ảnh: MINH TÂM

Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh, ngoài chú trọng vào sản xuất sản phẩm, chất lượng, cần có các giải pháp vĩ mô để giúp phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến, xuất khẩu cây công nghiệp.

Theo Bộ NN-PTNT, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, nhất là triển khai tốt chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân thực hiện tái canh (vốn tín dụng, kỹ thuật, tiêu chuẩn, kết nối thị trường). Bên cạnh đó, cần rà soát lại các vùng sản xuất, khuyến khích các vùng sản xuất kém hiệu quả, thiếu nguồn nước chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn; đẩy mạnh liên kết các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn, tăng cường đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị, phục vụ thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ trong nước… Riêng đối với hồ tiêu, dự báo vẫn còn nhiều dư địa phát triển, tuy nhiên DN và người sản xuất phải thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng và ATTP, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Đồng thời, ngành hồ tiêu cần nghiên cứu để gia tăng giá trị sản phẩm bằng cách chế biến chuyên sâu như hương liệu, sản phẩm có dược tính, thực phẩm chức năng.

Ví dụ như hồ tiêu BR-VT có chất lượng cao, được đăng ký thương hiệu trên thị trường nên giá loại nông sản này luôn cao hơn các tỉnh lân cận 2-3.000 đồng/kg. Dù vậy, không có DN trong tỉnh nào liên kết nông dân trong sản xuất hay thu mua, chế biến để xuất khẩu mà đều từ các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, giá tiêu nông dân bán được cũng giảm nhiều do DN phải trừ vào chi phí thu mua, vận chuyển. Cùng với đó, nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu được bán thô nên giá trị không cao.

Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh cần có thêm nhiều biện pháp để thu hút các DN tới BR-VT xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, các nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu. Khi đó, sản phẩm của nông dân sẽ có đầu ra, giá cả ổn định hơn.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

Từ khóa » Giải Pháp Nào Sau đây Là Quan Trọng Nhất để ổn định Sản Xuất Cây Công Nghiệp ở Nước Ta