Tìm Hiểu Bài Thơ "Vội Vàng" Của Xuân Diệu | Học Văn 11

  1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm:

Xuân Diệu là nghệ sĩ lớn, nhà văn hóa lớn có sức sáng tạo mãnh liệt, bền bỉ và sự nghiệp văn học phong phú. Ông đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say yêu đời tha thiết. Tiêu biểu cho giọng thơ ấy là bài thơ “Vội vàng”. (Nêu vấn đề theo đề bài)

2. Khái quát về bài thơ:

“Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước cách mạng, in trong tập “Thơ thơ” (năm 1938), là bản tuyên ngôn về lẽ sống vội vàng của nhà thơ. Bài thơ gồm bốn đoạn thơ, có thể chia làm hai phần. Phần một gồm ba đoạn thơ đầu, là niềm ngất ngây trước cảnh sắc trần gian và nêu những lí giải vì sao phải sống vội vàng; phần hai là đoạn thơ cuối, nêu cách “thực hành” lẽ sống “vội vàng”.

3. Nội dung, nghệ thuật bài thơ:

a. Phần đầu: Niềm ngất ngây trước cảnh sắc trần gian và nêu những lí giải vì sao phải sống vội vàng.

  • Khổ thơ ngũ ngôn đầu bài thơ: thể hiện một ước muốn kì lạ của thi sĩ – ước muốn quay ngược quy luật tự nhiên:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.”

Muốn “tắt nắng”, muốn “buộc gió” là những ước muốn kì lạ, chỉ có ở Xuân Diệu. Bởi thi sĩ sợ “màu nhạt mất”, “hương bay đi” – sợ rằng hương sắc, vẻ đẹp của trần gian sẽ phai nhạt mất. Ông muốn níu giữ tất cả hương sắc, vẻ đẹp của trần gian. Nhưng làm sao cưỡng được quy luật, làm sao con người tắt được nắng và buộc được gió, đó thật sự là một ước muốn không thể. Cái ước muốn lạ lùng, kì dị ấy đã hé mở một tình yêu vô bờ với trần gian thắm đượm hương sắc này.

  • Khổ thơ thứ hai: Phát hiện và say sưa ca ngợi một thiên đường ngay trên mặt đất với bao nguồn hạnh phúc kì thú:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành thơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Bảy câu thơ đầu khổ thơ là cảnh sắc trần gian:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”

Bằng những điệp từ “này đây”; nhịp thơ dồn dập, sôi nổi, trần gian hiện ra với đầy đủ vẻ đẹp, sắc hương của nó. “Này đây” là “tuần tháng mật” của ong bướm, là thời gian chúng hút nhụy hoa để lấy mật, thời gian chúng vui sống mãnh liệt nhất. “Này đây” là “hoa” của đồng nội “xanh rì”. Đó là hoa cỏ tươi thắm giữa một cánh đồng xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống. “Này đây” nữa là “lá” của một “cành tơ” căng tràn nhựa sống, phơ phất trong gió xuân. Còn những đôi chim “yến anh” đang say đắm trong “khúc tình si”. “Và này đây” nữa là “ánh sáng chớp hàng mi”. Một liên tưởng độc đáo: ánh sáng trần gian tựa như hàng mi của một cô gái đẹp, mỗi khi cô gái chớp mắt thì cả trần gian như si mê. Còn nữa, mỗi sáng sớm, thần Vui lại gõ cửa trần gian, mang đến niềm vui cho nhân loại. Bởi vì thế mà “tháng giêng” “ngon” như “cặp môi gần”. Tháng giêng mơn mởn non tơ, tháng giêng quyến rũ như một người tình rạo rực. Trần gian hiện lên trong cảm nhận của nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” là như thế: tươi đẹp, mơn mởn sức sống, chan chứa niềm vui, niềm hạnh phúc, ngập tràn tình yêu. Trần gian này chính là một thiên đường thực thụ, không phải tìm đâu xa. Trần gian này lúc nào cũng tươi xanh mơn mởn như đang giữa mùa xuân. Thi sĩ như ngất ngây, say đắm trong hương sắc của nó.

Trần gian là một thiên đường, vì thế mà Xuân Diệu tuyên bố:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Tôi không “sung sướng” sao được khi được sống giữa một thiên đường như thế? Nhưng cũng vì thế mà tôi phải “vội vàng một nửa”. Không vội vàng thì sợ không kịp mất. Tôi “không chờ” cho đến “nắng hạ” mới tiếc nhớ “mùa xuân”, tôi sẽ không để cho tuổi xuân qua đi rồi mới tiếc nhớ thời tươi đẹp ấy. Tôi phải sống ngay từ bây giờ, ngay khi đang còn trẻ, còn đầy sức xuân, khi tâm hồn còn ngập tràn tình yêu. Lời tuyên bố này thể hiện một quan niệm mới: trong thế giới này, đẹp nhất, quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu.

  • Khổ thơ thứ ba: Trần gian tươi đẹp là thế, tại sao lại phải “vội vàng”? Khổ thơ thứ ba lí giải cho sự “vội vàng” ấy:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già;

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…

Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?

Chẳng bao giờ, ôi ! Chẳng bao giờ nữa…”

Ba câu đầu là quan niệm về sự trôi chảy của thời gian, sự phôi pha của kiếp người:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già;

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”

Từ “xuân” trong ba câu thơ trên có thể được hiểu là mùa xuân, cũng có thể là “tuổi xuân”, tuổi trẻ của con người. Những cụm từ “đương tới” – “đương qua”, “còn non” – “sẽ già” diễn tả sự trôi chảy của thời gian. Nếu như con người thời trung đại thấy thời gian tuần hoàn với chu kì bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; hết một vòng, thời gian lại quay về điểm xuất phát ban đầu; thì Xuân Diệu đem đến một quan niệm mới mẻ: thời gian tuyến tính. Thời gian là một dòng chảy vô thủy vô chung, mỗi khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn. Và cuộc đời tôi cũng sẽ chẳng còn gì nếu tuổi xuân qua mất.

Bởi thế, mà có chút trách móc, tiếc nuối trong bốn câu tiếp:

“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !”

“Lòng tôi rộng” lắm, với tôi, tuổi trẻ dài bao nhiêu cũng chưa đủ. Nhưng “lượng trời”, tạo hóa lại cứ “chật”, cứ “keo kiệt” với con người: “không cho dài thời trẻ của nhân gian”. Tuổi trẻ ngắn ngủi quá, mong manh hữu hạn quá. Hai câu trên thoáng chút trách móc. Hai câu dưới nồng nhiệt phủ định quan niệm thời gian tuần hoàn của người xưa, bộc lộ niềm tiếc nuối: đời người không có hai lần tuổi trẻ thì làm gì có chuyện thời gian tuần hoàn ! Tuổi trẻ, tuổi đẹp nhất của đời người lại ngắn ngủi quá !

Niềm tiếc nuối ấy thể hiện rõ hơn trong hai câu tiếp:

“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;”

Vũ trụ, đất trời cứ trường tồn mà lại “chẳng còn tôi mãi”, thế nên tôi “bâng khuâng”, ngậm ngùi “tiếc” cả đất trời.

Thời gian cứ thế trôi đi không thể trở lại, kiếp người lại ngắn ngủi, hữu hạn, tất cả rồi sẽ phải phai tàn theo thời gian:

“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…

Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?”

“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi” là một cảm nhận mới lạ, độc đáo. “Tháng năm”, thời gian được cảm nhận bằng “mùi”, “vị chia phôi”. Thi sĩ thấy hiển hiện mỗi khoảnh khắc của thời gian đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ. Chính thời gian cũng đang chia tay với tất cả, mỗi phút giây của nó qua đi là đang mất đi vĩnh viễn. Cho nên, thi sĩ nghe thấy một lời than luôn âm vang khắp núi sông, một lời than triền miên, bất tận: “than thầm tiễn biệt”. Thời gian trôi qua mau chóng, tất cả rồi sẽ phai tàn, héo úa theo nó. “Con gió xinh” tưởng không bao giờ mất, thế mà cũng phải “bay đi”; tiếng chim hót “reo thi” tưởng không bao giờ ngừng nghỉ, thế mà cũng phải “đứt”. Tất cả, tất cả đều phôi pha, phai tàn trước dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. Thế nên, câu thơ cuối khổ thơ vang lên đầy nuối tiếc: “Chẳng bao giờ, ôi ! Chẳng bao giờ nữa…”. Chẳng thể nào kịp nữa nếu không nhanh lên, gấp lên, không “vội vàng” lên. Đến đây, nhà thơ đã hoàn thành xong lời lí giải vì sao phải sống “vội vàng” : cuộc sống trần gian đẹp như một thiên đường; trong khi đó, thời gian một đi không trở lại, và đời người – đặc biệt là tuổi trẻ của con người – lại quá ư ngắn ngủi, hữu hạn, nên chỉ còn một cách là phải sống vội. Đây là quan niệm nhân sinh mới mẻ của một tâm hồn luôn khát khao giao cảm với đời.

b. Phần hai: cách “thực hành” lẽ sống “vội vàng”.

Khổ thơ cuối: Nhà thơ nêu cách “thực hành” lẽ sống “vội vàng”

“Mau đi thôi ! mùa chưa ngả chiều hôm.

Ta muốn ôm,

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn.

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều,

Và non nước, và cây, và cỏ rạng.

Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi.

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.”

Mở đầu đoạn thơ là lời giục giã :

“Mau đi thôi ! mùa chưa ngả chiều hôm.”

Nhà thơ giục giã mọi người mà cũng là giục giã chính mình: hãy mau lên, gấp lên để tận hưởng cuộc sống. “Mau đi thôi!” là câu cảm thán thể hiện sự khẩn trương, hối hả. “Mùa chưa ngả chiều hôm” là cách nói hình ảnh chỉ con người khi đang còn trẻ, chỉ trần gian khi đang ở độ xuân, chưa phai tàn hết hương sắc. Nhà thơ giục giã hãy nhanh lên, gấp lên khi đang còn trẻ, đang còn tràn trề nhựa sống, đừng hoài phí giây phút nào nữa. Giục giã đã trở thành môtip quen thuộc trong thơ Xuân Diệu:

“Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ!

Em, em ơi, tình non sắp già rồi.”

(“Giục giã”)

“Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai,

Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.”

Lời giục giã khẩn trương, gấp gáp này đã hé mở lòng yêu đời, ham sống đến tha thiết, rạo rực của một con người luôn sợ thời gian.

Sáu câu thơ tiếp theo bộc lộ những hành động sống vội vàng:

“Ta muốn ôm,

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn,

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều,

Và non nước, và cây, và cỏ rạng.”

Xuân Diệu muốn “ôm, riết, say, thâu” tất cả sự sống, tất cả trần gian vào mình. Thi sĩ như căng hết cảm giác, xúc giác để sống mãnh liệt, sống hết mình, sống nồng nàn, say mê. Ông phải hành động thật mạnh mẽ, thật mãnh liệt để cảm nhận hết vẻ tươi xinh mơn mởn của đất trời, thu nhận hết hương sắc của trần gian. “Ta muốn ôm” là một câu thơ đặc biệt: chỉ có ba tiếng, lại được đặt ngay giữa dòng thơ, gợi cho người đọc hình dung ra một con người ham hố đang đứng giữa đất trời, dang rộng vòng tay, mở rộng tâm hồn để đón nhận hết tất cả sự sống, tất cả đất trời vào lòng mình. Câu thơ có cấu tạo đặc biệt này đã thể hiện rõ lòng yêu đời cuồng nhiệt, đắm say của Trảo Nha.

Hệ thống động từ “ôm, riết, say, thâu” chỉ những hành động sống vội vàng, mãnh liệt có mức độ tăng tiến đã diễn tả đầy đủ quan niệm “Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn; Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”. Qủa thực, đó là lòng yêu đời đến cuồng nhiệt của thi nhân.

Thêm nữa, nhà thơ miêu tả trần gian bằng những hình ảnh “sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, “mây đưa”, “gió lượn”, “cánh bướm – tình yêu”, “non nước”, “cây”, cỏ rạng”. Trần gian ấy thật tươi đẹp, tràn đầy sức sống, rạo rực tình yêu. Cách miêu tả trần gian ấy cũng bộc lộ lòng yêu đời đến đắm say, rạo rực của Xuân Diệu.

Đặc biệt, câu thơ “và non nước, và cây, và cỏ rạng” là một câu thơ độc đáo cho thấy Xuân Diệu xứng đáng với mệnh danh “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới”. Câu thơ lặp lại ba lần từ “và” (nếu như trong văn học trung đại sẽ là một câu thơ dở) là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Ông muốn thể hiện một “cái tôi” ham hố, tham lam muốn vơ hết, thu hết, ôm hết tất cả trần gian, đất trời. Tóm lại, những hành động sống vội vàng, mạnh mẽ muốn “ôm, riết, thâu” cả trần gian, Trảo Nha khẳng định, với ông “vội vàng” là sống hết mình, cống hiến hết mình, là “Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn; Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”.

Với Xuân Diệu, sống là hành động thật mãnh liệt, hết mình để có thể :

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi.

– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Với ông, sống là phải cảm nhận, hưởng thụ hết “mùi thơm”, “ánh sáng”, “thanh sắc của thời tươi”, nghĩa là phải hưởng thụ hết vẻ đẹp, hương sắc của trần gian, phải sống sao cho “thời tươi” của đời người thật ý nghĩa, thật đẹp để sau này không hối tiếc. Các tính từ “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” có mức độ tăng tiến khiến chúng ta hình dung Xuân Diệu như một con ong lảo đảo vui sướng sau khi hút mật ngọt từ nhụy hoa. Ông muốn sống thật hăng say, sống thật mãnh liệt, lúc nào cũng căng tràn nhiệt huyết, để “thời tươi” – tuổi trẻ – được đẹp đẽ nhất, được “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” với niềm vui sướng từ mật ngọt hương đời.

Ông còn hình dung tuổi xuân của đời người như một cô gái đẹp và gọi tên nó một cách tha thiết “hỡi xuân hồng”. Cách hình dung cuộc sống như thế cùng với hành động thật vồ vập “cắn” đã thể hiện sự quý trọng thời trẻ của đời người, đồng thời bộc lộ rõ lòng yêu cuộc đời đắm say như yêu người yêu của mình.

Tóm lại, với những câu thơ độc đáo, những từ ngữ và nhịp điệu dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt, nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” đã nêu ra cách “thực hành” lẽ sống “vội vàng” của mình: Vội vàng là chạy đua với thời gian, là quý trọng từng giây phút của tuổi trẻ, đừng để hoài phí giây phút nào; vội vàng là sống mạnh mẽ, đủ đầy với từng phút giây của sự sống, “Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn; Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”.

4. Nghệ thuật cả bài:

Bài thơ có sự kết hợp hài giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí. Mạch cảm xúc thể hiện ở lòng yêu đời đắm say, tha thiết, rạo rực của nhà thơ; mạch luận lí là lời lí giải về lẽ sống vội vàng. Mạch cảm xúc làm cho lí lẽ không trở nên khô khan, triết học, còn mạch luận lí làm cho mạch thơ được tự nhiên, nhuần nhị. Cùng với cách nhìn, cách cảm mới, những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ và cách sử dụng ngôn từ, nhịp điệu sôi nổi dồn dập, hối hả, cuồng nhiệt, nhà thơ đã trình bày một quan niệm nhân sinh mới mẻ mà vẫn dạt dào cảm xúc, sục sôi nhiệt huyết.

5. Ý nghĩa văn bản:

Quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu – nghệ sĩ của niềm khát khao giao cảm với đời.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

No related posts.

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Bài Thơ Vội Vàng Của Xuân Diệu