Tìm Hiểu Bệnh Xuất Huyết Giảm Tiểu Cầu

 1. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh gì?

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu hay thường gọi là bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn là tên gọi tắt của Bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là một loại bệnh lý miễn dịch

Bình thường khi cơ thể bị vật lạ xâm nhập, ví dụ như vi trùng, vi rút, ký sinh trùng…, tế bào bạch cầu sẽ tạo ra một chất gọi là kháng thể để chống lại các vật lạ này. Khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể nhận diện lầm một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể mình là vật lạ và tự sinh ra kháng thể để chống lại cơ quan, bộ phận đó. Trong trường hợp này cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu . Các kháng thể này gắn vào tiểu cầu và làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, cơ thể sẽ dễ bị chảy máu với một tác động nhẹ.

Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và diễn biến khác nhau giữa bệnh ở người lớn và ở trẻ em. Trẻ em thường bị bệnh sau nhiễm virus và phần lớn sẽ hồi phục. Bệnh ở người lớn luôn cần phải điều trị. Chúng ta cần biết một số vấn đề cơ bản về triệu chứng, phương pháp điều trị, cách theo dõi, chế độ dinh dưỡng ,sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu?

Người bệnh có thể chưa có dấu hiệu nào bất thường, chỉ tình cờ xét nghiệm máu phát hiện số lượng tiểu cầu giảm thấp.

Chỉ số tiểu cầu bình thường từ 150-450 G/l, nếu tiểu cầu dưới 100 G/l được gọi là giảm tiểu cầu. Tiểu cầu là tế bào máu cần thiết để cầm chảy máu.

Trong đa số trường hợp, người bệnh dễ bị chảy máu ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như xuất huyết dưới da đa hình thái dạng chấm, nốt, mảng, đám xuất huyết, màu sắc mảng xuất huyết thay đổi theo thời gian đỏ tím, xanh, vàng hoặc chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, rong kinh, tiểu máu, ói máu, xuất huyết não….

https://bthh.org.vn/uploads/UP%20WEB/49.jpg

3. Bác sĩ cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán?

Các xét nghiệm để chẩn đoán bao gồm: công thức máu, phết máu ngoại biên và tủy đồ

Xét nghiệm tủy đồ là một xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh: bác sĩ sẽ dùng một kim lớn đâm xuyên vào xương chậu người bệnh để rút dịch tủy xương soi dưới kính hiển vi để quan sát tế bào máu. Bác sĩ sẽ dùng thuốc gây tê tại chỗ nên người bệnh không có cảm giác đau đớn.

Ngoài ra bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh như:

– Các xét nghiệm vi sinh: HBsAg, anti HCV, anti HIV, huyết thanh chẩn đoán H.Pylory…

– Các xét nghiệm miễn dịch: TSH, FT3, FT4, kháng thể kháng tiểu cầu trực tiếp và gián tiếp.

– Các xét nghiệm nếu có kèm thiếu máu: Hồng cầu lưới, Sắt huyết thanh, Ferritin, Billirubin, Haptoglobin, LDH, nghiệm pháp Coombs trực tiếp…

Giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát là một chẩn đoán loại trừ dựa vào các triệu chứng lâm sàng điển hình, số lượng tiểu cầu máu ngoại vi giảm đơn độc; xét nghiệm tủy đồ có số lượng mẫu tiểu cầu bình thường hoặc tăng, hình thái bình thường; các dòng hồng cầu và bạch cầu hạt bình thường, không có tế bào ác tính.

4. Bệnh điều trị như thế nào?

Bác sĩ bắt đầu điều trị khi: Số lượng tiểu cầu của người bệnh dưới 20 G/L hoặc khi số lượng tiểu cầu của người bệnh dưới 30 G/L kèm xuất huyết da niêm nhiều.

Thuốc lựa chọn điều trị hàng đầu là các thuốc nhóm Corticoids.

Khi sử dụng các thuốc này, các bác sĩ thường dùng liều cao và kéo dài để ức chế miễn dịch của người bệnh. Các thuốc này khi ngưng đột ngột sẽ gây ra biến chứng suy tuyến thượng thận cấp. Vì vậy người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ từ liều dùng cho đến thời gian dùng thuốc.

Thuốc Corticoids khi dùng kéo dài có thể gây ra một số tác dụng phụ: viêm dạ dày, tăng huyết áp, tăng đường huyết, giữ nước, loãng xương, đục thủy tinh thể…Tuy nhiên vì bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng nên việc sử dụng thuốc là việc cần thiết. Bác sĩ sẽ theo dõi và xử trí các biến chứng và tiến hành giảm liều thuốc Corticoids phù hợp với tình trạng bệnh.

Trường hợp cấp cứu: người bệnh bị xuất huyết đe dọa tính mạng: bác sĩ có thể lựa chọn các thuốc: Gamma globulin truyền tĩnh mạch, corticoids liều cao. Tuy nhiên các thuốc này chỉ có tác dụng nâng tiểu cầu trong thời gian ngắn, số lượng tiểu cầu có thể giảm thấp trở lại sau một thời gian.

5. Bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm không? Có chữa khỏi không?

Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc khi va chạm rất nhẹ. Các trường hợp xuất huyết nặng bao gồm: xuất huyết tiêu hóa (ói ra máu), xuất huyết dường niệu (tiểu đỏ), xuất huyết não màng não (tai biến)….Tuy nhiên tỉ lệ xuất huyết não màng não rất thấp, chỉ khoảng 0.5-1% người bệnh.

Về dự hậu: bệnh diễn tiến khác nhau giữa người lớn và trẻ em. 70% trẻ em sẽ hồi phục tự nhiên sau 3 tháng, 20- 30% sẽ chuyển thành dạng mạn tính. Ngược lại ở người lớn, bệnh thường diễn tiến thành mạn tính và hay tái phát nhiều lần.

6. Lời khuyên về chế độ ăn uống vệ sinh hoạt với người bệnh giảm tiểu cầu miễm dịch

– Tuyệt đối phải tuân thủ ăn uống đầy đủ. Không uống rượu bia, không sử dụng các chất kích thích, không hút thuốc lá.

– Dùng thuốc theo chỉ định của Bác Sĩ và tái khám theo hẹn.

– Khi uống thuốc Corticosteroids lưu ý: uống lúc bụng no. Thuốc có tác dụng phụ là tăng cân, tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn giấc ngủ, loãng xương, viêm dạ dày khi dùng kéo dài.

– Người bệnh nên ăn nhạt hơn bình thường để tránh giữ nước do dùng các thuốc Corticoid. Tránh ăn các thức ăn cay nóng như ớt, tiêu, thức ăn có độ acid cao như dấm, chanh, các loại quả chua ảnh hưởng đến dạ dày.- Không ăn thức ăn cứng như: ăn xương, ăn mía gây chảy máu chân răng.Vệ sinh thân thể, chăm sóc răng miệng, dùng các thuốc sát khuẩn miệng họng.

– Bệnh nhân nên nghỉ ngơi hạn chế lao động nặng, thể dục thể thao quá sức. Hạn chế đến những nơi đông người và nơi đang có dịch bệnh.

-Không được uống aspirin hay ibuprofen. Paracetamol có thể sử dụng nếu cần giảm đau hay hạ sốt.

-Khi về nhà nếu có hiện tượng bất thường về sức khỏe như: mệt mỏi, chảy máu chân răng, máu mũi, xuất huyết dưới da, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt kéo dài… cần đi khám lại ngay.

BS CKI. Võ Xuân Lan

Khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học

Từ khóa » Hệ Số Pha Loãng Tiểu Cầu