Tìm Hiểu Cá Mập Cảnh Nước Ngọt - Cách Nuôi, Chăm Sóc Và Các Loại ...

Cá mập cảnh đang được đông đảo tín đồ mê cá yêu thích, săn lùng. Ngày càng có rất nhiều người đã sở hữu cá mập cảnh nước ngọt trong bể tại gia. Cá mập cảnh có giá phải chăng, được người chơi cá yêu thích vì ngoại hình thu hút. Để hiểu hơn về các đặc điểm, kỹ thuật nuôi và các loại cá mập cảnh nước ngọt đẹp nhất hiện nay, mời bạn tham khảo bài viết sau từ Bách Hóa Review.

Tóm tắt nội dung

Toggle
  • Tìm hiểu về cá mập cảnh nước ngọt
  • Kỹ thuật nuôi cá mập cảnh nước ngọt
    • Chọn kích thước bể nuôi và môi trường sống trong bể cho cá mập cảnh
    • Hệ thống lọc và nước cho bể cá mập cảnh
    • Chú ý tầng đáy trong hồ cá mập cảnh 
  • Thức ăn của cá mập cảnh nước ngọt
  • 13 loại cá mập cảnh nước ngọt đẹp nhất trên thế giới
    • 1. Cá mập cầu vồng (cá mập hồng ngọc)
    • 2. Cá mập cầu vồng bạch tạng
    • 3. Cá Ngân sa, cá hỏa tiễn (Bala Shark)
    • 4. Cá mập Roseline
    • 5. Cá mập đen đuôi đỏ
    • 6. Cá mập Harlequin
    • 7. Cá bút chì (Siamese Algae Eater)
    • 8. Cá mập đen (Black Laebo, Big Black Shark)
    • 9. Cá mập Xiêm (cá mập da trơn ánh kim, cá mập da trơn Sutchi)
    • 10. Cá mập bạc Apollo (Silver Apollo Shark)
    • 11. Cá mập Đỏ (Violet Blushing Shark , Violet Gilled Shark, Red Gilled Shark)
    • 12. Cá mập Columbian (Silver Tipped Shark, Black Finned Shark)
    • 13. Cá mập vây cao Trung Quốc
  • Các câu hỏi thường gặp về cá mập cảnh nước ngọt
    • Cá mập cảnh nuôi chung với cá gì?
    • Cá mập cảnh nước ngọt sinh sản như thế nào?
    • Các bệnh thường gặp của cá mập cảnh?

Tìm hiểu về cá mập cảnh nước ngọt

Cá mập cảnh nước ngọt thường xuất hiện ở các hệ thống sông lớn trong tự nhiên. Đa số có nguồn gốc từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Châu Phi hoặc Nam Mỹ. Cá mập cảnh là loại cá nước ngọt được thuần hóa, không phải là kẻ săn mồi răng to khét tiếng trên đại dương. Hình dáng chúng trông giống với cá mập đại dương thu nhỏ nhiều lần, có thể bơi và sống ngay trong bể nhà bạn.

cá mập cầu vồng Rainbow Shark

Sự năng động của cá mập cảnh nước ngọt, cách bơi tương tự như cá mập săn mồi sẽ tạo ra một màn thủy sinh sống động, vô cùng cuốn hút. Nếu bạn là người đam mê cá cảnh, tôi chắc chắn bạn không thể bỏ qua loài cá thú vị này.

Cá mập cảnh nước ngọt có kích thước nhỏ nhất là khoảng 15 cm khi trưởng thành, trong khi số khác thì có thể đạt 100 – 120 cm tùy thuộc vào môi trường sống, chế độ ăn uống. Đa số các loại cá mập cảnh nước ngọt thường rất khó đạt kích thước tối đa nếu sống trong môi trường bể cá cảnh, với chế độ ăn ít hơn.

Kỹ thuật nuôi cá mập cảnh nước ngọt

Chọn kích thước bể nuôi và môi trường sống trong bể cho cá mập cảnh

Cá mập cảnh nước ngọt thích hợp với những bể có nước chảy siết, có nhiều không gian để bơi. Chúng bơi tốt trong các bể có chiều dài ngang hơn là các bể có dạng vuông khối.

Ban đầu khi cá còn nhỏ, bạn có thể tạm thời nuôi trong các bể có 50 lít. Tuy nhiên, khó để cá mập cảnh có thể sống trong bể 50 lít khi trưởng thành. Đa số các bể với sức chứa 200 lít – 450 lít là lý tưởng cho các loài cá mập cảnh. Một số khác lớn hơn, thích hợp để nuôi trong hồ hoặc bể lớn 1300 – 2200 lít.

Hệ thống lọc và nước cho bể cá mập cảnh

Cá mập cảnh nước ngọt là loài rất nhạy cảm với nước chứa chúng. Bạn cần thay nước hàng tuần thường xuyên, đảm bảo môi trường nước sạch, không chứa tạp chất thối rửa.

Giúp nước của chúng không chứa các tạp chất amoniac, nitrat hay fluor, nitơ bằng cách thay nước và bảo trì bộ lọc nước thường xuyên.

hệ thống lọc nước cho bể cá mập nước ngọt

Các thông số nước cũng cần được ổn định, nhiệt độ nước cần được duy trì khoảng 21 – 26 độ C. Với nhiệt độ này, hãy đảm bảo hồ cá mập cảnh của bạn được để trong mát, tránh nhiệt độ quá cao.

Cá mập cảnh nước ngọt rất thích bơi lội trong dòng nước chảy mạnh, có nhiều oxi. Chính vì thế, bạn nên đầu tư cho mình bộ lọc hồ cá hàng đầu để có thể xử lý tốc độ dòng chảy cao.

Độ pH thích hợp cho chúng là  6,8 đến 8,0. Bạn cần kiểm tra độ pH thường xuyên để tránh các vấn đề.

Chú ý tầng đáy trong hồ cá mập cảnh 

Hãy thiết lập tầng đáy trong bể tùy theo môi trường sống của loại cá mập cảnh nước ngọt. Một số loài cá mập cảnh sống ở tầng đáy. Lớp da trơn, râu ria mảnh của chúng có thể bị tổn thương, ma sát với đá sỏi do đó bạn không nên có sỏi hoặc đá. Loài cá mập cảnh nước ngọt sống ở tầng trung, chúng vẫn thích hợp với sỏi và đá nhưng tốt hết là bạn nên có cát mềm.

Cách nuôi và chăm sóc cá sặc gấm

Thức ăn của cá mập cảnh nước ngọt

Khác với những anh em cá mập ăn thịt ngoài đại dương, cá mập cảnh nước ngọt là loài rất ăn tạp. Chúng ăn mọi thứ những gì mà bạn đưa xuống. Bạn có thể chúng ăn các loại thức ăn dạng viên, những loài cá nhỏ hơn, động vật không xương sống, rong, tảo….

Điều lưu ý bạn nên hạn chế số lượng thực phẩm cho chúng ăn, mỗi ngày cho ăn từ 2 – 3 lần khi còn nhỏ, ít nhất 1 lần khi trưởng thành. Mỗi lần ăn không được quá 2 -3 phút.

thức ăn của á mập cảnh nước ngọt

Đối với cá mập cảnh sống ở tầng đáy, bạn nên chọn loại thức ăn dạng chìm để chúng rơi xuống vùng mà cá mập cảnh ưa lui tới. Đối với cá mập sống ở tầng trung thì các dạng thức ăn nổi trên bề mặt thì hoàn hảo hơn.

Bạn có thể cho cá mập của mình ăn các loại thức ăn tươi sống giàu protein hoặc thực vật như:

  • Tôm, nhuyễn thể và các loài giáp xác.
  • Giun máu và giun đất.
  • Côn trùng, ấu trùng và trứng, chẳng hạn như ấu trùng muỗi hoặc cá con.
  • Bánh xốp tảo, hạt tảo xoắn và viên rau chìm.
  • Các loại rau xanh tươi như rau bina, dưa chuột, bí xanh và đậu Hà Lan

13 loại cá mập cảnh nước ngọt đẹp nhất trên thế giới

Có rất nhiều loại cá mập cảnh nước ngọt, phổ biến là 13 loại, mỗi loài sẽ có đặc tính khác nhau. Nhưng chúng đều là những loại cá hấp dẫn dành cho dân chơi thủy sinh thực thụ. Sự độc đáo của hình dáng, cách thức bơi và tập tính luôn thu hút những ai ngắm nhìn chúng ngay từ lần đầu. Nào cùng Bách Hóa Review điểm danh tên của 13 loài cá mập cảnh đẹp nhất trên thế giới.

1. Cá mập cầu vồng (cá mập hồng ngọc)

cá mập cầu vồng Rainbow Shark

Cá mập cầu vồng là loại được yêu thích nhất trong số các loại cá mập nước ngọt hiện nay. Với thân hình màu xám đen, hoặc xanh kết hợp với những chiếc vây đỏ nổi bật của mình, chúng nhanh chóng chiếm được cảm tình của người chơi. Cá mập cầu vồng còn được gọi với nhiều cái tên như hồng ngọc, vây đỏ, chuột Thái cầu vồng, cá hồng xá, cá labeo đuôi đỏ.

2. Cá mập cầu vồng bạch tạng

cá mập cầu vồng bạch tạng Albino Rainbow Shark

Cá mập cầu vồng bạch tạng có hình dạng, kích thước và tập tính giống cá mập hồng ngọc. Điểm khác biệt của 2 loại này chính là cơ thể có màu hồng hoặc vàng nhạt của cá mập cầu vồng bạch tạng.

Chúng là loài có tập tính bảo vệ lãnh thổ cao, bán hung hăng. Cá mập cầu vồng bạch tạng sống ở tầng đáy, bạn sẽ thích thú khi ngắm nhìn chúng lùng sục khắp bể để kiếm tìm thức ăn và bảo vệ lãnh thổ.

Một số thông tin về cá mập cầu vồng bạch tạng:

Tên thường gọi Cá mập cầu vồng bạch tạng
Tên khoa học Epalzeorhynchos frenatus
Tập tính Bán hung hăng, tính lãnh thổ cao
Mức độ chăm sóc Dễ chăm sóc
Kích thước bể Tối thiểu 190 lít nước, 475 lít cho một nhóm 3 con
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 15 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể màu vàng, hồng nhạt. Vây màu đỏ
Điều kiện nước Từ 24℃ đến 27℃, độ pH từ 6.5 đến 7.5, 5 đến 11 KH
Thức ăn ăn tạp
Loại cá nuôi chung Các loại cá có cùng hoặc kích thước lớn hơn, sống ở tầng trên và tầng giữa

3. Cá Ngân sa, cá hỏa tiễn (Bala Shark)

cá ngân sa Bala Shark

Cá ngân sa là một loại cá mập nước ngọt mà tôi rất yêu thích. Bạn đừng để những chiếc vây màu đen của chúng đánh lừa rằng chúng hung dữ, chúng thật sự rất hiền lành đáng yêu. Giống như những loài cá mập nước ngọt khác, cá ngân sa cũng thích những bể có dòng nước siết. Chúng sống ở tầng giữa và thích sống theo đàn.

Một số thông tin về cá ngân sa:

Tên thường gọi Cá ngân sa (Bala Shark, Silver Shark)
Tên khoa học Balantiocheilus melanopterus
Tập tính Hòa đồng, sống ở tầng giữa
Mức độ chăm sóc Vừa phải
Kích thước bể Tối thiểu 570 lít nước cho một nhóm 3 con (170 lít nước cho 1 con)
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 30 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể màu bạc hoặc xám. Vây nổi bật với sọc đen và vàng nhạt
Điều kiện nước Từ 24℃ đến 26℃, độ pH từ 6.5 đến 8
Thức ăn ăn tạp
Loại cá nuôi chung Chung sống hòa bình với các loài cá có cùng kích thước khác

4. Cá mập Roseline

cá mập Roseline

Nếu bạn muốn có 1 đàn cá mập cảnh trong bể của mình thì cá mập Roseline là sự lựa chọn chính xác. Với vẻ ngoài cuốn hút của mình, Cá mập Roseline thu hút ánh nhìn của tất cả mọi người. Cá mập Roseline là loài cá rất năng động, chúng cần 1 bể có nhiều oxy để hoạt động.

Đàn Cá mập Roseline cần số lượng tối thiểu là 6 con. Chúng sống ở tầng giữa và rất thích phá các loại cây thủy sinh trong bể, bạn nên để ý đến điều này khi nuôi chúng.

Một số thông tin về Cá mập Roseline:

Tên thường gọi Cá mập Roseline (Denison’s Barb, Red-Line Torpedo Barb)
Tên khoa học Sahyadria densonii
Tập tính Hòa đồng, sống ở tầng giữa
Mức độ chăm sóc Vừa phải
Kích thước bể Tối thiểu 210 lít nước cho một nhóm 6 con
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 15 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể màu bạc hoặc xám với sọc đen đặc trưng chạy dài từ đầu đến đuôi. Có vây lưng màu đỏ, Vây đuôi có mảng màu vàng và đen.
Điều kiện nước Từ 15℃ đến 25℃, độ pH từ 6.8 đến 7.8, 5 đến 25 dGH
Thức ăn ăn tạp
Loại cá nuôi chung Chung sống hòa bình, tốt nhất nên nuôi theo đàn cùng những loài cá lớn cùng kích thước.

Cách nuôi và chăm sóc cá 7 màu (Guppy) từ khi là cá bột đến khi trưởng thành

5. Cá mập đen đuôi đỏ

cá mập đen đuôi đỏ Red Tailed Black Shark

Cá mập đen đuôi đỏ có vẻ ngoài cuốn hút, chúng là họ hàng xa với loại cá mập hồng ngọc. Chúng sinh sống ở tầng đáy và có tập tính hung hăng, bảo vệ lãnh thổ rất lớn.

Hãy chắc chắn rằng cá mập đen đuôi đỏ là loài duy nhất ở tầng đáy bể của bạn để tránh sự tấn công của chúng. Cá mập đen đuôi đỏ lại rất ít khi tấn công các loài cá khác ở tầng trên và tầng giữa. Vì thế bạn có thể nuôi chung cá mập đen đuôi đỏ với những loài cá có kích thước tương đương ở tầng giữa và tầng trên.

Một số thông tin về Cá mập đen đuôi đỏ:

Tên thường gọi Cá mập đen đuôi đỏ
Tên khoa học Epalzeorhynchos bicolor
Tập tính Bán hung hăng, bảo vệ lãnh thổ
Mức độ chăm sóc Vừa phải
Kích thước bể Tối thiểu 208 lít nước cho mỗi con cá mập
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 15 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể màu đen hoặc xanh xám với đuôi đỏ sặc sỡ.
Điều kiện nước Từ 22℃ đến 26℃, độ pH từ 6.8 đến 7.5, 5 đến 15 dH
Thức ăn ăn tạp
Loại cá nuôi chung Nuôi chung với những loài cá lớn sống ở tầng giữa

6. Cá mập Harlequin

cá mập Harlequin

Cá mập Harlequin là loài cá mập nước ngọt rất khác với những loài cá trên mà Bách hóa review đã mô tả. Chúng không phải là loài cá mập cảnh hiền lành, cũng không phải loài bán hung dữ. Cá mập Harlequin là loài rất hung dữ, chúng sẵn sàng tấn công các loài khác, kể cả những con cá mập Harlequin sống chung.

Cá mập Harlequin sống ở tầng đáy bể, thích những bể có dòng nước siết và không thích sống theo đàn. Những bể mới không nên nuôi cá mập Harlequin, vì chúng ăn các loại tảo, sinh vật nơi tầng đáy của bể. Tầng đáy của bạn nên có nhiều bùn, cây cối, đá để chúng ẩn náu và tìm kiếm thức ăn.

Một số thông tin về cá mập Harlequin:

Tên thường gọi cá mập Harlequin (Harlequin Sharkminnow, Variegated Shark)
Tên khoa học Labeo cyclorhynchus
Tập tính Rất hung dữ
Mức độ chăm sóc Trung bình đến nâng cao
Kích thước bể Tối thiểu 208 lít nước cho 1 cá thể
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 15 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể màu kem, được bao phủ bởi các đốm đen hoặc nâu
Điều kiện nước Từ 22℃ đến 27℃, độ pH từ 6.0 đến 7.5, 3 đến 15 dGH
Thức ăn ăn tạp
Loại cá nuôi chung Nên nuôi riêng chúng hoặc nuôi với những loài lớn hơn

7. Cá bút chì (Siamese Algae Eater)

cá mập Siamese Algae Eater SAE

Bổ sung vào danh sách những loại cá mập cảnh nước ngọt hiền lành là cá bút chì. Cá bút chì là loài cá mập cảnh nước ngọt có thân hình nhỏ, chúng rất thích ăn các loại tảo. Ưu điểm lớn của cá bút chì là chúng có thể sống thoải mái trong những bể có kích thước nhỏ. Thích hợp để tạo nên một bể cá nhiều loại, sống hiền lành và không có xung đột.

Lưu ý nhỏ: cá bút chì có sở thích cắn vây những loài cá có vây lớn hoặc bơi chậm. Nếu bạn đang nuôi cá beta hoặc cá 3 đuôi đầu lân thì không nên bổ sung cá bút chì vào danh sách.

Một số thông tin về cá bút chì:

Tên thường gọi cá bút chì (Siamese Algae Eater)
Tên khoa học Crossocheilus oblongus
Tập tính Hiền lành, thường hay cắn vây các loài có vây dài hoặc bơi chậm
Mức độ chăm sóc Dễ
Kích thước bể Tối thiểu 75 lít nước cho 1 cá thể (thêm 40 lít khi thêm 1 cá thể)
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 15 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể màu xám chuyển dần sang vàng nhạt, cùng 1 sọc đen chạy từ đầu đến đuôi
Điều kiện nước Từ 24℃ đến 26℃, độ pH từ 6.5 đến 8.5, 5 đến 20 KH
Thức ăn ăn tạp
Loại cá nuôi chung Sống ôn hòa với các loài cá khác

8. Cá mập đen (Black Laebo, Big Black Shark)

cá mập đen Black Sharkminnow

Một lựa chọn tuyệt vời nếu như bạn đang có một bể lớn là cá mập đen. Là một loài cá mập cảnh nước ngọt lớn, chiều dài cá mập đen từ 60 cm đến 90 cm. Chúng là loài rất hung dữ, không phù hợp để sống chung với bể cá đa dạng loài. Cá mập đen cần một bể có diện tích lớn, ít vật cản và có dòng nước chảy siết để bơi lội.

Một số thông tin về cá mập đen:

Tên thường gọi cá mập đen (Black Laebo, Big Black Shark)
Tên khoa học Labeo chrysophekadion
Tập tính Rất hung dữ
Mức độ chăm sóc Nâng cao
Kích thước bể Tối thiểu 760 lít nước cho 1 cá thể trưởng thành
Kích thước khi trưởng thành Từ 60 đến 90 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể và vây đều có màu đen, xám
Điều kiện nước Từ 24℃ đến 28℃, độ pH từ 6.5 đến 7.5, 10 đến 15 KH
Thức ăn ăn tạp
Loại cá nuôi chung Chỉ nên nuôi 1 mình cá mập đen khi trưởng thành

9. Cá mập Xiêm (cá mập da trơn ánh kim, cá mập da trơn Sutchi)

cá mập xiêm Siamese Shark

Cá mập xiêm là một loài cá mập nước ngọt lớn, có thể nuôi ở bể kính trong nhà hoặc hồ nước bên ngoài. Chúng thích bể có tầng đáy là cát, và giống với những loài cá mập cảnh khác, chúng cũng thích nước chảy siết. Cá mập xiêm phù hợp để nuôi chung với các loài cá khác có cùng kích thước.

Cá mập xiêm rất dễ bị kích động với tiếng ồn, khi bị kích động chúng có thể va vào thành bể và làm chúng bị tổn thương.

Một số thông tin về cá mập xiêm:

Tên thường gọi cá mập xiêm (Siamese Shark, Sutchi Catfish)
Tên khoa học Pangasianodon hypophthalmus
Tập tính Hiền lành, năng động
Mức độ chăm sóc Nâng cao
Kích thước bể Tối thiểu 1140 lít nước cho 1 cá thể trưởng thành
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 120 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể và vây đều có màu xám, có ánh bạc phía dưới dọc theo lưng
Điều kiện nước Từ 22℃ đến 26℃, độ pH từ 6.5 đến 7.5, 2 to 20 dGH
Thức ăn Ăn tạp
Loại cá nuôi chung Có thể nuôi chung với các loài cá khác có cùng kích thước

Tìm hiểu cá Oa oa (Kỳ giông khổng lồ Trung Quốc) loài cá quý hiếm

10. Cá mập bạc Apollo (Silver Apollo Shark)

cá mập bạc apollo Silver Apollo Shark

Cá mập bạc Apollo là một loài cá mập cảnh nước ngọt thuộc loại hiếm, chúng thường bị nhầm lẫn với cá mập Apollo vây dài. Cá mập bạc Apollo là loài cá hiền lành, sống ở tầng giữa và thích kiếm ăn phía tầng trên. Cá mập Apollo thích sống theo đàn, số lượng tốt nhất từ 3 đến 12 con. Hãy đảm bảo bể của bạn có nắp đậy, chúng là loài rất hiếu động.

Một số thông tin về cá mập bạc Apollo:

Tên thường gọi cá mập bạc Apollo
Tên khoa học Luciosoma setigerum
Tập tính Hiền lành, năng động, sống thành đàn
Mức độ chăm sóc Nâng cao
Kích thước bể Tối thiểu 450 lít nước cho 1 nhóm 3 cá thể
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 20 cm
Hình dáng, màu sắc Cơ thể có màu bạc hoặc xám cùng 1 dải màu xanh lục phía gần lưng chạy từ đầu đến đuôi
Điều kiện nước Từ 22℃ đến 25℃, độ pH từ 6.0 đến 7.5, 2 đến 20 dGH
Thức ăn Ăn tạp
Loại cá nuôi chung Kết hợp tốt với cá ngân sa

11. Cá mập Đỏ (Violet Blushing Shark , Violet Gilled Shark, Red Gilled Shark)

Violet Blushing Shark

Cá mập đỏ là loại cá xinh đẹp và lạ mắt. Lớp vảy màu hồng và trong suốt giúp bạn có thể nhìn thấy mang của chúng. Cá mập đỏ thích sống thành đàn từ 5 cá thể trở lên.

Một số thông tin về cá mập đỏ:

Tên thường gọi cá mập đỏ (Violet Blushing Shark , Violet Gilled Shark, Red Gilled Shark)
Tên khoa học Labeo boga
Tập tính Hiền lành, năng động, sống thành đàn
Mức độ chăm sóc Trung bình đến nâng cao
Kích thước bể Tối thiểu 470 lít nước cho 1 cá thể
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 30 cm
Hình dáng, màu sắc Vảy trong suốt, có màu vàng hoặc hồng nhạt. Có thể nhìn thấy mang nhờ lớp vảy trong suốt
Điều kiện nước Từ 20℃ đến 25℃, độ pH từ 6.6 đến 7.9
Thức ăn Ăn tạp
Loại cá nuôi chung Có thể nuôi chung với những loài cá có cùng kích thước hoặc nuôi theo 1 đàn từ 5 con trở lên

12. Cá mập Columbian (Silver Tipped Shark, Black Finned Shark)

cá mập Columbian

Cá mập Columbian là loại thú vị nhất trong số 13 loại cá mập cảnh. Khi còn nhỏ, cá mập cảnh sống trong vùng nước ngọt và chúng di cư ra biển khi đã trưởng thành. Độ mặn của nước tăng dần theo khi cá mập Columbian phát triển, vì vậy bạn phải bỏ muối và theo dõi độ mặn của bể nuôi.

Cá mập Columbian không phù hợp khi nuôi chung với những loài cá nước lợ, chúng thích hợp với độ mặn cao hơn. Chính vì những điều trên, cá mập Columbian chính là một trong số những loài cá cảnh khó nuôi nhất.

Một số thông tin về cá mập Columbian:

Tên thường gọi cá mập Columbian (Silver Tipped Shark, Black Finned Shark)
Tên khoa học Ariopsis seemanni
Tập tính Hiền lành, năng động, sống thành đàn
Mức độ chăm sóc Rất khó
Kích thước bể Tối thiểu 285 lít nước cho 1 cá thể, tăng 95 lít cho mỗi cá thể thêm vào
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 50 cm
Hình dáng, màu sắc Da trơn, cơ thể màu bạc, xám chuyển dần thành màu trắng khi xuống bụng. Vây lưng nổi bật với màu đen, nếu bị đâm trúng sẽ gây sưng đau.
Điều kiện nước Từ 24℃ đến 26℃, độ pH từ 7.0 đến 8.0, 10 đến 12 KH
Thức ăn Ăn tạp
Loại cá nuôi chung Có thể nuôi thành một nhóm từ 3 cá thể trở lên.

13. Cá mập vây cao Trung Quốc

cá mập vây cao trung quốc Chinese Banded Shark

Cá mập vây cao Trung Quốc là loài cá mập cảnh quý hiếm, với hình đáng thu hút người xem. Chúng có kích thước to lớn, nhưng lại rất thân thiện với những loài cá khác. Cá mập vậy cao Trung Quốc thích những vùng nước mát, chúng có thể sống tốt ở hồ bên ngoài. Có nhiều người chơi cá cảnh nuôi kết hợp cá mập vây cao Trung Quốc trong hồ cá koi.

Một số thông tin về cá mập vây cao Trung Quốc:

Tên thường gọi cá mập vây cao Trung Quốc (Chinese Banded Shark, Banded Loach, Chinese Sailfin Sucker)
Tên khoa học Myxocyprinus asiaticus
Tập tính Hiền lành, năng động, sống thành đàn
Mức độ chăm sóc Nâng cao
Kích thước bể Tối thiểu 380 lít nước cho 1 cá thể
Kích thước khi trưởng thành Khoảng 1.2m ngoài tự nhiên, trong bể cá khoảng 80 cm
Hình dáng, màu sắc Thân màu xám, với 3 sọc màu nâu hoặc xám đen chạy dọc từ trên lưng xuống bụng. Vây lưng dài thẳng đứng rất nổi bật ở cá con, nhưng thu nhỏ khi trưởng thành
Điều kiện nước Từ 15℃ đến 24℃, độ pH từ 6.8 đến 7.5, 4 đến 20 dGH
Thức ăn Ăn tạp
Loại cá nuôi chung Có thể nuôi thành một nhóm từ 3 cá thể trở lên. Nuôi chung với các loài cá khác có cùng kích thước.

Các câu hỏi thường gặp về cá mập cảnh nước ngọt

Cá mập cảnh nuôi chung với cá gì?

Cá mập cảnh thường có tính bảo vệ lãnh thổ rất lớn, nên bạn cần lựa chọn những loại cá có kích thước tương đương chúng và có thể tự bảo vệ mình. Nếu bạn nuôi 1 loại cá mập cảnh sống ở tầng đáy, thì bạn có thể chọn các loài khác sống ở tầng mặt và tầng giữa.

Do đặc tính hung dữ của mình, rủi ro khi nuôi loại khác với cá mập cảnh nước ngọt có thể xảy ra bất cứ khi nào. Để giảm thiểu rủi ro bạn có thể thả các loài cá khác vào bể trước, sau đó hãy thả cá mập nước ngọt vào. Cá mập cảnh lúc này sẽ không nghĩ bể cá là lãnh thổ của mình, nên tính hưng hăng sẽ giảm bớt.

Ngoài ra, bể có nhiều cây thủy sinh phát triển sẽ giúp các loài cá khác ẩn nấp. Cá mập cảnh nước ngọt sẽ không tấn công các loài cá nuôi chung, nếu không nhìn thấy chúng.

Cá mập cảnh cũng ít hung hăng với những loài cá có cơ thể lớn hơn mình. Đó là vì cá mập cảnh muốn thể hiện sự thống trị của mình với những loài cá nhỏ hơn, còn với những loài cá lớn thì ít có khả năng làm như thế.

Nếu bạn muốn nuôi các loài cá mập cảnh chung với nhau, hay nuôi chúng với số lượng từ 5 con trở lên. Như vậy, chúng sẽ khó tấn công 1 con cá mập cảnh khác liên tục.

Cá mập cảnh nước ngọt sinh sản như thế nào?

Đến độ tuổi trưởng thành, cá mập cảnh cái và đực giao phối với nhau. Cá mập cảnh sinh sản bằng cách đẻ trứng. Để chuẩn bị cho quá trình sinh sản, bạn phải thiết lập một bể bơi đủ lớn, nhiệt độ nước thích hợp khoảng từ 22°C đến 26°C. Không nên trồng cây nhiều trong bể, chỉ nên để một ít để chúng có chỗ ẩn náo. Đáy bể sạch sẽ, lọc nước thường xuyên với bộ lọc bọt biển ở một góc bể, tránh lực hút mạnh gây nguy hiểm cho cá mập cảnh con.

Cá mập cảnh có ăn cá con không? Cá mập cảnh nước ngọt sẽ ăn cá con, nên sau khi đẻ xong bạn nên tách cá bố mẹ ra khỏi bể cá con. Vừa để tránh để cá mập bố mẹ tấn công, đồng thời giúp cá mập cảnh con có không gian tốt hơn.

Các bệnh thường gặp của cá mập cảnh?

Nấm hoặc nhiễm ký sinh trùng là các bệnh thường gặp ở cá mập cảnh. Biểu hiện của các bệnh này là các đốm trắng li ti xuất hiện trên toàn cơ thể (vây, đầu, thân, đuôi..), xuất huyết dưới da, sút ăn, lờ đờ và bơi yếu dần…Đa số nguyên nhân xuất phát từ nguồn nước trong bể bị ô nhiễm, nước chứa nhiều amoniac, nitrat.

Điều đầu tiên khi phát hiện, bạn hãy thay mới từ 40% đến 50% lượng nước trong bể. Bỏ một ít muối hột vào bể giúp diệt khuẩn trong nước và trên da của cá mập cảnh. Lượng muối hột cần bỏ là 1 muỗng cà phê đầy cho khoảng 20 lít nước. Bạn cũng có thể mua một số loại thuốc trị nấm cá ở các tiệm cá cảnh như bio 2, Vinkon B…

Mong rằng bài viết trên đây của Bách Hóa Review, đã giúp bạn hiểu hơn về cá mập cảnh nước ngọt. Bạn cần thêm thông tin nào khác về cá mập nước ngọt hãy để lại bình luận phía dưới cho chúng tôi biết nhé!

Từ khóa » Cá Mập đen Cảnh