Tìm Hiểu Cách Ghi độ đạm Trên Chai Nước Mắm

Hiện nay việc công bố chất lượng hoặc giá trị dinh dưỡng của các nhà sản xuất nước mắm khá mập mờ, gây sự ngộ nhận và khó nhận biết cho người tiêu dùng nếu không thực sự tìm hiểu hoặc hiểu biết về các thông số này.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của nước mắm chính là độ đạm. Đây cũng là chỉ số mà người tiêu dùng quan tâm khi lựa chọn nước mắm. Trên thị trường nước mắm được chia thành 2 loại: nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Cách ghi độ đạm trên 2 loại nước mắm này cũng khác nhau.

Cách ghi độ đạm khác nhau giữa hai loại nước mắm

Đối với các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, nếu một chai nước mắm 30 độ đạm sẽ được ghi 30 gN /lít , hiện nay cho phép ghi 30g/lít ,có nghĩa là trong 1 lít nước mắm (1.000 ml) có 30 gram đạm toàn phần, bao gồm đạm axit amin, đạm ammoniac… nếu quy đổi ra protein, 1 gram đạm toàn phần sẽ được 6,25 gram protein. Điều này có thể hiểu là 1 lít nước mắm 30 độ đạm sẽ tương đương với 1.000 ml nước mắm này có 187,5 gram protein.

Tuy nhiên do giá trị đạm trong nước mắm công nghiệp rất thấp nên các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp nên được ghi bằng gram protein, và được ghi cho 100 ml chứ không phải ghi cho 1 lít (tương đương 1.000 ml ) để dễ gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Với việc không ghi độ đạm theo cách của nước mắm truyền thống, thay vào đó bằng cách ghi đạm protein, đặc biệt chỉ ghi giá trị dinh dưỡng cho 100 ml (truyền thống ghi đạm cho 1 lít, gấp 10 lần so với cách ghi trên 100 ml), người tiêu dùng khó có thể biết được mình mua được loại nước mắm bao nhiêu đạm theo cách ghi lâu nay hay cách hiểu của nước mắm truyền thống.

Thành phần trên nhãn không rõ ràng

Tương tự, nhiều hãng nước mắm ghi thành phần chung chung là nước, muối, đạm cá cơm, đường, chất điều vị, chất bảo quản, chất ổn định, màu tổng hợp, màu caramel, hương cá hồi, hương cá cơm… Thậm chí, có hãng không ghi thành phần mà chỉ ghi hàm lượng axít amin, axít toàn phần… để người tiêu dùng tự đoán bên trong chai nước mắm chứa những gì. Với kiểu ghi nhãn như vậy, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp.

Không chỉ vậy, trên thị trường có những chai nước mắm có độ đạm lên đến 60 độ, tuy nhiên theo những người trong nghề độ đạm của nước mắm lên đến 60 là một việc đáng nghi ngờ bởi vì độ đạm của nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống cao nhất cũng chỉ đến mức 35. Theo chuyên gia, không phải cứ độ đạm cao là nước mắm thật. “Nước mắm làm từ cá thì tối đa chỉ từ 37-42 độ đạm. Với những sản phẩm được quảng cáo tới 50-60 độ đạm hoặc nước mắm siêu đạm có thể nhà sản xuất đã cho thêm đạm vô cơ. Tuy nhiên, hàm lượng đạm cũng chỉ là một trong những thành phần của nước mắm”.

Theo tiêu chuẩn của Việt Nam về nước mắm trên các chai nước mắm phải ghi rõ thông tin về độ đạm tổng số và đạm axit amin – đạm có lợi. Đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng của nước mắm. Nhưng thực tế ngoài thị trường việc ghi nhãn và độ đạm trên nước mắm dường như đang đánh đố người tiêu dùng. Đối với những loại nước mắm có độ đạm thấp khoảng 10 độ rất nhiều chai không thể tìm thấy thông số độ đạm ghi trên nhãn hoặc được ghi bằng hàm lượng protein. Đây được xem là thủ thuật của những nhà sản xuất nước mắm công nghiệp để tránh việc ghi giá trị độ đạm thấp trên nhãn chai vì độ đạm quyết định giá thành những chai nước mắm.

Từ thực trạng trên, Bộ Y tế quyết định thanh – kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm nhằm làm rõ phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng trong nước mắm đóng chai.

Benh.vn (Tổng hợp)

Chia sẻ

Từ khóa » độ đạm Nước Mắm Tiếng Anh