Tìm Hiểu Chất Liệu Truyền Thống May áo Dài Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu, chất liệu may áo dài Việt Nam đã từng bước thay đổi trong suốt hàng trăm năm qua, từ việc chọn vải sợi tự nhiên như tơ tằm, đay, gai, sợi bông… cho đến sợi tổng hợp hiện đại. Những chất liệu này không chỉ đem lại cho người sử dụng áo dài sự thoải mái, dễ chịu mà còn thể hiện giá trị lịch sử của từng chất liệu.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, lụa Việt Nam có đặc trưng riêng là dệt 100% từ tơ tằm. Lụa tơ tằm sờ vào rất mềm, mát, không nhăn, khử mùi rất tốt. Từ những thế kỷ trước, Việt Nam đã hình thành những làng lụa cổ truyền rất nổi tiếng như: làng Lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) có nghề dệt lụa tơ tằm từ khoảng 1.200 năm trước; làng Lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam) khoảng 600 năm tuổi; làng Lụa Mã Châu (Quảng Nam) nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa từ hơn 500 năm trước…

PGS.TS Trần Thuận, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết lụa ở phương Nam ra đời khá muộn khi làng Lụa Duy Xuyên (Quảng Nam) được xem là có tuổi đời lâu nhất ở phương Nam cũng chỉ trên dưới 400 năm hay như làng Lụa Bảy Hiền (TPHCM) mới chỉ hình thành cách đây nửa thế kỷ. Quá trình hình thành và phát triển của lụa phương Nam gắn liền với công cuộc di dân của người Việt từ Bắc vào Nam suốt chiều dài mở cõi. Cũng theo PGS.TS Trần Thuận, lụa phương Nam “còn rất trẻ” nhưng chính sự trẻ trung làm nên tính năng động và sớm trở thành những trung tâm lớn của ngành lụa tơ tằm Việt Nam, tiêu biểu như Lụa Duy Xuyên, Bảo Lộc, Tân Châu. Trong đó, Lụa Bảy Hiền đã nhanh chóng trở thành nơi cung cấp hàng cho cả miền Nam.

Ở góc độ thiết kế, nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng cho rằng lụa có thể được xem là một di sản văn hóa may mặc rất quý của Việt Nam. Qua từng mốc thời gian, chất liệu may áo dài Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Tiếp tục phát huy và kế thừa những kết quả đạt được, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đề xuất các nhà sản xuất chất liệu vải may áo dài có thể nghiên cứu thêm về kỹ thuật dệt sợi của Ấn Độ khá công phu và tinh tế để góp phần làm phong phú hơn chất liệu may áo dài. Các nhà thiết kế cũng tiếp tục tìm hiểu sáng tạo hơn để làm phong phú cho “kho tàng” áo dài Việt Nam. Cùng với đó, người tiêu dùng nên dành thêm thời gian tìm hiểu về trang phục áo dài, chú trọng đến việc sử dụng các chất liệu vải trong nước, ưu tiên “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, qua đó góp phần phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt và quảng bá chất liệu vải Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua tà áo dài truyền thống của dân tộc.

Từ khóa » Chất Liệu áo Dài Việt Nam