Tìm Hiểu Di Tích đền Thượng Lào Cai - Lịch Sử, Không Gian, Lễ Hội

I.Lịch sử hình thành đền Thượng ( thánh Trần Từ )

Đền Thượng còn gọi là Thánh Trần Từ, được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn. Đền tọa lạc trên núi Mai Lĩnh trên độ cao 1200m so với mực nước biển, thuộc phố Bảo Thắng, Châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa nay là phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Đền Thượng được Hưng Đạo Vương chọn làm nơi hỏa hiệu cho quân đội chống giặc phương Bắc

II.Tham quan không gian đền Thượng

Đền Thượng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ hình chữ Công (I), tuân theo thuyết phong thủy vừa đường bệ mà lại rất trang nghiêm. Khu vực đền Thượng có cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống với nét văn hóa bản địa, tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ uy nghi lộng lẫy.

Cổng tam quan đền Thượng

Soi mình bên dòng sông Nậm Thi, nơi đây xưa có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phòng thủ chống quân xâm lược. Ngày nay, gần cửa ngõ giao thương giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), vùng đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc này mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Ngay từ khi bước chân đến cổng đền, du khách đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đa 300 năm tuổi đang vươn cành trổ tán, dưới bóng cây cổ thụ là miếu thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Nữ chúa rừng xanh). Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bà đã góp công đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Nam, ghi công ơn bà, nhân dân lập miếu thờ ngay dưới gốc cây đa xum xuê cành lá.

Cây đa cổ thụ có chu vi lớn nhất Việt Nam

Tại khu vực đền chính, bức hoành phi “Văn hiến tự tại” được treo trước Nghi môn, hai bên có hai câu đối:

“Việt khí linh đài hoành không lập, Đông A hào khí vạn cổ tồn”

nghĩa là: “Nước Việt đài thiêng vắt ngang trời, Nhà Trần hào khí còn muôn thủa”.

Mặt sau Nghi môn nội có dòng chữ “Quốc thái dân an” với hai câu đối:

“Thiên địa dịu y, thiên địa cựu; Thảo hoa kim dị, thảo hoa tiền”

nghĩa là: “Trời đất vẫn nguyên, trời đất cũ; Cỏ hoa nay khác, cỏ hoa xưa”.

Đền Thượng được xây dựng khang trang với 7 gian thờ chính gồm: Cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu; Ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo; Cung thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng... và các ban thờ phía Tả Vu - Hữu Vu thờ Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu hầu cận Chúa và Cậu Bé thủ đền... tất cả đều được sắp đặt theo trình tự. Bên cạnh Đền Thượng là ngôi đình hình vuông với 4 cửa, 8 rồng chầu, giữa phương đình hình rùa vàng lưng đội bia đá khắc tích "Đức Thánh Trần". Nơi đây trước kia là nơi nghỉ chân của các quan quân đi tuần, ngày nay, là rừng sinh thái với đủ các loại cây trồng bảo vệ môi trường, phục vụ du khách tham quan, nghỉ chân thưởng thức khí hậu trong lành.

III. Lễ hội đền Thượng hàng năm

Theo thông lệ, lễ hội Đền Thượng thường được tổ chức vào các ngày 13, 14 và ngày rằm tháng giêng Âm lịch, lễ hội diễn ra gồm 2 phần: "phần lễ" và "phần hội".

Ban Tổ chức chuẩn bị một đoàn kiệu rước bài vị của Đức Thánh Trần với các trai tráng khỏe mạnh, hùng dũng, cờ phướn, võng lọng rợp trời bước theo tiếng nhạc lưu thủy của dàn bát âm. Khi vào phần tế lễ, đội tế ăn mặc chỉnh tề với những bộ lễ phục của triều phục xưa, từng đợt dâng rượu, dâng hương tế lễ theo nhịp kèn trống cung đình. Sau phần lễ dâng hương của đội tế, chủ tế đọc bản Văn tế kể về công lao cao to lớn như trời đất của Đức Thánh Trần đối với đất nước, lời tế hùng dũng, câu từ khúc triết dễ hiểu, phản ánh được sức mạnh và những công lao to lớn của Ngài khi xưa, đồng thời lời tế còn là lời răn dạy đối với mỗi lớp người sau trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Sau phần lễ hết sức trang nghiêm hướng về Đức thánh Trần của toàn thể nhân dân là đến phần hội Đền

Phần hội bao gồm trình diễn văn nghệ, vũ hội dân gian; đồng thời tổ chức nhiều trò chơi truyền thống như đấu vật, kéo co, ném còn, cờ người, cầu lông, chọi gà... Có khi thêm các phần “hội thi nhà nông đua tài”, “hội thi đồ xôi”, “thi đội kèn pí lè” rất hấp dẫn.

Ngoài lễ hội chính, Đền Thượng còn tổ chức lễ Nhật kỵ cho Đức Thánh Trần vào 20 tháng tám Âm lịch hàng năm.

Với bề dày lịch sử và vị trí đắc địa, đền Thượng trở thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng và điểm nhấn cho phát triển du lịch tâm linh tại Lào Cai. Phong thủy Việt Tuấn hi vọng qua bài chia sẻ, các quý vị độc giả sẽ cảm nhận thêm được giá trị to lớn của di tích lịch sử này

Để tham khảo thêm các bài viết cùng chủ đề, quý vị có thể xem tại mục: Văn hóa tâm linh

Ngoài ra, để cập nhật thêm các thông tin về văn hóa tâm linh , phong thủy đời sống, không gian trang trí, các mẫu vật phẩm đẹp quý vị có thể ấn like và theo dõi Fanpage Phong thủy Việt Tuấn

Từ khóa » Bài Thuyết Minh Về đền Thượng Lào Cai