Tìm Hiểu “khâu đột Phá” Trong Văn Kiện Đại Hội XVII Đảng Bộ Tỉnh

Toàn cảnh phiên bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Nguồn ảnh: tuyenquang.gov.vn

Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 03 khâu đột phá, gồm:

1- Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng dựng nông thôn mới.

2- Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

3- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Các khâu đột phá của nhiệm kỳ Đại hội XVII được tiếp cận từ nhận thức và đánh giá về các điểm nghẽn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua. Dù đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực ở nhiệm kỳ trước nhưng để phát huy cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cần tiếp tục triển khai, bổ sung những nội dung mới, phù hợp bối cảnh tình hình và điều kiện của tỉnh.

Đối với khâu đột phá thứ nhất, Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh cũng đã xác định: "Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực". Là tỉnh miền núi, có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi, có nhiều dư địa để để phát triển nông nghiệp; lực lượng lao động trong nông nghiệp chiếm 87%, nhưng sản phẩm nông nghiệp khả năng cạnh tranh không cao và thiếu tính bền vững; việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất tập trung còn hạn chế; chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều. Tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như cam, chè, mía, cây lâm nghiệp, thủy sản và đã quan tâm đầu tư xây dựng kế cấu hạ tầng nông thôn nhưng hiệu quả chưa cao. Do đó, việc thực hiện đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp là tất yếu và rất cần thiết để phát triển vùng hàng hóa tập trung, xây dựng các sản phẩm chủ lực, đặc sản, tạo lợi thế phát triển ngành nông nghiệp. Đại hội XVII đã kế thừa nội dung khâu đột phá này, nhưng nội hàm đầy đủ hơn, xác định rõ về mục tiêu, chất lượng, giá trị của các sản phẩm chủ lực và phải gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo đúng với định hướng, chiến lược, quy hoạch chung của Quốc gia.

Khâu đột phá thứ hai về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”: Đại hội XVI mới chỉ nêu ở mức độ "Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch”. Với bản sắc văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên đa dạng, truyền thống lịch sử cách mạng, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Tỉnh đang triển khai thực hiện hệ thống du lịch thông minh, hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch từng bước được cải thiện, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có quy mô được đầu tư xây dựng; các khu du lịch trọng điểm đang được quan tâm thu hút đầu tư như Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch quốc gia Tân Trào, Khu du lịch Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Tuy nhiên, du lịch cần phải trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, Đại hội VII xác định rõ hơn mục tiêu “phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”.

Khâu đột phá thứ ba: “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại” là khâu đột phá mới của nhiệm kỳ Đại hội XVII. Trong Văn kiện Đại hội XVI, nội dung này mới chỉ xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đồng bộ sẽ quyết định sự phát triển của các ngành kinh tế và toàn xã hội, là bước đi đúng hướng để chúng ta tiếp cận tốt nhất, hiệu quả nhất của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4. Tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng và chuyển đổi một số đường tỉnh lộ lên quốc lộ; triển khai thực hiện đề án làm đường bê tông nông thôn và cầu nông thôn, đặc biệt là Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai...là những điều kiện hết sức thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, chú trọng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số...nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh hơn và tốt hơn.

Để triển khai thực hiện thành công các đột phá trên, trước hết cần thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị về sự cần thiết của việc thực hiện các khâu đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện các khâu đột phá đã được cụ thể hóa thành các đề án và một số đề án đã được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Cán bộ, đảng viên cần nắm vững để triển khai thực hiện và tuyên truyền trong nhân dân tạo sự đồng thuận, nhất trí cao. Quá trình thực hiện cần thống nhất nguyên tắc đảm bảo vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của Đảng, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh để đạt hiệu quả cao nhất.

Với truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, đoàn kết để thực hiện các khâu đột phá, quyết tâm đưa tỉnh ta trở thành tỉnh “phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đề ra.

Nguyễn Nhung

Từ khóa » Ba Khâu đột Phá Là Gì