Tìm Hiểu Thông Tin Về Cây Bách - Cách Trồng, Chăm Sóc Cây

Cây bách thuộc nhóm cây gỗ lâu năm, quý hiếm có giá trị kinh tế cao do đó đang bị chặt phá nhiều và đang trên bờ vực tuyệt chủng. Hiện nay chỉ còn sót lại một số cá thể cổ thụ ở các vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng con số đó là chưa đủ, vậy mỗi chúng ta nên và cần làm gì trước vấn nạn phá hoại rừng đó? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Mục lục ẩn I. Giới thiệu về cây Bách II. Đặc điểm của cây Bách III. Tác dụng của cây Bách 1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh 2. Tác dụng khác IV. Cách trồng và chăm sóc cây Bách 1. Cách trồng cây 2. Cách chăm sóc

I. Giới thiệu về cây Bách

Tên thường gọi:Cây bách
Tên gọi khác:Cây bách xanh, giả Pơ mu, cây Tô hạp bách
Tên khoa học:Calocedrus-Fokiennia
Họ thực vật:Thuộc họ Hoàng đàn – Cupressaceae
Nguồn gốc xuất sứ:Là cây bản địa thuộc vùng Tây nam Trung Quốc
Nơi sống:Cây bách thường mọc thành những đám nhỏ hoặc mọc rải rác ở nơi ẩm mát: Ven suối, đồi núi thấp, khu rừng nhiệt đới có độ cao 1000 – 1500m so với mực nước biển
Phân bố:Cây phân bố hầu hết ở các khu rừng nhiệt đới ở khu vực châu Á: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanma. Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên nhiều ở vườn quốc gia Ba Vì (Hà Tây), Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai…
Tuổi thọ:Sống lâu hàng trăm năm tuổi
Gồm các loại cây:Cây bách có loài chính là Bách Xanh và Bách Vàng (Tên khoa học là: Cupressus vietnamensis, cây mới được phát hiện cách đây khoảng 20 năm ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Cây có tên gọi khác là Bách vàng Việt Nam)
Cây Bách
Cây bách là loại cây sống lâu hàng trăm năm tuổi

II. Đặc điểm của cây Bách

  • Hình dáng bên ngoài: Cây bách xanh mọc tự nhiên là cây thân gỗ to, tán lá dày tròn xum xuê, thân thường hơi cong ngả nghiêng. Vỏ cây cổ thụ màu nâu đen, trên thân có rất nhiều vết nứt dọc, bong ra khi cây quá già. Đối với cây bách xanh trồng làm cảnh, thân cây thường nhỏ, vỏ hơi xù xì màu xám đen khi còn non, thân thẳng hoặc cong do tạo kiểu, thế của người chơi cây để thành cây bonsai.
  • Kích thước: Cây bách xanh cổ thụ có chiều cao khoảng trên 30m, đường vanh khoảng trên 2m (đo vòng tròn quanh thân cây), đường kính thân 1 – 1,5m. Cây bách cảnh được hãm chiều cao chỉ khoảng 2 – 3m.
  • Cành: Cây bách xanh phân cành rất sớm, mỗi cành to lại chia nhiều nhánh tăm nhỏ, thô, xù xì, tán dày, tròn như chiếc ô khi được cắt tỉa, tạo hình.
  • Lá: Lá cây bách xanh có dạng vảy màu xanh thẫm, nhỏ và dài xếp đối nhau hoặc đôi khi so le không theo quy luật nhất định. Lá mọc ôm sát vào cành tạo thành từng đốt, mỗi đốt có 2 lá chia đều hai bên. Lá to dài khoảng 5 – 7mm, lá bé dài 2 – 3mm.
  • Đối với lá cây Bách vàng: Lá thường có màu xanh lục hơi ngả vàng, trên cùng một cây lại có hai loại lá khác nhau rõ rệt, lá có hình kim, dẹt xếp xen kẽ với các lá có hình vảy nhọn, dẹt và sắc.
  • Hoa: Hoa (nón) cái hình bầu dục, màu xanh kích thước dài 15 – 20mm, rộng 6 – 8mm. Khi nở nứt đôi chia thành hai mảnh, rồi hóa gỗ và tạo thành quả, ở giữa hai vết nứt là hai hạt to hoặc nhỏ kích thước không đều. Bắt đầu thu hoạch hạt từ tháng 10 – 12 âm lịch.
Cây bách xanh - đặc điểm
Cây bách cảnh được hãm chiều cao chỉ khoảng 2 – 3m.

III. Tác dụng của cây Bách

1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Cây bách xanh có hình dáng, tán lá đẹp nên được trồng để tạo bóng mát, tạo cảnh quan cho môi trường ở các nơi như: Ven đường phố, công viên, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Tạo không khí cho nơi đông người qua lại được thoáng đãng, mát mẻ.

2. Tác dụng khác

Cây bách xanh là loại cây gỗ quý hiếm đem lại lợi nhuận rất cao. Lá cây và mùn gỗ bách được nghiền nhỏ phơi khô dùng để làm nguyên liệu sản xuất hương thơm thờ cúng.

Gỗ cây bách là chất gỗ tốt, bền chắc, thớ mịn, vân đẹp khi gia công không bị mối mọt, không bị biến dạng vênh mo bởi thời tiết. Do đó thường được sử dụng để đóng đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng cao cấp, được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Cây bách xanh cũng được trồng thành rừng với quy mô rộng lớn để phủ xanh đồi núi trọc, hạn chế xói mòn, sạt lở đất. Hơn nữa rừng bách còn là lá phổi xanh nhân tạo giúp điều hòa không khí, giảm bớt ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho con người, các loài động vật và hệ vi sinh vật cùng sinh sôi và phát triển.

Tìm hiểu về cây bách
Cây bách xanh có hình dáng, tán lá đẹp nên được trồng để tạo bóng mát, tạo cảnh quan cho môi trường

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Bách

1. Cách trồng cây

Cây bách xanh được nhân giống bằng hạt, tuy nhiên hạt ươm rất lâu và khó nảy mầm nên khâu ươm hạt phải cẩn thận và kỹ càng.

  • Cách chọn hạt giống

Chọn quả bách xanh khô từ cây mẹ trưởng thành, đang xanh tốt, không bị vàng lá, có thể nhặt cả quả rụng nhưng phải khô hạt và chưa bị mốc trắng. Quả đem về phơi thật khô để dễ tách vỏ, sau đó ngâm trong nước sạch khoảng 24 – 30 giờ rồi vớt ráo và ủ trong khăn ướt khoảng 3 – 5 ngày. Nếu sau 5 ngày mà hạt vẫn chưa nứt vỏ, cần pha thuốc kích mầm để tưới lên hạt và đảo đều rồi ủ thêm 1 – 2 ngày nữa hạt nứt nanh là đem ươm.

  • Đất trồng

Đất gieo hạt cây bách phải là đất pha cát ẩm, màu mỡ, giàu dinh dưỡng, có thể trộn thêm một chút phân vi sinh để ươm. Có thể ươm vào chậu, khay, túi bầu PE tùy ý, cho hỗn hợp đất vào khay ủ khoảng 5 – 7 ngày cho ải phân rồi gieo.

Đất trồng cây bách: Có thể trồng trong chậu cảnh hoặc trồng trên bãi đất hoang để thành rừng. Đối với cây bách cảnh, dùng khay có hình dáng khác nhau, cho hỗn hợp đất thịt pha + phân chuồng ủ mục + trấu mục vào khay trộn đều và ủ trong đó khoảng 10 mới trồng.

Đối với cách trồng cây bách xanh trên bãi đất hoang: Đào hố với kích thước 30 x 30cm, hàng cách hàng là 7m, cây cách cây là 5m, lót phân chuồng như đã nêu ở trên khoảng 0,5 – 1kg/ 1 hố trồng. Nếu bãi đất phẳng cần khơi rãnh thoát nước để cây không bị úng nước làm thối rễ cây.

Rắc vôi bột để khử chua và khử các loại côn trùng có hại trong đất, để khoảng 15 ngày mới rắc phân chuồng hoai mục (phân gà, phân bò ủ ải) rồi mới trồng, nếu không có phân chuồng có thể bón lót bằng phân vi sinh để trồng.

  • Cách gieo và trồng cây bách:

Cách gieo hạt: Cho khoảng 2 – 4 hạt bách xanh vào mỗi túi bầu, ấn dí xuống đất sâu khoảng 5cm, vùi đất lại, đặt cỏ khô hoặc rơm rạ lên mặt bầu để giữ ẩm cho đất.

Cách trồng cây bách: Chọn cây bách có chiều cao từ 40 – 60cm, thân thẳng, không bị tổn thương ở phần thân, chồi và rễ. Đặt cây xuống hố đã lót phân sẵn, vùi đất và nén chặt xung quanh bầu cây, cắm cọc tre để cố định cây không bị đổ ngã khi gió bão.

Cây bách xanh - cách trồng
Có thể trồng trong chậu cảnh hoặc trồng trên bãi đất hoang để thành rừng

2. Cách chăm sóc

Sau khi ươm, gieo và trồng cây bách đều phải tưới nước luôn, những ngày sau đó tưới ít nhất mỗi ngày một lần cho đến khi hạt nảy mầm.

Đối với cây trồng, sau khoảng 10 ngày lúc này cây đã bén rễ nên pha thuốc kích thích ra rễ tưới vào gốc cây. Để cây bách ra bộ rễ mới khỏe hơn và bật chồi, nảy lộc nhanh hơn, nên tưới định kỳ hai lần cách nhau năm ngày.

Thường xuyên nhổ cỏ, vun xới đất cho cây được hấp thụ phân bón tối đa, nhổ bỏ những cây yếu kém và trồng lại ngay cây mới, chỉ để lại cây đạt chất lượng, tiêu chuẩn.

Cây bách xanh không phải là cây ăn quả nên không cần chăm sóc quá cầu kỳ, hàng năm chỉ nên bón phân lân NPK 2 lần vào các đợt mưa và bón 1 lần phân vi lượng để cây đủ dinh dưỡng để sinh trưởng.

Trước tình trạng những cây bách xanh cổ thụ bị tàn phá nặng nề, kéo theo là những loài muông thú, chim chóc trong rừng cũng bị săn bắn, không ai là không đau xót với tình cảnh đó. Do đó mỗi chúng ta hãy là người hưởng ứng và vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia chương trình “Trồng cây gây rừng”. Để góp phần bảo vệ và tái sinh rừng, hiện nay cây bách đã và đang được nhân giống rất nhiều ở các vườn ươm và các hộ gia đình có diện tích rừng rộng. Nhằm khoanh nuôi và bảo vệ loài thực vật rừng quý hiếm này.

5/5 - (3 bình chọn)

Từ khóa » đặc điểm Lá Cây Bách Xanh