TÌM HIỂU TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA LINH MỤC GIUSE MARIA ...

TÌM HIỂU TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP

CỦA LINH MỤC GIUSE MARIA NGUYỄN VĂN THÍCH

(1891-1978)

(Linh mục Giáo Phận Huế)

Tài liệu về linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích rất dồi dào,  nhưng tóm kết lại là việc khó. Thầy Mt. Nguyễn Đăng Huệ, Triết 2, Đại chủng viện Huế, niên khóa 2013-2014 đã chọn đề tài  lịch sử này. Nhận thấy đây là một đúc kết giới thiệu tốt, xin phép cho phổ biến,  giúp mọi  người quan tâm thêm thông tin. Cám ơn thầy và chúc thầy tiếp tục con đường ơn thiên triệu.

Linh mục Giuse Maria đáng được Giáo hội Việt Nam lập hồ sơ phong thánh.

Mẫu gương hội nhập văn hóa thành công tại Việt Nam.

Linh mục phụ trách Môn Lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam.

Antôn Nguyễn Trường Thăng.

 51Hinh

  1. Một vài nét về tiểu sử:
    • Sinh quán:

Cậu ấm Nguyễn Văn Thích chào đời ngày 20.8 âm lịch, giờ Sửu, năm Tân Mão tức ngày 22/9/1891 Dương lịch, tại An Nhơn, gần thành phố Qui Nhơn là con thứ ba[1] của cụ Lô Giang Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, người làng Niêm Phò cũng là làng Kẻ Lừ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

  • Thân sinh:tieu_cao_copy_500

Cha là Cụ Thượng Thư Nguyễn Văn Mại, tự là Tiểu Cao. Quê thuộc làng Niêm Phò, tổng Phước Yên, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên. Làng trải rộng ven sông Bồ, dân sống bằng nghề bắt cá bằng những cái lừ (cái lờ) bằng tre cho nên dân gian gọi nôm na làng Kẻ Lừ. Cụ đỗ phó bảng hai khóa: Ất Dậu (1885) đứng thứ 9/13 người và khóa Ký Sửu (1889) đứng thứ 2/10 người[2].

Năm 1890, cụ phó bảng được bổ nhiệm làm Tri Phủ An Nhơn (Bình Định), vợ con cùng đi theo. Cụ làm quan đến chức Thượng Thư. Cụ Thượng Mại đã từng làm Chánh chủ khảo các khóa thi Hương, thi Hội và Quản giáo môn Hán tự tại trường Quốc học. Cụ đã tháp tùng vua Khải Định qua Pháp với tư cách là một danh sĩ của Triều đình. Trước khi về hưu, Cụ được thăng tước Hiệp Tá Đại học sĩ.[3] Cụ là nhà thơ nổi tiếng chốn đế đô Huế.

Mẹ là cụ bà Thân Thị Vỹ (1862- 1946), con gái cụ tú Thân Trọng Đôn, người làng An Lỗ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên, một dòng họ danh tiếng với các bậc khoa bảng như Cụ Thân Trọng Huề, Thượng Thư dưới triều Đồng Khánh, Khải Định.

Thời gian cụ Nguyễn Văn Mại làm Tri Phủ An Nhơn, cậu con thứ ba được chào đời, đặt tên Nguyễn Văn Thích.

images480533_CN3a

Sông Bồ tuổi thơ. Nguồn Internet.

  • Niên thiếu:

Thiếu thời, cậu Nguyễn Văn Thích đã học chữ Hán với thân phụ, đã từng lều chõng đi thi Hương, vào đến “trường ba ” (chuẩn bị bằng cử nhân) thì hỏng. Thời gian nầy, cậu Thích cũng học chữ quốc ngữ và chữ Pháp rồi vào học trường Pellerin gọi là “Thầy Dòng” ở Huế, do các Sư Huynh Lasan (Saint Jean Baptiste de La Salle) điều khiển và giảng dạy. Trường nầy được thành lập năm 1904 và cậu học sinh Nguyễn Văn Thích thuộc thế hệ đầu tiên được các Sư Huynh truyền dạy kiến thức cả đời lẫn đạo. Nơi đây cậu ấm được học hỏi, trau dồi tiếng Pháp và được khai tâm về Giáo lý Kitô giáo. Không chỉ những lời giảng dạy mà còn gương sống hy sinh tận tụy của các “Thầy Dòng” đã giúp cậu học sinh con nhà Nho thấy được phần hòa âm tuyệt diệu giữa Nho giáo và ánh sáng Tin Mừng.

Năm 1910, Nguyễn Văn Thích tốt nghiệp thi lấy bằng Tiểu học (Certificatd’ Etudes Primaires), tiếp tục học một năm chương trình tu từ (Rhétorique) tại trường Pellerin.

Năm 1911, theo thân phụ vào Khánh Hòa, được bổ dụng “Trợ giảng”  (Giáo viên) tại trường Tiểu học Tỉnh. Thời gian dạy học ở Khánh Hòa, thầy kết ban với một Linh mục người Pháp là Léculier (cố Lựu) Cha sở họ đạo Bình Cang, ở ngoại ô thành phố Nha Trang. Thế rồi, thầy Nguyễn Văn Thích quyết định theo đạo Công Giáo. Ông bà Nguyễn Văn Mại ngăn cản quyết liệt. Cuối cùng cụ Phó Bảng Nguyễn Văn Mại cũng phải tuân theo ý Trời.

Ngày 29 tháng 6 năm 1911, tại Nhà Thờ họ đạo Bình Cang, Linh mục Léculier chủ lễ Rửa tội cho thầy Nguyễn Văn Thích, nhận tên thánh Giuse-Maria. Cụ Nguyễn Sen, thường gọi là ông Mười Sen, làm bõ đỡ đầu và là người lo liệu mọi sự cho thầy Thích trong lễ Rửa tội và sau này thầy ra Quảng Trị để vào chủng viện[4].

Sau khi chịu phép Rửa tội, thầy có bài thơ:

“SAU KHI CHỊU PHÉP RỬA TỘI” [5]

Tôi từ bỏ ma quỉ

Tôi từ bỏ mọi việc trọng thể ma quỉ

Tôi xin theo chơn Chúa đến trọn đời.

(Lời thề ngày chịu phép rửa tội)

Bỉ cực rồi thì đến thái lai:

Nỗi mừng nửa khóc, nửa vui cười.

Muôn vàn cám đội công ơn Chúa

Bao xiết cao rao phước phận tôi.

Mấy độ gian nan còn để dạ

Ba năm cầu nguyện đã như lời.

Thôi thôi đừng bạn cùng ta nữa

Ôi sự công danh phú quí ôi!

Ngày 29 Juin 1911 tại Bình Cang (Nha Trang)

nhathobinhcang

Nhà thờ Bình Cang (Nha Trang) xưa.

download (1)

Hình: Nhà thờ Bình (Nha Trang) ngày nay.

  1. Sự nghiệp:
    • Một lựa chọn định mệnh:

Khoảng năm 1911-1917, thầy Nguyễn Văn Thích xin đổi về dạy học ở Huế. Chính trong thời gian này, thầy có sự quyết định mới: Đi tu làm Linh mục. Thầy đưa đơn từ chức Trợ giáo năm 1917 rồi xin vào Tiểu Chủng viện An Ninh (Quảng Trị). Sự kiện này chưa từng xảy ra trong đại gia đình cụ phó bảng Niêm Phò. Cụ chống lại “cơn địa chấn” bảo vệ tư tưởng ý thức hệ Khổng giáo bằng những hành động dữ dội. Người ta kể rằng, thầy Nguyễn Văn Thích vào thăm thân phụ trước khi nhập tu viện. Gia đình quyết liệt ngăn cản việc thầy đã theo đạo Công giáo bây giờ lại việc đi tu. Gia đình theo dõi đón đường bắt về nhà, thầy cải trang giả dạng con gái, ra ga xe lửa đi thẳng ra Quảng trị trót lọt.[7]

  • Vào Tiểu Chủng Viện An Ninh (Quảng Trị):

“Lô Giang Tiểu sử” kể rằng: “Năm Đinh Tỵ 1917, Khải Định thứ hai, con là Hy Thích từ chức Trợ giáo Khánh Hòa, xin vào học tập tại tu vện An Ninh tỉnh Quảng Trị…”. Thầy đưa đơn từ chức Trợ giáo năm 1917 rồi xin vào Tiểu Chủng viện An Ninh (Quảng Trị), tháng 9 năm 1917, bấy giờ thầy đã 26 tuổi đời. Một trường hợp chưa từng có: Muốn được nhận vào Tiểu Chủng viện thường là 12 đến 14 tuổi, nhưng thầy Thích đã 26 tuổi thì phải làm sao đây? May mắn là Đức Cha Lý (Allys) nắm rõ hoàn cảnh nên nhận ngay người Chủng sinh rất độc đáo nầy, vừa học tiếng Latinh và chương trình đào tạo Linh mục, vừa được mời làm giáo sư Pháp văn, Hán văn, Quốc văn cho Chủng sinh. Giáo sư Chủng viện lúc đó cố Linh mục Henri Denis còn gọi là Cố Thuận – vị Linh mục thành lập Đan Viện Xitô Phước Sơn sau nầy – gửi thư về Pháp cho Mẹ để kể lại sự kiện nầy như sau:

“Kính thăm Mẹ yêu quý,

Học trò con đã tề tựu rồi. Năm nay có một Chủng sinh xuất sắc. Thường thì học sinh mới vào còn nhỏ tuổi, nhưng người nầy đã trên 26 tuổi. Đó là một giáo sư Pháp văn trường Trung học Nhà Nước, đã xin từ chức để nhập Chủng viện. Luật chung không cho phép nhận như thế vì vừa lớn tuổi vừa theo đạo mới được 6 năm. Nhưng Đức Giám Mục đã thi hành một biệt lệ.”

Sau 2 năm tu tập vừa làm trò vừa làm thầy nơi đây, thầy giáo “Tiểu Chủng sinh” được gửi vào Đại Chủng Viện Phú Xuân, Huế.

  • Lên Đại chủng Viện Phú Xuân (Huế):

Học Tiểu Chủng viện An Ninh được 2 năm, ngày tựu trường 01/9/1919 thầy được chuyển lên học Đại Chủng viện Phú Xuân, Huế. Trong quá trình học Đại chủng viện, lần lược thầy được trao các chức thừa tác vụ từ thấp lên cao trong những năm 1921, 1922. Ngày 20/12/1924, thầy được lãnh chức Phó Tế (gọi là thầy Sáu). Nhưng trước đó, từ ngày 28/4 đến 18/5/1924 thầy được vinh dự lớn: được mời tham gia hội đồng sửa đổi kinh đọc (Commission des Prières) tổ chức tại Huế. Đây là một trường hợp hiếm có thời bấy giờ, chứng tỏ thầy Nguyễn Văn Thích được đánh giá rất cao.

  • Thụ phong Linh mục làm môn đệ Chúa:

Ngày 18 tháng 12 năm 1926, tại thánh đường Phủ Cam – Huế, Thầy Nguyễn Văn Thích được Đức Giám mục Giáo phận Huế Eugène Allys (tên Việt Nam: Lý) trao thánh chức Linh mục. Lúc này Linh mục đã 35 tuổi đời và làm con Chúa được 15 năm. Dịp này các bạn sinh viên Đại Chủng viện Phú Xuân (Huế) có tặng Cha bài thơ:

“KÍNH CHA NGUYỄN VĂN THÍCH”[8]

Thăng chức Linh mục.

“Yêu người mến Chúa tấm lòng son,

Mười tám năm nay nguyện mới tròn.

Đông lạnh tùng còn khoe sắc thắm,

Thu già cúc hãy nức mùi hương .

Rừng văn mấy lúc bàn tam cổ,

Tiếng mõ bằng nay dội tứ phương.

Trân trọng một lời khi tiễn biệt:

Trước bàn thờ thánh nhớ nhau luôn.”

Sinh viên Đại chủng viện Huế đồng kính dâng (1919)

Trích: Báo “Vì Chúa” số 16.3, ngày 11-6-1940

  • Một đời Linh mục:
    • Gánh vác trách nhiệm Giáo Hội:

Đầu tiên, từ năm 1927, tân Linh mục Nguyễn Văn Thích được bổ nhiệm làm giáo sư Dòng Thánh Tâm Huế.

Năm 1933,  được thuyên chuyển về dạy trường Providence (Thiên Hựu) Huế, nơi đây giáo sư Nguyễn Văn Thích được gặp vị Hiệu trưởng Việt Nam đầu tiên, trẻ trung, thông thái, du học Âu châu: Linh mục tiến sĩ Ngô Đình Thục.

Năm 1937, được thuyên chuyển ra Chủng viện An Ninh, Quảng Trị. Nơi đây, Cha điều hành biên tập báo “Vì Chúa”.

Năm 1942, được điều động về Huế làm Tuyên úy trường Pellerin (Bình Linh), thời gian này cha còn nhận dạy trường Khải Định (Quốc Học). Cha đã đề nghị đổi tên trường là Bình Linh để nhớ đến thắng cảnh Ngự Bình ở đất Thuận Hóa. Chính trường Providence Cha Thích đề nghị đổi tên thành Thiên Hựu (có nghĩa là sự rộng rãi khoan thứ của Trời, của Thiên Chúa; sự giúp đỡ của Trời, của Thiên Chúa) và cơ sở dòng Biển Đức ở vùng đồi núi làng cư chánh ở Huế được Cha đặt tên là Thiên An (sự an lành của Chúa, của Trời)[9].

Năm 1946-1950, làm cha sở giáo xứ Kim Long.

Năm 1950, Cha về lại trường Bình Linh lần 2, vẫn giữ chức Tuyên úy. Thời gian này cha cũng đi dạy ở Đại học Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, Viện Hán học Huế, Quốc học, Thiên hựu.

Năm 1956, tại Huế Cha được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Thừa Thiên để chuẩn bị tham dự Đại hội Văn hóa Toàn quốc tại Sài Gòn từ ngày 7-17/01/1975.

Năm 1961, Cha kiêm nhiệm Tuyên úy Nữ sinh Công giáo, tham gia các Ủy ban Ca Kịch và Sách báo trong phạm vi giáo phận Huế[10]. Trong thời gian từ năm 1960 – 1970, Cha còn kiêm Chủ tịch Ban văn hóa Thừa Thiên, Chủ tịch Ban kiểm duyệt Sách báo phim ảnh của giáo phận Huế, Ủy viên Hội Khổng học…

  • Một đời Linh mục sống “Tinh tu đắt đạo”:

Cha Nguyễn Văn Thích thật sự là một gương mẫu trong giới Tu sĩ Công Giáo: Sống nghèo khó, khiêm tốn, nhân hòa, rất nghiêm khắc với bản thân mà dễ dàng thông cảm với tha nhân. Cha giữ lễ rất mực đúng đắn, ngay cả trong thời gian tuổi già, với người khác phái dù là nữ tu sĩ. Đức khiêm nhường nghèo khó, đạo hạnh, vâng lời phục vụ, sống gắng bó và thể hiện Đức tin Công giáo, không ai có thể phủ nhận nơi con người Linh mục Nguyễn Văn Thích.

Linh mục Stanislas Nguyễn Văn Ngọc (1910-1920) sống gần như đồng thời với Cha Thích ghi nhận: “Cha Thích khiêm tốn, khó khăn (lúc chết không còn một xu), áo quần cho hết, có lần mặc quần đùi và áo dòng thôi”. Dạy học tiền lương có nhiều, có bao nhiêu thì cho các hội từ thiện, các họ đạo nghèo, cho sinh viên học sinh nghèo, giúp kẻ ốm đau…[11]. Linh mục Duy Ân kể lại: “Vào khoảng 1949, được chứng kiến Cha J.M.Thích hồi ấy đang phụ trách xứ Kim Long, có một người đàn ông lẻn vào vườn nhà xứ trộm một quảy chuối và bị bắt quả tang. Cha xứ mời vào hỏi hang và biết rõ gia đình ông ta vì hết tiền hết gạo nên phải xoay sở kiểu đó… Cha đã để ông về mang theo quảy chuối và còn cho thêm chút tiền trợ giúp. Dĩ nhiên Cha không quên nhắc nhở cho ông ta về vấn đề luân lý.

  • Một đời Linh mục sống với thanh thiếu niên:

Untitled

Tổng Tuyên Úy Hướng đạo công giáo :Bồ câu rừng gan dạ”

tại Trại trường Tùng Nguyên, Đà Lạt.

Năm 1941, các Hướng đạo sinh thấy xuất hiện trong các ngày họp bạn Hướng đạo Đông Dương một Linh mục dáng thanh thanh, người cao cao, trạc ngũ tuần sinh hoạt với một Tráng đoàn ở Huế. Đó là Cha Thích Tuyên úy, có tên Rừng là Bồ câu Rừng gan dạ.

Năm 1949, Cha Thích  được giáo quyền giáo phận Huế bổ nhiệm làm Tuyên úy cho các đơn vị Hướng đạo Công giáo Huế.

Năm 1952, sau khi tái hoạt động, để ổn định sinh hoạt của Hướng đạo. Đại Hội Hướng đạo được tổ chức tại Hà Nội. Trong dịp này, Linh mục Nguyễn Văn Thích được đề cử vào Ban Tuyên úy toàn quốc.

Năm 1953, Họp Ban Huynh trưởng Toàn quốc tại đồi Tùng Nguyên Đà Lạt, Linh mục Nguyễn Văn Thích được các Giám mục và Đức Khâm mạng Tòa Thánh Jonh Dooley đề cử làm Tổng Tuyên úy Hướng đạo Công Giáo Việt Nam, thay Linh mục Tổng Tuyên úy tiền nhiệm Georges Lefas.

Năm 1956, trại trường Tùng Nguyên Đà Lạt chính thức mở khóa huấn luyện, Cha Thích đặt cho khu đất trại nằm cạnh hồ Than Thở là Tùng Nguyên với ý nghĩa: Là nơi đào tạo người Huynh trưởng Việt Nam có tâm hồn, có phẩm chất thanh cao như cây tùng, cây bách dù phong ba bão táp vẫn vươn thẳng lên trời cao.

Vào các mùa trại trường Trùng Nguyên từ những năm 1959-1963, Cha Thích đều tham dự.

Đại hội đồng năm 1972, “Bồ câu rừng gan dạ” vẫn còn gan dạ nhưng ngài đã 78 tuổi, Cha xin từ nhiệm Tổng Tuyên úy Hướng đạo Công giáo.

  • Là người con chí hiếu:

Năm 1931, gia đình tổ chức mừng thọ song thân, Linh mục Nguyễn Văn Thích đứng ra tổ chức góp công lớn cho lễ mừng thọ thêm long trọng. Linh mục sáng tác bài thơ “Mừng thọ” và phổ nhạc theo điệu “Đăng đàn cung” dâng lên ông bà cụ Nguyễn Văn Mại.

Ông bà cụ dần dần mến phục đức độ, lòng hiếu thảo, chí khí của người con Linh mục và cô con gái Nguyễn Thị Ngọc, nữ tu dòng kín Carmel, ông bà dần dần có thiện cảm với đạo Công giáo. Cho đến năm 1945, cụ ông Nguyễn Văn Mại qua đời, chính tay người con Linh mục của mình ban phép rửa tội cho thân phụ và thân mẫu. Năm sau 1946, cụ bà Thân Thị Vỹ cũng qua đời, hưởng thọ 84 tuổi.

  • Một người giàu lòng bác ái:

Lương giáo sư của linh mục rất cao, thế mà khi nhắm mắt chẳng có một tài sản nào để lại, chỉ có vài bộ y phục đã sờn cũ.

Bất cứ người nghèo nào chạy đến hoặc có ai giới thiệu cha đều đem tiền bạc, áo quần đến giúp đỡ. Cha thường đi thăm viện dục Anh nuôi trẻ mồ côi ở Huế, có bao nhiêu tiền bạc đều trao hết cho các nữ tu phụ trách nuôi trẻ mồ côi. Lúc làm Tuyên úy Pellerin kiêm luôn tuyên úy Bệnh viện Trung ương và Viện Bài Lao Huế, Cha tới dâng lễ và luôn có tiền, có quà cho bệnh nhân.

Mấy chục năm đi dạy học, Cha chỉ đi xe đạp hiệu Saint Etienne lọc cọc. cho đến năm 70 tuổi, Cha mới từ giã chiếc xe trung thành với Cha từ năm 1945.

  • Một nhà giáo tận tâm rất mực:

Linh mục Nguyễn văn thích đã là một nhà giáo từ thuở tuổi 20, xuất thân Trợ giáo ( giáo viên Tiểu học) tại Khánh Hòa từ năm 1911. Thầy giáo Nguyễn Văn Thích suốt cuộc đời dạy học cho nhiều người

Dạy cho các thiếu nhi tiểu học ở Khánh Hòa, rồi ở Huế.

Dạy cho các tu sĩ Dòng Thánh Tâm Huế. Sau khi chịu chức Linh mục, Cha được bổ nhiệm làm giáo sư dạy các Tu sĩ Dòng Thánh Tâm mới thành lập, do Linh mục Đaminh Hồ Ngọc Cẩn làm giám đốc. cha dạy nơi đây  từ năm 1927 – 1933.

Dạy cho các thiếu niên ở trường Providence (Thiên Hựu), một trường tư thục Công giáo ở Huế, từ năm 1933 – 1937.

Dạy chủng sinh tiểu Chủng viện An Ninh (Quảng Trị) từ năm 1937 – 1942.

Dạy cho các học sinh Trung học Khải Định (Quốc Học Huế), từ năm 1942 – 1946, đồng thời là Tuyên úy trường Pellerin, nơi mà Cha đã từng được thụ giáo.

pellerin

clip_image002

binhlinh-1

Trường Pellerin thành lập tại Huế từ năm 1904.

Năm 1946-1950, làm Cha xứ họ đạo Kim Long – Huế.

Sau đó, Cha trở lại dạy trường Quốc Học và các trường tư thục ở Huế, từ năm 1950-1958. Trường Quốc Học xưa kia thân phụ Cha đã từng ngồi ghế Giáo sư Hán Văn ngay từ niên khóa thành lập trường, 1896-1897.

Dạy cho sinh viên Đại Học Đà Lạt, Huế, Sàigòn, Viện Hán Học, từ năm 1958, dạy Hán Văn và Triết Đông Phương. Đây là hai bộ môn mới lạ và khô khan đối với sinh viên, thế mà các buổi học không một sinh viên nào vằng mặt. Với lối giảng bài hấp dẫn và lôi cuốn, phương pháp sư phạm dễ tiếp thu cách truyền đạt song ngữ pháp Hán với pháp ngữ giúp sinh viên dễ hiểu và còn dùng thơ trong giảng dạy giúp sinh viên dễ hiểu nhanh thuộc bài, chữ viết của Cha rất đẹp.

Dạy cho các cháu nhi đồng: khoảng năm 1963, Cha lập một nhà trẻ lấy tên “Hương Linh” trong khuôn viên trường Bình Linh (Pellerin trước kia) cho các cháu ấu nhi không phân biệt giàu nghèo, lương giáo. Cha làm cái nhà cho các cháu gọi là “Dưỡng tâm đình” theo lối kiến trúc Á Đông sơn son thiếp vàng làm nhà học cho trẻ. Cha đào tạo giáo viên Hương Linh theo phương pháp sư phạm của riêng Cha mang tính dân tộc và hướng đạo. Các cháu được học múa, hát những điệu vũ, bài hát mang đượm tình quê hương. Cha sáng tác bài thơ và phổ nhạc bài “Cái nhà là nhà của ta” dạy cho các cháu. Rất nhiều học sinh con nhà nghèo, khó khăn đã được Cha giúp đỡ.

  • Một nhà hoạt động Văn hóa – Nhà thơ – Nhà báo:

Cha tham gia phiên dịch tập “Việt Nam Phong Sử” gồm 100 chương của thân phụ, cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại.

Bộ sưu tập 300 câu ca dao Việt Nam của Cha có thể là Tập Kinh Thi Việt Nam – “Thi Tam Bách” – xếp theo vần lục bát.

Sảng Đình Nguyễn Văn Thích là một nhà thơ. Làm thơ, dịch thơ. Ký bút hiệu Sảng Đình – “cái đình trong sáng”, hay đơn giản J.M.T. Làm thơ quốc ngữ, sử dụng từ bình dị có âm hưởng ca dao dân ca. Cha để lại cho đời “Sảng Đình Thi tập” là tập thơ tam ngữ Việt – Hán – Pháp, xuất bản tại Huế năm 1943, có giá trị lớn thi ca Công Giáo Việt Nam. Có bài “Say xuân” nổi tiếng:

Đầm ấm, xuân đầm ấm,

Lai láng, ánh láng lai,

Gió phưởng phất, phưởng phất,

Cành lung lay, lung lay.

Cu cù, cu cu gáy,

Se sè, se sẽ bay.

Riu ríu, riu ríu mắt,

Sờ sững, sững sờ bay.

Thơ chữ hán rất nhiều. Có bài “Quy Y Thánh Giáo Thập Thư gồm 10 đoạn tứ tuyệt và hai đoạn Nhật tụng, đăng trên báo “Vì Chúa” số 138, ngày 24 tháng 9 năm 1939, viết giới thiệu “cho những người Nho học muốn học đạo”. Cha gửi tặng cụ Phan Bội Châu một bản.

Thơ dịch tiếng Pháp cũng nhiều. Nổi tiếng là dịch thơ vở kịch Polyeucte của đại thi hào Pháp Corneille với tựa đề “Tuồng Phổ Liệt”, được trình diễn nhiều lần ở Tiểu Chủng viện An Ninh.

Linh mục Nguyễn Văn Thích còn là một nhà báo. Cha là người sáng lập tuần báo “Vì Chúa”, xuất bản số đầu tiên ngày 18/9/1936 (giá 04 xu/số). Tuần báo viết ba thứ tiếng: Việt-Hán-Pháp, được sự cộng tác của nhiều nhà tri thức như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn…

  • Một Nhạc sĩ – Họa sĩ:

Linh mục sử dụng thành thạo các nhạc khí dân tộc: Đàn nhị, đàn cò, đàn nguyệt, đàn bầu, tì bà… Và các nhạc khí Tây phương.

Cha sáng tác nhạc ca ngợi tạo hóa, ca ngợi Đức Mẹ:

Trời cao đất thấp gặp nhau…

Bao giờ tôi được lên trời…

Mười hai cây nến…

Lạy Đức Mẹ La Vang…

Nổi danh là dịnh và phổ nhạc bài “Magnificat”:

“Linh hồn tôi ngợi khen chúa…”

Cha cộng tác với nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh do nhạc sĩ Hùng Lân sáng lập, góp bài trong tập nhạc “Cung Thánh”.

Cha sáng tác nhạc, phổ nhạc nhiều bài mang tính giáo dục cao cho thiếu nhi:

Cái nhà là nhà của ta…

Cha Nguyễn Văn Thích còn là một họa sĩ: Tài hội họa của Cha thể hiện trên chữ viết các câu đối, trên báo chí… Nét bút tài hoa mà trang trọng:

2

Bút tích của Cha Thích.

LM Thích VHH

Đóng góp công sức cho một thế hệ Hán Nôm tại Đại học Huế. Nguồn Internet.

  1. Vĩnh hằng, một cõi đi về:

Nghỉ hưu, tuổi già đã ngoài 80, nhưng Cha luôn vui vẻ, ca hát làm bạn lui tới với vài cụ già như cụ Tôn Thất Sa, thăm viếng chia sẻ với người nghèo.

Đến ngày 10 tháng 12 năm 1978, nhằm ngày mười một, tháng mười một, năm Mậu Ngọ Cha trút hơi thở. Thọ 87 tuổi, 52 năm Linh mục. Thi hài an táng tại nghĩa trang linh mục ở Phủ Cam; Sau đó, từ năm 1984-1985 chính quyền thành phố Huế ra lệnh giải tỏa ở vùng Cồn Mồ Phủ Cam và Ngự Bình. Mộ Cha Thích và một số mộ các Linh mục khác lúc đó được di dời lên núi Thiên Thai khu nghĩa trang thành phố quy hoạch.

Đến cuối năm 1998, lần nữa lại cải tán cùng với các Cha khác lên nằm gần Đức Cha Allys (Lý) trong nghĩa trang Linh mục giáo phận Huế ở Thiên Thai.

                                                                            

Chủng sinh lớp Triết 2

Mt. Nguyễn Đăng Huệ

DSC03219

…. TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Lữ Hành Đường Hy Vọng của Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận

Tập Thơ-Văn, Nhạc-Họa của Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích do Lê Ngọc Bích thực hiện

Báo Vì Chúa

Thánh ca

Tòa Giám mục Giáo Phận Huế: Hình từ mẫu

Lời kể của bà Lê Thị Băng Tâm tại số 01 Lê Lợi, Thành Phố Huế.

Lời kể của Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Linh mục Gp.Huế

[1] Lê Ngọc Bích, Sưu tập Thơ-Văn-Nhạc-Họa của Lm giáo sư sảng đình Nguyễn Văn Thích, Sài Gòn 2003, tr.11.

[2] Cao Xuân Dục, “Quốc Triều Hương Khoa lục”, Nxb Tp. HCM 1993, tr.471.

[3] Tưởng niệm Linh Mục giáo sư Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Lễ giỗ 18 năm (09.12.1979 – 09.12.1997), Sài Gòn,1997.

[4] Ông Mưới Sen là ông nội của Linh mục Nguyễn Văn Phú, Dòng CCT Sài Gòn, Linh mục Nguyễn Văn Phú đã kể lại cho Lê Ngọc Bích khi viết Bộ sưu tập Thơ-Văn.

[5] Lê Ngọc Bích, Sưu tập Thơ-Văn-Nhạc-Họa của Lm giáo sư sảng đình Nguyễn Văn Thích, Sài Gòn 2003, tr.35.

[6] Nguồn Internet

[7] Lê Ngọc Bích, Sưu tập Thơ-Văn-Nhạc-Họa của Lm giáo sư sảng đình Nguyễn Văn Thích, Sài Gòn 2003, tr.14.

[8] Lê Ngọc Bích, Sưu tập Thơ-Văn-Nhạc-Họa của Lm giáo sư sảng đình Nguyễn Văn Thích, Sài Gòn 2003, tr.16.

[9] Lê Ngọc Bích, Sưu tập Thơ-Văn-Nhạc-Họa của Lm giáo sư sảng đình Nguyễn Văn Thích, Sài Gòn 2003, tr.17.

[10] Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr.215, 224.

[11] Lê Ngọc Bích, Sưu tập Thơ-Văn-Nhạc-Họa của Lm giáo sư sảng đình Nguyễn Văn Thích, Sài Gòn 2003, tr.18.

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Từ khóa » Tiêu Sự Linh Mục Nguyễn Cao Siêu