Tìm Hiểu Về Chu Kỳ Thị Trường - DNSE Blog

Một đặc điểm thường thấy là tuy vận động và biến đổi không ngừng, thị trường tài chính vẫn luôn có các chu kỳ mang những đặc tính tương đồng.

Bởi vậy, việc tìm hiểu và nắm bắt các quy luật dài hạn của môi trường kinh doanh giúp các nhà đầu tư phân bổ nguồn vốn hợp lý theo từng giai đoạn, từ đó tối ưu hóa được hiệu quả đầu tư.

Trong kỷ nguyên của công nghệ số, dựa vào xu hướng phát triển rộng mở của các nền tảng giao dịch thanh toán, chỉ với một vài cú click chuột trên các thiết bị điện tử cầm tay, các nhà đầu tư đã có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch từ bất cứ nơi đâu, trong văn phòng, căn bếp hay tiệm cafe, tận dụng tối đa nguồn vốn cá nhân của mình.

Điều này cũng giúp các nhà đầu tư nhạy bén và tiếp cận đa dạng hơn với các cơ hội trong ngắn hạn chứ không đơn thuần phải bó mình trong các thương vụ dài hạn với mức độ lưu chuyển dòng vốn thanh khoản thấp.

Trong bài viết này, tôi xin tổng hợp một số ý chính trong chu kì thị trường để giới thiệu tới nhà đầu tư, với hy vọng góp phần phác họa nên một bức tranh từ góc nhìn kỹ thuật về thời điểm và cơ hội đầu tư.

4 giai đoạn trên đồng hồ đầu tư

Gọi là đầu hồ đầu tư, bởi trên mặt đồng hồ, hiển thị các giai đoạn, tương ứng với các tên gọi là Recovery, Boom, Slowdown, và Recession.

Bốn giai đoạn này trong một chu kỳ cũng được giới doanh nhân ví như 4 mùa trong năm. Mỗi giai đoạn lại có những đặc trưng cụ thể, nếu tinh ý hoàn toàn có thể nhận ra.

Giai đoạn Phục hồi tương ứng với khoảng từ 6-9h trên mặt đồng hồ. Trong khi đó, giai đoạn Bùng nổ ở vào quãng từ 9-12h. Giai đoạn Giảm tốc được xác định trong ngưỡng từ 12-3h và cuối cùng là giai đoạn Suy thoái rơi vào khoảng từ 3-6 giờ.

Đồng hồ đầu tư

Như đã nói ở trên, mỗi giai đoạn đều chứa đựng những đặc điểm riêng có, tôi sẽ liệt kê chi tiết như dưới đây để nhà đầu tư tiện tham khảo.

Giai đoạn phục hồi - RECOVERY

Đây được gọi là giai đoạn qua đáy, nền kinh tế bắt đầu phục hồi với các chỉ báo như lãi suất ngân hàng và tỉ lệ thất nghiệp giảm dần. Thị trường chứng khoán tăng trở lại. Giá hàng hóa, bất động sản phục hồi và lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện.

Giai đoạn bùng nổ - BOOM

Giai đoạn phát triển bùng nổ tương ứng với thời gian 9h-12h khi kim chỉ đồng hồ dần leo lên đến đỉnh. Tại đây, nền kinh tế tăng trưởng rất nóng, lạm phát ở mức trung bình nhưng có xu hướng đi lên.

Một dấu hiệu đáng lưu ý của giai đoạn này là nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đều tăng. Lãi suất ngân hàng có tăng nhưng chưa đến đỉnh. Giá bất động sản tăng cao. Việc làm, chi tiêu tiêu dùng và sản xuất đạt mức cao nhất.

Cũng ở giai đoạn này, thị trường chứng khoán tăng rất cao và có xu hướng tạo đỉnh. Xuất hiện hiện tượng đầu cơ và bong bóng tài sản.

Giai đoạn giảm tốc - SLOWDOWN

Giai đoạn giảm tốc diễn ra khi kim đồng hồ từ điểm 12h bắt đầu trượt xuống tới mức 3h.

Tại giai đoạn này, lãi suất bắt đầu tăng lên, dòng tiền chuyển dần ra khỏi các kênh đầu tư rủi ro để chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn.

Giá cả hàng hóa bắt đầu giảm xuống. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm. Nhà nước bắt đầu đặt ra các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Thị trường chứng khoán và bất động sản tụt dốc. Tính thanh khoản giảm. Các nhà đầu tư thường quay về với cổ phiếu phòng thủ để tránh đà suy giảm của thị trường.

Giai đoạn suy thoái - RECESSION

Ở giai đoạn này, lạm phát và lãi suất tăng mạnh. Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và giảm dự trữ ngoại tệ. Thị trường chứng khoán và bất động sản xuống thấp nhất.

Giá hàng hóa giảm mạnh và cầu tiêu dùng giảm do chính sách thắt lưng buộc bụng.

Lợi nhuận các doanh nghiệp giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Chu kỳ thị trường và thời điểm đầu tư của 11 nhóm ngành cơ bản

Mỗi giai đoạn, dù là tăng trưởng hay suy thoái - của môi trường kinh tế vĩ mô vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Bởi vì, khách quan mà nói, mỗi giai đoạn chứa đựng trong nó những điều kiện đặc biệt, có thể là bất lợi cho ngành này nhưng lại là thuận lợi cho ngành kia.

Thực tế chứng minh rằng có những nhóm ngành phát triển mạnh mẽ và tạo nên hiệu suất tăng trưởng cao so với các nhóm ngành còn lại, kể cả trong điều kiện khủng hoảng kinh tế - tài chính.

Không nói thì ai cũng biết, điều tạo nên các sóng ngành tăng trưởng thu hút dòng tiền từ thị trường. Vì thể, hiểu rõ những tác động của từng giai đoạn lên từng nhóm ngành sẽ là lợi thế không nên bỏ lỡ đối với nhà đầu tư.

Chu kì kinh doanh và tương quan với chu kì thị trường chứng khoán

Dưới đây, tôi sẽ phân tích về 11 nhóm ngành cơ bản trong các giai đoạn kinh tế, bao gồm: tài chính, vận tải, công nghệ, tư liệu sản xuất, công nghiệp cơ bản, năng lượng, kim loại quý, hàng tiêu dùng không theo chu kỳ, chăm sóc sức khỏe, ngành tiện tích và hàng tiêu dùng theo chu kỳ.

1. Tài chính

Nhóm này thích hợp đầu tư ở hai giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu thị trường tăng giá tương ứng giai đoạn cuối chu kì kinh tế
  • Giai đoạn cuối thị trường giảm giá tương ứng giai đoạn đỉnh chu kì kinh tế

VD: Nhóm cổ phiếu ngân hàng chứng khoán.

2. Vận tải

Đầu tư ở đầu thị trường bò tót, tương ứng cuối suy thoái kinh tế. Ví dụ nhóm vận tải cảng biển, logictis và vận chuyển hàng hóa.

3. Công nghệ

Đầu tư từ phần giữa của giai đoạn đầu thị trường tăng giá đến giữa thị trường tăng giá, tương ứng đầu giai đoạn kinh tế hồi phục.

4. Tư liệu sản xuất

Đầu tư từ giai đoạn giữa đến giai đoạn cuối thị trường tăng giá, tương ứng từ đầu giai đoạn kinh tế hồi phục đến giữa giai đoạn kinh tế phục hồi.

5. Công nghiệp cơ bản

Đầu tư ở giai đoạn cuối của thị trường tăng giá, tương ứng trước của giai đoạn giữa phục hồi kinh tế.

VD: Nhóm hóa chất phân bón, khai thác gỗ, cao su, tinh chế kim loại.

6. Năng lượng

Đầu tư ở đỉnh thị trường chứng khoán, tương ứng với giai đoạn giữa chu kỳ kinh tế hồi phục.

VD: Dầu mỏ, khí đốt, sản xuất điện.

7) Kim loại quý

Đầu tư nhóm này ở giai đoạn đỉnh thị trường chứng khoán, tương ứng giai đoạn giữa phục hồi kinh tế.

8) Hàng tiêu dùng không theo chu kỳ

Đầu tư ở đầu giai đoạn thị trường giảm giá, tương ứng cuối giai đoạn kinh tế phục hồi.

9) Chăm sóc sức khoẻ

Đầu tư ở giai đoạn đầu thị trường giảm giá, tương ứng cuối giai đoạn kinh tế phục hồi.

10) Tiện ích

Đầu tư từ đầu đến giữa thị trường con gấu, tương ứng với cuối chu kỳ kinh tế hồi phục.

VD: Tiện nghi cơ bản như cung cấp điện, nước sạch.

11) Hàng tiêu dùng theo chu kì

Đầu tư cuối giai đoạn thị trường giảm và tương ứng đỉnh chu kì kinh tế.

VD: Các ngành tiêu dùng mang tính thị hiếu ví dụ như sản xuất ô tô, bất động sản, thời trang may mặc.

Cần lưu ý rằng, các chu kỳ có tính tương đồng nhưng không lặp lại. Ngoài ra, các yếu tố môi trường kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng đa dạng từ nhiều yếu tố khác ngoài chính sách vĩ mô như thời tiết, địa chính trị, phát kiến mới,...

Bởi vậy, dù nắm vững lý thuyết về chu kỳ thị trường, nhà đầu tư cần áp dụng linh hoạt với góc nhìn đa chiều để thực hành và kiểm chứng từ chính thực tiễn với lý thuyết này.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Từ khóa » Chu Kỳ Sóng Chứng Khoán