Tìm Hiểu Về Hệ Sinh Thái Rạn San Hô

Rạn san hô – rừng dưới biển

Dưới làn nước trong xanh của nhiều vùng biển nhiệt đới có những cánh rừng hình thành không phải từ cây cối mà từ những loài động vật đặc biệt – đó là san hô. Rạn san hô được xem là hê sinh thái đa dạng, giàu có và tuyệt vời nhất trong đại dương.

Rạn san hô ở Phú Quốc – Kiên Giang

San hô là gì?

Mặc dù trông giống như cành cây, hay phiến đá, nhưng san hô thực sự là nhóm động vật có cấu tạo tương tự như sứa và hải quỳ. Chúng thuộc nhóm động vật biển có các trâm gây ngứa (gọi là thích ty bào).

Giải phẫu cấu trúc san hô (nguồn NOAA)

San hô được ví như những người thợ xây:

Một rạn san hô được hình thành qua sự phát triển của nhiều thế hệ của các loài san hô cứng tạo rạn. Tập đoàn san hô do hàng tỉ các pôlýp (polyp) san hô tí hon xây dựng nên. Pôlýp san hô trông giống như một cái ống ngắn, rỗng có đáy nằm trong khung xương đá vôi của mình và trên cùng là miệng gồm nhiều xúc tu. Khi một pôlýp san hô chết đi, ngôi nhà đá vôi của nó vẫn tồn tại. Các pôlýp san hô khác lại tiếp tục xây dựng các ngôi nhà mới của chúng lớp này qua lớp khác, qua nhiều thế hệ và tạo nên các rạn san hô vô cùng huyền bí.

Có ba nhóm san hô chính là san hô cứng (còn gọi là san hô đá), san hô sừng và san hô mềm. San hô mềm với hình dạng của hoa và nấm dại trong rừng nhiệt đới trang điểm cho rạn san hô sặc sỡ hơn. San hô mềm không xây dựng nên một bộ xương đá vôi hoàn chỉnh. Thay vào đó, cơ thể của chúng được đỡ bằng một bộ khung gồm nhiều trâm xương đá vôi bé xíu gọi là bộ xương trong, tạo cho chúng một kết cấu bề mặt mềm mại.

Cuộc sống của san hô

San hô sinh trưởng ra sao?

San hô có thể sinh trưởng bằng hai cách: đẻ trứng (sinh sản hữu tính) và nẩy chồi (sinh sản vô tính).

Sinh sản hữu tính:

Các pôlýp san hô cái, đực phóng trứng và tinh trùng vào trong nước và thụ tinh ngoài tạo ra những ấu trùng san hô rất nhỏ, sau một thời gian trôi nổi ấu trùng san hô lắng xuống đáy thích hợp để phát triển thành những pôlýp san hô mới.

Sinh sản vô tính:

San hô có thể mọc chồi. Những pôlýp nhỏ xuất hiện ở mặt bên của pôlýp san hô cũ và lớn dần thành những pôlýp riêng biệt với bộ xương do tự chúng sinh ra.

Hàng loạt san hô sống cùng nhau hình thành những thảm san hộ rộng lớn với nền móng là đá vôi tạo thành rạn san hô. Khi san hô chết, những pôlýp mới sinh sản chồng lên các bộ xương còn lại. Pôlýp sống chỉ tồn tại ở lớp trên cùng của rạn san hô sau quá trình phát triển rộng ra và cao lên qua nhiều thế hệ. Phần lớn trong rạn san hô là bộ xương của san hô chết. Khi tách một phần của khối san hô, có thể nhận thấy các lớp đá vôi phát triển chồng lên nhau qua năm tháng. Phân tích cấu trúc bộ xương san hô giúp các nhà khoa học đánh giá được những thay đổi khí hậu trong quá khứ, ví dụ như hiểu được biến thiên nhiệt độ do sinh trưởng của san hô phụ thuộc vào nhiệt độ nước biển.

Phân bố rạn san hô

Rạn san hô là một trong những cấu trúc thiên nhiên lớn nhất hành tinh dưới biển. Một số rạn có thể dài tới hàng trăm kilomet. Tất cả đều hình thành từ những cấu trúc bé nhỏ là pôlýp. Rạn san hô ở Đông Bắc nước Úc là vật thể động vật duy nhất được nhìn thấy từ mặt trăng.

Rạn san hô chỉ tồn tại trong vùng nước ấm, nông (độ sâu khoảng 40m trở lại) và trong. Đó là lý do vì sao rạn san hô trên thế giới chỉ phân bố giới hạn ở vùng có nhiệt độ trung bình trên 20oC.

Phân bố Rạn san hô trên thế giới (Nguồn: tham khảo trên Internet)

Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất hành tinh và có rạn san hô đa dạng và phong phú nhất.

Tài liệu tham khảo: – ICRI, UNEP. Coral reefs and mangrove swamps – what we need to know Handbook (Bản dịch tiếng việt: Võ Sĩ Tuấn. Tìm hiểu rạn san hô và rừng ngập mặn). – Rạn san hô Côn đảo. Nhà xuất bản Lao Động, Năm 2000.

Từ khóa » Hệ Sinh Thái Rạn San Hô Tại Việt Nam