Tìm Hiểu Về Hiện Tượng Thừa Lái Và Thiếu Lái - Cách Xử Lý - OTO-HUI

(News.oto-hui.com) – Nếu đã có thời gian dài lái xe thì ắt hẳn sẽ có đôi lúc bạn rơi vào tình huống bánh xe bị trượt trên đường và mất kiểm soát. Đó chắc hẳn là những phút giây “lạnh sóng lưng” mà không bác tài nào muốn gặp phải. Hiện tượng này chính là mất lái. Vậy làm sao để khắc phục điều này? Mời các bạn xem bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về hiện tượng thừa lái và thiếu lái – Cách xử lý

I. Mất lái:

Cụm từ mất lái mà chúng ta hay dùng thực ra là cách gọi chung cho hai hiện tượng thiếu lái (understeer) và thừa lái (oversteer).

  • Hiện tượng thiếu lái và thừa lái đều xảy ra khi chiếc xe mất độ bám với mặt đường.

Nhưng khác nhau ở chỗ tùy theo cơ cấu dẫn động của chiếc xe mà nó bị mất độ bám ở 2 bánh trước hay 2 bánh sau. Do đó cách khắc phục cũng như điều chỉnh sẽ không giống nhau.

Hiện tượng mất lái

II. Thiếu lái:

1. Thiếu lái là gì?

Thiếu lái hiểu đơn giản là khi vào cua chiếc xe không ôm theo ý muốn của người lái, mà có xu hướng đi theo đường thẳng, chệch ra hướng ngược lại của vòng cua.

  • Thiếu lái là tính chất đặc trưng của các xe dẫn động cầu trước và đa số các xe dẫn động bốn bánh khi chúng ta vào cua quá nhanh.
  • Lúc này 2 bánh trước là 2 bánh đánh lái cũng là 2 bánh dẫn động. Chúng sẽ bị mất độ bám và khiến chiếc xe không di chuyển theo hướng chúng ta đánh lái.
Việc đánh lái thêm về hướng ôm cua cũng không thể giúp chiếc xe ôm cua theo ý muốn.

Tuy nhiên, có một tin mừng là thiếu lái sẽ dễ kiểm soát hơn và không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm làm chủ chiếc xe so với trường hợp thừa lái.

Hiện tượng thiếu lái

Đó là lý do vì sao ngay từ nhà máy các xe dẫn động 4 bánh AWD thường được nhà sản xuất định hướng phần động năng của chiếc xe thiên về thiếu lái. Mặc dù các xe dẫn động 4 bánh cũng có khả năng bị thừa lái giống các xe dẫn động cầu sau.

2. Cách xử lý khi xe bị thiếu lái:

Thiếu lái xảy ra là do 2 bánh trước mất độ bám với mặt đường. Cách khắc phục tình trạng thiếu lái duy nhất là chúng ta cần giảm tốc độ của chiếc xe để 2 bánh trước có thể lấy lại được độ bám với mặt đường.

  • Nhả chân ga để chiếc xe từ từ giảm tốc độ.
  • Không nên phanh gấp trong trường hợp này. Vì phanh gấp sẽ xảy ra hiện tượng bó cứng phanh và đưa hai bánh xe trước trở về trạng thái mất ma sát với mặt đường.
Giảm tốc độ hai bánh trước
  • Bên cạnh việc nhả chân ga cho xe giảm tốc độ từ từ thì chúng ta cũng đồng thời trả vô lăng về hướng thẳng lái (ngược lại hướng ôm cua và không cần về hẳn vị trí thẳng lái).

Cách làm này là để giảm áp lực cho 2 bánh trước và giúp 2 bánh này lấy lại độ bám đường nhanh hơn.

Trả vô lăng về hướng thẳng lái
  • Đến khi cảm nhận xe bắt đầu lấy lại hoàn toàn độ bám với mặt đường, chúng ta mới bắt đầu đánh lái nhiều hơn về phía ôm cua.

* Những xe hiện nay đều có trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS:

  • Trong những trường hợp vào cua tốc độ quá nhanh và việc giảm tốc bằng cách nhả chân ga không lấy lại độ bám nhanh, chúng ta có thể dậm thêm một chút phanh.
  • Nhớ là chỉ một chút để hỗ trợ thôi, đừng phanh gấp.

Hệ thống ABS lúc này sẽ nhận ra hai bánh trước bị trượt và sẽ phân bổ lực phanh về hai bánh sau nhiều hơn. do đó, bánh xe sẽ không bị bó cứng dẫn đến tác dụng ngược là mất lực bám.

Đạp phanh nếu cần thiết

III. Thừa lái:

1. Thừa lái là gì?

Không khó để đoán được thừa lái là hiện tượng hoàn toàn ngược lại với thiếu lái. Thừa lái xảy ra trong 2 trường hợp:

  • Thứ nhất: Đó là khi vừa thoát khỏi chóp góc cua (xem điểm B trong hình bên dưới) và chúng ta đột ngột thốc ga những chiếc xe dẫn động cầu sau.
  • Thứ hai: Khi chúng ta vào cua quá nhanh và đột ngột nhả chân ga gây ra hiện tượng chuyển dịch trọng lượng bất ngờ từ sau ra trước.
Hiện tượng thừa lái là gì?

Cả 2 trường hợp trên đều khiến 2 bánh xe sau làm nhiệm vụ dẫn động mất độ bám đường. Hậu quả tất yếu là xe sẽ xảy ra hiện tượng văng đuôi hay tệ hơn là xe sẽ xoay vài vòng trên mặt đường.

Thừa lái thường bắt gặp ở những xe dẫn động cầu sau, một số xe dẫn động 4 bánh và cá biệt có trường hợp ở vài chiếc dẫn động cầu trước.

Hai bánh xe chủ động mất độ bám làm xe xoay vài vòng trên đường

2. Lợi ích của thừa lái:

Về cơ bản thì thừa lái sẽ nguy hiểm hơn thiếu lái, nhưng lạ một nỗi là cái gì càng mạo hiểm thì con người chúng ta lại càng bị hấp dẫn.

  • Đối với những ai mê tốc độ thì tính chất dư lái chính là yếu tố tạo nên sự vui vẻ đằng sau tay lái của một chiếc xe.
  • Những xe có tính chất thừa lái thường mất ít thời gian để hoàn thành một khúc cua hơn thiếu lái và do đó nó sẽ có lợi thế để hoàn thành vòng đua sớm hơn.
Thừa lái được áp dụng để drift xe

3. Cách xử lý khi xe bị thừa lái:

Thừa lái thật sự khó khắc phục hơn thiếu lái rất nhiều và để kiểm soát hiện tượng thừa lái là điều không hề đơn giản tí nào đối với những tay lái bình thường như chúng ta.

  • Khắc phục thừa lái không hề giống với khắc phục thiếu lái là chỉ cần buông chân ga để chiếc xe chạy chậm lại và tăng độ bám ở 2 bánh bị mất kiểm soát.
  • Nó yêu cầu chúng ta phải thuần thục kỹ năng đánh lái ngược để giúp đưa chiếc xe vượt qua khúc cua trong tình trạng bị văng đuôi có kiểm soát và rồi lấy lại độ bám đường khi trở lại chuyển động thẳng sau đó.

4. Kỹ thuật đánh lái ngược:

Đó là kỹ năng đánh lái ngược lại hướng xe đang ôm cua với một lượng vừa đủ:

  • Nếu đánh lái ngược quá ít thì sẽ không đủ để ngăn hiện tượng văng đuôi.
  • Còn đánh quá nhiều thì sẽ gây ra tác dụng ngược là khiến xe văng đuôi hay bị xoay theo hướng ngược lại.
https://news.oto-hui.com/wp-content/uploads/2017/12/1.mp4 https://news.oto-hui.com/wp-content/uploads/2017/12/3.mp4
  • Một mẹo nhỏ để thực hiện kỹ năng đánh lái ngược dễ dàng đó là đừng nhìn theo hướng chiếc xe đang lao về mà hãy nhìn về hướng bạn muốn chiếc xe đi đến và đánh lái theo.
  • Ngoài ra, các bạn cũng có thể mớm nhẹ một ít ga để phần trọng lượng có thể chuyển bớt về sau xe và giúp 2 bánh sau nhanh lấy lại độ bám đường hơn.

Kỹ năng đánh lái ngược cần được luyện tập nhiều lần mới thành thạo được, vì phản ứng tay lái không đủ nhanh sẽ khiến đuôi xe văng đến một mức độ khó có thể kiểm soát.

Bài viết liên quan:

  • Công dụng của hệ thống hỗ trợ đánh lái chủ động
  • Tìm hiểu về các loại hệ thống lái phổ biến hiện nay
  • Lực bám và hệ thống chống trượt TCS

Từ khóa » Chẩn đoán Hiện Tượng ít Lái