Tìm Hiểu Về Kế Toán Ngân Hàng Thương Mại Tại Việt Nam

Kế toán ngân hàng thương mại luôn là công việc được các bạn sinh viên ra trường nhắm đến hoặc ai đang làm kế toán muốn chuyển việc. Tại sao lĩnh vực kế toán ngân hàng lại được mọi người ưa chuộng như vậy? Hãy cùng tìm hiểu về kế toán ngân hàng thương mại nhé.

kế toán ngân hàng thương mại
Tìm hiểu về kế toán ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại là tổ chức kinh doanh tiền tệ mà hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền ký gửi từ khách hàng. Với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán.

Kế toán ngân hàng thương mại là nghề ghi chép, phân loại, tổng hợp và giải thích các nghiệp vụ tác động đến tình hình tài chính của các ngân hàng bằng thước đo tiền tệ. Qua đó nhằm cung cấp thông tin về tình hình và kết quả hoạt động của ngân hàng. Làm cơ sở cho việc ra quyết định kinh tế liên quan đến mục tiêu quản lý kinh doanh và đánh giá hoạt động của ngân hàng. 

1. Đối tượng của kế toán ngân hàng 

Là công cụ quản lý kinh tế – tài chính, đối tượng trước hết của kế toán ngân hàng trước hết là vốn và sự vận động của vốn. Vốn ngân hàng tồn tại dưới hai hình thức:

  • Nguồn vốn: chỉ những nguồn lực tài chính mà ngân hàng có thể dựa vào để thực hiện các hoạt động kinh doanh và cung ứng dịch vụ tài chính. Gồm có: vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ bên ngoài.
  • Sử dụng vốn: là việc ngân hàng sử dụng những nguồn vốn mà nó huy động được để hình thành các tài sản (ngân quỹ, cho vay, đầu tư, tài sản cố định…) trực tiếp hoặc gián tiếp mang lại thu nhập cho ngân hàng hoặc phát huy vai trò phục vụ hoạt động sinh lời của ngân hàng.

Đối tượng của kế toán ngân hàng còn là kết quả của sự vận động vốn ngân hàng. Kế toán ngân hàng phải phản ánh các khoản thu nhập, chi phí, kết quả và phân chia kết quả hoạt động.

Là các đơn vị trung gian tài chính trong nền kinh tế các ngân hàng đóng vai trò chủ yếu trong cung ứng các dịch vụ thanh toán cho nền kinh tế, đồng thời ngân hàng có nhiều giao dịch kỳ hạn, giao dịch cam kết, bảo lãnh… với các đối tác và khách hàng ở trong và ngoài nước. Vì vậy, đối tượng kế toán ngân hàng còn có các khoản thanh toán trong và ngoài ngân hàng, các khoản cam kết, bảo lãnh, các giấy tờ có giá…

Đặc điểm của đối tượng kế toán ngân hàng

  • Đối tượng kế toán ngân hàng chủ yếu tồn tại dưới hình thái giá trị (tiền tệ) kể cả nguồn gốc hình thành cũng như quá trình vận động.
  • Đối tượng kế toán ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ và thường xuyên với đối tượng kế toán của các đơn vị, tổ chức kinh tế, cá nhân trong nền kinh tế thông qua quan hệ tiền gửi, tín dụng, thanh toán giữa ngân hàng với khách hàng.
  • Đối tượng kế toán ngân hàng có quy mô và phạm vi rất lớn, có sự tuần hoàn thường xuyên, liên tục theo yêu cầu chu chuyển vốn của nền kinh tế (sự d ịch chuyển về sở hữu và sử dụng giữa các chủ thể phức tạp của nền kinh tế) và theo yêu cầu quản lý kinh doanh của ngân hàng.
  • Đối tượng kế toán ngân hàng phong phú và đa dạng => phân tổ khó khăn sử dụng nhiều tiêu chí, lồng ghép nhiều tầng lớp.

2. Nhiệm vụ của kế toán ngân hàng thương mại

2.1 Nhiệm vụ chung của kế toán

– Ghi chép, phản ánh các nghiệp vụ phát sinh

– Phân tích xử lý các thông tin

– Cung cấp thông tin

– Kiểm tra đối chiếu (mang tính xuyên suốt)

2.2 Đối với kế toán ngân hàng:

– Thu thập, ghi chép kịp thời đầy đủ, chính xác các nghiệp vụ kinh tế – tài chính phát sinh của ngân hàng theo đối tượng, nội dung công việc kế toán theo đúng chuẩn mực và chế độ kế toán.

Chú ý: 

  • Tính kịp thời: Đối với doanh nghiệp, đối tượng kinh doanh chủ yếu là hàng hóa, dịch vụ nên tính kịp thời không nhất thiết, có thể chậm trễ, có thể đợi kết thúc tháng, quý… để phản ánh nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Còn đối với ngân hàng kinh doanh tiền tệ thì nhất thiết đảm bảo tính kịp thời do nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến nhiều khách hàng, hơn nữa tiền có giá trị theo thời gian; nếu không được phản ánh kịp thời thì không đảm bảo được an toàn vốn, tài sản và không xác định được thu nhập và chi phí để xác định kết quả kinh doanh.
  • Tính chính xác: đối với doanh nghiệp, không cần tuyệt đối, mang tính chất ước lượng một số khoản mục. Đối với ngân hàng, cần chính xác tuyệt đối do ngân hàng kế toán hộ nền kinh tế. (kế toán ngân hàng thương mại)

– Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khoản thu chi tài chính, quá trình sử dụng tài sản của bản thân ngân hàng và của xã hội thông qua khâu kiểm soát của kế toán, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, củng cố cân đối hạch toán kinh tế trong ngân hàng cũng như trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Chú ý: Nhiệm vụ này doanh nghiệp không có, ngân hàng kế toán cho nội bộ và giao dịch (chức năng giám sát của ngân hàng).

– Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của ngân hàng.

– Cung cấp thông tin cho ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý nhà nước khác phục vụ chỉ đạo thực thi chính sách tiền tệ – tín dụng nói riêng và chính sách tài chính nói chung; đồng thời đáp ứng nhu cầu công tác thanh tra ngân hàng. 

– Tổ chức tốt việc giao dịch với khách hàng góp phần thực hiện tốt chiến lược khách hàng của ngân hàng. (kế toán ngân hàng thương mại)

3. Tài khoản và hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng

3.1 Tài khoản

Tài khoản là phương pháp kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo nội dung kinh tế. Mỗi tài khoản mở theo một đối tượng kế toán cụ thể, có nội dung kinh tế riêng biệt. Tên gọi tài khoản, số lượng tài khoản cần mở, nội dung phản ánh của từng tài khoản do nội dung kinh tế của đối tượng kế toán và yêu cầu quản lý quyết định.

Với mỗi hệ thông ngân hàng, số lượng các tài khoản rất lớn. Hơn nữa, trong một số tài khoản tổng hợp có liên quan đến khách hàng, các tài khoản có nhiều cấp lại có thêm nhiều tiểu khoản chi tiết.

Các tài khoản kế toán ngân hàng được chia làm hai bộ phận: Tài khoản hạch toán nội bộ và tài khoản giao dịch với khách hàng.

Phân loại

Phân loại theo công dụng và kết cấu (bản chất):

Là việc sắp xếp các nhóm tài khoản theo mối quan hệ hai chiều của vốn là tài sản và nguồn vốn để làm rõ bản chất của tài khoản trong quá trình phản ánh và kiểm soát đối tượng kế toán ngân hàng.

Gồm: 

– Tài khoản phản ánh nguồn vốn: Dư có.

– Tài khoản phản ánh tài sản: Dư nợ.

– Tài khoản phản ánh tài sản – nguồn vốn: gồm 2 loại:

  • Một, tài khoản có thể phản ánh tài sản, có thể phản ánh nguồn vốn (dư nợ hoặc dư có). Ví dụ: Tài khoản lợi nhuận, tài khoản đánh giá lại giá trị tài sản. 
  • Hai, tài khoản vừa phản ánh tài sản vừa phản ánh nguồn vốn tại cùng một thời điểm (có hai số dư nợ và dư có, khi lên cân đối tài khoản vẫn phải để 2 số dư không được bù trừ).

Phân loại theo mối quan hệ với bảng cân đối kế toán

– Tài khoản nội bảng: Phản ánh tài sản, nguồn vốn của bản thân đơn vị ngân hàng. Sự vận dộng của tài sản, nguồn vốn ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô hoặc cơ cấu tài sản, nguồn vốn của ngân hàng. Áp dụng phương pháp ghi sổ kép. Số dư nằm trong Bảng cân đối kế toán.

– Tài khoản ngoại bảng: Phản ánh tài sản không (hoặc chưa) thuộc quyền sở hữu, sử dụng hay nghĩa vụ phải thanh toán của ngân hàng (Tài sản giữ hộ, tạm giữ); phản ánh nghiệp vụ chưa tác động ngay đến tài sản và nguồn vốn của ngân hàng (cam kết thanh toán thư tín dụng, các hợp đồng, các chứng từ thanh toán trong thời gian chưa thanh toán) nhưng cần phải quản lý.

Số dư nằm ngoài Bảng cân đối kế toán. Áp dụng phương pháp ghi sổ đơn (Nhập – Xuất).

Phân loại theo mức độ tổng hợp

– Tài khoản tổng hợp: Phản ánh một cách tổng hợp hoạt động ngân hàng theo những chỉ tiêu nhất định nhằm cung cấp thông tin kinh tê, tài chính phục vụ chỉ đạo thực thi chính sách tiền tệ và chỉ đạo hoạt động kinh doanh ngân hàng, đồng thời là chỉ tiêu lập Bảng cân đối kế toán ngân hàng. 

– Tài khoản chi tiết (tiểu khoản): Phản ánh sự vận động của từng đối tượng kế toán cụ thể.

3.2 Hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng thương mại 

Hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng thương mại là một tập hợp (danh mục) các tài khoản mà kế toán ngân hàng phải sử dụng để phản ánh toàn bộ tài sản, nguồn vốn và sự vận động của chúng trong quá trình hoạt động. Mỗi tài khoản có tên gọi phù hợp với nội dung kinh tế của đối tượng kế toán mà nó phản ánh, số hiệu riêng được phân loại sắp xếp theo trật tự khoa học nhất định. Ngân hàng không sử dụng hệ thống tài khoản do Bộ Tài chính ban hành mà xây dựng Hệ thống tài khoản riêng trong đó tài khoản phản ánh chủ yếu hoạt động tiền tệ.

a. Nguyên tắc xây dựng Hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng thương mại

  • Đảm bảo sự thống nhất để tạo điều kiện tổng hợp thông tin, lập và điều hành chính sách kế toán vĩ mô.
  • Đảm bảo phù hợp với các cơ chế nghiệp vụ ngân hàng (nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ huy động vốn…) để thông tin kế toán ngân hàng phục vụ tốt nhất cho quản lý, điều hành các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng.
  • Quán triệt Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán chung và các chuẩn mực kế toán áp dụng riêng cho lĩnh vực hoạt động tiền tệ ngân hàng; phản ánh rõ ràng, đầy đủ các loại nguồn vốn, sử dụng vốn phù hợp với các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính ngân hàng.
  • Thuận tiện cho việc mở tài khoản, hạch toán, xử lý và thu thập thông tin kế toán; đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác kế toán và thanh toán trong ngân hàng.
  • Đảm bảo sự ổn định tương đối cơ cấu của Hệ thống tài khoản, đáp ứng yêu cầu phản ánh các nghiệp vụ ngân hàng mới phát triển trong tương lai.

b. Nội dung hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng thương mại

Hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng được bố trí theo trình tự: Loại, tài khoản tổng hợp, tài khoản phân tích, kí hiệu tiền tệ.

– Loại: Là hình thức phân tổ Tài khoản theo nội dung nghiệp vụ hay loại tài sản.

Gồm 9 loại: 

  • Loại 1 – 8: Tài khoản nội bảng; 
  • Loại 9: Tài khoản ngoại bảng. 

– Tài khoản tổng hợp, bố trí thành 5 cấp:

  • Tài khoản tổng hợp cấp 1: Chi tiết hóa loại.

→ Kí hiệu: 2 chữ số (chữ số thứ nhất: chỉ loại, chữ số thứ 2: thứ tự của Tài khoản tổng hợp trong Loại). 

  • Tài khoản tổng hợp cấp 2: Chi tiết hóa Tài khoản tổng hợp cấp 1.

→ Kí hiệu: 3 chữ số (2 chữ số đầu: Số hiệu Tài khoản tổng hợp cấp 1, chữ số thứ 3: thứ tự của Tài khoản tổng hợp cấp 2 trong Tài khoản tổng hợp cấp 1). 

  • Tài khoản tổng hợp cấp 3: Chi tiết hóa Tài khoản tổng hợp cấp 2.

→ Ký hiệu: 4 chữ số (3 chữ số đầu: Số hiệu Tài khoản tổng hợp cấp 2, chữ số thứ 4: thứ tự của Tài khoản tổng hợp cấp 3 trong Tài khoản tổng hợp cấp 2).

Sơ đồ:

Loại → Tài khoản tổng hợp cấp 1 → Tài khoản tổng hợp cấp 2 → Tài khoản tổng hợp cấp 3 → … → Tài khoản tổng hợp cấp 5.

Ngân hàng nhà nước quy định tính chất thống nhất của Tài khoản tổng hợp cấp 1, 2, 3 còn cấp 4, 5 do Tổng Giám đốc của ngân hàng thương mại quyết định.

  • Tài khoản chi tiết

Số hiệu tài khoản chi tiết gồm 2 bộ phận: Số hiệu Tài khoản tổng hợp và số hiệu tiểu khoản.

kế toán ngân hàng thương mại

Hy vọng rằng bài viết về tìm hiểu về kế toán ngân hàng thương mại tại Việt Nam sẽ giúp ích cho nhà kế. Kế toán Việt Hưng xin được giải đáp thắc mắc mọi thông tin về Khoá học kế toán – rất mong Quý vị thông cảm vì lý do bê chúng tôi không có mô hình đào tạo về kế toán ngành ngân hàng!

Từ khóa » Bảng Danh Mục Tài Khoản Kế Toán Ngân Hàng