TÌM HIỂU VỀ KINH TÂN ƯỚC, CỰC ƯỚC VÀ NHỮNG ĐIỀU CĂN ...

Giáo lý của đạo Công giáo chứa đựng các nội dung chính trong hai quyển kinh thánh, đó là kinh Cựu ước và kinh Tân ước. Trong kinh Tân Ước và Cựu ước cũng đề cập đến một số điều căn bản của đạo Công giáo. Trong bài viết này, sẽ cùng tìm hiểu sơ lược về nội dung kinh Tân ước, Cựu ước và những điều căn bản của đạo Công giáo.

  1. Kinh Cựu ước, Tân ước

1.1. Kinh Cựu ước có 46 quyển, chia làm 03 loại như sau:

Một là Sách lịch sử, gồm có 05 quyển do Mai- Sen viết (gồm sáng thế ký, E-Dip - Tô ký, Lê - Vi ký, Dân số ký, Phục truyền luật lệ ký) để nói về sự tạo dựng vũ trụ và con người của Thiên Chúa, về sự tích của dân Do Thái cùng luật pháp, phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa; 12 quyển (gồm Giô- Suê, Các Quan – Xát, Ru Tơ, I-sa-mu-en I, I-sa-mu-en II, các Vua I, các Vua II, Sử ký I, Sử ký II, Exơra, Nê-he-mi, E- xơ- tê) viết về các Vua và dân Do Thái sau khi lập quốc và tan rã.

Hai là sách văn thơ gồm có các sách Thi Thiên, Châm ngôn, Truyền đạo, Nhã ca, Khôn ngoan, Huấn ca.

Ba là sách tiên tri (sấm ký) của các tiên tri như E-sai, Gie-rê-mi, Ê-xê-chiên, Đa-nhi-ên, Ô Sê, Giô-ên, A-mốt.

Theo quan niệm của đạo Công giáo, kinh Cựu ước là lời giao ước cũ giữa Thiên Chúa với dân tộc Do Thái và thực chất kinh Cựu ước nguyên là bộ dã sử của dân tộc Do Thái và là kinh thánh của đạo Do Thái. Kinh Cựu ước được biên soạn từ thế kỷ VII đến thế kỷ thứ II TCN.

1.2. Kinh Tân ước gồm có 27 quyển kể về cuộc đời và sự nghiệp của chúa Giê- su Ki-tô, hoạt động của các tông đồ chúa Giê-su; những lời răn dạy, chỉ bảo về đạo lý của chúa Giê-Su và các tông đồ đối với con người. Có thể chia Kinh Tân ước thành 04 loại như sau:

Sách Tin mừng (hay Phúc âm) viết về cuộc đời, sự nghiệp cứu chuộc của Chúa Giê-Su. Sách phúc âm có 04 quyển do 04 người viết là Lu-Ca, Mác-cô, Ma-thê ô và Gioan và đây là 04 quyển sách quan trọng nhất trong Kinh Tân ước.

Sách Công vụ sứ đồ kể về hoạt động của các tông đồ của chúa Giê-su. Sách này được Lua-ca viết vào khoảng năm 70 sau công nguyên.

Sách Thánh thư gồm có 21 bức thư của tông đồ chúa Gi-Su gửi cho cộng đồng giáo dân và các giáo đoàn.

Sách Khải huyền còn gọi là sách tiên tri của Gioan, sách này tiên đoán về tương lai của đạo Ki Tô và của nước Do Thái trong quan hệ với Đế chế La Mã. Sách này được viết vào khoảng giữa thế kỷ I SCN

Nếu như kinh Cựu ước là lời giao ước cũ giữa Thiên Chúa và dân tộc Do Thái thì kinh Tân ước là lời giao ước mới giữa Thiên Chúa với loài người qua Chúa Giê-su. Đến cuối thế kỷ I SCN, kinh Tân ước mới được thu thập lại, sau đó trải qua một thời gian hàng trăm năm vừa sử dụng, vừa sàng lọc, đến thế kỷ IV SCN mới được hoàn tất với 27 quyển.

2. Những điều căn bản trong đạo Công giáo

Một là: Thiên Chúa và sự sáng tạo thế giới của Thiên Chúa

Tín điều căn bản đầu tiên của đạo Công giáo là niềm tin vào Thiên Chúa và sự mầu nhiệm của Thiên Chúa. Theo kinh thánh, Thiên Chúa (Thượng đế) là đấng hằng hữu có trước đời đời, có sau đời đời; trước cả không gian và thời gian. Thiên Chúa có 03 ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con, ngôi thứ ba là Thánh thần.

Tuy là 03 ngôi nhưng cũng cùng một bản thể - Thiên Chúa (hay còn gọi là tam vị nhất thể). Ngôi hai bởi ngôi một mà ra, ngôi ba bởi ngôi một, ngôi hai mà ra. Ba ngôi "đồng đẳng, đồng vinh, đồng quyền", nhưng mỗi ngôi có một chức năng, vai trò đối với con người khác nhau. Ngôi một - Cha: tạo dựng; Ngôi hai - con: Cứu chuộc; ngội ba - Thánh thần: Thánh hóa

Thiên Chúa là đấng sáng tạo ra trời đất và muôn loài từ hư không. Kinh Cựu ước kể lại rằng: Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật trong sáu ngày, trong đó: ngày thứ nhất tạo nên sự sáng và tối, đặt tên sự sáng là ngày và sự tối là đêm; ngày thứ hai tạo ra không gian, quen gọi là trời; ngày thứ ba tạo ra đất, nước, cây cỏ; ngày thứ tư tạo ra các tinh tú trên trời là cơ sở phân chia ngày đêm, năm, tháng, thời tiết, trong đó có 02 vì tinh tú lớn đó là mặt trời cai trị ban ngày, mặt trăng cai trị ban đêm; ngày thứ năm tạo nên muôn vật: chim trên trời, cá dưới nước, muông thú trong rừng; ngày thứ sáu tạo nên con người; ngày thứ bảy sau khi hoàn chỉnh công việc sáng tạo thế giới của mình, Thiên Chúa nghỉ (còn gọi là ngày Chúa Nhật, hay Chủ Nhật).

Theo kinh thánh, Thiên Chúa là đấng thiêng liêng, sáng láng, là chúa tể trời đất, muôn loài, có quyền phép vạn năng sắp xếp vạn vật vận hành trong vũ trụ. Nói cách khác tất cả các sự tồn tại, biến đổi trong vũ trụ đều do Thiên Chúa tiền định một cách hợp lý và tuyệt đối.

Hai là: Con người và sự sa ngã của con người

Theo quan niệm của Đạo Công giáo, con người do Thiên Chúa (Ngôi một) tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người được Thiên Chúa tạo ra có nhiệm vụ thờ phụng Thiên Chúa và tiếp tục công việc kiến tạo trái đất của Thiên Chúa. Kinh Cựu ước kể rằng ngày thứ sáu, con người được Thiên chúa tạo nên bằng cách lấy bụi đất nặn ra một người nam và Thiên Chúa thổi sinh khí vào trở thành con người sống. Người nam đó được Thiên chúa đặt tên là A Đam (A Đam tiếng Hy Lạp được hiểu là người đầu tiên). Sau đó Thiên Chúa lấy xương sườn của A Đam tạo ra người nữ và cũng thổi sinh khí vào thành người sống. Người nữ đó tên là Ê Va và là vợ của A Đam (Ê Va tiếng Hy Lạp nghĩa là mẹ của sự sống).

Đạo Công giáo cho rằng, trong các công trình sáng tạo của Thiên Chúa thì con người là một sản phẩm hoàn hảo và tuyệt mỹ. Con người có trí khôn, có lương tâm, có đạo đức nên làm chủ thế giới, muôn loài. Con người có mối quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương hơn hết. Sau này khi con người sa ngã, tội lỗi, mối quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa không còn nữa mà thông qua Đấng cứu chuộc là Chúa Giê-su.

Theo Thiên Chúa, con người có hai phần: thể xác và linh hồn, có đủ cả hai phần mới thành một con người sống. Thể xác và linh lồn có hai nguồn gốc khác nhau, thể xác mang tính phàm tục, còn linh hồn là phần sinh khí do Thiên Chúa truyền vào nên mang tính thiêng liêng có liên quan đến Thiên Chúa. Vì vậy con người sau khi chết, thể xác trở về với cát bụi còn linh hồn vẫn tôn tại vĩnh viễn.

Con người có tính phàm tục nên mắc phải nhiều tội lỗi; bản chất tội lỗi của con người là lòng tham lam và tính ích kỷ. Kinh Cựu ước kể lại rằng: Thiên Chúa rất yêu thương con người; sau khi tạo ra A Đam và Ê Va, Thiên Chúa đã cho họ vui hưởng cảnh thanh nhàn trong Vườn địa đàng (còn gọi là vườn Ê-Đen - là nơi no đầy, vui sướng) và cho phép họ ăn mọi thứ hoa thơm quả ngọt mà Thiên Chúa đã tạo sẵn, chỉ trừ một cây - là cây lý trí mọc ở giữa vườn, bị cấm không được ăn vì nếu ăn vào sẽ hiểu biết thế nào là sự phúc, sự tội và phải chết.

Quỷ Sa tăng vì vốn thù hận với Thiên Chúa nên rắp tâm phá thành quả có ý nghĩa quan trọng nhất trong sự sáng tạo của Thiên Chúa đó là tạo ra con người. Quỷ Sa tăng tìm đến vườn địa đàng và biết rằng trong giống người thì đàn bà dễ bị cám dỗ hơn nên quỷ Sa tăng hiện ra dưới lốt con rắn khuyên Ê-va ăn trái cấm; với lời lẽ ngon ngọt ăn vào sẽ được vinh hiển ngang với Thiên Chúa. Người nữ nhẹ dạ nghe theo lời của qủy Sa tăng, lấy một quả táo ăn và lấy cho A Đam một quả. Lập tức hai người nhận ra mình lõa lồ, biết xấu hổ, biết điều xấu, điều tốt, biết sự lành, sự dữ. Hành vi phạm tội của vợ chồng A Đam làm Thiên Chúa nổi giận đuổi ra khỏi vườn địa đàng với lời nguyền: từ nay suốt đời họ và con cháu họ phải lao động vất vả, phải bới đất lật cỏ để kiếm ăn và phải chết. Riêng bà Ê Va và con cháu bà, nếu là nữ thì phải mang thai nặng nề và đau đớn lúc sinh đẻ. Con người phải chết, khi chết linh hồn không được vào Thiên đường ngay mà phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa. Theo đó, được vào Thiên đường hưởng sung sướng hay đẩy xuộng địa ngục cho quỷ dữ hành hạ và lửa nóng thiêu đốt tùy thuộc vào công tội, thiện ác, lành dữ mà con người đã làm khi sống. Cũng theo lời nguyền của Thiên Chúa, loài người phải muôn đời mang tội do vợ chồng A Đam và Ê Va gây ra, gọi là tội tổ tông truyền hay tội nguyên tổ.

Con cháu tổ phụ A Đam ngày càng sinh sôi nảy nở đông đúc nhưng cũng phạm nhiều tội lỗi xấu xa làm mất lòng Thiên Chúa. Thiên Chúa nhiều lần răn dạy qua các Tiên tri nhưng không có kết quả. Cuối cùng Thiên Chúa đã trừng phạt bằng Đại hồng thủy cho nước dâng lên ngập cả những ngọn núi cao nhất. Duy chỉ có ông Noe là người sống đạo đức, thánh thiện được Thiên chúa báo trước cho đóng một con thuyền lớn chở gia đình, vợ con và muông thú mỗi loài một cặp để lưu giống về sau.

Sau nạn Đại hồng thủy, loài người khởi từ con cháu ông Nôe vẫn lỗi nghịch với Thiên Chúa và phạm tội như xưa. Đặc biệt việc con người toan xây một tháp cao để vào cõi trời sống với Thiên Chúa (gọi là tháp Ba-Ben - tiếng Hy Lạp Ba-Ben nguyên nghĩa là lộn xộn); việc làm này đã làm cho Thiên Chúa giận giữ vì vậy Thiên Chúa đã làm cho loài người có nhiều tiếng nói khác nhau để bất đồng ngôn ngữ, không xây dựng được tháp. Từ sau vụ xây dựng tháp Ba-Ben, mỗi bộ phận, mỗi nhóm người trên thế giới nói một thứ tiếng khác nhau.

Con cháu Noe lại sinh sôi nảy nở đông thêm mãi và chia nhau đi khắp thế giới để sinh sống, hình thành nên các dân tộc khác nhau. Trong các dân tộc thì dân tộc Do Thái là dân tộc Thượng đẳng, được Thiên Chúa lựa chọn thương yêu theo cách riêng. Thương dân Do Thái lưu đày lang thang, Thiên Chúa ban cho Mai Sen có tài trí hơn người, dũng cảm vô song để đưa dân Do Thái từ các nơi, đặc biệt là từ Ai Cập vượt Biển Đỏ về tổ quốc của mình. Thiên Chúa còn ban cho họ Mười điều răn khắc vào phiến đá để họ làm lẽ sống và thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng loài người và kể cả dân Do Thái được Thiên Chúa chọn vẫn tiếp tục sống trong sa ngã và tội lỗi. Thiên Chúa không nỡ quở phạt loài người mãi nên một lần nữa lại từ tình thương, Thiên Chúa quyết định cho Ngôi Hai- Chúa con xuống trần thế cứu chuộc loài người.

Ba là: Chúa Giê Su (Ngôi hai) và công cuộc cứu chuộc loài người.

Theo Giáo lý của đạo Công giáo, Ngôi hai Thiên Chúa - Đấng cứu thế xuống trần một cách rất huyền diệu bởi phép Chúa Thánh thần và người trinh nữ tên Ma- Ri-a ở làng Na-Gia-Rét gần thành Giê-Su-Sa-Lem được chọn tham gia công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa với nhiệm vụ làm mẹ phần trần thế của Đấng Cứu thế.

Kinh Tân ước kể rằng, một ngày kia thiên thần Ga-bri-en đến làng Na-gia-rét báo với trinh nữ Ma-ri-a là bà sẽ mang thai và sinh một người con trai đặt tên là Giê-su (nghĩa là đấng cứu thế). Lúc đầu bà Ma-ri-a ngỡ ngàng nhưng được Thiên sứ giải thích đó là sự lựa chọn của Thiên Chúa và là trách nhiệm đối với loài người nên bà vui lòng nhận lời. Sau khi nhận lời, bà Ma-ri-a mang thai một cách mầu nhiệm; Thiên thần cũng báo với Giu-Se (người thợ mộc thuộc dòng dõi Đa-Vit đã đính hôn với Ma-ri-a) biết ý định của Thiên Chúa và động viên ông yên tâm. Giu-se nghe theo và đến ở cùng Ma-ri-a để giúp việc sinh nở và chăm sóc, nuôi nấng Đấng Cứu thế. Sau chín tháng mười ngày mang thai bình thường như những người khác, bà Ma-ri-a sinh hạ một người con trai tại hang đá Bê-lem lạnh lẽo và đặt tên con là Giê-su (Đấng Cứu thế) như lời dặn của Thiên sứ.

Khi Chúa Giê-su Giáng sinh, ba nhà thông thái phương đông báo cho xứ Giu-đê rằng có một đấng anh minh sáng láng đã xuất hiện, sau này sẽ là vua, sẽ dẫn dắt dân tộc Do Thái. Lúc này nhà Vua sợ có kẻ cạnh tranh quyền lực với ngôi vị của mình nên để đề phòng hậu họa đã cho bắt giết những đứa trẻ là con trai sinh cùng năm với Chúa Giê-su. Vợ chồng Giu-se được Thiên sứ báo tin đã đưa Chúa Giê-su lánh nạn sang Ai Cập; sau khi yên bình mới quay về quê hương để sinh sống.

Chúa Giê-su sống cùng cha mẹ một cách bình thường và giữ trọn bổn phận người con hiếu thảo, cho đến năm 30 tuổi thì bắt đầu đi truyền giảng lý thuyết của một tôn giáo mới. Đầu tiên Chúa Giê-su tuyển chọn được 12 môn đệ để họ giúp ông trong việc truyền giảng giáo lý.

Lúc này Vua Hê-rô-đê và những người không tin Chúa Giê-su là Ngôi hai Thiên Chúa cho rằng những gì ông giảng không chỉ khác với tín ngưỡng cũ mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở trong vùng nên đã bắt và hành hình ông trên giá câu rút với lời nhạo báng: Đây Giê-su Na-gia-rét, Vua nước Giu-đê. Khi đó ông 33 tuổi.

(hình ảnh Chúa Giê-su bị Vua Hê-rô-đê hành hình)

Sau khi ông chết, các môn đệ táng xác ông trong hang đá. Chết được 03 ngày, Chúa Giê-su sống lại, ở lại trần thế với các môn đệ thêm 40 ngày nữa sau đó lên trời. Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã lập ra bảy phép bí tích để loài người được hưởng ân sủng của Thiên Chúa, trong đó có phép Mnh thánh Chúa là phương tiện nhiệm màu để con người thông công với Thiên Chúa. Đặc biệt Chúa Giê-su đã lập ra Giáo hội, đặt môn đệ Phê-rô đứng đầu và trở thành vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội Công giáo.

Sau khi Chúa Giê-su lên trời được 10 ngày, Thiên Chúa cử ngôi ba - Chúa Thánh Thần xuống trần với nhiệm vụ thánh hóa giáo hội bằng việc tập hợp các môn đệ của chúa Giê-su lại ban sức mạnh, lòng can đảm để tiếp tục đi truyền đạo mở rộng nước Chúa.

Thứ tư: Ngày tận thế, phục sinh và phán xét cuối cùng

Nội dung quan trọng trong giáo lý Công giáo là niềm tin vào việc Chúa Giê-su trở lại trần gian và sự phán xét cuối cùng. Sự trở lại và phán xét cuối cùng của Chúa Giê-su được coi là việc hoàn tất chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Trình tự của quá trình này trước hết là ngày tận thế, sau đó là Phục sinh và cuối cùng là sự phán xét của Thiên Chúa.

Đạo Công giáo cho rằng một ngày kia loài người và toàn thế giới sẽ bị tiêu diệt, gọi là ngày tận thế. Kinh thánh không nói rõ thời gian của ngày tận thế nhưng các nhà thần học Công giáo cho rằng có những dấu hiệu để có thể nhận biết ngày tận thế như: có hiện tượng động đất, thiên tai xảy ra nhiều; sự ác trong xã hội tăng; chiến tranh, đói kém xảy ra nhiều nơi; lòng tin vào Thiên Chúa của con người nguôi dần, thậm chí có những người chống lại Thiên Chúa, các tiên tri giả xuất hiện....

Sau ngày tận thế là sự Phục sinh của con người. Kinh thánh cho rằng sau ngày tận thế, loài người kể từ A Đam và Ê Va cho đến thời điểm tận thế, từ trong đất, tất cả đều sống lại, kể cả người không có tội và có tội. Linh hồn của người nào hoặc ở trên thiên đường hoặc ở dưới địa ngục hay nơi luyện ngục đều trở về với thân xác của người đó, trở thành con người sống bình thường. Thế rồi Chúa Giê-su một lần nữa trở lại bằng xương bằng thịt để có lời phán xét chung gọi là ngày phán xét cuối cùng. Theo lời phán xét đó, nếu ai không có tội thì được sống ở Thiên đường, ai có tội thì phải xuống địa ngục. Đó là cuộc sống vĩnh viễn của họ.

Tiến trình cứu chuộc của Chúa Giê-su như đã nêu trên, theo quan điểm của đạo Công giáo sẽ có 03 điểm cần nhấn mạnh. Một là Chúa Giê-su xuống trần làm người thể hiện rõ hai bản tính: Nhân tính và thần tính; rất gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng, huyền diệu; Hai là Chúa Giê-su chịu nạn, chịu chết là hành động cao cả nhất trong công cuộc cứu chuộc; Chúa Giê-su chết để cho thế gian được sống và là "chết cho tất cả mọi người"; Ba là Chúa Giê-su lập ra phép Bí tích và xây dựng Hội thánh, khai sinh nước trời trên thế gian để con người được hiệp thông với Thiên Chúa.

Như vậy, từ những tìm hiểu trên cho thấy Kitô giáo ra đời gắn với tên tuổi của Chúa Giê-su Kitô và kinh thánh của đạo Công giáo chính là "lời Chúa truyền dạy đời đời". Vì vậy trong Thánh vịnh gọi Thánh kinh là "đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi", cho nên các Kitô hữu luôn được khuyến khích thường xuyên đọc Kinh thánh vì "không biết kinh thánh là không biết đức Kitô".

Từ khóa » Các Sách Cựu ước Cho Ta Thấy điều Gì