Tìm Hiểu Về Những Tác Hại Của Căn Bệnh Cẩu Thả | Ý Tưởng đời Thường

Source: https://songtra.wordpress.com/2011/09/26/tim-hi%E1%BB%83u-v%E1%BB%81-tac-h%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-qua-loa-d%E1%BA%A1i-khai/

Nếu chỉ được chọn ra một thói xấu của người Việt chúng ta để dẹp bỏ thì tôi chọn tính cẩu thả, còn được gọi là tính qua loa đại khái.

Cẩu thả là cái tính đã ăn sâu tận xương tuỷ của người Việt từ bao đời. Nó có thể đã là một tính vô thưởng vô phạt trong quá khứ, nhưng vào thời buổi đất nước cần dồn mọi nổ lực để phát triển thì cái tính này càng trở thành kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam. Thật vậy, có quá nhiều người Việt: từ người nghèo tới người giàu, từ trẻ đến già, từ bình dân giáo dục cho đến giới trí thức, từ nhân viên cho tới cấp lãnh đạo vẫn còn quá nhiều người dính cái tính này.

Làm cẩu thả một việc gì là cố ý không làm tốt: làm lấy có, làm dối, làm đại, làm ẩu, làm qua loa hay làm không đến nơi đến chốn. Biết không hay, không đúng, không nên nhưng vẫn cứ làm. Người có tính qua loa đại khái chỉ muốn làm xong việc cho nhanh chứ không tuân thủ theo quy trình và cũng không thật sự cố gắng.

Thói quen này chỉ thoả mãn sự lười biếng lao động và lười biếng suy nghĩ, tìm hiểu. Người lao động tay chân làm việc ẩu tả sẽ gây thiệt hại cho chủ và không thể đạt năng suất lao động cao. Còn người lao động trí óc làm dối việc thì không những không thể đạt được hiệu quả cao mà còn có thể gây ra hậu quả vô cùng tai hại, vì vai trò đầu tàu của họ trong xã hội.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta (người trí thức) làm việc cẩu thả? Ta không cẩn thận, ta cứ vấp những lỗi thông thường nên bạn đồng nghiệp có thể rất bực bội ta. Ta cứ lè phè, lề mề, an phận, không cầu tiến nên ta chẳng học hỏi được nhiều điều hay. Dĩ nhiên ta cũng không thể học hỏi và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm từ chính công việc của mình. Ta không phấn đấu, không thích phát huy hết năng lực nên khả năng làm việc ngày càng lụn bại. Ta không có cơ hội thăng tiến vì công việc hằng ngày ta còn chưa có thể hoàn tất một cách đàng hoàng. Trước sau gì ta sẽ đánh mất sự tin tưởng và lòng kiên nhẫn của người khác, rồi sẽ không ai dám đưa cho ta hay nhờ ta làm một việc gì quan trọng.

Khi ta làm việc cẩu thả thường thường ta chỉ gặt hái được những kết quả: đáng vứt đi, chỉ uổng tiền, phí thì giờ, phí công sức, và nó còn có thể phát sinh nhiều phiền toái. Do đó, ai có tính xấu này thì chỉ nên làm các nghề lao động chân tay đơn giản và không quan trọng. Nhưng xã hội lạc hậu luôn có vô số nghịch lý, chẳng hạn như người có chức vụ cao vẫn hay vô tư làm việc cẩu thả. Bởi vậy, xã hội cứ mãi ì ạch với những rắc rối, sai sót, phi lý và bất cập.

Bây giờ hãy nói về kiến thức qua loa, sơ sài, hời hợt, không có chiều sâu hay không có căn bản. Khi tiếp thu những kiến thức liên quan trực tiếp đến công việc ta nên tiếp thu một cách cặn kẻ để có thể hiểu thấu đáo, rồi sau đó có thể áp dụng tốt các kiến thức đó vào thực tế. Nếu Không, công việc sẽ bị bế tắc hoặc sẽ xảy ra nhiều trục trặc bất ngờ. Kiến thức sơ sài chắc chắn không thể cho ta khả năng ăn nói có sức thuyết phục cao, trong khi nó rất dễ gây hiểu lầm, bất bình, tranh cãi và làm cho ta dễ có khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết những bất đồng. Nó còn có thể làm suy yếu tinh thần: không có khả năng lý luận sâu xa, thiếu sự tự tin và có lập trường không vững chắc.

Kiến thức không có chiều sâu làm cho ta dễ bị thiển cận, chẳng hạn mới đây nhiều người ùn ùn mua vàng rồi nháo nháo bán, rồi lại tiếp tục lập lại chu kỳ – vui đó rồi khóc đó. Nó xui khiến ta thích nghe và tin những chuyện tầm phào, những lời đồn thổi, ví dụ, tin ăn gạo P6 bị ung thư hay tin ăn dưa hấu bị chết. Kiến thức không có căn bản làm cho ta thông thể phán đoán/nhận định (judge) tốt một chuyện gì. Nó làm cho ta có thói quen ưa tò mò chuyện vớ vẫn, chuyện thiên hạ – ví dụ: dừng xe lại để xem cho tới cùng một vụ tai nạn giao thông, một vụ cãi lộn hay đánh nhau.

Biết đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và chỉ cần biết một cách qua loa để ngồi lê tán dóc rất có hại cho bộ óc. Nó từ từ làm cho ta lười biếng suy nghĩ, còn khi chịu suy nghĩ thì cũng thường là những suy nghĩ vội vàng qua loa. Nó làm cho ta mất dần thói quen tập trung lắng nghe, tập trung quan sát, và cũng làm mất dần khả năng tập trung đầu óc cho công việc. Kiến thức qua loa còn ảnh hưởng không tốt đến khả năng phân tích và khả năng suy nghĩ sâu xa để giải quyết những vấn đề phức tạp.

Thời gian gần đây, giới trí thức cũng có nhiều biểu hiện cẩu thả, chẳng hạn như, sách in ra lúc nào cũng có bốn năm người chịu trách nhiệm xuất bản, nhưng đa số sách (cả tự điển tiếng Việt và sách giáo khoa) đều còn sót lại quá nhiều lỗi hay ý nghĩa gốc bị lệch lạc http://vnca.cand.com.vn/vi-VN/doisongvanhoa/2009/3/53631.cand.

Có người trí thức hàng top viết cuốn sách nghiên cứu văn hoá VN rất công phu (được cả chục Ts, phó Ts, Gs và nhà văn, nhà báo khen ngợi), nhưng ông ta dịch câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” thành “Near the ink, you are black; near the light, you will shine”. Ông này ẩu vì tục ngữ chỉ nên giải thích chứ không nên dịch, còn nếu dịch thì phải dịch theo ý nghĩa thật sự của nó chứ không được dịch theo kiểu dịch từng chữ một. Mới đây, người Thầy đáng kính Văn Như Cương, tuyên bố rằng ông ta rất bất bình với Bộ Giáo Dục vì Bộ sẽ chi 70 ngàn tỉ đồng (hơn ba tỉ đô Mỹ) chỉ để biên soạn bộ sách giáo khoa mới. Vô số web đăng tin với hàng trăm bình luận ủng hộ nổi bức xúc của thầy và dĩ nhiên không ai bảo thầy tuyên bố vô lý, vô căn cứ. Một ví dụ nữa, không biết lúc đầu do ai chủ xướng mà có nhiều học giả và trí thức Việt Nam tin rằng có hai nền văn hoá chính của nhân loại: văn hoá du mục và văn hoá nông nghiệp. Có ông được đà nên đưa ra cái ví dụ rất kỳ quặc: Đảng Cộng Hoà của Mỹ đại diện cho văn hoá nông nghiệp và đảng Dân Chủ đại diện cho văn hoá du mục.

Môi trường sống và làm việc mỗi ngày càng phức tạp. Ta phải học hỏi không ngừng để có thể thích nghi tốt với những đổi thay trong xã hội, trong đó có phong cách làm việc. Và điều tối kỵ nhất của phong cách chuyên nghiệp chính là sự cẩu thả.

Thời buổi này, ta có nhiều phương tiện để thu thập đủ loại kiến thức, nhưng chắc chắn không nhất thiết phải biết hết mọi sự việc xảy ra trong xã hội VN và trên thế giới, mà quan trọng nhất là sự hiểu biết của ta phải có chiều sâu và có căn bản.

Nói chung, tính cẩu thả có nguồn gốc từ sự lười biếng. Nếu bạn là người thèm muốn sự thành công thì trước tiên phải dẹp bỏ cái tính này. Muốn bỏ cũng không khó lắm. Chỉ cần tập chú ý lắng nghe khi ai giải thích, căn dặn, hay yêu cầu việc gì. Có quyết tâm: “Ta phải cố gắng, ta làm tốt được”. Khi nào có thắc mắc hay chưa hiểu rõ việc gì thì phải làm cho được bằng cách đọc sách, xem tài liệu, google, yêu cầu giải thích thêm, đặt câu hỏi, nêu thắc mắc với cấp trên, với thầy cô, với bạn bè hay trên các diễn đàn, blog.

Paul Le

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Từ khóa » Cẩu Thả Là Gì Nêu Ví Dụ