Tìm Hiểu Về Rối Loạn Nhịp Tim

Loạn nhịp tim là rối loạn thường gặp nhất trong số các biểu hiện bệnh tim mạch. Loạn nhịp tim có thể gây khó chịu nhẹ cho người bệnh, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng. Bình thường, khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, quả tim đập chậm lại. Ngược lại, khi hoạt động, đặc biệt là hoạt động gắng sức, quả tim sẽ đập nhanh hơn để cung cấp ôxy cho các bắp cơ. Để co bóp một cách nhịp nhàng như vậy là nhờ tim có một hệ thống điều kiện tự động đặc biệt. Hệ thống gồm các phần chính sau (hình minh họa):

  1. Nút xoang, nằm ở nhĩ phái có vai trò làm chủ nhịp (phát xung động)
  2. Nút nhĩ thất, nằm sát vách ngăn giữa buồng nhĩ và thất, có vai trò dẫn truyền xung động thần kinh được nút xoang tạo ra (bản chất là xung động điện học) từ nhĩ xuống thất.
  3. Bó His chung, dẫn truyền xung động từ nút nhĩ thất xuống buồng thất và chia thành hai nhánh cho hai buồng thất.
  4. Nhánh bên phải và nhánh bên trái, dẫn truyền xung động vào hai buồng thất
  5. Mạng Purkinje là những nhánh nhỏ xuất phát từ nhánh phải và trái lan tỏa tới các vùng cơ tim của thất.

 

  1. Sinoatrial node (S.A node): nút xoang
  2. Atrioventricular node (A.V.node): nút nhĩ thất
  3. Atrioventricular bundle: bó Hischung
  4. Right bundle branches: nhánh phải
  5. Left bundle branches: nhánh trái
  6. Purkinje fibers: mạng Purkinje

Hệ thống dẫn truyền trong tim

 

Hệ thống này chỉ huy hoạt động của toàn bộ quả tim (Quá trình này được miêu tả qua hình vẽ). Đầu tiên nút xoang phát xung động (bản chất là xung động điện học) và khởi đầu quá trình khử cực. Từ nút xoang, xung động điện học được dẫn truyền đến 2 buồng tâm nhĩ và kích thích tâm nhĩ co bóp tống máu từ nhĩ xuống thất. Sau đó xung động được dẫn truyền xuống thất nhờ nút nhĩ thất. Tại nút nhĩ thất, tốc độ dẫn truyền bị chậm lại sau đó theo bó His xuống 2 buồng thất. Khi đến hai buồng tâm thất, xung động theo mạng Purkinje lan ra toàn bộ buồng thất để kích thích cơ tâm thất co bóp (khử cực cơ thất) bơm máu vào hệ thống động mạch chủ đi nuôi cơ thể và động mạch phổi để máu trao lấy ôxy là thải khí cacbonic.

Loạn nhịp tim có thể gặp như nhịp tim chậm, nhanh, không đều, các buồng tim không co bóp đồng bộ với nhau, hoặc vị trí phát xung động bất thường gây ra nhịp ngoại tâm thu. Rối loạn nhịp tim có thể ảnh hưởng tới chức năng bơm máu của tim. Khi đó, có thể có các biểu hiện như mệt hoặc ngất xỉu khi nhịp quá chậm hoặc quá nhanh, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng như rung thất hoặc ngừng tim kéo dài. 

Các triệu chứng của loạn nhịp tim là gì?

Loạn nhịp tim nhiều khi không gây triệu chứng. Trong trường hợp nhịp tim quá chậm, người bệnh có thể bị chóng mặt hoặc ngất và xuất hiện các triệu chứng của suy tim như khó thở, phù mắt cá chân... Khi nhịp tim quá nhanh, các triệu chứng như trên cũng có thể xuất hiện do các buồng tâm thất không đủ thời gian giãn ra để đổ đầy máu.

Đánh trống ngực: là khi ta cảm thấy quả tim mình đang đập mạnh. Đây là biểu hiện thường gặp nhất của loạn nhịp tim, mặc dù dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay cả khi quả tim đang làm việc hoàn toàn bình thường. Đánh trống ngực do rối loạn nhịp tim có thể được mô tả rất khác nhau:

  1. Cảm giác “hẫng hụt”, xuất hiện khi có một nhát bóp đến sớm. Do thời gian được đổ đầy máu ngắn (lượng máu về buồng thất ít), nên nhát bóp của tim chỉ bơm được một lượng máu rất ít khiến người bệnh cảm thấy hẫng hụt.
  2. Cảm giác tim bị ngưng vài giây, thường theo sau bởi một nhịp đập mạnh, đôi khi như thể bị “đấm” vào ngực. Đây là biểu hiện của một lượng máu lớn được bơm ra khỏi quả tim sau thời gian đổ đầy dài hơn bình thường do tim ngưng đập trong chốc lát.
  3. Nhiều cảm giác “hẫng hụt” liên tiếp, có thể đều hoặc không đều.

Dường như không thể xác định được chính xác loại rối loạn nhịp tim nếu chỉ dựa vào cảm giác đánh trống ngực mà nó gây ra. Hơn nữa, đôi khi một người có thể có nhiều loại loạn nhịp khác nhau và thông thường họ không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chúng.

Thấy tim đập nhanh: thường thấy trong rối loạn nhịp tim nhanh, và cũng là triệu chứng phổ biến khiến bệnh nhân đi khám bệnh. 

Mệt và cảm giác khó thở: đây là biểu hiện thường gặp của nhiều loại loạn nhịp, tuy nhiên nó lại là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau.

Làm thế nào để xác định được loại rối loạn nhịp tim?

Khám lâm sàng: phần lớn các trường hợp, thầy thuốc có thể biết là loại loạn nhịp nhanh hay chậm, nhịp tim có đều hay không. Ngoài ra không thể phân biệt được cụ thể loại loạn nhịp. 

Ghi điện tâm đồ: sẽ giúp thầy thuốc nhiều hơn, nó có thể cho thấy đặc điểm điện học của từng loại rối loạn nhịp. Tất nhiên, loạn nhịp tim phải xảy ra vào thời điểm điện tâm đồ được ghi thì mới có thể lượng giá được. Khó khăn thay, không phải lúc nào ta cũng có thể “bắt” được cơn rối loạn nhịp. Vì lí do này, nhiều thiết bị đã được sử dụng để phát hiện các rối loạn nhịp thoáng qua:

  1. Máy ghi Holter: Là thiết bị đã được sử dụng trong nhiều năm nay. Máy được người bệnh đeo vào người với các điện cực gắn trên thành ngực, điện tâm đồ được ghi lại liên tục trong suốt thời gian mang máy. Kết quả sẽ được phân tích bằng máy tính và in ra thành bản ghi để đánh giá. Ưu điểm của thiết bị là giúp theo dõi điện tâm đồ liên tục, có thể ghi lại được những cơn rối loạn nhịp mà người bệnh không để ý đến. Nhược điểm ở chỗ, phương pháp Holter thường chỉ ghi lại điện tâm đồ trong vòng từ 24 đến không quá 48 giờ mà nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không biểu hiện triệu chứng trong khoảng thời gian này.
  2. Thẻ tim:  là một thiết bị có kích thước bằng chiếc thẻ tín dụng, có thể mang theo người mà không cần gắn các điện cực trên thành ngực. Với những điện cực nằm ngay trên thẻ, việc ghi điện tâm đồ sẽ được thực hiện khi ta áp thiết bị lên da thành ngực và ấn nút. Thiết bị này rất thích hợp đối với những trường hợp loạn nhịp chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.
  3. Máy theo dõi biến cố: với những đặc tính tương tự như máy Holter và “thẻ tim”. Các điện cực được gắn lên người và điện tâm đồ được ghi lại liên tục. Máy có một bộ nhớ đông đủ để lưu lại điện tâm đồ trong vòng 5 phút. Khi rối loạn nhịp xuất hiện, chỉ việc ấn nút vào thời điểm có thể, máy sẽ lưu lại biến cố để phân tích. Thiết bị này phù hợp với những trường hợp loạn nhịp xảy ra trong thời gian rất ngắn và cả trong trường hợp người bệnh bị mất hoặc sút giảm ý thức không thể sử dụng được “thẻ tim”.
  4. Thăm dò điện sinh lý học tim: được áp dụng trong trường hợp các phương pháp trên không đem lại kết quả, được tiến hành tại bệnh viện trong phòng thông tim. Người ta sử dụng các ống thông luồn vào quả tim theo đường động hoặc tĩnh mạch để ghi lại một cách chính xác hoạt động điện học của quả tim. Một số trường hợp còn dùng ống thông kích thích hệ thống dẫn truyền của tim để phát hiện các rối loạn nhịp.

Các nguyên nhân thường gặp gây loạn nhịp tim là gì?

  1. Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân
  2. Stress
  3. Thiếu ngủ
  4. Các chất kích thích như cà phê, trà, thức uống có gas.
  5. Thuốc lá
  6. Sôcôla
  7. Rượu
  8. Một số loại thuốc chữa bệnh
  9. Tình trạng rối loạn điện giải
  10. Bệnh lý thực tổn hệ tim mạch (như bệnh van tim, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim…) đều có thể gây ra loạn nhịp.

Cần phải làm gì khi bị đánh trống ngực?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu đánh trống ngực kéo dài và kèm theo các triệu chứng khác (sẽ được liệt kê ở dưới). Cho dù nguyên nhân gây đánh trống ngực là gì, những điều đưới đây có thể làm được và cải thiện được triệu chứng:

  1. Giữ gìn vệ sinh thân thể có vai trò rất quan trọng, tránh stress, nghỉ ngơi đầy đủ, tập luyện thể dục (dưới sự tư vấn của bác sĩ)
  2. Tránh dùng các chất kích thích liệt kê ở trên.
  3. Kiểm tra lại những thứ thuốc đang sử dụng.
  4. Theo dõi các triệu chứng.
  5. Không nên tự chẩn đoán bệnh.

Khi nào thì bạn cần lưu tâm tới triệu chứng đánh trống ngực?

Đánh trống ngực rất thường gặp ở mọi người. Nhìn chung, đâu là dấu hiệu lành tính và không đòi hỏi chẩn đoán cũng như điều trị nếu xuất hiện không thường xuyên và không kèm theo các triệu chứng khác.Trong những trường hợp dưới đây bạn cần đi khám bệnh:

  1. Đánh trống ngực kèm theo cảm giác chóng mặt hoặc choáng ngất, thể hiện tình trạng lưu lượng tim bị sút giảm.
  2. Đánh trống ngực kèm theo khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc ở lưng.
  3. Đánh trống ngực xuất hiện khi bạn mới sử dụng một loại thuốc nào đó.
  4. Đánh trống ngực xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khác như sút cân, mệt mỏi kéo dài.
  5. Đánh trống ngực kèm theo đau đầu và vã mồ hôi.

MỘT SỐ RỐI LOẠN NHỊP TIM THƯỜNG GẶP

Nhịp tim bình thường (nhịp xoang bình thường)

Nhịp tim bình thường dao động trong khoảng 60 - 80 nhịp/phút khi cơ thể nghỉ ngơi. Con số này rất biến đổi, nhiều người có nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn vẫn được coi là bình thường. 

Nhịp tim biến đổi trong ngày tùy thuộc vào mức độ hoạt động của cơ thể và là biểu hiện của sức khỏe.

Nhịp tim chậm thường gặp ở những người luyện tập thể lực thường xuyên (các vận động viên). Một số người có nhịp tim rất chậm nhưng hoàn toàn bình thường đặc biệt khi ngủ. Hoạt động thể lực hoặc tình trạng hưng phấn thần kinh có thể làm nhịp tim tăng lên trên 100.

Nhịp chậm xoang

Trong trường hợp này, nút xoang vẫn là chủ nhịp của quả tim nhưng phát ra các xung động chậm hơn bình thường và đa số không phải là bệnh lý.

Tuy nhiên, nhịp chậm xoang sẽ là bất thường đối với một người nào đó khi xuất hiện triệu chứng chóng mặt hoặc ngất, có thể kèm theo biểu hiện của suy tim ứ huyết hoặc đau ngực.

Một số nguyên nhân gây ra nhịp chậm xoang bao gồm “hội chứng nút xoang  bệnh lý” , suy tuyến giáp. Nhịp tim giảm nhiều lúc ngủ là một triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Một số thuốc có thể gây ra hoặc làm nặng thêm chậm nhịp tim

  1. Thuốc chẹn thụ thể bêta giao cảm như Inderal, Atenolol, Lopressor
  2. Thuốc chẹn kênh calci như Diltiazem, Verapamin
  3. Digoxin
  4. Alpha methyl dopa (Aldomet)
  5. Clonidin (Catapres)
  6. Amiondaron và các thuốc chống loạn nhịp khác.

Điều trị nhịp chậm xoang bao gồm điều chỉnh các rối loạn nguyên nhân nếu có như bổ sung hormon tuyến giáp (trong trường hợp suy giáp trạng), giảm liều hoặc ngừng sử dụng các thuốc gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng chậm nhịp tim. Nếu nhịp tim chậm kéo dài và xuất hiện triệu chứng, cấy máy tạo nhịp tim có thể được chỉ định.

Nhịp nhanh xoang

Là khi nút xoang kích thích quả tim đâp nhanh trên 100 lần trong một phút. Đây là đáp ứng bình thường của quả tim đối với nhu cầu ôxy tăng lên của cơ thể trong trường hợp gắng sức hoặc stress. Nhịp nhanh xoang cũng có thể xảy ra trong một số tình trạng khác như:

  1. Nhiễm trùng và sốt
  2. Cường năng tuyến giáp hoặc mất nước.
  3. Thiếu máu
  4. Suy tim và các bệnh lý tim mạch khác
  5. Người ít hoạt động thể lực
  6. Sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, thức uống có gas, sôcôla
  7. Hút thuốc lá
  8. Sử dụng một số loại thuốc
  9. Rối loạn thần kinh tự động

Trong đa số các trường hợp, nhịp nhanh xoang không cần phải điều trị đặc biệt. Vấn đề chính là cần phát hiện và điều trị nguyên nhân gây ra nhịp nhanh xoang. 

Ngoại tâm thu nhĩ

Là nhát bóp của tim bắt nguồn từ tâm nhĩ, nhưng không phải ở nút xoang. Xung động xảy ra sớm trước khi nút xoang khử cực, lan toả ra tâm nhĩ và chậm lại khi qua nút nhĩ thất rồi dẫn truyền xuống tâm thất như một nhịp xoang bình thường.

Hiện tượng này hay gặp, nhưng thường không được để ý đến và không phải là tình trạng bệnh lý. Các nguyên nhân gây ra ngoại tâm thu nhĩ tương tự như nhịp nhanh xoang. Có thể điều trị bằng thuốc chẹn thụ thể bêta, thuốc chẹn kênh calci và một số thuốc khác.

Ngoại tâm thu thất

Ngoại tâm thu thất cũng rất thường gặp, bắt nguồn từ tâm thất và có nguyên nhân tương tự như nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu nhĩ. Ngoại tâm thu thất trở thành vấn đề khi xuất hiện nhiều và liên tiếp (nhịp nhanh thất) vì thường liên quan với tình trạng bệnh lý nặng hoặc đột tử. Tuy nhiên, đa số ngoại tâm thu thất lành tính và không cần phải điều trị. 

Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

Trong trường hợp này, nhịp tim nhanh bắt nguồn từ các cấu trúc ở trên tâm thất. Có nhiều cơ chế gây ra rối loạn nhịp, một trong số đó liên quan tới “vòng vào lại” trong cơ tim. Nhịp nhanh kịch phát trên thất thấy ở mọi lứa tuổi và xảy ra ngay cả trên một quả tim hoàn toàn bình thường. Cơn nhịp nhanh điển hình thường xảy ra một cách đột ngột hoặc mất đi cũng đột ngột. Trong cơn bệnh nhân có thể thấy tim đập rất nhanh, rung cả lồng ngực. Bệnh nhân thường hay lo lắng sợ sệt trong cơn. Nhìn chung loại loạn nhịp này thường đáp ứng tốt với nhiều loại thuốc như chẹn bêta, chẹn kênh calci, digoxin. Điều trị bằng thuốc hiếm khi triệt để nhưng có thể ổn định trong thời gian dài. Những trường hợp không đáp ứng với điều trị thuốc hoặc nhịp quá nhanh gây ảnh hưởng đến huyết động cần được thăm dò điện sinh lý học. Qua thăm dò này có thể phát hiện vị trí gây ra cơn loạn nhịp nhanh và qua dùng ống thông có nối với hệ thống phát ra sóng có năng lượng kiểu radio (radio frequency) để triệt phá “vòng vào lại” - tác nhân gây loạn nhịp và có thể chữa bệnh nhân triệt để.

Hội chứng Wolf-Parkinson-White (WPW)

Hội chứng này được đặt tên bởi ba nhà khoa học nổi tiếng tìm ra nó. Hội chứng WPW liên quan tới một đường “dẫn truyền phụ” nối trực tiếp từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Với sự hiện hữu của cầu dẫn truyền phụ này, các xung động điện học sẽ truyền trực tiếp từ tâm nhĩ xuống tâm thất mà không qua đường dẫn bình thường là nút nhĩ thất, nơi xung động bị hãm lại. Điều quan trọng hơn là một “vòng vào lại” được thiết lập gây ra cơn nhịp nhanh.Triệu chứng của loạn nhịp tim do hội chứng WPW cũng giống với các loạn nhịp khác nhưng đòi hỏi sự khác biệt trong điều trị. Những tiến bộ mới trong lĩnh vực thăm dò điện sinh lý học đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị hội chứng WPW. Người ta có thể xác định được vị trí của đường dẫn truyền phụ rồi triệt phá bằng sóng radio qua đường thông tim.

Rung nhĩ

Rung nhĩ là loạn nhịp tim rất thường gặp. Tâm nhĩ mất khả năng duy trì hoạt động khử cực bình thường, các xung động điện học dẫn truyền hỗn loạn trong cơ tâm nhĩ làm mất khả năng co bóp nhịp nhàng cơ học của tâm nhĩ và khi đó tâm nhĩ run rẩy chứ không đập từng nhát.

- Sinoatrial node (S.A node): nút xoang- Atrioventricular node (A.V.node): nút nhĩ thất- Bundle branch: bó nhánh

- Normal conduction: dẫn truyền bình thường- Accessory pathway: đường dẫn truyền phụ- Preexicitation: tiền kích thích

Nhiều trường hợp, rung nhĩ xảy ra nhưng người bệnh gần như bình thường, một số chỉ có cảm giác đánh trống ngực, hoặc chỉ có biểu hiện triệu chứng như đau ngực, chóng mặt hoặc suy tim. Rung nhĩ làm cho lượng máu của tim co bóp đi nuôi cơ thể bị hạn chế.  Một trong những nguy cơ lớn nhất của rung nhĩ là sự hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ, cục máu đông khi đi vào hệ thống tuần hoàn có thể gây tắc mạch ở các cơ quan, hay gặp ở não gây ra đột quỵ. 

Khi bị rung nhĩ, người bệnh cần được theo dõi sát của các bác sỹ, tuỳ tình huống cụ thể mà bác sỹ có thể quyết định chuyển nhịp về nhịp xoang (bằng thuốc hoặc sốc điện điều trị) rồi duy trì nhịp xoang. Tuy nhiên, có đôi khi bạn phải chung sống hoà bình với rung nhĩ nhưng phải uống thuốc đều theo chỉ định của bác sỹ (đặc biệt là thuốc chống đông máu).

Cuồng nhĩ

Cuồng nhĩ là loại loạn nhịp gần giống rung nhĩ. Trong trường hợp này, các tâm nhĩ co bóp đều nhưng ở tần số rất nhanh, khoảng 300 nhịp/phút. Trong khi tâm nhĩ có thể dung nạp tình trạng này khá tốt thì tâm thất lại không như vậy. May thay, nút nhĩ thất đã làm chậm lại và cản trở nhiều xung động không cho dẫn truyền xuống tâm thất. Thường thì 1 trong số 2, 3 hoặc 4 xung động được dẫn truyền qua nút nhĩ thất. Cuồng nhĩ không kèm theo nguy cơ cao hình thành huyết khối và do vậy nhiều trường hợp không cần phải xử trí trừ khi có triệu chứng nặng. Cuồng nhĩ cũng có thể được điều trị bằng sóng radio qua đường ống thông.

Hội chứng nút xoang bệnh lý

Thuật ngữ “hội chứng” trong y học là để chỉ một tập hợp các triệu chứng. Hội chứng không phải là “bệnh” nhưng có thể phản ánh các bệnh lý thực tổn. Những người mặc hội chứng suy nút xoang (SSS), thường biểu hiện nhiều loại rối loạn nhịp tim khác nhau, phần lớn liên quan đến tầng nhĩ và nút nhĩ thất. Các rối loạn nhịp có thể nhanh hoặc chậm, nếu cùng gặp cả hai thì người ta gọi là “hội chứng nhịp nhanh - chậm” . Trong hội chứng suy nút xoang còn có thể gặp rung nhĩ, cuồng nhĩ cũng như các rối loạn nhịp khác. Điều trị SSS bắt đầu bằng dùng thuốc, tuy nhiên các thuốc chống nhịp nhanh lại có thể làm nhịp tim trở nên quá chậm. Nếu dùng thuốc không đạt hiệu quả (rất thường gặp), cấy máy tạo nhịp có thể được chỉ định.

Các rối loạn nhịp chậm

Phần lớn các rối loạn nhịp tim được mô tả ở trên đều thuộc loại loạn nhịp nhanh. Vậy các rối loạn nhịp chậm như thế nào? Đó là khi tim co bóp với tần số thấp dưới 60 lần/phút. Nếu nhịp tim quá chậm, lưu lượng máu đi nuôi cơ thể đặc biệt là não sẽ không đủ. Khi đó người bệnh thường có dấu hiệu mệt, chóng mặt thậm chí là ngất hoặc xỉu. 

Tuy nhiên, ở người luyện tập thể thao, nhịp tim có thể chậm dưới 60 lại hoàn toàn bình thường và không có biểu hiện gì.

Có nhiều nguyên nhân và tình trạng bệnh lý dẫn đến loạn nhịp chậm, những nguyên nhân gây loạn nhịp gây ra:

  1. Làm giảm tần số phát xung động (chủ nhịp) của nút xoang, có thể do kìm hoãn sự động lên hệ thần kinh giao cảm hoặc tổn thương trực tiếp tại nút xoang.
  2. Tắc nghẽn (block) đường dẫn truyền xung động (có thể hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Khi đó, mặc dù nút xoang vẫn phát xung động bình thường, nhưng xung động không truyền được xuống thất nên nhịp thất bị giãn đoạn hoặc phải thự làm chủ nhịp (nhịp do tâm thất tự phát chậm hơn của nút xoang) trong trường hợp tắc nghẽn dẫn truyền hoàn toàn.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ và tình trạng bệnh lý của loạn nhịp chậm mà thầy thuốc sẽ đưa ra các phương án điều trị phù hợp. Nếu nhịp quá chậm mạn tính, không đáp ứng với thuốc làm tăng nhịp tim, thì người bệnh có thể được khuyến cáo cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn, để bảo đảm duy trì nhịp tim trong giới hạn bình thường. 

Nghẽn tim (Block tim)

Block tim (hay còn gọi là block nhĩ thất), là sự tắc nghẽn hoặc hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn xung động lan truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất để quả tim đập được nhịp nhàng.

Nếu xung động chỉ bị dẫn truyền chậm trễ thì gọi là bloc nhĩ thất cấp I. Với mức độ này, người bệnh thường không có cảm giác gì và thường không cần điều trị gì đặc biệt. 

Khi sự dẫn truyền xung động từ nhĩ xuống thất bị gián đoạn từng phần, dẫn đến buồng thất có lúc không nhận được xung động nên hoạt động cũng gián đoạn. Mức độ rối loạn này được gọi là block nhĩ thất cấp II. Trên lâm sàng, có thể nhịp rất chậm và đôi khi bệnh nhân có thể ngất hoặc xỉu. 

Mức độ nặng nhất là khi dẫn truyền xung động từ nhĩ xuống thất bị cắt đứt (tắc nghẽn hoàn toàn), đây được gọi là Bloc nhĩ thất cấp III. Lúc này, buồng thất không nhận được xung động kích thích từ nhĩ xuống và một nhóm tế bào dưới tâm thất tự phát nhịp để duy trì tâm thất đập. Nhưng nhịp của buồng tâm thất tự tạo ra thường chậm nên bệnh nhân có thể có biểu hiện như mệt xỉu và nặng hơn là ngất.   

Một số trường hợp block nhĩ thất phục hồi sau điều trị và nguyên nhân tạm thời được giải quyết. Tuy nhiên, khi block nhĩ thất độ nặng không phục hồi thì cần phải được cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

 

SA Block: nghẹn nút xoangAV Block: nghẽn đẫn truyền  nhĩ thất

IV Block: nghẽn dẫn trường trong thất

Block nhánh

Block nhánh là tình trạng dẫn truyền xung động từ bó His chung (đường dẫn truyền từ nút nhĩ thất xuống các buồng tâm thất) vào các thất bị gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn. Hậu quả dấn đến hai tâm thất co bóp không đồng thời với nhau, tức là bên thất nào có đường dẫn truyền bị tắc nghẽn sẽ co bóp sau. Tuy vậy, block nhánh thường không biểu hiện triệu chứng và được phát hiện khi ghi điện tâm đồ với một mục đích chẩn đoán khác. Block nhánh không cần cấy máy tạo nhịp để điều trị trừ trường hợp có các bệnh lý hoặc rối loạn nhịp khác phối hợp.

Tuy nhiên, khi xuất hiện block nhánh bên trái cùng với dấu hiệu đau ngực thì có thể là biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp

Từ khóa » Tim Rối Loạn