Tìm Hiểu Về Thiên Chúa Giáo (Ki Tô Giáo, Công Giáo)

THIÊN CHÚA GIÁO

- Tổng quát về lịch sử Thiên Chúa Giáo.

- Tổ chức Giáo Hội.

- Cộng Đồng Vatican II.

- Giáo lý và các Điều Răn.

- Các phép Bí tích.

- Các Dòng tu.

- Hai Chi phái lớn.

- Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam.

- Tiểu sử Đức Chúa Jésus.

Kết quả hình ảnh cho chúa jesus

Thiên Chúa là Đức Chúa Trời, tức là Đấng làm vua cõi Trời, Đấng đã tạo dựng ra vạn vật. Thiên Chúa Giáo là đạo thờ Đức Chúa Trời.

Thiên Chúa Giáo do Đức Chúa Jésus Christ mở ra tại nước Do Thái cách đây gần 2000 năm, nên còn được gọi là đạo Gia-tô (Da-tô) hay đạo Ky-tô, đạo Cơ-đốc, cũng thường được gọi là đạo Thiên Chúa hay Thiên Chúa giáo. (Chữ Jésus phiên âm là : Giê-xu, hay Gia-tô (Da-tô); chữ Christ phiên âm là Ki-tô hay Cơ-đốc).

Khi đạo Thiên Chúa bị phân chia ra làm nhiều Giáo hội thì người ta dùng từ ngữ Công giáo để chỉ Giáo hội La-Mã (Roma), phân biệt với các Giáo hội khác.

“Công giáo (Catholicisme) là từ ngữ có nguồn gốc Hy Lạp: Katholicos, có nghĩa là Phổ quát (Universel), để chỉ rằng Thiên Chúa giáo là một tôn giáo phổ quát cho tất cả mọi người, mọi dân tộc.

Lúc đầu, Công giáo là một tính từ để chỉ một đức tính của Thiên Chúa giáo là đạo phổ quát. Trong Kinh Tin Kính được soạn thảo ở Cộng Đồng Nicéa I (năm 351) mà ngày nay Giáo hội Chính Thống cũng như Giáo hội Công giáo đều tuyên xưng: “Tôi tin Giáo hội duy nhất, Thánh thiện, công giáo và tông truyền”.

Công giáo được truyền sang Việt Nam từ đầu thế kỷ 17. Các vua quan thời nhà Lê gọi Công giáo là Hoa Lang giáo (tức là đạo của người Bồ Đào Nha, đạo của người Châu Âu). Dưới thời nhà Nguyễn, Công giáo được gọi là đạo Da-Tô (cũng viết là Gia Tô), có khi cũng gọi là đạo Cơ-Đốc.

Trong Hòa Ước ký kết giữa nước Pháp và Triều đình vua Tự Đức ngày 15-3-1874, lần đầu tiên cụm từ Thiên Chúa giáo được sử dụng.

Thiên Chúa giáo là tôn giáo thờ Đấng Thiên Chúa, tức là Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo dựng, Đấng Tối Cao. Do thái giáo cũng thờ Đấng Chúa Trời là Đấng Tạo dựng, Đấng Tối Cao. Người Hồi giáo cũng thờ Đấng Alla là Đấng Tạo dựng, Đấng Tối Cao.

Vậy nếu gọi một thành phần của đạo Ky-tô là Công giáo (Giáo hội Công giáo) và người Công giáo thì cũng để chỉ nói rằng, Công giáo là đạo của mọi người, cho mọi dân tộc, chứ không riêng gì cho một chủng tộc hay một quốc gia nào, như Thần đạo là đạo của người Nhật, chứ Công giáo không hề có nghĩa là đạo Công như trường Công, hoặc là đạo được chính thức nhìn nhận như một Quốc đạo.” (Trích trong quyển Công giáo VN qua quá trình 50 năm: 1945 - 1995)

1. Tổng quát về Lịch sử của Thiên Chúa giáo

Thiên Chúa giáo do Đức Chúa Jésus Christ mở ra tại xứ Galilée nước Do Thái, dưới thời vua Hérode.

Đức Chúa Jésus khởi đầu giảng đạo vào năm Ngài 30 tuổi. Ngài thâu nhận 12 môn đệ, giảng đạo được 3 năm, bị Thầy Cả giáo phẩm đạo Do Thái tên là Cai-phe, hợp tác với chánh quyền thời đó là quan Tổng Đốc Pilate bắt giữ và giết chết Đức Chúa Jésus bằng cách đóng đinh tay và chân căng trên Thập tự giá.

Năm Đức Chúa Jésus giáng sinh được qui định làm năm khởi đầu cho kỷ nguyên Tây lịch (Dương lịch).

Đạo Thiên Chúa hình thành dựa trên cơ sở Kinh Thánh Cựu Ước của đạo Do Thái. Đạo Thiên Chúa giữ nguyên phần Giáo lý cơ bản và tín điều của đạo Do Thái, nhìn nhận những điều chép trong Kinh Thánh Cựu Ước là đúng. Như thế, chúng ta có thể xem, Thiên Chúa giáo nối tiếp, chấn hưng và phát triển Do Thái giáo.

- Thế kỷ thứ 1, Thiên Chúa giáo bị nhà cầm quyền cấm đoán và hàng lãnh đạo Do Thái giáo đố kỵ, nên Thiên Chúa giáo chỉ truyền đạo hạn hẹp trong giới bình dân và giới nô lệ nghèo khổ. Các sinh hoạt của Thiên Chúa giáo phải núp dưới bóng đạo Do Thái thì mới được yên ổn.

Khoảng năm 60, nhiều vị Thánh Tông đồ bị nhà cầm quyền sát hại, trong đó có 2 vị: Phao-lô và Phê-rô (Pierre) bị sát hại tại La Mã (Rome). Thánh Phê-rô bị giết chết bằng cách đóng đinh trên Thập tự giá nhưng đầu bị quay ngược xuống đất.

- Thế kỷ thứ 2, Thiên Chúa giáo được nhiều người tin theo, đào tạo được một số Giáo sĩ chuyên nghiệp, khởi đầu hình thành Giáo hội.

- Thế kỷ thứ 3, Thiên Chúa giáo phát triển khá hơn, nhiều người giàu và có thế lực tin theo đạo. Chính quyền Đế quốc La Mã cũng bắt đầu thay đổi thái độ, từ chỗ cấm đạo, chuyển sang ủng hộ và tạo điều kiện cho Thiên Chúa giáo phát triển, để ổn định trật tự xã hội, và củng cố Đế quyền. Triều đại vua Dioclétien (258-305) bãi bỏ lệnh cấm đạo Thiên Chúa.

Năm 313, Hoàng đế Constantin (270-337) ra sắc chỉ nhìn nhận Thiên Chúa giáo là Quốc đạo của Đế quốc La Mã, trả lại những tài sản của Giáo hội đã bị tịch thu trước kia. Hoàng đế Constantin lại cho xây dựng một thủ đô mới của Đế quốc La Mã tại thành phố Byzance của Thổ Nhĩ Kỳ, đổi tên là Constantinople (ngày nay là Istambul, một thành phố hải cảng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ).

Và như thế, Thiên Chúa giáo có 2 trung tâm lớn: một ở tại Roma (La Mã), một ở Constantinople. Trụ sở của Giáo Hội và Giáo Hoàng đặt tại La Mã.

- Đầu thế kỷ thứ 9, Giáo Hội Thiên Chúa giáo ủng hộ vua Charlemagne, Hoàng đế xứ Thổ Nhĩ Kỳ, kéo quân đến thành La Mã trừng trị những kẻ chống đối Giáo hội. Giáo Hoàng Léon III phong vua Charlemagne làm Hoàng đế của Đế quốc La Mã.

Tại Constantinople, các Giáo sĩ thành lập Giáo hội, gọi là Giáo hội Đông của Thiên Chúa giáo, và gọi Giáo hội tại La Mã là Giáo hội Tây. Đứng đầu Giáo hội Tây là Giáo Hoàng La Mã, và đứng đầu Giáo hội Đông là Thượng Phụ Giáo chủ.

- Thế kỷ thứ 11, năm 1054, sứ giả của Giáo hội La Mã đến đặt lên bàn thờ tại Thánh đường Santa Sophia ở Constantinople của Giáo hội Đông, một Sắc lịnh của Đức Giáo Hoàng, cắt đứt quan hệ với Giáo hội Đông, và phạt vạ Thượng Phụ Giáo chủ.

Lúc đó, Thượng Phụ Giáo chủ là Mi-ca-e liền triệu tập Giáo hội Đông, trả đũa lại, bằng cách tuyên bố tuyệt giao với Giáo hội La Mã và phạt vạ Giáo Hoàng.

Từ sự kiện nầy, Giáo hội Đông thành lập Chính Thống giáo (Orthodoxie), với ý nghĩa là đạo được chính truyền chứ không phải là Tà đạo như chỉ trích của Giáo Hoàng. (Xem phía sau: Các Chi phái lớn của Thiên Chúa giáo).

- Thế kỷ 12 và 13, dưới thời 2 vị Giáo Hoàng: Grégoire VII (1073-1085) và Innocent (1198-1216), thế lực của Giáo hội La Mã rất mạnh, khiến các vua chúa các nước phải tùng phục Giáo Hoàng. Giáo Hoàng có quyền phong vương và ban vương miện cho các Hoàng đế.

Trong 2 thế kỷ 12 và 13, Giáo hội La Mã hợp lực với các Hoàng đế ở Châu Âu, mở ra 7 cuộc Thánh chiến, kéo dài 175 năm, từ năm 1096 đến năm 1270, đánh với quân của Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không mang lại chiến thắng nào, phải rút quân về. Số người chết trong 7 cuộc Thánh chiến ấy rất nhiều.

Cũng trong thời Trung cổ này, vào năm 1184, Giáo Hoàng Licius ban sắc chỉ cho các Giám Mục được lập các Tòa án Tôn giáo tại Địa Phận để xét xử những người phạm tội không tin phục theo Giáo hội. Các Tòa án này đã giết chết rất dã man và rất oan uổng biết bao nhiêu người không theo Giáo hội La Mã.

- Vào thế kỷ thứ 16, năm 1517, Ông Martin Luther người Đức, một Linh Mục của Giáo hội La Mã, công bố “95 Luận đề” cải cách toàn bộ Thiên Chúa giáo, tại nhà thờ Wittenberg nước Đức, được nhiều người ủng hộ. Đó là khởi điểm để mở ra đạo Tin Lành, biệt lập và chống đối Giáo hội La Mã.

Đức Giáo Hoàng La Mã gọi đạo Tin Lành là Lạc giáo, và những người theo đạo Tin Lành là Thệ phản.

- Thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Giáo hội La Mã hợp tác chặt chẽ với các cường quốc Âu Châu, đem Thiên Chúa giáo truyền bá đến các nước thuộc địa ở Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu và Úc Châu. Do đó, Thiên Chúa giáo có rất đông tín đồ ở khắp nơi trên thế giới.

Theo thống kê của QUID năm 1995, tổng số tín đồ của Công giáo, Chính Thống giáo và đạo Tin Lành ở các Châu Lục như sau đây:

__________________________________________________

Công giáo Chính Thống giáo Tin Lành

__________________________________________________

Châu Âu 285.500.000 35.000.000 73.500.000

Liên Xô cũ 54.140.000 92.300.000

Châu Á 86.000.000 3.500.000 78.400.000

Châu Phi 88.900.000 27.100.000 82.900.000

Châu Mỹ 461.300.000 5.900.000 111.500.000

Châu Úc 7.000.000 600.000 7.300.000

______________________________________________

Tổng cộng : 928.500.000 164.500.000 363.300.000

2. Tổ chức Giáo hội

2.1. Giáo Huấn

Hàng Giáo phẩm của Thiên Chúa giáo gồm 5 cấp sau đây, tính từ trên xuống dưới :

1. Giáo Hoàng.

2. Hồng Y.

3. Tổng Giám Mục.

4. Giám Mục.

5. Linh Mục.

Phẩm thấp nhất là Linh Mục, được đào tạo đặc biệt trong các Chủng Viện và Đại Chủng Viện. Linh Mục được thọ phong bởi Sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng.

Linh Mục được thăng cấp dần dần lên Giám Mục, rồi lên Tổng Giám Mục, và Hồng Y.

Khi Đức Giáo Hoàng qui liễu, các vị Hồng Y trên toàn thế giới tập hợp lại thành Hồng Y Đoàn, để bầu ra một vị Hồng Y xứng đáng nhất vào chức vụ Giáo Hoàng, và Giáo Hoàng giữ mãi chức vụ nầy cho đến khi chết, mới được bầu vị khác lên nối tiếp điều hành Giáo Hội.

Đạo phục của Linh Mục, Giám Mục, Tổng Giám Mục đều là áo chùng đen dài tới chân.

Đạo phục của Hồng Y là áo chùng màu đỏ.

Đạo phục của Giáo Hoàng thì toàn màu trắng.

2.2. Tổ chức Giáo hội

Giáo hội Thiên Chúa giáo, về phương diện hữu hình, là một hệ thống tổ chức từ địa phương đến trung ương, từ cá thể đến tổng thể, từ tập thể nhỏ đến tập thể lớn.

Trước hết là người tín đồ, gọi là Giáo hữu, Ky-tô hữu, Giáo dân, là người đã thọ lãnh phép Bí tích Rửa tội của Giáo Hội để trở thành Ky-tô hữu (Chrétiens).

Nhiều Giáo hữu làm thành Giáo Hội, hay Họ Đạo (Chrétienté).

Nhiều Giáo Họ làm thành Giáo Xứ (Paroisse). Đứng đầu Giáo Xứ là một Linh Mục.

Nhiều Giáo Xứ làm thành Giáo Hạt (District). Đứng đầu Giáo Hạt là Linh Mục Hạt Trưởng.

Nhiều Giáo Hạt làm thành Giáo Phận hay Địa Phận (Diocèse). Đứng đầu Giáo Phận là một vị Giám Mục.

Nhiều Giáo Phận (Địa Phận) làm thành Tổng Giáo Phận (Archidiocèse) hay Giáo Tỉnh (Province ecclésiastique). Đứng đầu Tổng Giáo Phận là một vị Tổng Giám Mục.

Nhiều Giáo Tỉnh làm thành Giáo Hội Quốc Gia (Église Nationale), đứng đầu là Hội Đồng Giám Mục.

Nhiều Giáo Hội Quốc Gia làm thành Giáo Hội Hoàn Vũ (Eglise Universelle), đứng đầu là Đức Giáo Hoàng.

Theo Luật Giáo hội, chỉ có Giáo Xứ, Giáo Phận và Giáo Hội Hoàn Vũ là những cơ cấu tổ chức có thực quyền :

- Linh Mục Chánh Xứ có quyền trong Giáo Xứ của mình, do Giám Mục ban.

- Giám Mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, có quyền trong Giáo Phận, do kế nghiệp của Thánh Tông Đồ.

- Đức Giáo Hoàng (thường gọi là Đức Thánh Cha, Le Saint Père) có quyền trên Giáo Hội Hoàn Vũ, do quyền của Thánh Tông Đồ Phê-rô, đại diện Đức Chúa Jésus ban cho.

- Còn Linh Mục Hạt Trưởng trong Giáo Hạt, Tổng Giám Mục trong Giáo Tỉnh, hay Hội Đồng Giám Mục, đối với các Giám Mục trong một nước, chỉ có quyền điều hợp.

2.2.1. Giáo Xứ

Giáo Xứ là đơn vị thấp nhất có tư cách pháp nhân của Giáo Hội, có một vị Linh Mục Chánh Xứ đứng đầu.

Mỗi Giáo Xứ có thể được chia làm nhiều Họ Đạo, tùy theo số tín đồ cư ngụ trong khu vực. Mỗi Họ Đạo lập ra một ngôi Nhà Nguyện. Mỗi Giáo Xứ có một ngôi Nhà Thờ.

Giáo Hội La Mã Trung Ương đặc biệt quan tâm đến các Giáo Xứ, vì nó là nền tảng của Giáo Hội, và nơi đó diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của Giáo dân, cũng là nơi có mối quan hệ chặt chẽ giữa Giáo quyền và Giáo dân.

Linh Mục Chánh Xứ có nhiệm vụ:

- Làm các phép Bí tích cho tín đồ (trừ 2 phép Bí Tích: Thêm Sức và Truyền Chức Thánh).

- Lập và lưu giữ các Sổ sách: Sổ Rửa tội, Sổ Hôn phối, Sổ Tử, và các loại Sổ sách khác.

- Cử hành các nghi lễ tôn giáo tại Nhà Thờ vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ khác.

- Cử hàng Lễ An táng, Lễ Hôn phối cho các tín đồ trong Xứ.

Trợ giúp cho Linh Mục Chánh Xứ có: Linh Mục Phó Xứ, các vị Phó Tế.

Nhiều Giáo Xứ kế cận kết hợp thành một Giáo Hạt, có một Linh Mục Hạt Trưởng cầm đầu.

Các Linh Mục Chánh Xứ, Phó Xứ, Linh Mục Hạt Trưởng đều do Giám Mục Địa Phận bổ nhiệm.

Giáo Hạt, Họ Đạo không có tư cách pháp nhân đối với Giáo Hội.

2.2.2. Giáo Phận (Địa Phận)

Nhiều Giáo Xứ (hoặc nhiều Giáo Hạt, nếu có tổ chức cấp Giáo Hạt), hợp lại thành một Giáo Phận, có một vị Giám Mục cầm đầu.

Giáo Phận là cấp hành chính chính thức của Giáo Hội, có tư cách pháp nhân, nên được gọi là Giáo Hội Riêng, trực thuộc Tòa Thánh Vatican về mọi phương diện. Việc thành lập hay bãi bỏ đều do Giáo Hội Trung Ương Tòa Thánh Vatican quyết định.

Theo Giáo Luật, quyền hành của Giám Mục rất rộng lớn, bao gồm quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp, về phương diện tôn giáo trong Giáo Phận trách nhiệm.

Cụ thể, Giám Mục có quyền:

- Thành lập các Giáo Xứ, Giáo Hạt, bổ nhiệm các Linh Mục Hạt Trưởng, Linh Mục Chánh Xứ và Phó Xứ.

- Thường xuyên kinh lý các Giáo Xứ trong Giáo Phận.

- Báo cáo với Giáo Hoàng toàn bộ tình hình Đạo sự trong Giáo Phận hằng năm.

- Trong hạn 5 năm, phải có một lần đến La Mã để yết kiến Đức Giáo Hoàng, viếng mộ của 2 Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lồ.

Linh Mục muốn được phong lên Giám Mục, Linh Mục phải có đủ 5 năm công nghiệp, có tài đức vượt trội, và có ít nhất 35 tuổi.

Việc phong chức Giám Mục do Tòa Thánh Vatican quyết định.

Trợ giúp Giám Mục có: Giám Mục Phó, Giám Mục Phụ Tá, Hội Đồng Tư Vấn, Hội Đồng Linh Mục.

Giám Mục làm việc tại Tòa Giám Mục.

2.2.3. Giáo Tỉnh

Nhiều Giáo Phận trong một khu vực kết hợp thành Giáo Tỉnh, có một vị Tổng Giám Mục đứng đầu.

Giáo Tỉnh là một đơn vị lớn có tư cách pháp nhân trong Giáo Hội Thiên Chúa giáo.

Tổng Giám Mục có quyền:

- Chăm lo đức tin và kỷ luật của Giáo Hội.

- Kinh lý các Giáo Phận thuộc quyền.

- Đề cử bổ nhiệm Giám Mục của Giáo Phận khi chức vụ nầy bị khuyết.

Nhiều Giáo Tỉnh trong một nước họp lại thành Giáo Hội Quốc gia. Đứng đầu Giáo hội Quốc gia là Hội Đồng Giám Mục. Giáo hội Quốc gia không có tư cách pháp nhân của Giáo Hội, chỉ có quyền điều hợp các hoạt động trong tôn giáo mà thôi.

Hội Đồng Giám Mục của Giáo hội Quốc gia bàn thảo và quyết định đường hướng hoạt động của Giáo hội trong một nước.

2.2.4. Giáo triều La Mã & Nhà nước Vatican

- Nguồn gốc của Roma và Vatican:

Tất cả những người Công giáo, khi đặt chân đến Roma (La Mã), đứng tại Quảng trường Thánh Phê-rô đều ý thức rằng mình đang ở tại Trung tâm của Giáo Hội.

Vatican (trong lòng thành phố Roma), trước hết là nơi mà Thánh Phê-rô Tông đồ đã chịu tử đạo, và cũng là nơi Đức Giáo Hoàng, người lãnh đạo Giáo Hội Công giáo, sống và làm việc.

Nhưng tại sao là Roma? Tại sao là Vatican?

+ Từ ngôi mộ của Thánh Phê-rô:

Trong giai đoạn khởi đầu của Thiên Chúa giáo, vào năm 49, đã có những người Thiên Chúa giáo sống tại Roma.

Thánh Phao-lô chỉ đến đây vào năm 61 khi bị cầm tù, những bức thư của Thánh Phao-lô gửi các tín hữu Roma đã được viết vào những năm 57-58. Cũng trong giai đoạn này, theo truyền thống, Thánh Phê-rô đến Roma, thủ đô của Đế quốc La Mã.

Đến năm 64, Hoàng đế Néron ra lệnh bắt bớ và tàn sát người Thiên Chúa giáo, và Thánh Phê-rô là một trong những nạn nhân nổi tiếnng nhất.

Cuộc tử đạo của Thánh Phê-rô diễn ra tại một đấu trường dài 300 mét, do Hoàng đế Roma xây dựng tại một nơi nằm giữa đồi Vatican, một trong 8 ngọn đồi của Roma, ở bên bờ phải của sông Tibre. Thánh Phê-rô tử đạo trên Thập tự giá, bị đóng đinh đầu trở ngược xuống đất.

Không lâu sau đó, Thánh Phao-lô cũng chịu chung số phận khi đang đi trên đường Ostie. Nơi này ngày nay đã mọc lên một ngôi Thánh đường Thánh Phao-lô ngoại thành.

Được xem là cột trụ của Giáo Hội, mộ của Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô lúc nào cũng được các tín hữu tôn kính, dưới hình thức âm thầm lặng lẽ trong các thời kỳ bách hại và công khai kể từ triều đại của Hoàng đế Constantin. Chính vị vua này đã cho xây dựng vào khoảng năm 326 và 350, ngôi Đền Thờ đầu tiên, và vào thế kỷ thứ 16-17, được thay thế bằng ngôi Đền do Michei Ange vẽ kiểu, tồn tại đến ngày nay.

Nơi chịu tử đạo của vị đứng đầu các Thánh Tông đồ ở phía dưới Bàn thờ chính, do đó, nơi này được gọi là bàn thờ “Đức Tin” (Đức Tin vào Chúa Ky-tô).

+ Từ Đức Chúa Jésus đến Phê-rô và Giáo Hoàng

Ngay từ buổi đầu của Thiên Chúa giáo, mộ Thánh Phê-rô đã trở nên điểm qui chiếu cho Giáo Hội và cho người coi sóc Giáo Hội.

Khoảng năm 180, Giám Mục Irénée, ở Lyon, liên kết các Giám Mục kế vị nơi Tòa Thánh Rôma với Thánh Phêrô và cho rằng Thánh Phêrô và các Giám Mục kế vị ở Rôma có quyền trên toàn thể Giáo Hội. Do đó, chính tại Giáo Hội Rôma, các vấn đề Giáo lý và Kỷ luật liên quan đến các Giáo hội khác được giải quyết.

Đến đầu thế kỷ thứ 3, người ta cho rằng quyền bính của các Giám Mục Rôma là do những lời của Đức Chúa Jésus nói với Thánh Tông đồ Phêrô: ”Ngươi là đá và trên đá nầy, Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta”.

Nhưng trong khi các Giáo hội Đông phương xem Giám Mục Rôma như là những người đứng đầu theo tước vị và danh dự, thì tại Tây phương, vào thời Trung cổ, Giám Mục Rôma càng ngày càng có nhiều quyền lực đến độ trở nên tương đương với một ông vua hay vị quốc trưởng đứng đầu các nước của Tòa Thánh (États pontificaux).

+ Từ các nước của Tòa Thánh

Trải qua các thế kỷ, các nước của Tòa Thánh này được hình thành theo các biến cố chánh trị và là các món quà của các Hoàng đế và các vua.

Trong thời kỳ bức hại, các Giáo Hoàng cư ngụ trong thành Rôma, chưa có Tòa Thánh chính thức.

Nhưng năm 313, Hoàng đế Constantin tặng cho Giáo Hoàng điện Latran và cho xây dựng nơi trại lính cũ một Vương Cung Thánh Đường Thánh Jean de Latran, mà ngày nay vẫn còn là Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo Phận Rôma.

Sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ (476), quân ngoại xâm người Byzantin tranh chấp Rôma với nước Ý. Vào thế kỷ thứ 8, người Lombard chiếm đóng miền Bắc và miền Trung nước này, một lần nữa lại đe dọa Rôma. Đức Giáo Hoàng cầu cứu các vua nước Pháp.

Năm 754, Pépin le Bref tặng Đức Giáo Hoàng các lãnh thổ cũ của người Byzantin như Ravenue, Ancône, và lãnh địa Rôma. Đây là khởi điểm khai sinh các nước của Tòa Thánh, mà lịch sử hòa nhập với lịch sử của quyền Giáo Hoàng, cho đến năm 1870.

Năm 1870, coi như toàn bộ các nước của Tòa Thánh bị sáp nhập vào nước Italia, kể cả thành Rôma.

+ Đến Nhà nước Vatican

Kể từ thời điểm này, các Giáo Hoàng tự xem là “tù nhân” tại điện Vatican, nơi các Ngài trú ngụ từ thế kỷ 14. Cho nên trong vòng 600 năm, có một sự căng thẳng giữa quyền Giáo Hoàng và nhà nước Italia. Thỏa ước Latran năm 1929 chấm dứt tình trạng trên bằng cách thành lập Nhà nước Vatican, đảm bảo cho Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh sự tự do cần thiết để cai quản Giáo Hội về mặt tinh thần.

- Nhà nước Vatican

Vatican là một Nhà nước có lãnh thổ nhỏ (44 mẫu) độc lập và có chủ quyền, được điều hành bởi một Ủy Ban gồm 6 Hồng Y do Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm.

Vatican có một Văn phòng Hộ tịch, một chế độ Bảo hiểm xã hội, một Bưu điện, một Nhà ga, một Siêu thị, một Bảo Tàng viện, những Dịch vụ Kỹ thuật và Y tế, một Đài Phát thanh Truyền hình, một Tòa soạn và nhà in báo chí . . .

Trật tự chung của thành Vatican được một đội Kiểm soát phụ trách; trật tự tại Quảng trường Thánh Phêrô được Cảnh sát Italia đảm trách. Đội Vệ binh người Thụy sĩ phục vụ Đức Giáo Hoàng. Các thành viên của đội phải độc thân (trừ các Sĩ quan và Hạ Sĩ quan) theo đạo Công giáo, dưới 25 tuổi và cao ít nhất là 1,75 mét.

Khuôn viên 44 mẫu được các bức tường bao quanh chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi. Hiệp ước Latran dành cho Vatican khoảng 20 tài sản và bất động sản, được hưởng qui chế trị ngoại pháp quyền như: Rộng nhất là điện Castel Gandolpho, nơi Đức Giáo Hoàng thường nghỉ hè; Đền thờ Thánh Calixte trong khu Transtevere mà ở đó các Hội Đồng của Tòa Thánh đều có Văn phòng.

Ngoài ra còn 440 mẫu đất ở bên bờ hồ Bracciano do Nhà nước Italia nhượng lại cho Vatican vào những năm 50. Vùng đất nầy cũng được hưởng qui chế như các bất động sản đã nói trên và nơi đây đã cho dựng lên các cột ăng-ten của Đài Phát Thanh Vatican (Radio Vatican).

Hiệp Ước Latran còn qui định cấp cho Vatican 1,75 tỷ Lia thời đó, đền bù những lãnh thổ bị mất.

Ngày nay, Vatican có tại Rôma một diện tích bất động sản đáng kể, khoảng 6 cây số vuông. Ngoài ra, các tài sản của các bộ phận khác của Vatican, nhưng độc lập về mặt tài chánh, còn gây ấn tượng hơn nữa. Theo Tạp chí Limes, chúng chiếm 6.180 mẫu tại các quận ở Rôma và Fiumicino và 250.000 mẫu trên toàn nước Italia.

Nước Vatican có Quốc kỳ là lá cờ của các nước Tòa Thánh trước đây, có từ ngày 17-9-1825, với hai giải vải màu vàng và trắng, trên giải màu trắng có mũ triều Thiên 3 tầng (Tiare pontificale) bằng vàng với những giải đỏ và chìa khóa Đền Thánh Phêrô.

Cờ Tòa Thánh, nói đúng hơn là quốc kỳ của quốc gia Vatican, mà chúng ta thấy treo trong hoặc ngoài Nhà Thờ ở VN, chỉ có 2 giải vàng và trắng.

Nước Vatican cũng có Quốc ca. Bản Quốc ca đầu tiên được sáng tác năm 1857, do một nhà soạn nhạc không mấy nổi tiếng, người nước Áo, tên Hallmayr. Năm 1949, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thay bản Quốc ca này bằng một Hành khúc có nội dung tôn giáo hơn.

Nước Vatican cũng có một Ngoại Giao Đoàn gồm các Sứ thần (Nonces) hoặc Quyền Sứ thần (Pro-Nonces) tại 156 nước trên thế giới và 12 Khâm Sứ Tòa Thánh (Délégué Apostolique) không có nhiệm vụ ngoại giao, mà chỉ làm nhiệm vụ liên lạc với các Giám Mục trong 12 quốc gia khác. Ngoài ra, Tòa Thánh còn có Đại diện thường trực bên cạnh một số Tổ chức của Liên Hiệp Quốc và một số Tổ chức Phi Chính phủ (Organisarion non-gouvernementale, viết tắt là ONG) khác.

Bên cạnh Tòa Thánh cũng có các Đại sứ của 156 nước có thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.

- Giáo triều Rôma (La Mã)

+ Đức Giáo Hoàng

Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công giáo La Mã, và cũng là người đứng đầu Nhà nước Vatican.

Xưa kia, ở VN gọi Đức Giáo Hoàng là Đức Thánh Pha-Pha, và tiếng thường gọi là Đức Thánh Cha (Le Saint Père); trong ngôn ngữ của nhiều nước Âu Châu, gọi Đức Giáo Hoàng là Papa, Pape, Pope, gốc từ tiếng Hy Lạp Pappas.

Giáo Hội Rôma hay Giáo Hội Hoàn Vũ có 2 tập thể để Đức Giáo Hoàng tham khảo là Hồng Y Đoàn và Thượng Hội Đồng Giám Mục, cùng với một số Tổ chức để giúp Đức Giáo Hoàng điều hành Giáo triều Rôma (La Curie Romaine).

ĐỨC GIÁO HOÀNG (Đức Thánh Cha)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG

HỒNG Y ĐOÀN

Giám Mục

PHỦ QUỐC VỤ KHANH

9 Thánh Tòa 12 HỘI ĐỒNG 3 Văn Phòng

Tòa Thánh

GIÁO HỘI QUỐC GIA

(Hội Đồng Giám Mục)

3 Tòa Án

CÁC DÒNG TU

- Các Dòng Tu theo Qui chế Tòa Thánh

GIÁO TỈNH

(Tổng Giáo Phận)

(Tổng Giám Mục)

- Các Dòng Tu theo Qui chế Giáo Phận

GIÁO PHẬN

(Địa Phận)

(Giám Mục)

Các Dòng

Tu NAM

(Linh Mục Các Dòng)

GIÁO HẠT

(Hạt trưởng)

GIÁO XỨ

(Chánh Xứ)

Tu NỮ

(Linh Mục)

GIÁO HỌ

(Họ Đạo)

TÍN ĐỒ

(Giáo hữu, Ky-tô hữu, Giáo dân)

Đức Giáo Hoàng do Hồng Y Đoàn họp tại Tòa Thánh Vatican bầu ra khi vị Giáo Hoàng tiền nhiệm từ trần. Vị Hồng Y được đắc cử lên làm Giáo Hoàng sẽ ở ngôi vị Giáo Hoàng mãi cho đến khi chết. Phẩm vị Giáo Hoàng không có nhiệm kỳ hay nghỉ hưu.

Đức Giáo Hoàng là đại diện của Đức Chúa Jésus, điều khiển Giáo Hội, nên Đức Giáo Hoàng có quyền hành tối thượng, toàn diện, và không bao giờ sai lầm về Đức tin.

- Ngày 6-8-1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI từ trần.

- Đức Hồng Y Albino Luciani được bầu lên làm Giáo Hoàng, lấy danh hiệu là Gioan Phaolô I vào ngày 26-8-1978. 33 ngày sau, tức là ngày 29-9-1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đột ngột từ trần.

- Đức Hồng Y Karol Wojtyla, người Ba Lan, được bầu làm Giáo Hoàng, lấy danh hiệu là Gioan Phaolô II ngày 16-10-1978. Ngài Karol Wojtyla đã được thọ phong:

+ Linh Mục ngày 1-11-1946.

+ Giám Mục ngày 13- 1 -1956.

+ Hồng Y ngày 26- 6 -1976.

+ Giáo Hoàng ngày 16-10-1978.

- Hồng Y Đoàn:

Nhiệm vụ của Hồng Y Đoàn là cộng tác với Đức Giáo Hoàng trong việc quản trị Giáo Hội toàn cầu. Khi Đức Giáo Hoàng từ trần, Hồng Y Đoàn tạm nắm quyền quản trị Giáo Hội và tổ chức bầu Giáo Hoàng mới trong một cơ cấu được gọi là Mật Tuyển Viện (Conclave).

Tuy nhiên, Hồng Y Đoàn cũng được triệu tập để giải quyết các vấn đề quan trọng như: vấn đề tài chính của Giáo Hội, những vấn đề luân lý, vv . . .

Con số các Hồng Y ngày càng tăng lên, nhưng chỉ có những vị dưới 80 tuổi mới được tham dự Mật Tuyển Viện để bầu Giáo Hoàng.

- Thượng Hội Đồng Giám Mục:

Đây là một tổ chức được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập năm 1935 để tăng cường sự hợp tác của các Giám Mục trên thế giới với Đức Giáo Hoàng. Phần lớn các Đại biểu của Thượng Hội Đồng Giám Mục là do các Giám Mục đồng sự bầu ra, nhưng cũng có những Thượng Hội Đồng Giám Mục được triệu tập theo từng vùng như: Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Âu, Châu Á, Châu Phi . . .

- Giáo triều Rôma

Giáo triều Rôma (La Mã) bao gồm các bộ phận để giúp Giáo Hoàng điều hành công việc của Tòa Thánh. Các tổ chức nầy họp lại thành một cơ cấu được gọi là Giáo triều Rôma. Giáo triều Rôma gồm các cơ quan sau đây :

+ Phủ Quốc Vụ Khanh, đặc trách những công việc thường vụ của Giáo Hội và phụ trách liên lạc các quốc gia.

+ 9 Thánh Bộ, chịu trách nhiệm về những lãnh vực nhất định của đời sống Giáo Hội.

+ 12 Hội Đồng Tòa Thánh, là những bộ phận chuyên nghiên cứu và tìm kiếm trong những lãnh vực quan trọng.

+ 3 Văn Phòng, giúp điều hành công việc của Tòa Thánh và quản lý tài chánh.

+ 3 Tòa Án, để giải quyết các công việc liên quan đến: Xá giải, Ấn tín Tông tòa và Hôn phối.

Ngoài các cơ quan kể trên, Tòa Thánh còn có các Ủy Ban, hoặc hoạt động độc lập, hoặc trực thuộc các Bộ (ví dụ Ủy ban Kinh Thánh trực thuộc Bộ Giáo Lý Đức Tin). Một số cơ chế khác với những hoạt động bổ sung như: Tàng Thư Mật, Thư Viện, Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về Khoa học, Nhà Xuất bản và Nhà in Vatican, Nhật báo Osservatore Romano, Đài Phát Thanh Vatican, Trung Tâm Truyền Hình, Xưởng Đền Thờ Thánh Phêrô.

- Phủ Quốc Vụ Khanh

Đứng đầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, hiện nay là Đức Hồng Y Angelo Sodano.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến mỗi tuần 2 lần, mỗi lần ít nhất 1 giờ, ưu tiên trước mọi cuộc tiếp kiến.

Địa vị của Ngài là một Thủ Tướng Chính Phủ, kiêm Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ và Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh.

Tại Phủ Quốc Vụ Khanh có :

+ Phân bộ Thường vụ, hiện do Đức Tổng Giám Mục G.B. Re đứng đầu, Đức Ông Léonardo Sandrin làm Phụ tá.

+ Phân bộ Ngoại vụ, hiện do Đức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran đứng đầu, Đức Ông Claudio Maria làm Phụ tá.

- Chín Thánh Bộ

+ Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congrégation au service de la doctrine et de la foi):

Xa xưa, Đức Giáo Hoàng Phaolô III năm 1542 đã lập nên Bộ Pháp đình (Inquisition) để chống lại Tà Thuyết và sau đó trở thành Thánh Bộ (Le Saint Office) và đời Giáo Hoàng Phaolô VI sửa lại thành Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Bộ nầy chăm lo các vấn đề thuộc về Giáo lý, Đức tin, Đạo đức. Bộ cũng nghiên cứu các Học thuyết mới (Thí dụ như Thần Học Giải phóng) và cổ vũ các nghiên cứu và các hội nghị về vấn đề này. Bộ cũng lên án những lý thuyết bị coi là sai lầm, trái ngược với nguyên lý Đức tin, sau khi đã tham khảo ý kiến với các Giám Mục liên hệ. Bộ cũng nghiên cứu nội dung các quyển các sách đã xuất bản và lên án nếu cần, sau khi đã hội ý và đối chất với tác giả. Tác giả có quyền tự biện hộ bằng miệng hoặc bằng văn bản.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cải tổ Bộ này một cách sâu sắc, bãi bỏ hẳn tính cách bí mật, pháp đình, nhấn mạnh vào tính cách cổ vũ nâng cao Giáo lý. Ngài nói: “Bởi vì đức Bác ái loại trừ sợ hãi, ngày nay chúng ta bảo vệ Đức tin bằng cách nâng cao Giáo lý, vừa sửa chữa uốn nắn những sai lầm. Bộ này khuyến khích những kẻ sai lầm trở về đường chính nẻo ngay và khuyến khích các nhà rao giảng lời Chúa thêm hăng hái trong sứ vụ mình.”

+ Bộ Chuyên về các Giáo hội Đông phương (Congré-gation au service des Églises Orientales) :

Bộ này mới được thành lập năm 1862, thời Đức Giáo Hoàng Piô IX. Bộ chịu trách nhiệm về tất cả vấn đề có liên quan đến các Giáo Phận thuộc nghi lễ Đông phương: Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ Giáo dân tại các quốc gia Ai Cập, Érythrée, Étiopi, Bulgari, Chypre, Hy Lạp, Iran, Liban, Palestin, Syri, Jordani, Thổ Nhĩ Kỳ, Irac. Hiện nay, các tín đồ Công giáo thuộc nghi lễ Đông phương có chừng 14 triệu.

Ngoài Giáo Hoàng Học Viện nghiên cứu các vấn đề Đông phương do các Linh Mục Dòng Tên đảm nhiệm, tại Rôma còn có nhiều Học Viện Giáo Hoàng dành cho người Đông phương: Học Viện Acmêni thành lập năm 1584, Étiopi (1481), Hy Lạp (1576), Rumani (1858), Học Viện Russicum (1929) dành cho người Nga, . . .

+ Bộ Giám Mục (Congrégation au service des Évêques):

Bộ này được thành lập do Đức Giáo Hoàng Sixtô V năm 1578 và được cải cách, có nhiệm vụ lo tất cả công việc liên quan đến các Giám Mục và các Giáo Phận trên toàn cầu. Thí dụ: Việc mở thêm một Giáo Phận, bãi bỏ một Giáo Phận, việc bổ nhiệm các Giám Mục, Giám Mục Phụ Tá. Là người tham dự các Hội Đồng Giám Mục, Bộ nầy công nhận các văn kiện của các Hội Đồng Giám Mục và các Công Đồng địa phương. Bộ có nhiều Văn phòng đặc biệt trực thuộc, như Văn phòng người di cư, Văn phòng truyền giáo miền biển, . . .

Đức Hồng Y Bộ Trưởng Bộ này có quyền triệu tập các Bộ Trưởng Bộ Linh Mục, Bộ Giáo sĩ và Bộ Giáo Dục Công giáo, để cùng các Ngài xem xét các vấn đề liên quan.

+ Bộ Bí Tích (Congrégation de la Discipline des Sacrements):

Bộ này do Đức Giáo Hoàng Piô X thành lập năm 1908, có nhiệm vụ lo các vấn đề có liên quan đến các Phép Bí Tích, thí dụ một Linh Mục muốn hoàn tục phải xin phép Bộ này.

Từ khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mở rộng quyền các Giám Mục bằng Sắc dụ Pastorale Munus (30-6-1963), hồ sơ xin chuẩn về vấn đề Hôn phối hằng năm lên đến con số 10.000 được chuyển về các Giám Mục địa phương, khiến cho công việc của Bộ nhẹ gánh một phần.

+ Bộ Nghi Lễ (Congrégation des Rites):

Bộ này lo việc nghi lễ như tên gọi. Đức Giáo Hoàng Piô XI còn thêm vào Bộ này một Văn phòng lo việc Phong Thánh (nay đã tách ra thành một Bộ riêng). Bộ có nhiệm vụ thực thi Hiến chế Công Đồng về Phụng vụ. Bộ cũng lo về vấn đề đạo đức không có tính cách Phụng vụ như: đạo đức cá nhân, gia đình, xã hội, việc kinh hạt, rước xách.

+ Bộ Giáo Sĩ (Congrégation au service du Clergé):

Bộ này được thành lập năm 1564 do Đức Giáo Hoàng Piô IV để lo việc giải thích và áp dụng các luật lệ do Công Đồng Trente qui định. Bộ này gồm có 3 Văn phòng:

Văn phòng 1: lo việc đào tạo và Thánh hóa các Linh Mục và kỷ luật Giáo Sĩ (làm lễ, đọc sách nguyện, đạo đức).

Văn phòng 2: lo việc giảng thuyết về Giáo lý, suy nghĩ tìm tòi những phương pháp dạy Giáo lý mới cho trẻ em và người lớn. Văn phòng cũng lo về mục vụ du lịch (Pastorale du tourisme). Văn phòng chuẩn y các đồ án giảng thuyết của các Hội Đồng Giám Mục và khuyến khích cổ vũ các Hội nghị về Giáo lý, đồng thời thảo ra những chỉ thị thích hợp về vấn đề nầy.

Văn phòng 3: lo việc quản lý các tài sản trần thế của Giáo Hội, các Quỹ Từ thiện, các Nhà Thờ, Đền Thánh, di sản Nghệ thuật; lo các việc có liên quan đến đời sống vật chất của Giáo sĩ, đặc biệt các Giáo sĩ đau bệnh, già yếu, bằng cách thành lập những Hội, Viện, phụ trách về việc này.

+ Bộ Tu Sĩ (Congrégation suservicedes Religieux):

Bộ này do Đức Giáo Hoàng Sixtô V thành lập. Từ năm 1601 đến đời Đức Giáo Hoàng Piô X đầu thế kỷ này, Bộ Tu Sĩ và Bộ Giám Mục là một, nhưng sau đó được tách ra như hiện nay.

Bộ phụ trách các vấn đề thuộc các Dòng Tu nghi lễ La tinh, nghĩa là có trách nhiệm khoảng chừng 2,5 triệu Nam Nữ Tu sĩ trên thế giới về các vấn đề chế độ, kỷ luật, học tập, tài sản, quyền lợi, . . .

Bộ có quyền thành lập, bãi bỏ, chuyển đổi một Dòng Tu. Hồ sơ của Bộ lên đến 40.000 một năm, điều này chứng tỏ công việc phức tạp của Bộ. Bộ cũng có nhiệm vụ áp dụng Sắc lệnh “Đổi mới hợp thời đời tu” của Công Đồng Vatican II.

Vì số Dòng Tu trong Giáo Hội rất nhiều, nên Bộ cũng chú ý đến việc tập hợp các Dòng Tu nhỏ lại, chú ý cả đến những vấn đề nhỏ như bộ áo dòng của từng Dòng Tu, đến những vấn đề lớn như sửa đổi Hiến pháp của một Dòng.

Bộ cũng phụ trách các Tu Hội đời (Instituts séculiers).

+ Bộ Giáo Dục Công giáo (Congrégation au service de l’enseignement catholique):

Năm 1588, Đức Giáo Hoàng Sixtô V lập một Bộ phụ trách các Đại Học Công giáo như Đại Học Rôma, Đại Học Bologne, Đại Học Paris, Đại Học Salamanque . . . Sau nhiều lần chấn chỉnh, năm 1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đổi tên là Bộ Giáo Dục Công giáo.

Bộ gồm có 3 Văn phòng :

Văn phòng 1: phụ trách các Chủng Viện, từ việc quản trị vật chất đến chương trình học tập và kỷ luật. Văn phòng còn lo đào tạo các nhân viên, tu sĩ cho các Tu Hội đời.

Văn phòng 2: phụ trách các trường Đại Học, Cao Đẳng Công giáo, lo việc thiết lập tại mỗi Đại Học Công giáo một Ghế dành cho Giáo sư Thần học. Văn phòng cũng hỗ trợ việc tương thân tương trợ giữa các Đại Học Công giáo trong một nước hay ở các nước khác nhau. Văn phòng cũng lo đến việc làm sao bên cạnh các Đại Học không Công giáo có những Cư Xá Sinh viên Công giáo.

Văn phòng 3: phụ trách các trường Công giáo dưới bậc Đại Học của các Giáo Xứ hay Giáo Phận.

+ Bộ Truyền Bá Phúc Âm (Congrégation au service de l’Évangélisation):

Bộ này do Đức Giáo Hoàng Grêgoriô XV thành lập ngày 22-6-1622 với mục đích truyền bá Đức tin trên thế giới, vì thế, Bộ này mới có tên là “de Propaganda fide”: tên gọi này đã gây hiểu lầm vì từ ngữ Propaganda có nghĩa là tuyên truyền, quảng cáo, nên Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cải danh là Bộ Truyền Bá Phúc Âm (Tin Mừng, Tin Lành).

Bộ phụ trách các Xứ Truyền giáo (Pays de mission), tổ chức và điều hợp công cuộc truyền giáo, chú trong việc đào tạo Giáo Sĩ địa phương. Bộ cũng chăm lo việc phát triển trong Giáo Hội tinh thần truyền giáo và cổ vũ cho có nhiều người làm Linh Mục đi rao giảng các quốc gia chưa biết Tin Mừng.

Bộ cũng phối hợp với Bộ Tu Sĩ và Giáo Dục Công giáo đào tạo các Linh Mục Thừa Sai, và bằng mọi cách, cổ vũ lòng nhiệt thành truyền giáo trong Giáo Hội.

Bộ cũng phụ trách các Hội Tông Đồ truyền giáo như Hội Thánh Phêrô, Hội Chúa Hài Đồng. Các Hội nầy cung cấp cho các xứ các nhu cầu tối thiểu để đào tạo Linh Mục, Lương giáo Lý viên, xây cất Chủng Viện, nuôi các Chủng sinh.

- 12 Hội Đồng Tòa Thánh

+ Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo dân:

Hội Đồng do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lập ngày 6-1-1967 với mục đích quan tâm đến vai trò của Giáo dân trong Giáo Hội, cũng như các phong trào Tông đồ Giáo dân.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Pironio Eduardo.

Phó Chủ tịch: Đức Giám Mục Paul Cordes.

Hội Đồng này có một Chủ Tịch Đoàn gồm 3 Hồng Y và 2 Giám Mục.

Các thành viên của Hội Đồng gồm: 2 Hồng Y, 2 Giám Mục, và 27 Đức Ông.

+ Hội Đồng Tòa Thánh cổ vũ hợp nhất các Kytô hữu :

Lúc đầu là Văn phòng cổ vũ sự hợp nhất các Ky-tô hữu do Đức Giáo Hoàng Gioan XXII thành lập ngày 5-6-1960, và ngày 28-6-1983 được đổi thành Hội Đồng Tòa Thánh với mục đích biểu lộ ý chí của Tòa Thánh trong phong trào đại kết, nhằm tái lập sự thống nhất giữa những người tin ở Đức Chúa Jésus.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Edward Cassidy.

Các thành viên của Hội Đồng gồm 14 Hồng Y và 18 Giám Mục.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về Gia đình :

Hội Đồng do Đức Giáo Hoàng Phao lô VI thành lập năm 1973 nhằm mục đích nghiên cứu những vấn đề linh đạo, luân lý và xã hội của gia đình trong một viễn tượng mục vụ.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Lopez Trujilo.

Hội Đồng này có một Chủ Tịch Đoàn gồm 9 Hồng Y, 8 Giám Mục, và có 19 Đức Ông làm thành viên.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình:

Lúc đầu là Ủy Ban Công lý và Hòa bình do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập ngày 6-1-1967 và năm 1988 được đổi thành Hội Đồng Tòa Thánh với mục đích ủng hộ sự phát triển của các nước nghèo, cổ vũ hòa bình và công bằng xã hội trong giao hữu giữa các nước.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Roger Etchegaray.

Phó Chủ tịch: Tổng Giám Mục Nguyễn văn Thuận.

Các thành viên của Hội Đồng gồm: 4 Hồng Y, 1 Thượng Phụ, 7 Giám Mục, và 15 Đức Ông.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về Đồng Tâm :

Hội Đồng được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập ngày 15-7-1971 với mục đích phối hợp hoạt động từ thiện của Giáo Hội, và nhờ đó đóng góp có hiệu quả vào việc phát huy nhân phẩm và sự tiến bộ xã hội các dân tộc gặp khó khăn.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Roger Etchegaray.

Các thành viên của Hội Đồng gồm : 4 Hồng Y trong đó có Đức Hồng Y Phạm đình Tụng (VN), 14 Giám Mục và 2 Đức Ông.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về mục vụ di dân:

Hội Đồng nầy do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập năm 1970 với mục đích nghiên cứu mục vụ đối với những người phải rời khỏi xứ sở của mình để tới sinh sống tại một xứ khác, bất cứ vì lý do gì.

Chủ tịch: Giám Mục Giovanni Cheli.

Các thành viên gồm: 5 Hồng Y, 29 Giám Mục.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về mục vụ cho nhân viên Y tế :

Hội Đồng này được thành lập ngày 11-2-1985 với mục đích nghiên cứu các vấn đề cũng như những mối liên lạc quốc tế trong ngành Y tế, nhằm giúp Giáo Hội đảm nhận vai trò nhân đạo của mình.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Fiorenzo Angelini.

Các thành viên của Hội Đồng gồm: 10 Hồng Y, 13 Giám Mục, 6 Đức Ông và 7 Tu Sĩ.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về Giải thích các Văn bản Giáo luật:

Lúc đầu là Ủy ban Giải thích Giáo luật được thành lập ngày 15-9-1917, sau được đổi thành Ủy ban Tu chỉnh Giáo luật do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thành lập ngày 28-3-1967, sau khi ban hành Bộ Giáo Luật mới 1983 thì đổi thành Ủy ban Giải thích Giáo luật; ngày 28-6-1988 được đổi thành Hội Đồng để làm nhiệm vụ như chức danh.

Chủ tịch: Giám Mục Julian Herranz.

Các thành viên gồm: 15 Hồng Y, 3 Thượng Phụ, 2 Giám Mục.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về Đối thoại giữa các tôn giáo:

Trước là Văn phòng được thành lập năm 1964. Ngày 28-6-1988 được đổi thành Hội Đồng với mục đích liên lạc với các tôn giáo ngoài Công giáo, cũng như cổ vũ tình huynh đệ giữa mọi người.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Francis Arinze.

Các thành viện gồm: 14 Hồng Y, 1 Thượng Phụ, 30 Giám Mục, trong đó có Tổng Giám Mục Nguyễn như Thể (VN) Giám quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Huế.

+ Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại với những người không tín ngưỡng:

Hội Đồng này do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập ngày 9-4-1965, lúc đầu là văn phòng liên lạc với những người không tín ngưỡng, nhằm mục đích nghiên cứu về chủ nghĩa Vô Thần, cuối cùng là để tạo đối thoại với những người không tín ngưỡng.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Paul Poupard.

Các thành viên gồm: 14 Hồng Y và 19 Giám Mục.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về Văn hóa:

Hội Đồng này được thành lập ngày 20-5-1982 với mục đích cổ vũ sự phát triển văn hóa và giao lưu giữa các văn hóa cũng như phối hợp các hoạt động văn hóa của Tòa Thánh và của các Giáo hội địa phương.

Chủ tịch: Đức Hồng Y Paul Poupard.

Các thành viên gồm: 15 Hồng Y và 11 Giám Mục.

+ Hội Đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội :

Lúc đầu là một Ủy Ban do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập ngày 2-4-1964, và ngày 28-6-1988 được đổi thành Hội Đồng với mục đích nghiên cứu các vấn đề liên quan tới Điện ảnh, Truyền thanh, Truyền hình và Báo chí.

Chủ tịch: Tổng Giám Mục Patrick John Foley.

Các thành viên gồm: 11 Hồng Y, 11 Giám Mục, 1 Đức Ông và 2 Tu sĩ.

- Văn Phòng

Ba Văn Phòng trực thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, giúp điều hành công việc của Tòa Thánh và quản lý tài sản.

Ba Văn Phòng này là:

+ Văn phòng Giáo Hoàng.

+ Văn phòng Quản trị di sản Tông Tòa.

+ Văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh.

- Tòa Án

+ Tông Tòa Xá Giải.

+ Tòa Án Tối Cao ấn tín Tông Tòa.

+ Toà Án Hôn phối.

- Tờ báo OSSERVATORE ROMANO (OR)

Tờ báo này ra đời được hơn 130 năm nay. Tờ Nhật báo của Giáo Hội được dần dần làm cho phong phú thêm và được xuất bản thêm bản hàng tuần 7 thứ tiếng.

Mục đích của tờ báo không phải là bán cho nhiều, mà là truyền đạt lời của Đức Giáo Hoàng và cung cấp tài liệu cho những người tới Tòa Thánh nghiên cứu.

Tổng Biên tập bản tiếng Pháp, người đã có công cải tổ bản tiếng Pháp mơ ước có sự thông tin 2 chiều, tức tờ báo cũng sẽ là tiếng nói của các Giáo hội địa phương nữa.

Tờ Osservatore Romano giữ kín số lượng bán ra và rất dè dặt đối với một số mặt của cuộc sống chính trị ở Italia, nhất là về cuộc khủng hoảng hiện nay, mà đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo đang trải qua, một đảng mà gần đây được đặt tên là “Đảng Nhân Dân”.

Giám đốc tờ OR được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm.

- Đài Phát Thanh Vatican

Đài Phát Thanh Vatican giống như một cơ quan nghe nhìn của tờ báo OR.

Khách hàng của họ không giống nhau, phương tiện và mục đích cũng thế.

Đài Phát Thanh Vatican thông tin theo nhãn quan Công giáo cho khắp thế giới bằng 30 thứ tiếng, theo như lời nói của Linh Mục Pierre Moreau, người phụ trách chương trình tiếng Pháp từ 30 năm nay.

Đài Phát Thanh Vatican do Đức Giáo Hoàng quyết định thành lập, và bằng cách nhắc đi nhắc lại lời hứa trung thành với Đức Giáo Hoàng, Ngài đã giao cho Dòng Tên điều hành đài này.

Theo Linh Mục Pierre Moreau, Tòa Thánh rất ít khi can thiệp vào chương trình và nội dung của đài. Khi có vấn đề tế nhị cần phải cân nhắc, chúng ta tham khảo Lầu Ba (tức Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh). Đó là trường hợp xảy ra vào tháng 6 năm 1993, khi Mỹ thả bom Bát-đa, thủ đô của nước Irac. Việc này đã tạo ra một thái độ dè dặt của Vatican, và do đó, Đài Phát Thanh Vatican cũng dè dặt.” (Trích trong quyển: Công giáo VN sau quá trình 50 năm 1945-1995).

3. Công Đồng Vatican II

Công Đồng hay Công Đồng Chung là hội nghị của toàn thể các Giám Mục trên thế giới. Gọi Công Đồng Chung là để phân biệt với các Công Đồng Riêng của một miền.

Trong Lịch sử của Giáo Hội Công giáo, cho tới nay có tất cả 21 Công Đồng Chung, và quan trọng nhất là Công Đồng Chung thứ 21 gọi là Công Đồng Vatican II.

Công Đồng Vatican I diễn ra trong 2 năm 1869 và 1870, có tất cả 747 Giám Mục tham dự đều là người Âu Châu, kể cả các Giám Mục từ các nước Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi, cũng đều là người Châu Âu. Đó là Công Đồng 20.

Công Đồng Chung thứ 21 là Công Đồng Vatican II, gồm có tất cả 2.904 Nghị Phụ được mời và 2.629 Nghị Phụ tham dự, trong đó chỉ có 1.060 Nghị Phụ là người Châu Âu.

Dĩ nhiên, trong Công Đồng Vatican II, các Nghị Phụ người Châu Âu vẫn đóng vai trò chủ chốt và tiếng nói của các Ngài vẫn là tiếng nói có trọng lượng.

Trong Công Đồng nầy, những vấn đề của các Giáo hội ngoài Châu Âu, cũng như những vấn đề của thế giới hiện đại là những mối bận tâm nhất của tất cả Nghị Phụ.

Thực vậy, tiếng La tinh là một ngôn ngữ, tuy không còn là phổ thông, nhưng không hoàn toàn xa lạ với người Âu Châu, không còn là ngôn ngữ duy nhất trong phụng tự nữa, mà các ngôn ngữ địa phương đều được sử dụng, kể cả trong Kinh Nguyện Thánh Thể, là một điều mà trước đây không ai dám nghĩ tới.

Công Đồng Vatican II đã dành riêng 1 trong 4 Hiến Chế để nói về “Giáo Hội trong thế giới hôm nay”.

Hơn nữa, không phải chỉ trong Hiến Chế Mục Vụ “Vui mừng và Hy vọng”, mà trong tất cả văn kiện của Công Đồng Vatican II, canh tân cập nhật hóa vẫn là mối bận tâm hàng đầu. Vì thế, Công Đồng Vatican II là bước ngoặc quan trọng của lịch sử Giáo Hội Công giáo : Nhiều vấn đề được đặt lại.

Từ sau Công Đồng Vatican II, muốn đề cập đến vấn đề nào của Giáo Hội đều phải qui chiếu vào các văn bản của Công Đồng Vatican II nầy.

Công Đồng Vatican II, tức Công Đồng thứ 21, sau hơn 3 năm chuẩn bị nội dung cho Đại Hội, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chánh thức khai mạc tại Đền Thờ Thánh Phêrô (Vatican) và chính Đức Giáo Hoàng điều khiển các phiên họp.

Ngày 3-6-1963, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII qua đời, Đức Tân Giáo Hoàng mới đắc cử là Phaolô VI tiếp tục điều khiển Công Đồng Vatican II. Công Đồng có 4 kỳ họp, mỗi kỳ họp kéo dài từ 3 đến 4 tháng, tổng cộng kéo dài hơn 3 năm, đến ngày 8-12-1965 mới bế mạc.

Công Đồng Vatican II đã biểu quyết 16 văn kiện gồm :

+ 4 Hiến chế.

+ 9 Sắc lệnh.

+ 3 Tuyên ngôn.

- 4 Hiến Chế

+ Hiến chế Tín lý về Giáo Hội.

+ Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa.

+ Hiến chế về Phụng vụ Thánh.

+ Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay.

- 9 Sắc Lệnh

+ Sắc lệnh về nhiệm vụ các Giám Mục trong Giáo Hội.

+ 2 Sắc lệnh về Linh Mục (đào tạo, chức vụ, đờisống)

+ Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu.

+ Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân.

+ Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội.

+ Sắc lệnh về hiệp nhất.

+ Sắc lệnh về các Giáo hội Đông phương.

+ Sắc lệnh giữa những sự kỳ diệu về các phương tiện truyền thông xã hội.

- 3 Tuyên ngôn:

+ Tuyên ngôn về tự do tôn giáo.

+ Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Công giáo.

+ Tuyên ngôn về giáo dục Công giáo.

Dựa trên các văn kiện pháp qui kể trên, Giáo Hội Công giáo triển khai và bổ sung, hình thành đường hướng hoạt động mới của Giáo Hội, với một số nét chánh, kể ra :

- Vấn đề Giáo lý

Công Đồng khẳng định những tín điều căn bản về Giáo lý được ghi trong Kinh Thánh: Thiên Chúa Ba ngôi, Công cuộc cứu chuộc loài người của Đức Chúa Jésus, vai trò Thánh hóa Hội Thánh của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ Đồng trinh Maria, về nước Trời, . . .

- Vấn đề Giáo Hội

Giáo Hội không thể tự vỗ ngực là Thần Thánh như trước đây, mà phải hạ mình xuống để phục vụ.

Giáo Hội của Chúa phải nhằm mục đích thôi thúc tinh thần an ủi. Đó là công trạng của Chúa Jésus đến cứu rỗi, chớ không phải đến để cai trị và phạt vạ; đi hầu hạ người chớ không phải bắt người hầu hạ mình. Giáo Hội phải nhập thế, đi sâu vào các nguyện vọng của con người, cho nên Giáo Hội luôn luôn phải canh tân và hiệp thông trong các lĩnh vực thế tục cũng như các hoạt động tôn giáo.

Từng lớp Giáo sĩ của Giáo Hội không phải là những công chức của Giáo triều, mà phải tham dự tích cực vào các hoạt động xã hội để hoàn thành sứ mạng của mình.

Văn kiện nêu rõ: Giám Mục không phải bắt người hầu hạ mình, mà phải đi hầu hạ người; Linh Mục phải từ bỏ quyền lợi cá nhân, đừng tính toán đến quyền lợi riêng và quyền lợi của tập thể. Do đó, cần phải cải cách và chấn chỉnh cách đào tạo các Linh Mục.

- Vấn đề Lễ nghi

Công Đồng Vatican II chủ trương cải tổ, trong đó nhìn nhận và coi trọng những đặc điểm tâm lý, phong tục, tạp quán, và tín ngưỡng cổ truyền của mỗi dân tộc. Công Đồng cũng cho phép dùng các ngôn ngữ các dân tộc thay thế tiếng La tinh trong việc phụng tự, bỏ bớt những lễ nghi rườm rà phiền phức.

- Vấn đề Giáo dục

Công Đồng Vatican II rất quan tâm đến vấn đề Giáo dục tinh thần Công giáo trong các thành phần giáo dân, đặc biệt chú trọng lớp thanh thiếu niên, vì đó là tương lai của Giáo Hội. Giáo dục tinh thần Công giáo là sự kết hợp chặt chẽ giữa trách nhiệm của gia đình và của Giáo Hội, với nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, trong đó lấy việc giáo dục Giáo lý làm quan trọng, và nên triệt để khai thác các phương tiện truyền thông đại chúng phục vụ cho giáo dục.

- Vấn đề Hôn nhân

Công Đồng Vatican II cho phép các tín đồ được kết hôn với người theo tôn giáo khác miễn là phía bên kia để cho người bạn đời của mình được tự do tín ngưỡng, nên Công Đồng đã hủy bỏ vạ tuyệt thông đối với những người Công giáo kết hôn với người ngoại Đạo.

Trước đây, Giáo Hội Công giáo cho rằng chỉ có đạo mình là chánh, các đạo khác là Tà, là Lạc giáo, và chủ trương không quan hệ. Quan niệm nầy nay được bãi bỏ, chủ trương đoàn kết, cởi mở với các tôn giáo khác trong tinh thần bình đẳng.

- Đối với Khoa học Kỹ thuật

Công Đồng Vatican II chủ trương đưa Khoa học Kỹ thuật theo đức tin tôn giáo, vì cho rằng mọi việc trên thế gian đều do Thiên Chúa sắp đặt, nên Khoa học Kỹ thuật phải gắn liền với tôn giáo, không được đối lập với Thiên Chúa. Sự phát triển của Khoa học Kỹ thuật nâng cao đời sống con người, là để thực hiện và hoàn chỉnh chương trình của Thiên Chúa đã định.

Công Đồng Vatican II mở ra cho Giáo Hội Công giáo một hướng hoạt động cởi mở, thích hợp và tiến bộ.

4. Giáo Lý và Các Điều Răn

Toàn bộ Giáo lý, Triết lý và Giới Luật căn bản của Thiên Chúa giáo đều nằm trong quyển Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước.

- Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước :

+ Kinh Thánh Cựu Ước là Thánh Kinh của Đạo Do Thái, là bộ sách mà các vị Thánh của Do Thái viết lại lịch sử của dân tộc mình. Kinh Thánh Cựu Ước gồm có 4 phần :

Phần 1 là 5 quyển sách của Môi-se.

Phần 2 là các sách về lịch sử.

Phần 3 là các sách về văn thơ.

Phần 4 là các sách tiên tri.

+ Kinh Thánh Tân Ước là sách kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Đức Chúa Jésus Christ, những lời giảng dạy của Đức Chúa, các hoạt động của các Thánh Tông Đồ, những lời răn dạy về đạo lý của Đức Chúa Jésus và của các Thánh Tông Đồ đối với con người.

Kinh Thánh Tân Ước có thể chia làm 4 phần như sau :

+ Phần 1 là các sách Phúc Âm (Tin Mừng, Tin Lành) ghi lại 4 Thánh sử của Đức Chúa Jésus Christ do 4 vị Thánh viết: Ma-thi-ơ, Mác, Luca, Giăng.

+ Phần 2 là nói về Công vụ của các Sứ đồ, kể về hoạt động của các Thánh Tông Đồ, do Thánh Luca viết.

+ Phần 3 là các Thánh thư của các Thánh Tông Đồ gửi cho các Giáo đoàn.

+ Phần 4 là phần cuối, là sách Khải Huyền của Thánh Giăng. Ngài được Đức Chúa Trời ban ơn cho được lên Thiên đường xem thấy những sự huyền diệu của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jésus, thấy được tương lai của nhân loại như thế nào, và sau đó Ngài được đưa trở về thế gian và ghi chép lại các điều trông thấy đó.

Thiên Chúa giáo cho rằng Kinh Thánh là những lời mặc khải của Thiên Chúa đối với loài người, là mẫu mực tối cao của Đức Tin, nên phải được tôn sùng.

Hội Thánh do Đức Chúa Jésus lập nên là để thay mặt Chúa khi Đức Chúa đã về Trời để truyền giảng Giáo lý cứu rỗi nhơn loại.

- Quan niệm về Vũ Trụ

Vũ trụ và vạn vật đều do Thiên Chúa (Thượng Đế, Đức Chúa Trời) tạo dựng .

Thiên Chúa có 3 Ngôi: Ngôi thứ 1 là CHA, Ngôi thứ 2 là CON, Ngôi thứ 3 là THÁNH THẦN.

Tuy có 3 Ngôi nhưng đồng một thể. Ngôi 2 bởi Ngôi 1 mà ra, Ngôi 3 bởi Ngôi 1 và Ngôi 2 mà ra.

Ngôi 1 là CHA tạo dựng, Ngôi 2 là CON cứu chuộc, Ngôi 3 là THÁNH THẦN: Thánh hóa.

Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh Cựu Ước chép rằng:

Đức Chúa Trời (viết tắt là ĐCT) tạo dựng ra Trời Đất và vạn vật trong 6 ngày:

+ Ngày thứ 1: ĐCT tạo ra sự sáng và sự tối, tức ngày và đêm.

+ Ngày thứ 2: ĐCT tạo ra bầu trời.

+ Ngày thứ 3: ĐCT tạo ra đất, biển, thảo mộc.

+ Ngày thứ 4: ĐCT tạo ra mặt trời, mặt trăng, các vì sao.

+ Ngày thứ 5: ĐCT tạo ra loài cá, loài chim.

+ Ngày thứ 6: ĐCT tạo ra các loài thú trên mặt đất gồm thú rừng, súc vật và côn trùng.

Đức Chúa Trời lại dựng nên người Nam và người Nữ theo hình tượng của Ngài, ban phước cho loài người và phán rằng: “Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất, hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các vật sống hành động trên mặt đất”.

ĐCT còn phán thêm: “Nầy, Ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất và các loài cây sinh quả có hạt giống, ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi”. (1)

+ Ngày thứ 7: ĐCT đã làm xong các công việc, nên ngày thứ 7 Ngài nghỉ, rồi ban phước cho ngày ấy, gọi là ngày Thánh, tức là ngày Chúa nhật.

Như thế, theo Thiên Chúa giáo, ĐCT có quyền phép vô biên, tạo dựng nên Trời Đất và tất cả các vật trong bầu vũ trụ này, những vật lớn như Tinh tú, Mặt trời, Mặt trăng, các quả Địa cầu, đều do ĐCT dùng phép huyền diệu tạo ra, rồi đến các loài sinh vật ở dưới nước, trên cạn, trên bờ, trên không, cũng đều do ĐCT tạo ra, và cả đến con người là loài khôn ngoan nhất, thống trị vạn vật cũng do ĐCT tạo ra theo hình tượng của Ngài.

Tóm lại, không vật gì trong bầu vũ trụ nầy mà không do ĐCT tạo dựng sinh thành.

- Quan niệm về con người: Tội Tổ Tông.

Sau đó, ĐCT lập một cảnh vườn Ê-đen ở về hướng Đông. ĐCT lấy bụi đất nặn hình nên một người Nam, thổi sinh khí vào lỗ mũi thì người đó sống dậy, gọi là A-đam.

ĐCT đem A-đam vào vườn Ê-đen để trồng cây và coi sóc vườn. ĐCT phán: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn này, nhưng về cây Biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (2)

ĐCT thấy A-đam không có ai giúp đỡ, nên Ngài làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một cái xương sườn của A-đam, thêm bụi đất nắn thành một người Nữ, đưa đến sống cùng A-đam. Người Nữ ấy được gọi là Ê-va, vợ của A-đam. A-đam và Ê-va đều sống trần truồng mà không biết hổ thẹn.

Tội Tổ Tông:

Trong các loài thú đồng do ĐCT tạo ra có con Rắn lớn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói với Ê-va: “ĐCT cấm 2 ngươi ăn trái cây Biết điều thiện điều ác bởi tại sao, ngươi có biết không? Ê-va đáp: Vì ăn trái cây ấy sẽ phải chết. Rắn nói: Hai ngươi chẳng chết đâu, nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào 2 ngươi ăn trái cấm đó, mắt mình sẽ mở ra, sẽ như ĐCT, biết điều thiện và điều ác”.

Ê-va thấy trái cấm đó có vẻ ngon, lại mở được trí khôn, bèn nghe lời Rắn, quên lời căn dặn của ĐCT, hái ăn ngon lành, rồi trao cho A-đam cùng ăn.

Đây là lần đầu tiên, 2 người không vâng lời ĐCT, nên mắc tội với ĐCT.

Ăn xong trái cấm đó thì mắt 2 người mở ra, rồi biết được rằng mình lõa lồ, mắc cỡ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.

ĐCT biết rõ điều đó, nên phán cùng Ê-va rằng: “Ta sẽ thêm điều khổ cực bội phần trong cơn thai nghén, ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con, sự dục vọng của ngươi xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi”.

Ngài lại phán cùng A-đam: “Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cấm, vậy đất sẽ bị rủa sả vì ngươi, trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sinh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng (3), ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra, vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”.

Việc Bà Ê-va và Ông A-đam ăn trái cấm, không nghe lời ĐCT, bị tội cùng ĐCT nên bị ĐCT quở phạt. Tội đó gọi là Tội Tổ Tông, vì 2 người là tổ tông của loài người.

Chúng ta nhận thấy, ba đoạn (1), (2), (3) là 3 lần phán của ĐCT về thức ăn mà ĐCT dành cho loài người: Đó là loài cỏ có hột, loài cây sanh quả, các thứ bông trái, rau của đồng ruộng. Như thế, loài người chỉ được phép ăn các thứ hoa quả, thảo mộc, ngũ cốc; không có đoạn nào trong phần nầy, ĐCT cho phép loài người ăn thịt thú vật.

Nhân loại do thủy tổ A-đam và Ê-va sinh ra càng lúc càng nhiều, và qua nhiều thế hệ, thì càng nhiễm những ô trược của cõi trần, nên say mê theo đường vật dục, xa lìa đạo đức, gây nhiều tội lỗi với ĐCT, nên Ngài gây ra một cuộc Tận Thế với trận Đại Hồng Thủy, tiêu diệt những kẻ hung ác, chỉ chừa lại gia đình Ông Nô-ê, con trai và dâu, vì biết đạo đức, nhân nghĩa, công bình.

Vợ chồng Ông Nô-ê trở thành thủy tổ của loài người sau nầy.

Từ gia đình Ông Nô-ê, loài người được sinh sản càng lúc càng nhiều, qua nhiều thời kỳ, cũng dần dần tiêm nhiễm vật chất, xa đường đạo đức. Đặc biệt loài người kiêu ngạo, toan xây dựng Tháp Babel rất cao để đi vào nước Trời.

ĐCT giận dữ vì hành động quá lắm này, nên khiến cho loài người chia ra nhiều thứ tiếng nói khác nhau, để sự bất đồng ngôn ngữ ấy mà loài người chia rẽ, không xây được Tháp Babel.

Mỗi nhóm người với một thứ tiếng nói, phân tán đi khắp các nơi để tìm đất sống, và sinh sôi nẩy nở càng lúc càng nhiều, tạo thành nhiều dân tộc, ở khắp nơi trên địa cầu.

Dân tộc Do Thái là dân tộc được ĐCT chọn, đang bị bắt làm nô lệ cho các vua Pha-ra-ôn của nước Ai Cập. ĐCT cảm thương nên sai Ông Môi-se đến cứu dân tộc Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ người Ai Cập, dẫn dân Do Thái đến lập quốc tại vùng đất tốt đẹp bên bờ biển Địa Trung Hải.

ĐCT qua trung gian của Ông Môi-se, dạy dân Do Thái về đạo đức, luật lệ, lễ nghi thờ cúng ĐCT, và các điều Giới Răn, tạo thành Đạo Do Thái cho dân tộc Do Thái. Ai tin và làm đúng theo đó thì được ĐCT rước lên nước Trời hoàn toàn hạnh phúc; ai không tin và làm điều tội lỗi thì bị phạt xuống Hỏa ngục.

Đó là thời Thái cổ của nước Do Thái với nền tôn giáo do Thánh Môi-se truyền bá là Do Thái giáo.

Nhưng loài người, kể cả dân Do Thái, dần dần sa ngã vào vật dục, quên hết các điều răn dạy của ĐCT, gây biết bao tội lỗi. ĐCT không nỡ giết chết hết, lại mở lòng thương, quyết định cho Ngôi Hai đầu thai xuống trần, cứu chuộc tội lỗi loài người. Ngôi Hai giáng thế ấy là Đức Chúa Jésus Christ.

Ngài khởi giảng tin lành, nhắc lại những điều răn dạy của ĐCT mà Thánh Môi-se đã truyền lại.

Ngài mở ra kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, giảng đạo trong 3 năm, thâu nhận 12 Thánh Tông đồ và rất nhiều người tin theo, rồi Ngài vâng lịnh ĐCT, hiến mình trên Thập tự giá, chịu chết để lấy dòng máu thương yêu trong trái tim thương yêu, chuộc tội cho loài người.

Ngài lấy cái chết của thể xác để cho nhân loại sống, nên linh hồn Ngài trở về ngự bên cạnh ĐCT.

- 10 Điều Răn và các Nghĩa vụ

Mười Điều Răn của Đạo Thiên Chúa, chính là 10 Điều Răn mà ĐCT đã ghi trên 2 tấm bảng đá, ban cho Thánh Môi-se trên núi Sinai để đem xuống dạy dân Do Thái:

+ Phải thờ kính Thiên Chúa trên hết mọi sự.

+ Không được lấy danh Thiên Chúa làm những việc phàm tục.

+ Dành ngày Chúa nhựt để thờ phụng Thiên Chúa.

+ Thảo kính cha mẹ.

+ Không được giết người.

+ Không được Tà dâm.

+ Không được gian tham, lấy của người khác.

+ Không được làm chứng dối, che giấu sự gian dối.

+ Không được ham muốn vợ hoặc chồng người.

+ Không được ham muốn của cải trái lẽ.

Mười Điều Răn nói trên, quy lại 2 điều: Kính Chúa và Yêu người.

Giáo Hội Thiên Chúa giáo qui định thêm 6 Điều Răn :

+ Xem lễ ngày Chúa nhựt và các ngày lễ buộc.

+ Kiêng việc xác ngày Chúa nhựt.

+ Xưng tội mỗi năm một lần.

+ Chịu lễ mùa Phục sinh.

+ Giữ chay những ngày qui định.

+ Kiêng ăn thịt những ngày qui định.

Giáo Hội cũng qui định những nghĩa vụ cần thiết đối với bản thân người tín đồ và đối với mọi người:

+ Lấy điều thiện mà khuyên người.

+ Hướng dẫn cho kẻ mê muội.

+ Tha thứ cho kẻ khinh rẻ mình.

+ Nhịn kẻ xúc phạm đến mình.

+ Cầu nguyện cho người sống và người chết.

+ Răn bảo kẻ có tội. + An ủi người lo âu.

+ Cho kẻ đói ăn. + Cho kẻ khát uống.

+ Cho kẻ rách mặc. + Cho khách ở nhờ.

+ Cho người làm thuê. + Khiêm nhường.

+ Chôn táng người chết. + Đoan chánh.

+ Không hà tiện. + Siêng năng.

+ Không tị hiềm. + Ăn uống điều độ.

+ Thăm viếng người hoạn nạn.

Tóm lại, Giáo lý của Thiên Chúa giáo cho rằng, mọi vật trong vũ trụ này đều do Thượng Đế tạo dựng và hóa sinh. Thượng Đế là Đấng có quyền phép mầu nhiệm không thể đo lường, toàn năng, toàn tri, toàn thiện, toàn mỹ.

Thượng Đế dùng bụi đất tạo nên hình hài thể xác của con người rập theo hình ảnh của Thượng Đế, rồi Thượng Đế đặt vào thể xác ấy một Linh hồn để thể xác ấy có sự sống.

Do đó, con người do Thượng Đế sáng tạo ra theo hình ảnh của Ngài, nên rất được Thượng Đế trân trọng thương yêu. Ngài ban cho con người trí khôn ngoan hơn vạn vật để thống trị vạn vật.

Khi thể xác con người chết đi thì thể xác ấy sẽ trở về cát bụi vì nó do cát bụi tạo thành; còn Linh hồn thì tồn tại vĩnh viễn và trở về cõi Thiên đàng.

Vua loài Quỉ là Satan luôn luôn tìm cách cám dỗ con người làm điều sái quấy, trái với lời răn dạy của Thượng Đế, để linh hồn con người không được trở về Thiên đàng, bị phạt xuống Địa ngục mà làm tôi tớ cho nó.

Tổ tiên loài người đã bị Quỉ Satan, trong lốt Rắn, xúi dục ăn trái cấm, nên loài người mắc tội Tổ Tông truyền kiếp.

5. Các Phép Bí tích

Bí tích là tất cả những gì thần thánh bí ẩn của Thiên Chúa giáo, hoặc thuộc phạm vi Giáo lý, hoặc thuộc phạm vi Tế tự, thuộc chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Jésus.

Phép Bí tích là những phép thuật mầu nhiệm mà khi thi hành sẽ có những hiệu quả thiêng liêng mà ta không thể dùng trí phàm hay mắt phàm mà có thể hiểu biết được.

Thiên Chúa giáo có tất cả 7 Phép Bí tích, chia ra 2 phần :

- Bí tích Trung tâm gồm 1 Bí tích: Bí tích Thánh thể.

- Bí tích ngoại biên gồm 6 Bí tích, chia ra:

+ 2 Bí tích Khai tâm: . Bí tích Rửa tội.

. Bí tích Thêm sức.

+ 2 Bí tích Y dược: . Bí tích Giải tội.

. Bí tích Xức dầu.

+ 2 Bí tích Xã hộ : . Bí tích Truyền chức.

. Bí tích Hôn phối.

- Bí tích Thánh thể:

Bí tích Thánh thể còn được gọi là Bí Tích Mình Thánh Chúa, là sự tái diễn việc Chúa Jésus đã hiến dâng thân thể cho sự cứu chuộc.

Bí tích Thánh thể dựa theo sự tích “Bữa tiệc cuối cùng” của Đức Chúa Jésus với các môn đồ trong Lễ Vượt qua. Đức Chúa Jésus lấy bánh và rượu nho cho các môn đệ, nói rằng: “Các ngươi hãy nhận lấy, đây là mình của ta, đây là máu của ta, máu của ta sẽ đổ xuống để chuộc tội cho loài người.”

Theo Giáo lý của Thiên Chúa giáo, sự cứu chuộc của Chúa vẫn tiếp tục trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh thể. Bí tích Thánh thể là đỉnh cao, là nguồn mạch trong đời sống tín ngưỡng của các tín đồ. Tất cả Bí tích khác, cũng như các hoạt động phụng tự đều hướng vào Bí tích này.

Nghi lễ Phép Bí tích Thánh thể được cử hành trọng thể tại Nhà Thờ, gọi là Thánh lễ Misa. Trong việc cử hành Bí tích Thánh thể, quan trọng nhất là vị chủ lễ (Giám Mục, Linh Mục) đọc lời truyền phép Thánh thể theo qui định của Giáo Hội, để Bánh làm bằng bột mì và Rượu làm bằng nho trở thành thịt Chúa và máu Chúa.

Tín đồ, sau khi đã Xưng tội và được Giải tội, thì được chịu phép Thánh thể, tức là được ăn một miếng Bánh hay một phần chiếc Bánh nhỏ đã được làm phép để Chúa sẽ ngự trong lòng họ, bởi vì Chúa có nói rằng: “Ai ăn thịt ta và uống máu ta, sẽ ở trong ta và ta sẽ ở trong người ấy”.

Theo qui định của Giáo Hội, sau khi chịu phép Bí tích Thánh thể (phép Mình Thánh) lần đầu, tín đồ phải chịu phép nầy mỗi năm ít nhất một lần.

- Bí tích Rửa tội:

Bí tích Rửa tội để rửa sạch tội Tổ Tông và các thứ tội khác, để trở thành tín đồ của Chúa, thắng được vật dục, thoát khỏi quyền của Quỉ, được ân sủng của Đức Chúa Jésus.

Bí tích Rửa tội thực hiện dễ dàng với trẻ em của những gia đình có đạo, nhưng đối với người lớn thì phải có chuẩn bị về mặt Tâm lý và phải Sám hối về những tội lỗi đã qua.

Bí tích Rửa tội thực hiện rất đơn giản, dùng nước Thánh dội lên đầu người chịu phép với câu nguyện bằng tiếng La tinh mà Chúa Jésus truyền phải dùng: “Ego te baptizo in nomine Patris, et Filii, et Spiritus Sancti.” (Ta rửa con , nhân danh Cha và Con và Thánh Thần).

Bí tích Rửa tội do các Linh Mục Chánh Xứ thực hiện.

- Bí tích Thêm sức:

Bí tích Thêm sức giúp cho tín đồ được ơn Chúa Thánh Thần mà liên kết chặt chẽ với Giáo Hội, vững lòng tin để đi sâu vào đời sống tín ngưỡng, như trước đây, khi Đức Chúa Jésus lên Trời, các Thánh Tông đồ bơ vơ, Chúa Thánh Thần hiện xuống an ủi và ban sức mạnh cho họ.

Bí tích Thêm sức chỉ làm cho người nào đã chịu Phép Rửa tội (Thánh tẩy). Nghi lễ được tiến hành bằng việc bôi một thứ dầu thảo mộc lên trán của người chịu phép Bí tích nầy, và đọc một đoạn kinh ngắn bằng tiếng La tinh.

Bí tích Thêm sức do Giám Mục thực hiện trong Nhà Thờ trong dịp Lễ Misa.

Tóm lại, 2 Bí tích Rửa tội (Thánh tẩy) và Thêm sức:

+ Đối với Đức Chúa Jésus, Thánh tẩy ban ơn tái sinh, Thêm sức ban ơn cường tráng, ân sủng sung mãn.

+ Đối với cơ thể siêu nhiên, Rửa tội thích nghi cơ thể đó để làm việc tư nhiều hơn, còn Thêm sức chuẩn bị cho tâm hồn gánh việc công.

+ Đối với Giáo Hội, Thánh tẩy nhập hiệp tín đồ vào đại gia đình các Thánh, Thêm sức khuếch trương gia đình đó ở trong và ở ngoài, trong phương diện nội trương và ngoại trương.

- Bí tích Giải tội:

Bí tích Giải tội là để tha thứ tội lỗi đã mắc phải. Người được giải tội phải tự xét về hành vi phạm tội của mình, đối chiếu các Điều Giới Răn, rồi xưng tội với vị Linh Mục một cách thành khẩn.

Vị Linh Mục, với tư cách thay mặt Chúa, ngồi trong Tòa Giải tội, luận xét tha tội, hoặc định ra những hình thức sửa chữa đền tội bằng những việc làm nhân đức.

Luật của Giáo Hội qui định mỗi năm tín đồ phải xưng tội ít nhất một lần.

- Bí tích Xức dầu:

Bí tích Xức dầu Thánh được thực hiện đối với bệnh nhân lúc tịnh dưỡng hay trong cơn nguy ngập để xin Thiên Chúa nâng đỡ và cứu vớt.

Các Giám Mục thực hiện phép chuyển dầu thực vật thành dầu Thánh. Các Linh Mục thực hiện Bí tích xức dầu Thánh bằng việc dùng dầu Thánh xức lên trán hoặc thân thể bệnh nhân, và đọc lời cầu nguyện theo qui định.

Bí tích Giải tội để chữa bịnh linh hồn, tha tội và tha hình phạt Hỏa ngục, đó là Bí tích điều trị. Nhưng khi bệnh nhân hết bịnh, cơ thể cần tịnh dưỡng, thì Bí tích Xức dầu Thánh được thiết lập và được coi là bổ túc Bí tích Giải tội.

Bí tích Xức dầu Thánh cũng dành cho người gần khuất bóng, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.

- Bí tích Truyền chức

Bí tích Truyền chức được thực hiện với các tín đồ trở thành Thùa Tác viên của Chúa: Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, để thay mặt Chúa chăn dắt tín đồ.

Bí tích Truyền chức được thực hiện trong Lễ Tấn phong, bằng cách người truyền chức đặt tay lên người được truyền chức và đọc lời kinh cầu nguyện:

* Truyền chức Phó Tế: Giám Mục đặt tay lên vị Phó Tế:

“Lạy Chúa, xin Chúa sai Chúa Thánh Thần xuống người nầy để họ được 7 ơn Chúa kiên cường, hầu trung thành chu toàn nhiệm vụ”.

* Truyền chức Linh Mục: Giám Mục đặt tay lên vị Linh Mục:

“ Lạy CHA toàn năng, xin CHA trao chức Linh Mục cho tôi tớ Chúa đây, xin Chúa cải tân tâm hồn họ bằng Thánh Thần của Chúa, để họ nhận lấy sứ mệnh có công bậc nhì, đã được chính Chúa ưng chuẩn.”

* Truyền chức Giám Mục:

“ Xin Chúa trao hết chức quyền cho Linh Mục của Chúa, xin Chúa lấy dầu trên Trời Thánh hóa vị đã được trang sức đầy vẻ vinh quang”.

Bí tích Truyền chức trao cho người thụ chức những hiệu quả : được trao chức Thánh, sứ mệnh Thánh và hưởng đầy ân sủng của Chúa.

- Bí tích Hôn phối:

Bí tích Hôn phối là sự nhìn nhận của Thiên Chúa đối với đôi Tân hôn Nam Nữ đã chịu phép Rửa tội, để họ chung sống trọn đời với nhau.

Bí tích Hôn phối Thánh hóa hôn nhân, Thánh hóa các tác động phu thê trong tình thương yêu chân thật.

Bí tích Hôn phối làm tăng cường tính duy nhất và bền vững trong hôn nhân và quan hệ gia đình của tín đồ.

6. Các Dòng Tu

Trong Công giáo, bên cạnh các tổ chức mang tánh cách hành chánh điều khiển các hoạt động của Giáo Hội, như đã trình bày ở các phần trên, còn có tổ chức một hệ thống các Dòng Tu hoạt động rất mạnh.

Theo Giáo luật, Dòng Tu (L’Ordre des religieux) là một tập thể tín đồ từ bỏ cuộc sống thế tục để cống hiến trọn đời cho Đạo pháp, góp phần cùng Giáo Hội cứu rỗi nhơn loại.

Khi chấp nhận hiến thân trọn đời cho Đạo, tín đồ phải lập thệ:

+ Thanh khiết, là giữ cuộc đời độc thân trọn vẹn.

+ Thanh bần, là giữ cuộc đời trong sạch nghèo nàn.

+ Vâng phục, là nghe lời bậc Bề trên dạy dỗ.

+ Huynh đệ, là sống trong đại gia đình với tình anh em.

- Tổ chức các Dòng Tu:

Mỗi Dòng Tu có hiến chương riêng và qui chế hoạt động riêng. Hệ thống tổ chức trong Dòng Tu thường có 3 cấp:

+ Bề trên Dòng, còn gọi là Bề Trên Cả hay Bề Trên Tổng Quyền.

+ Tỉnh Dòng.

+ Các Tu viện và các cơ sở hoạt động.

Mỗi Dòng Tu thường tổ chức Đại Hội định kỳ để tổng kết và đánh giá tình hình hoạt động, đề ra chương trình, thay đổi nhơn sự lãnh đạo.

- Phân loại các Dòng Tu:

Có 2 cách phân loại các Dòng Tu:

+ Phân loại theo Qui chế: 2 loại.

* Dòng Tu theo Qui chế Tòa Thánh, là những Dòng Tu lớn, có từ lâu đời, mang tính chất quốc tế, đặt cơ quan Trung ương tại Tòa Thánh La Mã, như các Dòng Tu: Bơ-noa, Đô-mi-ni-cô, Phăn-xi-cô, Dòng Chúa Cứu thế, .

* Dòng tu theo Qui chế Giáo Phận, thuộc quyền điều khiển trực tiếp của Giám Mục Giáo Phận. Một số Dòng Tu theo Qui chế Giáo Phận ở VN như: Dòng Thánh Tâm ở Giáo Phận Huế, Dòng Giu-se ở Giáo Phận Nha Trang, . .

- Phân loại theo cách hoạt động: 2 loại.

+ Dòng Tu Chiêm niệm (Contemplatif) chuyên chú vào việc tụng kinh, trầm tư chiêm nghiệm (Thiền định) và tự lao động để sinh sống. Những tu sĩ trong Dòng Chiêm niệm thường không ra ngoài hoạt động, chỉ ở trong các nhà tu kín.

Một số Dòng Tu Chiêm niệm như: Dòng Bơ-noa, Dòng Ca-mê-lô, . . .

+ Dòng Tu hoạt động (Actif) chuyên chú về các hoạt động xã hội dưới nhiều hình thức:

* Hình thức tôn giáo: như giảng dạy Giáo lý, Thần học, Truyền giáo.

* Hình thức từ thiện: như Giáo dục, Y tế, Cứu trợ.

Các Dòng nầy như: Dòng Tên, Dòng Đô-mi-ni-cô, . . .

- Phân loại theo Giới tính: Nam và Nữ phái.

Phụ nữ Công giáo chỉ được tham gia vào các Dòng Tu, không được huấn luyện để trở thành Linh Mục, Giám Mục, lãnh đạo các cấp hành chánh của Giáo Hội. Đây cũng là một thiệt thòi lớn cho Nữ phái Công giáo.

Các Dòng Tu chỉ gồm toàn là tu sĩ Nam phái, hoặc gồm toàn Nữ phái, không có Dòng Tu nào vừa có Nam tu sĩ, vừa có Nữ tu sĩ.

Các tu sĩ trong Dòng Tu được phân làm 2 bực: Các tu sĩ thường (Nam gọi là Frère: Huynh, Nữ gọi là Soeur [Bà sơ]: Tỷ), và bên trên là các Linh Mục bên Dòng Tu Nam phái, và Bà Bề Trên bên Dòng Tu Nữ phái.

Các Linh Mục Dòng được đào tạo như các Linh Mục bên Giáo triều và có các hoạt động như Linh Mục Giáo triều, nhưng chỉ hoạt động trong Dòng Tu mà thôi. Tuy nhiên, cũng có Dòng Tu không có Linh Mục, như Dòng Tu La-san (Lasal).

- Một số Dòng Tu Nam:

+ Dòng BƠ-NOA (Ordre de Saint Benoit, viết tắt OSB)

Đây là Dòng Tu cổ nhất của Giáo Hội La Mã, do Benoit de Nurci lập ra từ năm 529 ở Monte-Cassino (Italia). Dòng Benoit ra đời đưa các tu sĩ sống độc thân vào cuộc sống tập thể trong các Tu Viện, mở đầu thời kỳ Chủ nghĩa Tu Viện Thiên Chúa giáo.

Chủ đích của Dòng Bơ-noa là chiêm niệm, lao động chân tay, nghiên cứu Thần học và Phụng vụ.

Vào thời Trung cổ, Dòng Bơ-noa có những đóng góp quan trọng trong việc hướng dẫn dân chúng Âu Châu trồng trọt, chăn nuôi, chế thuốc trị bịnh.

Y phục của Tu sĩ Dòng nầy là áo chùng đen, thắt lựng da, ngoài phủ vải đen.

Dòng Bơ-noa truyền vào VN từ năm 1935, có các cơ sở ở Đà Lạt và Huế.

+ Dòng ĐÔ-MI-NI-CÔ (Odre de Dominicains (OD):

Dòng này còn gọi là Dòng Đa Minh do Dominique lập năm 1206 ở Toulouse nước Pháp.

Chủ đích của Dòng là thuyết giảng, nên còn gọi là Dòng Thuyết giảng (Odre des Prêcheurs hay Odre des Frères Prêcheurs), để khuyến tu kẻ ngoại đạo trong các cuộc Thánh chiến chống Hồi giáo.

Y phục của các tu sĩ Dòng nầy là áo chùng trắng và khăn phủ ngoài cũng trắng.

Dòng Đô-mi-ni-cô truyền vào VN vào thế kỷ 16 do các Giáo sĩ Dô-mi-ni-cô Tây Ban Nha. Họ giảng đạo và điều khiển Địa Phận Bùi Chu, sau đó tách ra thành Địa Phận Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Năm 1930, có thêm các Giáo sĩ Dòng Đô-mi-ni-cô vào truyền giáo đến Lạng sơn.

Năm 1954, Các Giáo sĩ Dòng nầy chuyển vào xây dựng các cơ sở ở miền Nam VN.

+ Dòng PHĂN-XI-CÔ (Ordre des Franciscains (OF):

Dòng Phăn-xi-cô do Francois lập năm 1209 tại Assises nước Italia, chủ trương việc giảng thuyết chỉ được xem như là một trong những hoạt động từ thiện, như chăm sóc người tàn tật, kẻ đau ốm cô độc.

Y phục của các Tu sĩ Dòng nầy giống như của Dòng Bơ-noa, nhưng màu dà, có thắt lưng, chân đi dép.

Dòng Phănxicô truyền vào VN với danh nghĩa là “Anh em hèn mọn” (Odre des Frères Mineurs, viết tắt là OFM), lập cơ sở đầu tiên ở Vinh, Thanh Hóa, sau đó là Nha Trang và Sàigòn.

+ Dòng TÊN (Odre de Jésuites: OJ):

Dòng Tên tức là Dòng Jésus, do một người lính Thánh giá người Tây Ban Nha tên Igntis lập ra năm 1584, để chống lại phong trào cải cách tôn giáo, đồng thời đáp ứng nhu cầu truyền giáo ra nước ngoài của Giáo Hội. Dòng Tên đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của Đức Giáo Hoàng, được chọn lọc để tiếp nhận những người quí phái, những nhà trí thức và khoa học. Thực tế, Dòng Tên là tuyến đầu phòng thủ của Giáo Hội, có mặt khắp nơi trên thế giới, chi phối được nhiều chánh phủ của nhiều nước. Năm 1759, Dòng Tên bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha; năm 1762, và năm 1820 Dòng Tên bị trục xuất khỏi nước Pháp.

Năm 1773, Giáo Hoàng Clê-măng giải tán Dòng Tên, và đến năm 1841, Giáo Hoàng Piô VII mới cho phục hồi lại.

Hiện nay, Dòng Tên có mặt tại 100 nước trên thế giới với khoảng 30.000 Giáo sĩ.

Y phục của Giáo sĩ Dòng Tên giống hệt như y phục của Linh Mục Giáo triều.

Giáo sĩ Dòng Tên vào VN rất sớm, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Dòng Tên mất dần ảnh hưởng tại VN khi Đức Giáo Hoàng cho phép Hội Thừa Sai Paris (MEF) được độc quyền truyền giáo tại VN.

Năm 1957, Tổng Thống Ngô đình Diệm mới cho Dòng Tên trở lại hoạt động tại Miền Nam VN.

+ Dòng KHỔ TU (Ordre de Trappistes: OT):

Dòng Khổ Tu còn gọi là Dòng Xi-tô vì được thành lập tại Citeaux nước Pháp vào năm 1098 bởi Robert de Mondesme và sau nầy được Benard củng cố và bổ sung.

Dòng Khổ Tu đề cao cuộc sống ép xác kham khổ, không ăn thịt cá, đi chân đất, lao động chân tay, chuyên bề chiêm niệm.

Dòng Khổ Tu đào tạo được nhiều Giáo Sĩ cao cấp cho Giáo Hội, là những bậc chơn tu. Riêng trong thế kỷ 17, đào tạo được 11 Hồng Y và 75 Giám Mục.

Y phục của Dòng Khổ Tu là áo chùng trắng, thắt lưng da, tấm vải phủ ngoài màu đen.

Tại VN, vào năm 1920, một Linh Mục người Pháp, dựa trên qui chế Dòng Khổ Tu, lập ra tại Quảng Trị, tự coi là một nhánh của Dòng Bơ-noa, sau nầy sáp nhập với các Giáo Sĩ Dòng Khổ Tu từ Pháp sang, gọi là Dòng Phước Sơn.

Việc sáp nhập trên không được Bề Trên của Dòng Khổ Tu tại Pháp hài lòng, nên họ đưa thêm một số Giáo Sĩ khác qua lập những cơ sở khác như ở Mỹ Ca, Châu Sơn, Phước Lý . . .

+ Dòng CHÚA CỨU THẾ (Congrégation du Très Saint Redemptoriestes, viết tắt là: CSR):

Dòng Chúa Cứu Thế do Alphonse de Liguori lập ra ở Naples (Ý) vào thế kỷ 18 trong hoàn cảnh cuộc Cách mạng Tư sản ở các nước Âu Châu liên tiếp nổ ra. Dòng Chúa Cứu Thế phát triển rất nhanh ở Châu Âu và truyền sang Bắc Mỹ.

Giáo sĩ Dòng nầy thường đi thuyết giảng Giáo lý và đạo đức ở các Xứ đạo trong tuần làm phúc, và đi truyền đạo ở các vùng chưa có Công giáo.

Y phục của Giáo sĩ Dòng Chúa Cứu Thế có màu đen, cổ trắng, thắt lưng vải, đeo tràng hạt.

Dòng nầy vào VN năm 1925, chủ yếu do các Giáo sĩ người Canada, lập các cơ sở tập trung ở Sàigòn, Nha trang, Vĩnh Long, Đà Lạt.

+ Dòng LA-SAN (Ordre des Lasaliens, viết tắt là OL) :

Dòng Lasan do Jean Baptist de Lasal lập ra, chuyên dạy học trò ở bậc Trung học, nên còn được gọi là Dòng Sư Huynh, tiếng Pháp là: Ordre des Frères d’Écoles Chrétiennes, viết tắt: OFEC.

Y phục của Giáo sĩ Dòng Lasan giống như Linh Mục của Giáo Hội, có miếng vải trắng trước cổ.

Dòng Lasan vào VN qua các Giáo sĩ người Pháp. Trước đây họ mở nhiều Trường Trung học dạy chương trình Pháp như trường Lasan Taberd ở Sàigòn, trường Pellerin ở Huế, trường Pujinier ở Hà Nội.

+ Dòng BOSCO (Ordre de Salesiens, viết tắt là OS):

Dòng Bosco do Don Bosco lập ra ở nước Ý vào cuối thế kỷ 18. Chủ đích của Dòng là dạy nghề và dạy văn hóa cho thiếu niên nghèo, thất học.

Dòng Bosco vào VN vào khoảng năm 1940, lập cơ sở tại Gò Vấp Sàigòn, sau phát triển lên Đà Lạt.

+ Dòng GIOAN THIÊN CHÚA (Ordre des Hospita-liers, viết tắt là OH):

Dòng nầy được lập ra từ thế kỷ 14 với chủ đích chữa bịnh bằng Đức Tin vào Thiên Chúa và tình thương yêu chăm sóc của thầy thuốc.

Y phục của Giáo sĩ Dòng Gioan Thiên Chúa giống y như Giáo sĩ Dòng Bơ-noa.

Dòng nầy vào VN năm 1938, do một nhóm tu sĩ người Canada, lập ra những cơ sở đầu tiên ở Sài gòn và Hà Nội. Sau năm 1954, các cơ sở ở HàNội dời vào Đà Nẳng và Biên Hòa.

- Một số Dòng Tu Nữ:

+ Dòng BƠ-NOA: Dòng Bơ-noa do Benoit lập ra từ thế kỷ thứ 5, thật tế nó là Dòng Tu dành cho phụ nữ chuyên về Chiêm niệm. Nữ tu Dòng Benoit có y phục giống như bên Nam phái, nhưng thêm khăn đen và lúp che đầu.

Dòng Nữ tu Benoit sang VN vào năm 1935, do các Nữ tu người Pháp, lập cơ sở đầu tiên tại Ban Mê Thuộc, sau chuyển về Thủ Đức.

+ Dòng OISEAUX: tức Dòng Nữ Tu Thánh Augustine, nhưng gọi theo tiếng Pháp là: Couvent des Oiseaux.

Chủ đích của Dòng Nữ Tu Oiseaux là giáo dục văn hóa và nghề nghiệp cho phụ nữ trở thành những Nữ trí thức. Dòng Nữ Tu nầy sống phóng khoáng, giao tiếp bình thường với người bên ngoài, nên y phục của họ cũng bình thường, chỉ thêm cái khăn phủ đầu màu xám.

Dòng Oiseaux truyền sang VN từ năm 1950 do các Nữ Tu người Pháp, có mở cơ sở là trường học tại Sàigòn.

+ Dòng PHAOLÔ :

Dòng Nữ Tu Phaolô được lập ra ở Pháp, hoạt động theo gương của Thánh Phaolô, với nội dung chủ yếu là: Giáo dục, Y tế, Xã hội.

Y phục của Dòng Nữ Tu nầy toàn màu trắng, lúp che đầu cũng trắng (nên gọi là Bà Sơ trắng), đôi khi cũng mặc y phục đen, nhưng cái lúp trên đầu vẫn giữ màu trắng.

Dòng Phaolô vào VN vào năm 1860, lập ra các Bệnh viện, Trường học, Cô nhi viện, ở Sàigòn, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Sau năm 1954 thì dời vào miền Nam.

+ Dòng BÁC ÁI VINH SƠN:

Dòng Nữ Tu Bác Ái Vinh Sơn do Vincent lập ra tại Paris nước Pháp vào thế kỷ 17 trong hoàn cảnh nước Pháp bị loạn lạc. Chủ đích của Dòng là công tác cứu tế xã hội.

Y phục của các Nữ Tu Dòng nầy có màu xanh, lúp che đầu cũng màu xanh, nên gọi là các Bà Sơ xanh.

Năm 1935, một số Nữ Tu Dòng Bác ái Vinh sơn đến lập cơ sở tại Đà Lạt, Sàigòn, và phát triển ra các nơi khác như Nha Trang, Ban Mê Thuộc.

+ Dòng PHĂN-XI-CÔ:

Dòng Nữ Tu Phănxicô do Nữ Tu người Pháp lập ra từ thế kỷ 18, chọn các hoạt động từ thiện và dạy học.

Y phục của Dòng nầy có màu tro, có lúp che đầu.

Dòng Nữ Tu Phănxicô lập cơ sở đầu tiên ở VN là Trại Cùi Qui Nhơn vào năm 1930, sau đó có lập những cơ sở từ thiện khác ở Sàigòn và Đà Lạt.

+ Dòng ĐỨC BÀ:

Dòng Nữ Tu Đức Bà lập ra ở nước Pháp vào thế kỷ 18. Chủ đích của Dòng là lo dạy học và công tác xã hội.

Y phục của các Nữ Tu Dòng nầy giống như Dòng Phănxicô nhưng có tấm vải trắng phủ từ sau ra trước, có viền xanh, lúp đầu màu trắng.

Dòng Đức Bà lập cơ sở đầu tiên ở Hà Nội, năm 1934. Sau đó chuyển vào Nam lập ở ĐàLạt, Nha Trang, Phan Thiết.

+ Dòng MẾN THÁNH GIÁ:

Dòng Nữ Tu Mến Thánh Giá do các Linh Mục Dòng Tên lập ra cùng một thời kỳ với các tổ chức Thầy giảng, từ thế kỷ 17 và 18. Trong thời kỳ đầu, các Nữ Tu sống đơn giản, chủ yếu là cầu nguyện, giúp việc dạy Giáo lý và một số công việc khác của Giáo Hội.

Sau nầy, qua nhiều lần cải cách, hình thành các qui chế chặt chẽ, có lời khấn, có trường học và trường tập.

7. Hai Chi Phái lớn

Thiên Chúa Giáo do Đức Chúa Jésus Christ lãnh lệnh Đức Chúa Trời giáng trần mở đạo, để giáo hóa và cứu rỗi nhân loại, và Đức Chúa Jésus Christ là Giáo chủ của Thiên Chúa Giáo.

Đến thế kỷ 11, hàng giáo phẩm cao cấp của Thiên Chúa Giáo, do bất đồng với Đức Giáo Hoàng, nên tách ra, lập Chính Thống giáo tại thủ đô Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ, truyền bá vùng Đông Âu.

Đến thế kỷ 16, một Linh Mục tại nước Đức là Martin Luther công bố 95 Luận Đề cải cách Thiên Chúa Giáo, đó là bước khởi đầu tách ra lập Đạo Tin Lành, truyền bá mạnh mẽ tại Bắc Âu Châu, Bắc Mỹ, rồi lan ra khắp thế giới.

Như thế, Thiên Chúa giáo có 2 Chi Phái lớn là :

+ Chính Thống giáo (Orthodoxie)

+ Đạo Tin Lành (Protestantisme) và từ đó, Thiên Chúa giáo ở La Mã được gọi là Công giáo.

7.1. Chính Thống giáo

Nguyên vào thế kỷ thứ 4, Hoàng đế La Mã là Constantin (270-337) dời thủ đô từ La Mã (Rôma) đến Constantinople thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Trước kia, thành phố ấy tên là Bizance, Hoàng đế Constantin xây dựng làm thủ đô mới, đổi tên lại là Constantinople (lấy tên của Hoàng đế đặt tên cho thủ đô mới). Do đó, tại thủ đô mới nầy, hình thành một Trung tâm Thiên Chúa Giáo đứng thứ nhì sau La Mã.

Giáo hội tại Constantinople được gọi là Giáo hội Đông, và Giáo hội tại La Mã được gọi là Giáo hội Tây. Đức Giáo Hoàng ở tại La Mã.

Hai Giáo hội vẫn thông đồng chặt chẽ, và Giáo hội Đông vẫn tùng lịnh của Đức Giáo Hoàng ở Giáo hội Tây. Nhưng dần dần, những mâu thuẩn bắt đầu xảy ra, và Giáo Hội Đông nhận thấy Giáo Hoàng có nhiều hành vi can thiệp vào thế tục quá đáng, nên bất mãn.

Sự việc nổ bùng ra vào năm 1054, giữa thế kỷ 11, khi Đức Giáo Hoàng La Mã sai sứ giả đến Constantinople, đặt trên Bàn thờ Thánh đường Santa Sophia Sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng cắt đứt quan hệ với Giáo hội Đông và phạt vạ Thượng Phụ Giáo Chủ của Giáo hội Đông.

Liền đó, Thượng Phụ Giáo Chủ Mi-ca-e của Giáo hội Đông phản ứng quyết liệt bằng cách triệu tập Đại Hội Công Đồng Giáo hội Đông, tuyên bố tuyệt giao với Giáo Hoàng và phạt vạ Giáo Hoàng La Mã.

Thế là kể từ đó, Giáo hội Đông thành lập Chính Thống giáo. Dùng từ ngữ Chính Thống giáo là để tỏ rằng, tuy tách ra từ Giáo hội La Mã, nhưng vẫn giữ được Chánh đạo chánh truyền, chớ không phải là Tà đạo hay Lạc giáo mà Giáo Hội La Mã đã gán cho họ.

Do đó, tính bảo thủ là nguyên tắc đặc trưng nổi bật của Chính Thống giáo. Giáo lý của Chính Thống giáo hầu hết đều giống với Công giáo La Mã, chỉ có một số ít khác nhau:

- Về Thiên Chúa 3 Ngôi:

+ Công giáo: Ngôi 1 là CHA, Ngôi 2 là CON, Ngôi 3 là THÁNH THẦN. Tuy 3 Ngôi nhưng đồng bản thể cùng Thiên Chúa. Ngôi 1 sanh Ngôi 2, Ngôi 1 và 2 sanh ra Ngôi 3.

+ Chính Thống giáo: Ngôi 1 sanh ra Ngôi 2, Ngôi 2 sanh ra Ngôi 3.

- Thiên Chúa giáo tin vào vô nhiễm thai.

Chính Thống giáo không tin điều đó.

- Thiên Chúa giáo: Đức Giáo Hoàng không bao giờ sai lầm về Đức tin, tức là không sai lầm khi ban bố một tín điều hay một Sắc lịnh của Giáo Hội.

Chính Thống giáo: Không tin vào tính chất không sai lầm của Giáo Hoàng La Mã, chỉ thừa nhận tính chất không sai lầm của Giáo Hội, chớ không phải người cầm đầu Giáo Hội.

- Chính Thống giáo: Chỉ có Đức Chúa Jésus mới là Giáo chủ duy nhất; không chấp nhận nơi chuộc tội.

- Chính Thống giáo không có một Trung tâm Giáo hội Thống nhứt như Công giáo La Mã, mà nó gồm 15 Giáo hội Chính Thống độc lập, kể ra:

+ Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) + Nga

+ Alexandrie (Ai Cập) + Grudi

+ Antoiny (Syrie, Liban) + Serbie (Nam Tư)

+ Bulgarie + Roumanie

+ Chypre + En-lát (Hy-Lạp)

+ Albanie + Ba Lan

+ Tiệp Khắc + Châu Mỹ

+ Châu Đại Dương.

Phạm vi hoạt động của Chính Thống giáo là ở vùng các nước Đông Âu.

Số tín đồ của Chính Thống giáo và của Đạo Tin Lành được thống kê nơi Phần I trong bài nghiên cứu nầy.

7.2. Đạo TIN LÀNH

(Xem chi tiết nơi phần sau: Đạo Tin Lành)

* Ngoài 2 Chi Phái lớn của Thiên Chúa giáo kể trên, còn có nhiều Chi phái nhỏ khác nẩy sanh từ Công giáo hay từ Chính Thống giáo hoặc từ Đạo Tin Lành. Xin kể ra một số Chi phái nhỏ sau đây:

- Các Giáo hội Công giáo Đông phương:

Đây là các Giáo hội theo nghi lễ Đông phương, gần giống như các Giáo hội Chính Thống giáo ở Cận Đông, Đông Âu và Ấn Độ.

Từ thế kỷ 16, các Giáo hội Công giáo Đông phương nầy đã thông hảo với Tòa Thánh La Mã.

Mặc dầu có ít tín đồ, chừng 14 triệu, nhưng sự hiện diện của các Giáo hội nầy rất quí, vì nó chứng tỏ rằng 2 nền văn hóa Đông và Tây, tuy khác nhau, nhưng vẫn có thể hòa hợp được.

- Các Giáo hội Nhất Thể giáo (Églises Monophysites)

Các Giáo hội này chỉ tin nhận những điều có trước Công Đồng Chung Canxêđôni năm 451, nên cũng gọi là Giáo hội tiền Canxêđôni.

Số tín đồ của Giáo hội này được chừng 18 triệu, bao gồm các tông phái Syri Đông phương, Syri Tây phương, Syri Chính Thống ở Ấn Độ, Êtiopi, Acmêni.

- Anh giáo (Anh Quốc giáo): (Xem Đạo Tin Lành)

8. Công giáo tại Việt Nam

Công giáo được truyền sang VN một cách có hệ thống và qui mô từ đầu thế kỷ 17 với các Thừa Sai Dòng Tên.

Trước đó, thế kỷ 16, từ khi con đường liên lạc giữ Tây Âu và Đông Á được trở nên dễ dàng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) năm 1498, và nhất là sau khi Bồ Đào Nha thiết lập các căn cứ ở Ân Độ (1510), ở Mã Lai (1511) và ở Macao Trung quốc (1557), các tàu thuyền của Bồ Đào Nha đi Trung quốc và Nhật Bản ngày càng nhiều. Trong những chuyến đi như thế, các thuyền tàu ấy thường ghé qua các hải cảng VN.

Các Linh Mục Dòng Phan Sinh, Đa Minh, hoặc Âu Tinh đi theo làm mục vụ cho các thủy thủ trên tàu, chắc chắn đã có dịp tiếp xúc với dân chúng VN, nhưng vì không hiểu tiếng VN nên các cuộc tiếp xúc nầy không đem lại kết quả nào về phương diện truyền giáo.

Các Linh Mục ấy không lưu lại một chứng từ nào. Các câu chuyện về công cuộc truyền giáo ở VN trước thế kỷ 17 đều do các nhà chép sử của các Dòng Tu ghi lại vào khoảng năm sáu chục năm sau.

Sách “Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương Mục” là một bộ sử VN được soạn thảo dưới triều vua Tự Đức, khi nói về một lệnh cấm Đạo Gia Tô năm 1663 dưới triều vua Lê Huyền Tôn, có chú thích về Đạo Gia Tô như sau:

“ Theo Dã Lục, vào khoảng tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời vua Lê Trang Tôn, có một thương nhân tên Inikhu đi đường biển vào VN lén lút vào giảng Đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh, thuộc huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”.

Thời kỳ từ năm 1533 đến 1614, chủ yếu là các Giáo sĩ Dòng Phănxicô Bồ Đào Nha và Dòng Đa Minh Tây Ban Nha, đi theo những thuyền buôn vào VN giảng đạo, nhưng do không quen phong thổ và không thông thạo tiếng VN, nên việc truyền giáo không kết quả.

Thời kỳ từ năm 1614 đến 1645, các Giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha từ Macao (Trung quốc) vào VN hoạt động ở Đàng ngoài và cả Đàng trong, có nhiều vị thông thạo tiếng Việt, lại hoạt động khôn khéo, đã lôi kéo được 50.000 người VN theo Đạo và tạo được 40 Tu sĩ VN giúp việc truyền đạo.

Năm 1693, Nghệ An có 12 làng Công giáo toàn tòng.

Khi Công giáo phát triển đến mức khá lớn, các Giáo sĩ Dòng Tên nghĩ đến việc cần phải có các Giám Mục phụ trách để thúc đẩy công cuộc truyền đạo ở mức cao hơn và quản lý nền Đạo. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, giáo dân quen gọi là Cha Đắc-Lộ của Dòng Tên, có kinh nghiệm 30 năm hoạt động vùng Viễn Đông, trong đó có 17 năm ở VN, thông hiểu tình hình VN và nói thông thạo tiếng VN, đề cử 2 vị Linh Mục người Pháp tên là: Francois Pallu và Lambert de la Motte, được Đức Giáo Hoàng phong làm Giám Mục phụ trách truyền đạo ở Đông Dương.

Năm 1659, hai Địa Phận Công giáo đầu tiên được thành lập, một ở Đàng trong và một ở Đàng ngoài, do 2 vị Giám Mục nầy cai quản.

Trong thời gian trở về nước Pháp, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) bàn soạn lập kế hoạch vận động vua nước Pháp, giới quí tộc Pháp và đề nghị Đức Giáo Hoàng lập Hội Thừa Sai Paris (Mission Étrangère de Paris) để tổ chức việc truyền giáo tại Đông Dương cho kết quả hơn.

Năm 1644, Hội Thùa Sai Paris chính thức thành lập, được Đức Giáo Hoàng giao cho nhiệm vụ truyền giáo tại Đông Dương, Trung quốc và Đông Nam Á.

Vì muốn mở mang nước Chúa, muốn được truyền đạo nhanh chóng và độc quyền, các Giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris thường tham dự vào các hoạt động chánh trị, tiếp tay cho nước Pháp bành trướng thế lực ở Đông Dương.

Giám Mục Pigneu de Béhaine (Bá-Đa-Lộc) đã xây dựng kế hoạch giúp Chúa Nguyễn Ánh khôi phục cơ đồ, đánh tan quân Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long.

Về sau, các vị vua nhà Nguyễn nối tiếp vua Gia Long cấm đạo Công giáo, thì các Giáo sĩ trong Hội Thừa Sai Paris như: Giám Mục Pellerin, Phó Giám Mục Lefèbvre, Giám Mục Puginier, là những người đã thông hiểu tình hình VN, nên đã giúp quân đội Pháp rất hiệu quả, đánh chiếm nước VN và dần dần biến nước VN thành thuộc địa của nước Pháp.

Nhờ những công trạng nầy, Hội Thùa Sai Paris được Chánh quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương dành cho rất nhiều đặc quyền đặc lợi, và được tự do truyền đạo trên thế mạnh của Chánh quyền.

Các vị Giám Mục người Pháp có uy quyền như một ông vua trong Giáo hội Công giáo VN.

Đến năm 1933, sau hơn 400 năm truyền đạo Công giáo tại VN, Tòa Thánh Vatican mới giao quyền tự quản Giáo hội VN cho các Giáo sĩ VN và phong ông Nguyễn bá Tòng làm Giám Mục, là người VN đầu tiên được phong vào phẩm nầy.

Năm 1960, Giáo phẩm VN được thiết lập, người Công giáo VN được phong vào 3 cấp : Linh Mục, Giám Mục, Tổng Giám Mục.

Đến năm 1976, Giáo hội Công giáo VN có thêm phẩm Hồng Y, đó là Đức Hồng Y Trịnh như Khuê ở Giáo Phận Hà Nội, được phong chức ngày 24-5-1976 tại La Mã.

Hiện nay, Giáo hội Công giáo VN có 3 Giáo Tỉnh, tương ứng với 3 Miền Nam, Trung, Bắc, gồm 25 Giáo Phận .

- Giáo Tỉnh Hà Nội: có 10 Giáo Phận (Địa Phận) kể ra: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Bùi Chu, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Phát Diệm, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thái Bình.

Đứng đầu Giáo Tỉnh Hà Nội là Đức Tổng Giám Mục Phạm đình Tụng, Phụ Tá là Giám Mục Lê đắc Trọng.

- Giáo Tỉnh Huế: Có 6 Giáo Phận: Huế, Qui Nhơn, Đà Nẳng, Nha Trang, Kon Tum, Ban Mê Thuộc.

Đứng đầu Giáo Tỉnh Huế là Tổng Giám Mục Nguyễn như Thể.

- Giáo Tỉnh Sài gòn: có 9 Giáo Phận : Sài gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc, Phan Thiết, Đà Lạt.

Đứng đầu Giáo Tỉnh Sài gòn là Giám Mục Huỳnh văn Nghi, Phụ tá là Giám Mục Phạm văn Nẫm.

Theo thống kê năm 1995 :

. Tổng số Tổng Giám Mục và Giám Mục VN là 33 vị.

. Tổng số Linh Mục là 2023 vị.

. Tổng số Tu sĩ : 1051 Nam, 6375 Nữ.

. Tổng số Giáo dân : Giáo Tỉnh Hà Nội : 1.785.588

Giáo Tỉnh Huế : 656.645

Giáo Tỉnh Sàigòn : 2.204.372

Tổng cộng : 4.646.605 Giáo dân.

Giáo hội Công giáo VN lần lượt có 3 vị Hồng Y được Tòa Thánh La Mã tấn phong:

* Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh như Khuê: sanh năm 1899 tại Hà Nội, thọ phong Linh Mục ngày 1-4-1933, Giám Mục Đại diện Tông Tòa ngày 15-8-1950, Tổng Giám Mục Chính Tòa ngày 24-11-1960, thăng Hồng Y ngày 27-5-1976, và từ trần ngày 27-11-1978.

* Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn: sanh năm 1921 tại Hà Nội, thọ phong Linh Mục ngày 3-12-1949, Giám Mục Phó ngày 2-6-1963, Giám Mục Chính Tòa 27-11-1978, thăng Hồng Y ngày 30-6-1979, và từ trần ngày 18-5-1990.

* Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm đình Tụng: sanh năm 1919, thọ phong Linh Mục ngày 6-6-1949, Giám Mục ngày 15-8-1963, Tổng Giám Mục Hà Nội ngày 23-4-1994, thăng Hồng Y ngày 26-11-1994.

Hiện nay, Đức Hồng Y Phạm đình Tụng đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Giáo hội Công giáo VN.

Đại Hội Hội Đồng Giám Mục VN lần thứ 6 tại Hà Nội từ ngày 25 đến 29-9-1995, đã bầu ra Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục VN như sau:

Chủ tịch: Đức Hồng Y Phạm đình Tụng.

Phó Chủ tịch: Giám Mục Huỳnh văn Nghi.

Giám Mục Nguyễn văn Hòa.

Tổng Thư Ký: Giám Mục Nguyễn sơn Lâm.

Phó Tổng Thư Ký: Giám Mục Lê đắc Trọng.

Giám Mục Trần thanh Chung

Giám Mục Phạm minh Mẫn.

Ủy Ban Phụng tự: Giám Mục Lê phong Thuận.

Ủy Ban Giáo dân: Giám Mục Nguyễn văn Sang.

Ủy Ban Linh Mục, Tu sĩ, Chủng sinh: Tổng G. Mục Nguyễn như Thể.

9. Tiểu sử Đức Chúa Jésus Christ

Đức Chúa Jésus là Giáo chủ của Thiên Chúa giáo. Đạo Thiên Chúa là Thánh đạo trong Ngũ Chi Đại Đạo do Đức Jésus lập ra ở nước Do Thái, sau Đạo Phật ở Ấn Độ 544 năm.

Đức Chúa Jésus giáng sinh trong một gia đình bần hàn nhưng rất đạo đức: Gia đình Bà Maria và Ông Joseph.

Bà Maria trước đó là một Nữ tu trong Đền Thờ Jérusalem, đến tuổi lấy chồng, luật Đền Thờ buộc các Nam tu sĩ trong Đền Thờ phải có người đứng ra cưới, bởi vì căn cứ theo lời dạy của Thượng Đế với Ông Adam và Bà Êve: "Unissez-vous et multipliez." (Bây phải chung sống cùng nhau đặng sanh sản ra nhiều nữa).

Lễ chọn chồng của Nữ tu Maria tổ chức theo luật của Đền Thờ: Các vị Nam tu sĩ chưa có vợ, mỗi người lựa một nhánh bông, cắm vào bình bông đặt trong Đền Thờ, sau 3 ngày, bông của người nào còn tươi tắn là duyên của người đó, phải cưới Maria.

Ông Joseph lúc đó đã 50 tuổi, cũng phải theo luật lệ đó. Các vị Nam tu sĩ trẻ tuổi đã lựa bông kỹ lưỡng với nhiều hy vọng và đã cắm vào bình hoa hết rồi. Còn Joseph nghĩ mình đã già rồi, có vợ con làm chi nữa, nhưng luật Đền Thờ thì phải vâng, nhưng làm cho có lệ. Ông lượm một nhánh bông huệ khô héo của ai bỏ dưới đất, đem cắm đại vào bình. Nhưng kỳ lạ thay, loài hoa huệ, những bông nở tàn rồi thì rụng đi, còn bông búp bắt nước sống lại, nở ra tươi tốt. Các thứ hoa khác trong bình đều tàn rụi. Thế là Ông Joseph phải cưới Maria.

Luật Đền Thờ lại buộc 2 vợ chồng mới cưới phải ra ở ngoài, không được ở trong Đền Thờ nữa. Vợ chồng Maria và Joseph dắt ra ngoài mướn nhà ở, lo làm ăn sanh sống. Ông Joseph làm nghề thợ mộc, Bà Maria làm nghề vá may, đan thêu, tạm sống qua ngày.

Bà Maria có thai con đầu lòng: Chúa Jésus. Bà được Thiên Thần Gabriel báo mộng cho biết Bà sẽ sanh ra cho loài người một Đấng Cứu Thế.

Đến Lễ Noel hằng năm tổ chức long trọng nơi Đền Thờ Jérusalem, tuy bụng mang dạ chữa gần ngày sanh nở, nhưng vì lòng mộ đạo, hai vợ chồng Maria-Joseph đều cố gắng đi đến Đền Thờ để chầu lễ. Khi đến nơi, các quán trọ đều bị khách đi dự lễ mướn hết, tiết trời lại quá lạnh lẽo, hai vợ chồng phải đến Bêlem, xin với một chủ trại cho tạm trú đỡ trong chuồng chiên.

Đúng 12 giờ khuya đêm 24 tháng 12 dương lịch, Bà Maria chuyển bụng sanh ra Chúa Jésus. Chúa Hài đồng được quấn tả và được tạm đặt vào máng cỏ cho đỡ lạnh nơi chuồng chiên trong hang đá.

Các nhà Tiên tri đã báo trước ngày Chúa giáng sanh : Ngày nào sao chổi mọc là ngày đó Chúa giáng sanh, nên nhớ mà để ý tìm người. Trong giờ Chúa giáng sanh, có nhiều huyền diệu xảy ra : Đám chăn chiên ngoài đồng bỗng nghe giữa thinh không có tiếng nói của Thiên Thần: Có Chúa Cứu Thế giáng sanh, hào quang tỏa sáng ngời.

Các người chăn chiên liền đi tìm và gặp Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, họ đảnh lễ Chúa trước tiên hơn hết.

Vua Hérode đang cai trị dân Do Thái, bỗng tiếp kiến các Đạo sĩ từ phương Đông tìm đến và hỏi rằng: " Vua dân Do Thái mới sanh ra hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên Trời Đông, nên tìm đến để đảnh lễ Ngài".

Nghe vậy, vua Hérode hoảng hốt và cả thành Jérusalem cũng náo động lên. Ông cho triệu tập các vị Thượng Tế và Ký Lục để hỏi thì họ cho biết Chúa đã được sanh ra ở Bêlem xứ Juđê. Vua Hérode lo sợ sự hiện diện của Chúa làm hại đến quyền lực của Ông, nên Ông tìm cách giết Chúa, nhưng Ông không biết trẻ con nào là Chúa. Ông ra lịnh giết tất cả những đứa trẻ từ 2 tuổi trở xuống, tính theo thời gian mà Ông đã hỏi nơi các Đạo sĩ.

Thiên Thần liền hiện ra báo mộng cho ông Joseph, bảo: Hãy chổi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trốn qua Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi ta nói lại, vì vua Hérode sắp lùng bắt hài nhi mà giết đi.

Sáu năm sau, vua Hérode chết. Thiên Thần lại đến báo mộng bảo Joseph: Hãy chổi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trở về Do Thái vì kẻ tìm hại hài nhi đã chết.

Ông Joseph đem gia đình về xứ Galilé ở thành Nazaret. Chúa Jésus được 6 tuổi. Cả gia đình sống rất bẩn chật. Ông Joseph tiếp tục làm nghề thợ mộc, Bà Maria thì vá may. Chúa Jésus thường giúp mẹ đội nước mướn ở bờ sông Jourdain.

Lúc Chúa Jésus được 12 tuổi, Ngài theo cha học nghề thợ mộc. Khi đó, Ông Joseph lãnh làm nhà cho một người trong xóm, tính toán thế nào mà khi cắt gỗ, mấy cây cột đều cụt hết. Chủ nhà bắt đền. Ông Joseph ngồi khóc ròng, vì nhà nghèo tiền đâu mà đền. Chúa Jésus liền cầu nguyện, rồi cha nắm một đầu cột, con nắm một đầu cột kéo dãn dài ra cho đủ thước tấc để bồi thường cho chủ nhà. Việc làm liều đó, lạ lùng thay, cây cột gỗ lại dãn dài ra như ý muốn.

Đó là Đấng Christ làm phép lạ lần đầu tiên lúc 12 tuổi.

Cũng trong năm đó, Chúa Jésus vô Đền Thờ Jérusalem. Các vị Giáo sĩ trong Đền Thờ nghe danh Chúa là thần đồng liền xúm lại chất vấn. Buổi đó, Đức Christna Phật giáng linh trên Chúa, nên Ngài đã ngồi giữa các vị Giáo sĩ thuyết pháp say mê làm mọi người rất đổi kinh ngạc.

Từ đó, Chúa Jésus về nhà thì cũng như mọi người, phụ làm thợ mộc với cha, hiếu hạnh với mẹ, hòa nhã với mọi người. Nhưng Ngài cảm thấy khó khăn, Chúa Jésus bèn xin đi làm thuê bên ngoài, lấy tiền về phụ với cha mẹ nuôi gia đình.

Thời gian dài trôi qua, đến năm Chúa Jésus được 30 tuổi, nghe Thánh Jean Baptiste đang làm lễ Giải Oan tại bờ sông Jourdain, Chúa Jésus liền đi đến đó. Khi nhìn thấy Chúa Jésus từ xa đi tới, Thánh Jean Baptiste biết đây là Chúa Cứu Thế, mới nói: "Từ sáng tới giờ, tôi chỉ chờ vị nầy thôi".

Đức Chúa đến thọ pháp Giải Oan nơi Thánh Jean. Khi Thánh Jean hành pháp vừa xong, Đức Chúa Jésus từ dưới sông vừa bước lên bờ thì trên không trung hiện ra hào quang sa xuống giữa đầu Chúa và có tiếng phán rằng: "Nầy con yêu dấu của Ta! Cả ân đức của Ta để cho ngươi đó".

Sau đó, Chúa Jésus được khiến đi vào sa mạc để chịu sự thử thách của Quỉ Satan. Suốt 40 ngày đêm, Chúa bị Quỉ vương cám dỗ đủ điều, nhưng không dụ được Chúa. Quỉ vương đành khuất phục trước sự cao cả của Ngài.

Từ buổi đó, Đức Chúa Jésus là Chân linh của Đấng Christna giáng hạ. Ngài bắt đầu truyền Đạo khắp nơi, thâu nhận 12 Tông đồ, làm nhiều phép lạ để cứu khổ nhân sanh. Ngài xưng là con của Đức Chúa Trời, tức là con của Thượng Đế và tôn vinh Đấng Thượng Đế cao cả.

Đức Chúa Jésus, với lòng thương yêu nhơn sanh một cách nồng nàn, Ngài đã dạy dỗ các môn đồ lòng thương yêu, bác ái, hạnh bố thí, sự chân thật, khiêm nhượng, tự xét mình để sửa mình, các điều răn cấm, giữ tâm thanh cao trong sạch, lời nói trọn lành, hành động chân chánh, thờ kính Đức Chúa Trời một cách hết lòng.

Bởi luật vô vi, không ai thoát khỏi ngày Phán Xét cuối cùng, dù người đã chết hay người đang sống, cũng đều chịu sự thưởng phạt đúng mức công bình.

Tất cả những điều giáo huấn của Đức Chúa Jésus tạo thành một hệ thống Giáo lý cho nền Đạo Thánh ở nước Do Thái, truyền bá mạnh mẽ sang Âu Châu. Uy quyền của bọn vua quan phong kiến và bọn Giáo chủ Cai-phe bị lung lay, nên chúng tìm cách giết Chúa Jésus.

Bọn chúng vu cáo Ngài mưu việc phản loạn, lại mua chuộc Yuda, một Tông đồ của Chúa, phản lại Chúa. Yuda bị tiền bạc làm chóa mắt nên điềm chỉ cho bọn lính bắt Chúa và Chúa bị chúng lên án tử hình, đóng đinh trên Thập tự giá.

Đức Chúa Jésus đã biết trước việc đó, nhưng Ngài không né tránh, mà cứ thể theo Thiên ý.

Cái chết của Ngài có ý nghĩa gì ?

Đó là đem xác Thánh quí trọng hiến dâng lên Đức Thượng Đế, làm con tế vật hầu chuộc tội cho loài người. Việc làm nầy đồng thể với việc dâng Tam bửu của tín đồ Cao Đài lên Đức Chí Tôn, nhưng lại tuyệt đối cao trọng hơn.

Cái chết của Chúa Jésus để chuộc tội cho loài người thật là cao cả, xứng đáng là Chúa Cứu Thế của nhơn loại.

Mười hai vị Thánh Tông đoàn của Đức Chúa Jésus là:

1. Simôn, cũng gọi là Phêrô (Thánh Pierre).

2. Anhrê, em của Phêrô.

3. Yacôbê, con của Zêbêđê.

4. Yoan, em của Yacôbê.

5. Philip.

6. Barthêlêmy.

7. Thôma.

8. Mathiơ là người thâu thuế.

9. Yacôbê, con của Alphê.

10. Thađê.

11. Simôn nhiệt thành người Ca-na-an.

12. Yuđa Iscariốt (được thay bằng Matthya).

Chính Yuda đã bán Chúa để nhận tiền của bọn Cai-phe đem về mua ruộng đất, nhưng liền bị tai nạn té nhào, vỡ bụng lòi ruột chết thảm.

Mười một Tông đồ còn lại của Chúa đã cử Ông Matthya thay thế Yuđa cho đủ số 12 Tông đồ như lúc đầu.

Đức Chúa Jésus Christ, tuy là Giáo chủ Thánh đạo, nhưng Chơn linh Ngài là một vị Phật. Ngài lãnh lịnh Đức Chí Tôn mở Đạo Thánh nơi nước Do Thái để cứu độ các sắc dân ở Âu Châu.

Đức Chúa Jésus giáng sanh, dù do phàm thai hay do Thánh thai, dù là con ruột của Ông Joseph thuộc dòng dõi vua David (tức là phàm thai, Đức mẹ Maria không đồng trinh), hay là con nuôi của Ông Joseph, không thuộc dòng dõi của vua David (tức là Thánh thai, Đức mẹ Maria đồng trinh), thì sự tôn thờ Chúa, không phải căn cứ vào điều đó, mà căn cứ vào công đức và sự nghiệp của Chúa đối với nhân loại. Chúa Jésus đã dạy dỗ nhân loại nhiều điều hữu ích và sau cùng dùng cái chết của mình trên cây Thập giá để chuộc tội cho loài người và trả hiếu Thượng Đế. Đó mới là điều quan trọng. Nhân loại mới tôn thờ Ngài, suy tôn Ngài là Đấng Cứu Thế.

Nếu nói rằng Đức Chúa Jésus giáng sanh bằng phàm thai là hạ thấp giá trị của Chúa thì hoàn toàn không đúng, bởi vì nếu đúng như vậy, thì Đức Phật Thích Ca hay Đức Khổng Tử đều giáng sanh bằng phàm thai thì không đáng kính trọng hay sao?

Chúa Giêsu

SermonOnTheMountcropped.jpg

Gia phả và Gia đình

Cuộc đời và đường khổ nạn của Chúa Giêsu, tranh của họa sĩ Ý Gaudenzio Ferrari, 1513

Có hai ký thuật gia phả Chúa Giê-su trong các sách Phúc âm: một về họ nội qua người cha pháp lý Joseph (Giu-se hoặc Giô-sép) trong Phúc âm Matthew (Mát-thêu hoặc Ma-thi-ơ) và về họ ngoại qua người mẹ với những tham chiếu về người cha được chép ở Phúc âm Lu-ca. Hai ký thuật trên đều truy nguyên phổ hệ của Chúa Giê-su đến Vua David, rồi từ đó đến Abraham. Có sự tương đồng nếu tính từ Abraham đến David, nhưng có một ít khác biệt nếu tính từ David đến Joseph. Matthew khởi đầu với Vua Solomon và liệt kê các đời vua Judah cho đến vị vua sau cùng, Jeconiah. Sau đó đất nước bị xâm lăng bởi Đế quốc Babylon. Như thế, Matthew chỉ ra rằng Chúa Giê-su là hậu duệ chính thức của vương triều Israel. Trong khi đó, bản gia phả của Luca dài hơn và chi tiết hơn bản gia phả của Matthew, truy nguyên đến Adam và cung cấp nhiều tên tuổi hơn trong đoạn từ David đến Chúa Giê-su, đưa ra các tên của những hậu duệ trực tiếp từ Adam đến Chúa Giê-su về phía Mary (Maria hoặc Ma-ri).

Joseph chỉ xuất hiện trong phần tường thuật về tuổi thơ của Chúa Giê-su. Sự kiện Chúa phó thác cho người môn đồ thân yêu bổn phận chăm sóc bà Mary khi ngài đang bị đóng đinh trên thập tự giá cho thấy có lẽ Joseph đã từ trần trong thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức. Cả Matthew và Mark (Macô hoặc Mác) đều nói về người thân trong gia đình của Chúa Giê-su. Phúc âm Máccô thuật lại rằng những người nghe Chúa Giê-su giảng luận đều hỏi "Có phải người là thợ mộc, con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn chăng? Chị em người há chẳng phải ở giữa chúng ta đây ư?". Sứ đồ Phao-lô, trong thư gởi tín hữu ở Galatia đã viết: "nhưng tôi không thấy một sứ đồ nào khác, ngoại trừ James (Giacôbê hoặc Gia-cơ) là em của Chúa". Sử gia Do Thái sống vào thế kỷ thứ nhất, Josephus, đã mô tả James Người Công chính là "em của Giê-su, được gọi là Chúa Cơ Đốc". Hơn nữa, một sử gia Cơ Đốc, Eusebius (trước tác trong thế kỷ 4 nhưng trích dẫn những nguồn tài liệu từ trước nay đã thất lạc) có nhắc đến James Người Công chính là em Chúa Giê-su. Tuy nhiên, Epiphanius cho rằng họ là "những người con của người vợ trước của Joseph (không có ký thuật nào về sự kiện này)", trong khi Jerome lập luận rằng họ là "anh em họ của Chúa Giê-su". Từ adelphos trong tiếng Hy Lạp thường được dịch trong các bản Kinh Thánh là "anh em" nhưng cũng có thể chỉ các mối quan hệ gia đình, và Công giáo La Mã cũng như Chính Thống giáo Đông phương, chấp nhận giáo lý Mary đời đời đồng trinh, cho rằng adelphos nên được hiểu là người họ hàng hoặc anh em họ.

Theo ký thuật của Phúc âm Luca, Mary có họ hàng với Elizabeth, mẹ của Giăng Báp-tít (Gioan Tẩy giả).

Giáng sinh và Thời thơ ấu

Các mục tử tìm đến tôn thờ Ấu Chúa, tranh Gerard van Honthorst

Theo Matthew và Luca, Chúa Giê-su sinh ở Bethlehem xứ Judea bởi nữ đồng trinh Mary, do "quyền năng siêu nhiên" của Chúa Thánh Linh. Phúc âm Lu-ca thuật lại sự kiện thiên sứGabriel đến gặp Mary để báo tin cô đã được chọn để mang thai Con Thiên Chúa. Tín hữu Công giáo gọi sự kiện này là Lễ Truyền tin. Cũng theo Lu-ca, Mary và Joseph, bởi chiếu chỉ của Caesar Augustus, phải rời nhà mình ở Nazareth để trở về quê hương của Joseph thuộc dòng dõi của Vua David để đăng ký vào sổ dân. Sau khi sinh hạ hài nhi Giê-su, hai người phải dùng một máng cỏ làm nôi bởi vì không có chỗ trong quán trọ. Theo Lu-ca, một thiên sứ đã loan tin giáng sinh cho những người chăn chiên để họ tìm đến chiêm ngưỡng rồi họ báo tin mừng đến khắp nơi trong vùng. Matthew thuật lại câu chuyện Những nhà thông thái mang lễ vật đến cho hài nhi Giê-su trong cuộc hành trình được hướng dẫn bởi một vì sao mà họ tin là dấu hiệu báo tin giáng sinh của Đấng Messiah hoặc Vua của dân Do Thái.

Tuổi thơ của Chúa Giê-su, theo ký thuật của Tân Ước, trải qua ở thành Nazareth xứ Galilee sau khi trở về từ Ai Cập, nơi họ tìm đến trú ẩn ngay sau khi hài nhi Giê-su chào đời để tránh cuộc tàn sát của vua Herod. Năm 12 tuổi, cậu bé Giê-su cùng cha mẹ lên Đền thờ ở Jerusalem, bị thất lạc và được cha mẹ tìm thấy, là toàn bộ cuộc sống ẩn dật thời thơ ấu của Chúa Giê-su được ghi trong sách Tân Ước của Luca.

Báp têm và chịu cám dỗ

Phúc âm Máccô bắt đầu với sự kiện Chúa Giê-su chịu báp têm (phép rửa) bởi Giăng Báp-tít (Gioan Tẩy giả), được các học giả Kinh Thánh xem là điểm khởi đầu thánh chức của ngài trên đất. Theo ký thuật của Mark, Chúa Giê-su đến sông Jordan, nơi Giăng Báp-tít vẫn giảng dạy và làm báp têm cho đám đông. Sau khi Chúa Giê-su chịu lễ báp têm và bước lên khỏi nước thì, theo lời thuật của Mark, "Ngài thấy các từng trời mở ra, và Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Ngài như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con Yêu dấu của ta đẹp lòng ta mọi đường" . Lu-ca bổ sung những chi tiết tuần tự kể rằng Giăng Báp-tít khởi sự giảng dạy vào năm thứ 15 đời Tiberius Ceasar (khoảng năm 28 CN.), và Chúa Giê-su chịu lễ báp têm lúc ngài khoảng ba mươi tuổi. Matthew bổ sung cho các ký thuật khác chi tiết Giăng từ chối làm lễ báp têm cho Chúa Giê-su, nói rằng chính Chúa Giê-su mới là người xứng đáng cử hành lễ báp têm cho Giăng. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng việc ngài chịu lễ báp têm là để "làm trọn mọi việc công bình". Phúc âm Giăng tập chú vào lời chứng của Giăng Báp-tít nhìn thấy Chúa Thánh Linh như chim bồ câu đậu trên mình Chúa Giê-su, và nhận biết ngài là "Chiên con của Thiên Chúa", và là Chúa Cơ Đốc (nghĩa là đấng chịu xức dầu để trị vì).

Theo ký thuật của phúc âm Mátthêu, sau khi chịu lễ báp têm, Chúa Thánh Linh đưa Chúa Giê-su vào hoang mạc, ở đó ngài kiêng ăn trong bốn mươi ngày đêm. Ma quỷ hiện ra và cám dỗ Chúa Giê-su bày tỏ quyền năng siêu nhiên để chứng minh ngài chính là Thiên Chúa, nhưng ngài đã khước từ và thắng sự cám dỗ của ma quỷ bằng cách trưng dẫn lời Kinh Thánh từ sách Phục truyền Luật lệ ký (Đệ nhị Luật). Cả thảy, ma quỷ tìm đến cám dỗ ngài ba lần. Các sách Phúc âm thuật lại rằng, sau khi chịu thất bại, ma quỷ bỏ đi và các thiên sứ đến để hầu việc Chúa Giê-su.

Thi hành Thánh chức

Bài giảng trên núi, tranh của Carl Heinrich Bloch, thế kỷ 19

Theo các sách Phúc âm, Chúa Giê-su là Đấng Messiah, "Con Thiên Chúa", "Chúa và Thiên Chúa". Ngài đến để "phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người" và "giảng tin mừng của Nước Trời". Các sách Phúc âm cũng thuật lại rằng Chúa Giê-su đi khắp nhiều nơi để rao giảng tin lành và làm nhiều phép lạ như chữa bệnh, đuổi quỷ, đi trên mặt nước, hóa nước thành rượu, và khiến kẻ chết sống lại như trong câu chuyện của Lazarus.

Phúc âm Giăng ghi nhận ba kỳ lễ Vượt qua trong thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức. Điều này ngụ ý thời gian Chúa Giê-su rao giảng Phúc âm kéo dài ba năm. Mặc dù có nhiều môn đồ, Chúa Giê-su rất gần gũi với Mười hai Sứ đồ. Có những đám đông khổng lồ lên đến hàng ngàn người tìm đến nghe ngài giảng dạy. Dù không được tôn trọng ở quê nhà,[15] và ở Perea (thuộc phía tây sông Jordan), ngài được đặc biệt trọng vọng trong xứ Galilee (phía bắc Israel).

Một trong những bài thuyết giáo nổi tiếng nhất của Chúa Giê-su là Bài giảng trên núi, trong đó có Các Phước Lành và bài Cầu nguyện chung (Kinh Lạy Cha). Chúa Giê-su khuyên bảo tránh xa sự giận dữ, dâm dục, chớ ly dị, thề nguyền và báo thù; tôn trọng và tuân giữ Luật pháp Moses. Theo ghi chép trong phúc âm Mátthêu, Chúa Giê-su nói: "Các ngươi đừng tưởng Ta đến đặng bãi bỏ luật Mô-sê hay là lời các ngôn sứ; ta đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn". Trong khi diễn giải luật Moses, Chúa Giê-su truyền dạy môn đồ "điều răn mới" và khuyên họ "nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia", hãy yêu kẻ thù và cần tuân giữ tinh thần của luật pháp chứ không phải mù quáng theo văn tự.

Chúa Giê-su thường dùng dụ ngôn khi giảng dạy, như chuyện kể về Người con trai hoang đàng, và câu chuyện Người gieo giống. Giáo huấn của ngài tập chú vào tình yêu vô điều kiện và thấm nhuần tinh thần hi sinh đối với Thiên Chúa và đối với mọi người. Chúa Giê-su cũng dạy về tinh thần phục vụ và đức khiêm nhường cũng như lòng bao dung khoan thứ, sống hòa bình, đức tin, và ơn thừa hưởng sự sống vĩnh cửu trong "Vương quốc Thiên Chúa". Chúa Giê-su loan báo những sự kiện sẽ xảy ra, và tiên báo về sự tận cùng của thế giới, là điều sẽ đến cách bất ngờ; do đó, nhắc nhở những người theo ngài hãy luôn tỉnh thức và trung tín trong đức tin. Bài giảng trên núi Olive, được chép trong phúc âm Mátthêu 24, Mark 13, và Lu-ca 21 cung cấp nhiều chi tiết về sự kiện này.

Trong giáo huấn của Chúa Giê-su có những điều xem ra là nghịch lý đối với thế gian nhưng phù hợp với lẽ công bình của Thiên Chúa như lời cảnh báo "kẻ đầu sẽ nên rốt, và rốt sẽ nên đầu" cũng như lời dặn dò "Ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại" và lời khuyên hãy lấy tình yêu thương và lòng hiếu hòa mà đáp trả bạo lực. Giê-su hứa ban sự bình an cho những người tin ngài, và giải quyết mọi nan đề họ đối diện trong cuộc sống song Chúa Giê-su cũng cảnh báo rằng sẽ có sự phân rẽ khiến các thành viên trong gia đình chống nghịch nhau (vì bất đồng về niềm tin)..

Chúa Giê-su thường tranh luận với giới lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái. Ngài bất đồng với người Sadducee vì họ không tin vào sự sống lại của người chết.[28] Mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và người Pharisee còn phức tạp hơn. Mặc dù thường quở trách người Pharisee là đạo đức giả, Chúa Giê-su vẫn mở ra cho họ cơ hội tiếp cận với giáo huấn của ngài bằng cách cùng ăn tối với họ, giảng dạy tại các hội đường, và xem một số người Pharisee như Nicodemus là môn đồ.

Xứ Judaea và Xứ Galilee trong thời Chúa Giê-su

Chúa Giê-su sống gần gũi với những người bị xã hội khinh rẻ như giới thu thuế (nhân viên thuế vụ của Đế chế La Mã, thường bị khinh miệt vì lợi dụng chức quyền để nhũng nhiễu), trong đó có Matthew (về sau là một trong Mười hai Sứ đồ); khi người Pharisee chỉ trích Giê-su vì thường tiếp xúc với kẻ tội lỗi, Chúa Giê-su đáp lại rằng chỉ có người bệnh mới cần đến thầy thuốc, không phải người khỏe mạnh hoặc tưởng mình là khỏe mạnh, "Hãy đi và học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của tế lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội". Theo Lu-ca và Giăng, Chúa Giê-su tìm đến để rao giảng phúc âm cho cộng đồng Samaria (những người theo một hình thức biến dị của Do Thái giáo và bị người Do Thái xem là tà giáo) cạnh giếng Jacob tại Sychar

Bốn sách Phúc âm đều thuật lại sự kiện Chúa Giê-su được chào đón vinh hiển khi vào thành Jerusalem. Ấy là trong kỳ lễ Vượt qua (15 Nisan; vào mùa xuân) theo Phúc âm Giăng, họ hô vang Hosanna để chúc tụng Chúa là Đấng Messiah.

Chết trên thập tự giá

Câu chuyện Chúa Giê-su vào Đền thờ được ký thuật trong ba sách Phúc âm đồng quan, và trong Phúc âm Giăng. Khi bước vào Đền thờ, Chúa Giê-su nhìn thấy trong sân đầy những thú nuôi dùng để dâng tế lễ, và bàn của những người đổi bạc. Họ đổi tiền đang lưu hành sang những đồng nửa shekel, loại tiền đồng dùng trong nghi thức đền thờ. Theo các sách phúc âm, Chúa Giê-su đánh đuổi thú nuôi, hất đổ những bàn đổi tiền và nói "Có lời chép rằng, Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện; song các ngươi biến thành hang trộm cướp" .

Theo các sách phúc âm đồng quan, Chúa Giê-su dùng bữa cùng các môn đồ, gọi là Tiệc Ly, rồi đến Vườn Gethsemane để cầu nguyện. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su bẻ bánh, dâng lời tạ ơn, đưa bánh cho các môn đồ mà nói rằng "Nầy là thân thể ta"; Rồi lấy chén, tạ ơn, đưa cho các môn đồ mà nói rằng "Hết thảy hãy uống đi; vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội". Sau cùng, ngài căn dặn môn đồ: "Hãy làm điều này để nhớ đến ta".

Khi đang ở trong vườn Gethsemane, lính La Mã tìm đến vây bắt Chúa Giê-su theo lệnh của Tòa Công luận (Sanhedrin) và thầy thượng tế Caiaphas (về sau được nhắc đến trong Matthew). Nhà chức trách quyết định bắt giữ Chúa Giê-su vì xem ngài là mối đe dọa cho quyền lực của họ, vì cách thức Chúa dùng để diễn giải Kinh Thánh và vì Chúa thường vạch trần sự giả trá của họ trong đời sống tôn giáo. Họ tìm cách bắt Chúa Giê-su vào ban đêm hầu tránh bùng nổ bạo loạn vì ngài được dân chúng yêu mến. Theo các sách Phúc âm, Judas Iscariot, một trong các sứ đồ, phản bội Chúa Giê-su bằng cách ôm hôn ngài để giúp binh lính có thể nhận diện ngài trong bóng đêm. Một môn đồ, Peter (Phêrô hoặc Phi-e-rơ) dùng gươm tấn công những kẻ đến bắt giữ Chúa Giê-su, chém đứt tai một người, nhưng theo Phúc âm Luca, Chúa Giê-su chữa lành cho người ấy. Ngài quay sang quở trách Peter rằng "Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm sẽ bị chết vì gươm". Sau khi Chúa Giê-su bị bắt, các môn đồ tản lạc nhiều nơi để ẩn trốn. Thầy Thượng tế và các trưởng lão tra hỏi Chúa Giê-su "Ngươi là Con Thiên Chúa sao?"; ngài đáp: "Chính các người nói ta là Con Ngài". Chúa Giê-su bị Tòa công luận buộc tội phạm thượng. Thầy Thượng tế giao ngài cho Tổng đốc La Mã Pontius Pilate với cáo buộc phản loạn vì cho rằng Giê-su tự nhận mình là Vua dân Do Thái.

Chúa bị đóng đinh, tranh Paolo Veronese, thế kỷ 16.

Khi Pilate hỏi Chúa Giê-su "Có phải ngươi là Vua của dân Do Thái không?", ngài trả lời: "Thật như lời ngươi nói". Theo các sách phúc âm, Pilate nhận biết Chúa Giê-su không phạm tội gì chống nghịch chính quyền La Mã, vì vậy theo tập tục, vào dịp lễ Vượt qua tổng đốc La Mã sẽ phóng thích một tù nhân, Pilate yêu cầu đám đông chọn giữa Giê-su người Nazareth và một kẻ phiến loạn tên Barabbas. Đám đông, theo sự xúi giục của giới lãnh đạo Do Thái, muốn Barabbas được tha và Giê-su bị đóng đinh. Theo phúc âm Mátthêu, Pilate rửa tay mình để bày tỏ rằng ông vô tội trong quyết định này. Pilate, vì cố xoa dịu cơn phẫn nộ của đám đông, cho đánh đòn Chúa Giê-su. Song đám đông tiếp tục đòi hỏi Giê-su phải bị đóng đinh. Trong cơn cuồng nộ, họ gào thét, "Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự," và khẳng định trách nhiệm của họ về cái chết của Giê-su, "Huyết nó sẽ đổ lại trên chúng tôi và con cái chúng tôi!". Cuối cùng Pilate chịu nhượng bộ. Những người lính La Mã đan một mão bằng gai và đặt trên đầu ngài, rồi quỳ xuống mà chế giễu "Mừng Vua dân Do Thái".

Bốn sách Phúc âm thuật lại Pilate ra lệnh đóng đinh Chúa Giê-su với tấm bảng treo trên đầu cây thập tự viết rằng "Người này là Giê-su, Vua dân Do Thái". Buộc phải vác thập tự giá lên đồi Golgotha, nơi ngài bị đóng đinh. Theo Phúc âm Luca, khi bị treo trên cây thập tự, Chúa Giê-su cầu nguyện: "Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết mình làm điều gì" (Luca 23. 34). Nhiều người đi qua nhiếc móc Chúa Giê-su và có kẻ cho uống giấm khi nghe Giê-su kêu khát. Theo Phúc âm Giăng, Mary và những phụ nữ khác đến bên chân thập tự giá. Khi thấy Chúa Giê-su đã chết, một người lính La Mã dùng giáo đâm vào hông để kiểm tra, tức thì máu và nước chảy ra.

Theo bốn sách phúc âm, Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng trước khi trời tối, Joseph người Arimathea, một người Do Thái giàu có và là thành viên Tòa Công luận, đến gặp Pilate để xin an táng Chúa Giê-su, ông đặt xác trong một ngôi mộ. Theo ký thuật của Giăng, Nicodemus, người được nhắc đến trong những phần khác của Phúc âm Giăng, tìm đến cùng Joseph lo việc an táng. Các sách Phúc âm đồng quan đều thuật lại hiện tượng động đất và bầu trời tối sầm từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều.

Phục sinh và Lên Trời

Một họa phẩm thế kỷ 16 miêu tả Sự Phục sinh của Chúa Giê-su của Matthias Grünewald

Theo các sách Phúc âm, Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết sau ba ngày kể từ khi bị đóng đinh trên cây thập tự. phúc âm Mátthêu thuật lại một thiên sứ hiện ra bên ngôi mộ và báo tin sự sống lại của Chúa Giê-su cho những phụ nữ khi họ đến xức xác theo tục lệ. Quang cảnh hiện ra của thiên sứ đã làm các lính canh hôn mê. Trước đó, thầy thượng tế và người Pharisee xin Pilate cho lính đến gác mộ vì họ tin rằng các môn đồ sẽ tìm cách cướp xác. Vào buổi sáng phục sinh, Chúa Giê-su hiện ra với Mary Magdalene. Khi Mary nhìn vào ngôi mộ, hai thiên sứ hỏi bà tại sao khóc; và khi bà nhìn quanh, thấy Chúa Giê-su nhưng không nhận ra cho đến khi ngài gọi bà.

Theo ký thuật của sách Công vụ các Sứ đồ, Chúa Giê-su hiện ra cho nhiều người tại nhiều địa điểm khác nhau trong suốt bốn mươi ngày. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đến với hai người khách bộ hành đang trên đường đến thành Emmaus. Khi các môn đồ nhóm lại, Giê-su hiện ra với họ ngay buổi chiều phục sinh. Thư Corinthian thứ nhất, Phúc âm cho người Hebrew, và một số tư liệu cổ khác đều đề cập đến việc hiện ra cho James (Giacôbe hoặc Gia-cơ). Theo Phúc âm Giăng, một môn đồ tên Thomas tỏ vẻ hoài nghi về sự phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng sau khi đặt tay vào vết đâm bên hông, ông thốt lên "Lạy Chúa tôi, Thiên Chúa của tôi!". Sau đó, Chúa Giê-su đến xứ Galilee và hiện ra với vài môn đồ bên bờ hồ. Sau khi ủy thác cho các môn đồ sứ mạng rao giảng Phúc âm trên khắp đất, Chúa Giê-su về trời, "Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc họ đang nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa". Chúa Giê-su hứa trở lại để ứng nghiệm lời tiên tri về sự tái lâm.

Bữa tiệc ly của chúa Gie-su với 12 môn đồ, Chúa Giê-su bẻ bánh, dâng lời tạ ơn, đưa bánh cho các môn đồ mà nói rằng "Nầy là thân thể ta"; Rồi lấy chén, tạ ơn, đưa cho các môn đồ mà nói rằng "Hết thảy hãy uống đi; vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội". Sau cùng, ngài căn dặn môn đồ: "Hãy làm điều này để nhớ đến ta".

Phỏng theo: Đạo cao đài và các tôn giáo khác. http://www.daotam.info/tusachdd.htm Và https://vi.wikipedia.org/wiki/

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Từ khóa » đạo Thiên Chúa Ra đời Năm Nào