Tìm Hiểu Về Vùng đất Đà Lạt Tỉnh Lâm Đồng - Gia Phúc Land
Có thể bạn quan tâm
Thưa rằng, để viết về các thành phố đã khó, mà chém gió về Đà Lạt đối với gã có lẽ còn khó hơn gấp bội phần, bởi lẽ nơi nào cũng xuất hiện trùng trùng, điệp điệp những thắng cảnh danh lam, cho đến sự đồng điệu giữa con người với thiên nhiên đầy hấp dẫn, khác lạ mà sức người, chữ nghĩa không sao có thể truyền đạt và lột tả hết được vẻ đẹp của thành phố này.
[toc] Khó nhỉ biết bắt đầu từ đâu đây, Đà Lạt ơi?
Lục Wikipedia biết rằng, Đà Lạt rộng chừng 394,64 km², có dân số 213.225 người với mật độ khoảng 586 người/km2. Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam mà từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho sinh sống.
Đốp, gã vỗ đùi đánh đét một cái.
Trúng con muỗi và trúng luôn mạch cần phải viết từ đâu
Ừ nhỉ, rõ ràng rồi, cần phải đặt câu hỏi ai đã tìm ra Đà Lạt chứ?
Ấy là vào khoảng cuối thế kỷ 19, các phượt thủ người Pháp đã thực hiện những chuyến đi khám phá vùng đất này. Tiên phong trong số đó chính là tổng đàn chủ phượt thủ bác sĩ Paul Néis cùng trung úy Albert Septans, với chuyến thám hiểm thực hiện đầu năm 1880. Tiếp đó năm 1893, bác sĩ người Pháp sinh ra ở Thụy Sĩ, Alexandre Yersin đã dẫn đầu đoàn thám hiểm đi về vùng núi phía Tây của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Sau hơn 1 tháng băng rừng, vượt núi, thời khắc lịch sử đã xuất hiện vào lúc 15h30 ngày 21.6.1893, khi đoàn thám hiểm lần đầu nhìn thấy cao nguyên Langbiang.
Ấn tượng đầu tiên về điểm cao nguyên hùng vĩ này được ông Yersin ghi chép lại trong nhật ký hành trình “Bảy tháng nơi xứ thượng” của mình:
Cao nguyên nhấp nhô cao từ 900 mét đến 1.200 mét khoảng từ 15 km đến 20 km trước khi đến chân núi. Tôi đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi và cây cỏ. Đất đồi mấp mô khiến tôi cảm rác như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ…
Ngay sau đó, Yersin liền biên thư cho toàn quyền Pháp Paul Dumer, người đang tìm một địa điểm thích hợp để xây dựng một khu nghỉ dưỡng kiểu Châu Âu tại Đông Dương, để khẳng định vùng đất này chính là nơi cần tìm.
Tới cuối tháng 3 năm 1899, đích thân toàn quyền Paul Doumer đã cùng bác sĩ Yersin đến cao nguyên Lâm Viên để thị sát và quyết định triển khai thực hiện..
Tuy nhiên dự án xây dựng thành phố này bị gián đoạn vào năm 1902, khi toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp và phải hơn 10 năm sau, khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, nhiều người Pháp không thể trở về châu Âu trong những kỳ nghỉ, Đà Lạt được nhớ đến, công cuộc kiến thiết thành phố này mới thực sự bắt đầu, ranh giới của Đà Lạt cũng được xác định về mặt pháp lý, khi Hội đồng nhiếp chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt vào ngày 20 tháng 4 năm 1916.
Trong vòng 30 năm, nhờ những bản quy hoạch của các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet, một thành phố xinh đẹp được định vị chuyên biệt về văn hoá, du lịch, nghỉ dưỡng cho toàn cõi Đông Dương với những biệt thự, công sở, trường học, khách sạn…được hình thành để rồi tới 1945, Đà Lạt đã là một đô thị hơn 25 ngàn dân, giữ vai trò là một trung tâm giáo dục quan trọng và là điểm đến du lịch rất hấp dẫn.
Đà Lạt đẹp mê hồn là thế, cho nên thành phố này được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau như “Thành phố mù sương”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Xứ hoa Anh Đào” hay “Tiểu Paris”.
Tuy nhiên, cái tên Đà Lạt mà nhiều người cứ ngỡ được bắt nguồn từ Pháp ngữ, song hóa ra lại do người dân tộc đặt tên. Đà Lạt bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly trong đó chữ Da hay Dak, có nghĩa là nước và tên gọi Đà Lạt được hiểu là nước của người Lạch (Lạt, Lat), hay suối của người Lát (người Cơ Ho). Người Lạch xưa có thân hình cân đối, nước da ngăm đen, tóc dài, mắt tinh, luôn nhìn thẳng, hay cười, có thói quen cà răng, không dùng đũa mà ăn bốc, hay hút thuốc lá trong ống điếu. Phụ nữ có lỗ tai đeo vòng bằng ngà voi hay thiếc lớn dần theo năm tháng, có khi nặng đến 500 gam, cổ tay, cổ chân đeo vòng phát ra tiếng động mỗi khi bước đi để thể hiện là nhà mình có của. Trẻ em thì đeo kiềng, vòng với những chiếc lục lạc còn đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy làm bằng một mảnh vải quấn ngang thắt lưng. Người Lạch rất trung thực, chất phác, giữ lời hứa, dũng cảm và hiếu khách. Họ thường có câu:
“Jơi gloh cô tờm, hờm cô năc” tức là “Chủ đói để cho khách no”
Xem thêm loạt bài về vùng đất Lâm Đồng:
- Tản mạn về vùng đất cao nguyên tỉnh Lâm Đồng
- Tổng quan thị trường nhà đất huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng
- Nhà đất huyện Đơn Dương – Lạc Dương – Đạ Tẻh – Đam Rông
- Bạn đầu tư đất Bảo Lộc vì thích hay vì lợi nhuận?
Vào năm 1937, khi xây dựng chợ Đà Lạt mới thay cho ngôi chợ cũ bằng gỗ bị cháy, người ta đã đề dòng chữ Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem trên tường đầu hồi của công trình, có nghĩa là “cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe và phía trên là huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc.
Đang mải viết, bất chợt một cơn mưa đi ngang qua khiến cho Đà Lạt ươn ướt sũng. Có lẽ Đà Lạt phản ứng như vậy là bởi không muốn để cho khói bụi, mùi nồng ô nhiễm được rong chơi quá lâu trên cơ thể của mình, nên mới hô mưa gọi gió lau chùi sạch sẽ như vậy.
Thế mới biết Mẹ thiên nhiên trân quý nơi này ra sao, trong khi con người với nhiều tộc chủng chỉ biết có phá là phá và chỉ biết đến thứ duy nhất là những đồng tiền đảo điên.
Về khí hậu Đà Lạt
Nằm ở độ cao 1.500 mét, được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông bao quanh nên thừa hưởng một nền khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm, thành ra hầu như người dân ở đây ít khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.
Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4, kết thúc vào tháng 10 còn mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Ở Đà Lạt còn có một hiện tượng thời tiết đáng chú ý khác là sương mù, trung bình 80 đến 85 ngày trong một năm, nhưng xuất hiện nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 5, và từ tháng 9 đến tháng 10. Phổ biến hơn cả là loại sương mù bức xạ, được hình thành khi mặt đất bị lạnh đi nhiều do bức xạ vào lúc trời quang, lặng gió.
Tuy vậy thời gian gần đây, Đà Lạt cũng không thể nào tránh khỏi hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, ngập úng, sạt lở, nhiệt độ tăng giảm bất ngờ, sai lệch về mùa vụ… đã xảy ra. Điển hình như vụ mưa nước dội xuống xối xả, rầm rầm như thác đổ từ vách núi bên đèo Khánh Lê mới đây. Đà Lạt bây giờ đã bắt đầu nóng, ngạt ngột hơn, hầu như không còn lạnh như xưa nữa. Quạt máy, điều hòa đã dần dần xuất hiện hun nóng nơi này, mà khi đã mất đi cái lạnh độc bản ấy thì hồn cốt một vẻ Đà Lạt có còn là Đà Lạt, hay Đà Lạt đã đánh mất đi chính hình bóng của mình rồi không?
Nghe đến đến, trái tim bên ngực trái cứ nhói lên từng hồi và cảm thấy sự đău đớn, đớn đău đang xâm chiếm.
Nguyên nhân của những hiện tượng này là do nạn phá rừng, bừa bãi, buông lỏng, không kiểm soát mật độ xây dựng, quy mô dân số và có biết bao nhiêu mũi thông xanh bị bứng đi không gớm tay. Người ta dần dần sẽ nhổ đi hết những tấm khiên chắn bảo vệ vùng đất này, mà tương lai chỉ còn trơ lại một nùi bê tông ngồn ngộn về sau. Đà Lạt bê tông rồi thì cũng giống như các nơi khác thì người ta còn tìm đến làm chi nữa?
Đang buồn não nề là thế, mây lang thang ngước mắt lên nhìn trời cao. Ơ kìa ông mặt trời có khác nào đứa trẻ, cứ lon ton chạy theo quệt bóng mình tròn qua từng cành thông được trồng 2 bên hồ, như chơi trò đuổi bắt vờn vờn thực khách phương xa…
Địa hình Đà Lạt
Được phân thành hai dạng rõ rệt, là địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi. Các dãy núi cao khoảng 1.700 đến 2000 mét, như về hướng Bắc có dãy Lang Biang kéo dài từ suối Đạ Sar đến hồ Dankia tạo thành một vành đai chắn gió, về phía đông – đông nam Đà Lạt là hai dãy Bi Doup và Cho Proline không khác nào bức tường thành bảo vệ cho khu vực lòng chảo trung tâm. Về phía nam, địa hình núi chuyển tiếp sang bậc địa hình thấp hơn, đặc trưng là khu vực đèo Prenn với các dãy núi cao xen kẽ những thung lũng sâu. Thành ra người xưa khi lần đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt đã thảng thốt mà ví nơi này nom như một thúng cam khổng lồ vậy.
Còn với nhạc sĩ Minh Kỳ, cháu 5 đời của vua Minh Mạng, người sáng tác ca khúc “Đà Lạt Hoàng Hôn” mà mỗi khi bài hát được cất lên đã khiến cho bao nhiêu người không khỏi thổn thức:
“Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly, khóc tình đầu dang dở Đêm xuống Than Thở vang cung hờn, thêm sắt se tâm hồn Người đi trong bóng cô đơn. Khách du tìm đến thành phố ngàn thơ. Nhặt hoa thấy lòng buồn không bến bờ …”
Kìa bây giờ Đà Lạt đã khóc thút thít thật rồi, con suối Cam ly hay còn gọi là Cẩm Lệ sẽ chẳng còn cảm xúc nào để mà khóc cho mối tình đầu dở dang ấy nữa. Cam Ly lúc này đang khóc cho chính số phận của mình, khi tốc độ ô nhiễm ngày càng diễn ra trầm trọng bởi chất thải lỏng, rắn tại các khu đô thị, khu dân cư lưu vực suối cứ ngày đêm trút xuống…
Vậy đó, để tấn công, hủy hoại Đà Lạt dễ dàng nhất không có cách gì hiệu quả và nhanh bằng việc đầu độc con suối Cam Ly!
Suối Cam Ly có chiều dài 64,1 km, bắt nguồn từ huyện Lạc Dương, chảy theo hướng Bắc – Nam đổ vào hồ Xuân Hương, là hệ thống suối lớn nhất Đà Lạt, có vai trò rất quan trọng trong việc tạo cảnh quan cho khu vực đô thị trung tâm. Vào những năm 1960 trước đây, Cam Ly được bao bọc bởi một khu rừng nguyên sinh nên hoang sơ và huyền ảo lắm. Nếu đứng từ chân thác ngước nhìn lên, sẽ thấy thấp thoáng buôn làng của đồng bào dân tộc người Lạt nằm cheo leo trên sườn đồi, và xen giữa các đồi thông xanh biếc là những rừng mai anh đào lộ tủa ra. Tên Cam Ly là gốc Cơ Ho với ba cách giải thích về nghĩa như sau: Một-vốn là tên làng cũ Rhàng Pàng M’Ly, nghĩa là “làng cũ của ông M’Ly” + Hai-vốn là tên ông K’Mlơi + Ba-vốn là Kamlê và như vậy, Cam Ly thực chất là tên người, tuy cách viết khác nhau.
Tuyến Lệ (suối) Đà Lạt:
Đà Lạt có hơn 20 dòng suối với chiều dài trên 4 km, thuộc các hệ thống suối Cam Ly, Đa Tam và hệ thống sông Đa Nhim, trong đó hơn một nửa là các con suối cạn, chỉ chảy vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô.
Đà Lạt là thành phố của hồ và thác với khoảng 16 hồ lớn nhỏ phân bố rải rác, phần nhiều là các hồ nhân tạo: Nổi tiếng nhất, thơ mộng nhất có lẽ là hồ Xuân Hương “mùi thơm của mùa xuân”, nằm ở trung tâm thành phố, rộng khoảng 38 ha, được Pháp gọi là Grand Lac (hồ lớn), sau đó ông Nguyễn Vỹ (chủ tịch Hội đồng Thị chính Đà Lạt) Việt hoá thành tên Xuân Hương năm 1953, cho đến hồ Chiến Thắng, hồ Than Thở – Thác Datanla hay còn gọi là Đa Tân La gốc Cơ Ho, với hai nghĩa Đa Tơhla là “suối ở giữa rừng” hay Đa Tàm N’ha là “nước dưới lá”.
Hơn 90 năm trước, những kiến trúc sư người Pháp quy hoạch Đà Lạt tính toán đã cảnh báo về nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người mà nay dân số đã lên tới hơn 200.000 gần gấp đôi sức chịu đựng, cung cấp của nguồn nước ngầm
Viết tới đây tự dưng mây lang thang lại thèm muốn lấy thêm vợ hai quê ở Đà Lạt, hay như nhiều người con gái bây giờ chỉ mong kiếm được một chiếc chồng nào mà có hộ khẩu Đà Lạt, nhà lại giàu có, đại gia vựa đất thì thôi rồi phận số cứ gọi là hết nấc thăng hoa.
Các tuyến đường bộ Đà Lạt
Hoàn toàn không có đèn đỏ, đèn xanh, đường phố không có dạng bàn cờ mà cứ lên xuống uốn lượn như rồng, rắn lên mây, có cây xúc xắc vậy. Tuy nhiên bây giờ người ta cũng tính đến chuyện đặt đèn giao thông cho Đà Lạt rồi đấy.
Ừ thì đành phải vậy chứ biết mần sao, khi mà dân số không kiểm soát, không tính toán quy hoạch bài bản thì cái mạch cảm xúc về Đà Lạt đang thẳng tắp như thế, thì cũng buộc lòng phải bị chặn ra từng đoạn mỗi khi dừng đèn vậy thôi.
Đà Lạt gồm: đường bộ, đường sắt và đường hàng không sân bay Liên Khương, sân bay Cam Ly (nay bị bỏ hoang nằm ở phường 5 thuộc Bộ Quốc Phòng quản lý), nhưng hiện nay chỉ có giao thông đường bộ và đường không thực sự hoạt động, trong đó tuyến đường quan trọng nhất nối Đà Lạt với các thành phố khác là quốc lộ 20.
Con đường này giao với quốc lộ 1 tại ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, từ đó hướng về Sài Gòn và nối với quốc lộ 27 tại D’Ran để về Phan Rang và các tỉnh Nam Trung Bộ. Quốc lộ 20 còn cắt qua Di Linh, từ đây theo quốc lộ 28 về hướng nam sẽ dẫn đến thành phố Phan Thiết. Xuất phát từ Đà Lạt, tuyến quốc lộ 27C (trước kia là đường 723) đi xuyên qua các huyện Lạc Dương của Lâm Đồng và Khánh Vĩnh, Diên Khánh của Khánh Hòa, tới thành phố Nha Trang. Đà Lạt còn một tuyến tỉnh lộ khác là đường 722 đi Đam Rông, nối thành phố với các vùng tây bắc của tỉnh Lâm Đồng.
Nhắc tới đường bộ mà không nhắc tới lịch sử nghành đường sắt Đà Lạt thì quả thật là một sự hoen rỉ về ký ức rất lớn
Đường sắt Đà Lạt
Đã từng sở hữu tuyến đường sắt răng cưa leo núi độc nhất vô nhị trên thế giới: một của Việt nam và một của Thụy sĩ. Tuy nhiên con đường của VIệt nam kỳ vĩ hơn vì nó vừa dài lại có độ độ dốc lớn hơn con đường của Thụy sĩ. Cụ thể Việt Nam dài 84 km, trong đó có tới 43 km đường răng cưa còn Thụy sĩ chỉ có gần 25 km ở đoạn vượt qua đèo Furka trên dãy Alpes mà thôi.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được xây dựng từ năm 1903 đến năm 1928, theo lệnh của Toàn quyền Paul Doumer, tới năm 1932 bắt đầu khai thác vận tải toàn tuyến, sử dụng hệ thống đường sắt răng cưa, gồm ba đoạn từ Sông Pha lên tới Đà Lạt với tổng chiều dài 84km đi qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là Ngoạn Mục và Đran và chính thức hoàn thành với tổng chi phí hết hơn 200 triệu Franc.
Đây lại là một công trình kiến trúc độc đáo nữa do hai kiến trúc sư người Pháp Révéron và Moncet thiết kế. Trong quá trình xây dựng và khai thác, Công ty Hỏa xa CFI nhập cảng vào Việt Nam các đầu máy chạy được trên đường rầy răng cưa theo bốn đợt. Các đầu máy HG 4/4 được xem là vật hiếm không thể tìm đâu ra ngoài Việt Nam, vì công ty SLM ở Winterthur của Thụy Sĩ (Schweizerische Lokomotiv und Maschinenfabrik) chỉ chế tạo 7 chiếc đầu máy kiểu HG 4/4 và công ty MFE (Maschinenfabrik Esslingen) của Đức chế tạo thêm 2 đầu máy HG 4/4, dựa trên giấy phép nhượng quyền của SLM trong chương trình bồi thường chiến tranh cho Pháp, khi Đức bại trận trong Đệ nhất Thế chiến theo hoà ước Versailles.
Tất cả 9 đầu máy này được xem là những đầu máy hơi nước mạnh nhất thế giới, chạy được trên hệ thống răng cưa Abt, được đem sử dụng ở Việt Nam và không có ở nơi nào khác trên thế giới thời bấy giờ. Trong đó, đường rầy được chế tạo đặc biệt cho xe lửa răng cưa, với tính toán kỹ lưỡng về thiết kế cho địa thế dốc để có thể chịu được lực kéo khủng khiếp, khi xe lửa leo núi trong một khoảng thời gian dài mà bản thân các tà vẹt đỡ phải được làm bằng thép có chất lượng cao nhất. Ngay cả đến những con ốc và bù lon cũng khác với loại dùng cho đường rầy xe lửa thông thường.
Tuy nhiên, tàu chỉ chạy được đúng 27 chuyến tới năm 1972, khi chiến tranh trở nên khốc liệt, tuyến đường buộc phải ngừng hoạt động. Cuối năm 1975, Liên hiệp Xí nghiệp đường sắt Việt Nam lệnh: ngừng chạy tàu, tháo toàn bộ tà vẹt để chuyển ra tu bổ cho đường sắt Thống Nhất đoạn Bình Định–Quảng Na,m còn những thanh ray, cả những đoạn răng cưa mười mấy cây số thì được hóa rá đưa về các nông trường, nhà máy tận dụng làm các công trình rồi sau đó nằm tại những xưởng phế liệu. Đây là giai đoạn tuyến đường sắt độc nhất vô nhị dần dần tan biến.
Thế là tuyến đường răng cưa huyền thoại đã biến tan: 7 đầu máy Fuka lầm lũi nằm lại ga Đà Lạt, Tháp Chàm và Krongpha phơi sương gió. May thay hay tiếc thay những kỹ sư hỏa xa Thụy Sĩ, nơi cũng có một tuyến đường sắt răng cưa nhưng lại không còn chiếc đầu máy răng cưa hơi nước nào còn vận hành được, đã nắm bắt được cơ hội nghàn năm có một để sở hữu báu vật này
Đầu năm 1988, Ralph Schorno, một kỹ sư hỏa xa người Thụy Sĩ, đã tìm đến ga Đà Lạt và Tháp Chàm để xem những chiếc đầu máy răng cưa. Trong số bảy chiếc đầu máy, Ralph Schorno chấm được bốn cái còn tốt có thể khôi phục và một số toa tàu của Mỹ để lại.
Để rồi sau chuyến đi đó, những cuộc mặc cả đã được đẩy đi nhanh chóng với sự trợ giúp của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội, sau nhiều lần đàm phán đã được chốt rá sáu trăm năm mươi ngàn iu ét sờ ây.
Tháng 8 năm 1990 phía Thụy Sĩ đã đưa xe đặc chủng lên tới Đà Lạt, lần lượt những chiếc đầu máy và toa tàu răng cưa rời D’ran, rời Eo Gió, vượt Kronphra về Tháp Chàm rồi thẳng cảng Vũng Tàu, xuống tàu biển Thụy Sĩ.
Chỉ hai tháng sau, những hình ảnh về hai trong bốn chiếc đầu máy răng cưa đã nhả khói trên đường đèo vượt dãy Alpes, và người Thụy Sĩ một lần nữa mở ra một chương mới và hồi sinh thứ báu vật vô giá này. Giờ đây khi hồi tưởng lại sự kiện này, 2 chữ “rá mà” hoặc “nếu” có lẽ nhiều người sẽ thảng thốt lên:
“Rá mà, hay nếu đường xe lửa này không bị tháo gỡ, Đà Lạt lúc này chắc chắn đã có những chuyến xe lửa du lịch kỳ thú, từ các khu nghỉ dưỡng vùng duyên hải Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né đi lên cao nguyên Lâm Viên có một không hai”
Và rồi người ta lại nhớ đến cái tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh- Hà Đông do trung quốc làm ngốn hàng nghìn tỷ, phải dùng 700 người điều hành mà thấy ớn lạnh.
Haizz ta cứ nói mãi về Đà Lạt cả đời chắc chẳng bao giờ biết chán. Và khi người ta chán lại tìm cách trốn lên Đà Lạt
Nhưng khổ nỗi có ai đặt câu hỏi thế còn riêng Đà Lạt thì biết trốn đi đâu?
Tình hình Kinh Tế Đà Lạt
Có quy mô lớn nhất trong các địa phương của tỉnh Lâm Đồng, với các lĩnh vực chủ yếu là du lịch, dịch vụ và nông nghiệp. Một số sản phẩm của Đà Lạt như rượu vang, trà Atisô, mứt trái cây, trồng nhiều chè và cà phê cùng ngành thêu vải…
Nói đến kinh tế lại nhớ đến những nhà hoạch định, kiến thiết, quyền sinh quyền sát trong tay…nếu tất cả mà làm tốt cho dân cho nước, giúp dân giàu, nước mạnh, có ích cho xã tắc thì các quan ngài dẫu có thích sao trên trời, thì nhân dân ở dưới cũng chẳng tiếc mà hái xuống ban tặng.
Lại nói về Đà Lạt, câu cửa miệng người ta hay tả là buồn?
Xin thưa bây giờ thì muốn có cái buồn man mác ấy của Đà Lạt có lẽ cũng hiếm lắm. Quảng Ninh từ nâu sang xanh chưa tới đâu, Đà Lạt bắt đầu có hiện tượng chuyển từ xanh sang trắng huyết.
Diện tích nhà kính, nhà màng tại Đà Lạt chiếm 60% toàn tỉnh Lâm Đồng. Nhà kình chằng chịt, như mảng khăn trắng quấn quanh Đà Lạt, bắt đầu xuất hiện từ năm 1990 các doanh nghiệp đưa các giống hoa mới về, nên buộc phải xây dựng các nhà kính, rồi người dân thấy vậy cũng đua làm theo và cứ thế thuốc sâu phun xuống, gặp sức nóng lại bốc hơi bay lên, luẩn quẩn trong những màng ni lông.
Nhà kính không khác gì cái lò hấp khổng lồ, giữ lại tất cả hóa chất độc hại để rồi sức khỏe của những người làm công bị ảnh hưởng khó thở, ngất xỉu liên miên, trong khi Đà Lạt là nơi canh tác ngoài trời cực tốt lại vì ham hố năng suất tăng vọt, mà đưa tất cả vô trong lồng kính để rồi sau này đất sẽ nhanh bạc màu, mất chất dinh dưỡng, giống cây bị yếu đi, phải thay đổi liên tục, chưa kể bịt kín đường thoát nước mưa.
Người ta cũng thường bảo “cái gì mà chẳng có cái giá của nó” và Đà Lạt cũng giống như bao miền khác cũng đang phải “trả giá” đấy thôi…
Nông nghiệp của Đà Lạt
Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, Đà Lạt có điều kiện để phát triển nhiều loại cây ôn đới. Trừ một vài giống rau từ miền Bắc, hầu hết các giống rau của thành phố đều được nhập về từ Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ như cải bắp, nhiều nhất là giống cải bắp của Nhật Bản, cây cải thảo, cải bông, xà lách, khoai tây, cà rốt, hành tây, đậu Hà Lan, rau chân vịt…
Khỏi phải nói rồi Đà Lạt được biết đến là thiên đường của những loài hoa, với các giống Mai, anh đào Đà Lạt, hoa lan, hoa hồng, hoa lys, hoa lay ơn, hoa cẩm tú cầu, hoa bất tử, hoa cẩm chướng… Vườn cây ăn trái như đào, mận, hồng, dâu tây… các vùng trồng cây công nghiệp như chè, cà phê, hay atisô loài cây dược liệu nổi tiếng của Đà Lạt.
Hiện trạng Y Tế Đà Lạt
Vào thời kỳ mới thành lập, ở Đà Lạt chỉ có một trạm cứu thương lưu động, đến năm 1921 thành phố mới có được trạm xá đầu tiên. Năm 1922, bệnh viện Đà Lạt được người Pháp khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1938. Cũng trong thời kỳ này, Viện Pasteur Đà Lạt được khánh thành vào ngày 1 tháng 1 năm 1936, là đơn vị cuối cùng trong hệ thống các viện Pasteur ở Đông Dương.
Ngày nay Đà Lạt có một số cơ sở y tế như sau:
- Bệnh viện đa khoa số 1 Đường Phạm Ngọc Thạch, Phường 6
- Bệnh viện phục hồi chức năng số 35 Hùng Vương, Phường 9
- Bệnh viện y học cổ truyền số 49 Đường Quang Trung, Phường 9
- Bệnh viện Nhi số 57 Đường Thánh Mẫu, Phường 7
- Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Mimosa, Phường 10
- Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe? số 4, Đường Phạm Ngọc Thạch, Phường 6
- Sở y tế tầng 2, Trung tâm hành chính tỉnh, số 36 Trần Phú
- Cùng một số trạm y tế phường và phòng khám, nhà thuốc tư nhân
Lĩnh vực này cũng quan trọng lắm. Ở các địa phương nếu có cơ sở y tế tốt, hạ tầng đầy đủ hiện đại, đội ngũ y bác sĩ đáp ứng tất cả chuyên môn thì người dân sẽ an tâm sống ở nơi đó, không phải vượt tuyến hay tốn hàng tỉ iu ét sờ đây qua nước ngoài chữa bệnh nữa!
Giáo dục Đà Lạt
Tiếp đến ta nhắc tới lĩnh vực giáo dục. Một đất nước muốn phát triển vượt trội đều phải nhờ vào nền tảng giáo dục và để tàn phá một đất nước nhanh nhất, thâm độc nhất cũng nằm ở nền giáo dục
Đà Lạt là một trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Lịch sử ngày trước, sau khi triều đình Huế thông báo dụ thành lập thị tứ Đà Lạt vào năm 1916, dân cư Đà Lạt và vùng lân cận dần tăng lên, hệ thống giáo dục ở đây bắt đầu hình thành, phát triển.
Trường học đầu tiên ở Đà Lạt là trường École française, khai giảng vào ngày 20 tháng 12 năm 1919, chỉ dành riêng cho các học sinh người Pháp. Cuối thập niên 1920, những công chức người Pháp tới Đà Lạt ngày một đông, thành phố có thêm hai ngôi trường Pháp mới: Petit Lycée và Grand Lycée (khởi công xây dựng vào năm 1929, khai giảng năm 1933, dành cho con em người Pháp và các quan lại người Việt. Đến năm 1935, trường khánh thành, mang tên Trung học Yersin, tiền thân của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngày nay).
Ngôi trường dành cho học sinh Việt Nam đầu tiên là một trường tư được thành lập năm 1927. Năm 1928, ngôi trường công dành cho học sinh Việt mang tên École communale de Dalat khai giảng khóa đầu tiên (nay là trường tiểu học Đoàn Thị Điểm).
Năm 1934, trường Couvent des Oiseaux và năm 1939 là trường Thiếu sinh quân Đà Lạt lần lượt được ra đời.
Ở bậc giáo dục đại học, niên học 1944-1945, Chính phủ Pháp cho mở một lớp chuyên khoa toán đặt tại Trung học Yersin. Lớp học này có khoảng 40 sinh viên, chỉ tồn tại đến tháng 3 năm 1945, thời điểm Nhật đảo chính Pháp.
Thời kỳ 1945 đến 1954, ở Đà Lạt còn xuất hiện thêm hai ngôi trường mới, Trường Hành chính Quốc gia và Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt.
Sau năm 1954, dân số Đà Lạt tăng đột biến nhờ một lượng lớn di dân từ miền Bắc và miền Trung, nhiều ngôi trường mới tiếp tục ra đời. Năm 1957, Viện Đại học Đà Lạt được thành lập, xuất phát từ một tổ chức tư thục do giáo hội Thiên Chúa giáo quản lý. Từ 49 sinh viên trong niên học đầu tiên 1958-1959, đến niên học 1974-1975, Viện Đại học Đà Lạt có khoảng 5.000 sinh viên theo học, bao gồm các trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học và Đại học Chính trị – Kinh doanh.
Thời điểm trước tháng 4 năm 1975, tại Đà Lạt có đến 61 ngôi trường, cả công lập và tư thục. Bên cạnh các trường phổ thông, đại học ở đây còn có nhiều trường đào tạo quân sự và tôn giáo như Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh chính trị, Trường Chỉ huy và Tham mưu, Giáo hoàng học viện.
Ngày nay, Đà Lạt vẫn là một trung tâm giáo dục của miền Nam Việt Nam với khoảng 14 trường Trung học cơ sở và phổ thông, cùng khoảng 8 trường Đại học, Cao Đẳng như :
- Đại học Đà Lạt 01 Phù Đổng Thiên Vương
- Đại học Yersin 27 Tôn Thất Tùng, Phường 8
- Đại học kiến trúc SG cơ sở đặt tại Số 20, đường Hùng Vương, P.10
- Cao đẳng sư phạm 29 Yersin, Phường 10
- Cao đẳng y tế cộng đồng số 16 Ngô Quyền, Phường 6
- Cao đẳng du lịch Km số 5, đường Cam Ly, Phường 7
- Cao đẳng nghề số 1 Hoàng Văn Thụ, Phường 4
- Cao đẳng kinh tế kĩ thuật số 39 Trần Phú, Phường 4
Kiến Trúc cồ kính của Đà Lạt
Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam được quy hoạch bài bản ngay từ khi hình thành, vì vậy chúng ta hãy cùng nhau xem kiến trúc ở nơi này ra sao:
Đà Lạt sở hữu một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu đầu thế kỷ 20: trục chính, xương sống là suối Cam Ly nối qua nhiều hồ tới các thác nước tự nhiên ngoài xa – Trái tim lấy tâm là hồ Xuân Hương với các công trình tiêu biểu có bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang ổn định, gắn kết chặt chẽ với địa hình và hòa hợp với thiên nhiên. Từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn vòm, hành lang bao quanh cho tới phong cách Tân cổ điển, với những ngôi biệt thự có kiến trúc Hiện đại nhiều hình khối, bố cục phi đối xứng.
Đà Lạt sở hữu trên 2.000 dinh thự cổ, trong đó trường Cao đẳng sư phạm nằm trong top 1000 kiến trúc độc đáo nhất của thế giới trong thế kỷ 20
Vào năm 1906, khi nơi đây vẫn còn là một địa điểm hoang vắng, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt Paul Champoudry đã thiết lập một đồ án tổng quát kèm theo dự án chỉnh trang cho thành phố tương lai, áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng rất hiện đại thời kỳ đó.
Năm 1921, thời điểm công cuộc kiến thiết thành phố bước vào giai đoạn mạnh mẽ nhất, kiến trúc sư nổi tiếng Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ xây dựng đồ án quy hoạch, với định hướng Đà Lạt có thể trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương trong tương lai. Đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian thẩm mỹ của thành phố, Ernest Hébrard đã sử dụng dòng suối Cam Ly như trục cảnh quan trung tâm, kết hợp cùng hệ thống các hồ nước nhân tạo. Bố cục chính của thành phố được tổ chức dựa trên trục cảnh quan này, và mỗi hồ nước là một trung tâm cảnh quan của các công trình trong một phân khu chức năng.
Sau hơn 10 năm áp dụng đồ án Hébrard, đến năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau tiếp tục đưa ra nghiên cứu chỉnh trang thành phố Đà Lạt, với những quan niệm thực tế hơn. Louis Georges Pineau kế thừa ý tưởng của Ernest Hébrard, đề nghị mở rộng hơn nữa các hồ nước và công viên, bố trí các khu vực xây dựng phù hợp với cảnh trí, khí hậu địa phương và thiết lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn để bảo vệ tầm nhìn về hướng núi Lang Biang.
Năm 1940, trong “Tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt”, kiến trúc sư Mondet tiếp tục đề ra phương án không kéo dài thành phố, mà tổ chức hợp nhóm lại và mở rộng bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm.
Đồ án của Mondet tuy không được áp dụng, nhưng đã được kiến trúc sư Jacques Lagisquet kế thừa trong “Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” năm 1943. Jacques Lagisquet vẫn giữ ý tưởng của Ernest Hébrard về một “thành phố phong cảnh” nhưng quy hoạch xây dựng những khu trung tâm hành chính, thương mại, khu vực khách sạn, bệnh viện, trường học… để tạo nên một Đà Lạt nhiều sức sống và những trung tâm hoạt động hấp dẫn thu hút dân chúng hơn.
Tuy nhiên, sau nhiều thập niên phát triển thiếu quy hoạch, buông lỏng quản lý, tình trạng xây cất trái phép, không phù hợp, lấn chiếm những khu vực trống, tàn phá rừng nội ô… khiến cho bộ mặt kiến trúc đô thị trở nên nhem nhuốc, kiến trúc đặc sắc xưa quý bị biến dạng, quy hoạch cũ gần như bị lãng quên, bản sắc cốt lõi cứ phai dần, những lợi ích kinh tế trước mắt từ đầu tư hiện đại đã choán chỗ các di sản, các dự án gây tranh cãi vẫn tiếp tục ra đời, hồn cốt, văn hóa thành phố bị lép vế trước đồng tiền trong túi các đại gia. Trong khắp thành phố, nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc biến thành chung cư, nhà trọ… Không ít các công trình kiến trúc có giá trị không được bảo tồn tốt, phải hứng chịu sự tàn phá của thời gian đơn cử như vụ sập tường công trình thời Pháp dãy nhà cổ của Đại học Kiến trúc SG, cơ sở tại số 20 đường Hùng Vương, phường 10 trước đây vốn là tu viện được xây từ thời Pháp cho đến Đồi Dinh (Dinh Tỉnh trưởng), lại đang định duyệt cho nhà đầu tư cắt trụi hết cây và đập đi để xây một khách sạn ???
Chuyện kể rằng, có một cặp đôi đang yêu nhau mặn nồng, thắm thiết thì bỗng một ngày hai người nảy sinh mâu thuẫn rồi những cuộc cãi vã cứ triền miên, tưởng chừng như không thể nào cứu vãn nổi. Thấy vậy chàng trai bèn tìm cách hẹn cô gái đi chung trên một chuyến tàu đến Đà Lạt, và dẫn người con gái ấy về thăm căn nhà gỗ mà chàng trai vừa mới cất xong chiều qua. Thế là sau chuyến ấy, hai người lại hạnh phúc như chưa từng đổ vỡ.
Như vậy Đà Lạt còn là nơi chữa lành những vết thương trong lòng phải không?
Tác phẩm nghệ thuật tại Đà Lạt
Những tác phẩm đầu tiên viết về Đà Lạt chủ yếu là nhật ký và ghi chép bằng tiếng Pháp của các nhà thám hiểm, như bác sĩ Paul Néis, trung úy Albert Septans, bác sĩ Alexandre Yersin…
Tác phẩm về Đà Lạt đầu tiên của người Việt có lẽ là Lâm Viên hành trình nhật ký của Đoàn Đình Duyệt, Thượng thư Bộ công của triều đình Huế, người lên Đà Lạt năm 1917 để nghiên cứu việc xây dựng hành cung.
Trong lĩnh vực thi ca, ghi lại dấu ấn trong giai đoạn đầu này là hai bài thơ “Đà Lạt trăng mờ” của Hàn Mặc Tử và “Đà Lạt đêm sương” của Quách Tấn + Truyện dài “Hoa bươm bướm” của Võ Hồng, “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng, “Con đường” của Nguyễn Đình Toàn, các tiểu thuyết “Tóc Mây và Thung lũng tình yêu” của Lệ Hằng hay tập truyện ngắn “Bay đi những cơn mưa phùn” của Phạm Công Thiện.
Với âm nhạc, có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng như “Cỏ hồng” của Phạm Duy – “Thành phố buồn” của Lam Phương –
“Thương về miền đất lạnh”, “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – “Còn nắng trên đồi”, “Hãy ngồi xuống đây”, “Vũng lầy của chúng ta” của Lê Uyên Phương – “Tuổi đá buồn” của Trịnh Công Sơn hay “Ai lên xứ hoa đào”,”Bài thơ hoa đào” của Hoàng Nguyên và “Đồi thông hai mộ” của Hồng Vân, ca sĩ gạo cội Tuấn Ngọc tên thật là Lữ Anh Tuấn với những lời ca miên man như: Riêng một góc trời, Về đây nghe em, Em còn nhớ hay đã quên, Chiều một mình qua phố…cho đến thế hệ các ca sĩ trẻ sinh ra tại Đà Lạt như Trung Quân Idol, Tiên Tiên, Yasuy…Và mới đây nhất nhà hát ca vũ nhạc kịch đầu tiên của thành phố có tên “Nhà hát Đà Lạt”, tên tiếng Anh là “Dalat Opera House”, được dựng lên tọa lạc tại khối Bông hoa của quảng trường Lâm Viên ngay bên cạnh bờ hồ Xuân Hương.
Trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy, nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng cũng được bấm máy tại đây như “Dốc tình” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh lên sóng năm 2004.
Viết tới đây, trời cũng vừa kịp sáng, mây lang thang dừng lại bên quán cà phê khu Hoà Bình gần chợ Đà Lạt.
Oa các bạn trẻ tụ tập ở đây khá là nhiều, những câu chuyện, những style ăn mặc, những lời cười đùa, những quan điểm sống tôi thế này, bà thế kia quyện chung với vị café…xa xa một chiếc xe cup 50 xinh xắn, nhỏ nhắn chạy quanh hồ Xuân Hương, những chiếc ghế trắng đặt rải rác trên vỉa hè như lòng Đà Lạt luôn chừa một chỗ trống cho du khách vậy. Lúc đó mới thấy, cuộc sống ở Đà Lạt thực sự đáng thở từng giờ, từng phút một.
Bên này phin cà phê vẫn đang chảy từng giọt… lâu quá… nhâm nhi thôi
Thắng cảnh du lịch Đà Lạt
Trước đây, du lịch Đà Lạt chỉ chủ yếu phục vụ những người thuộc tầng lớp quí tộc thì ngày nay, Đà Lạt đã trở thành điểm du lịch dành cho tất cả mọi người.
Những thắng cảnh của thành phố, nằm rải rác ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng ngoại ô như hồ Xuân Hương, đồi Cù, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Prenn… cùng các lễ hội hoành tráng như Festival hoa Đà Lạt, lễ hội đồi cỏ hồng, lễ hội mưa.
Chợ Đà Lạt nhang nhác không khác gì các chợ Đồng Xuân Hà Nội, Bến Thành Sài Gòn về cái cầu thang hoen vàng lờ dốc thoải, giống cái cách bày biện, hàng họ thập cẩm, lồi lõm, tràn ra cả vỉa hè.
Đến với Đà Lạt, nhiều người còn mơ màng nghĩ Đà Lạt như một chiếc áo thổ cẩm mà con người dệt nên với cơ man các cánh đồng hoa sặc sỡ như: vườn hoa trung tâm thành phố đường Trần Quốc Toản, phường 1 – Thung lũng hoa tổ 13, thôn 1, Tà Nung – Làng hoa tại 43 Vạn Hạnh, phường 5 – Làng nghề trồng hoa truyền thống Thái Phiên nằm tại phường 12 – Vườn Hoa Cẩm Tú Cầu Ga Trại Mát đi vào – Cánh đồng hoa Lavender hồ Tuyền Lâm, đồi chè Cầu Đất – Đồi Cỏ Hồng Đà Lạt – Vườn hoa khổng lồ Đà Lạt – Cánh đồng hoa hướng dương nông trại Dalat Milk, xã Tà Nung – Cánh đồng hoa tam rác mạch ở chùa Vạn Đức, ấp Ánh Sáng – Vườn hoa ban trắng đường Quang Trung – Vườn hoa hồng tại hẻm 2, Đặng Thái Thân – Vườn hoa khô Đà Lạt tại 7A/1 Mai Anh Đào, phường 8 – Vườn hoa Cải tổ 19, xã Tà Nung.
Đà Lạt vào cuối tháng 12, đẹp đến man dại, một vẻ đẹp không thể tiết chế, khi nhiều con đường ngập trong sắc hồng rực rỡ của những bông hoa mai anh đào ở Mộng Đào Nguyên, gần núi Lang Biang, trên đường đi đồi chè Cầu Đất, Trần Hưng Đạo, Hồ Xuân Hương, Trường đại học Đà Lạt, Hùng Vương (Ngã ba Nam Hồ), Hồ Tuyền Lâm, Sunshine Coffee, Dốc Đa Quý, Đồi chè Olong – Cầu Đất, Lạc Dương, K’long K’lanh, Cầu Trần Qúy Cáp … rồi có cả loài hoa cánh bướm Cosmos và rất nhiều loài hoa khác nữa.
Chưa hết, những cung đèo Mimosa phường 10, đèo Prenn, đường đi hung lũng Vàng mùa thay lá, đường lên đỉnh Rada, đường hoa Phượng Tím, đường Tu Tra…sẽ đưa thực khách chuyếnh choáng trong những cung bậc cảm xúc mà lơ ngơ quên cả lối về hay những tiếng róc rách bên khe Suối Vàng, nằm kềnh kang thư giãn tại khu du lịch Lavender, nhéo má các em chó lên tới hàng trăm con tại nông trại Puppy Farm… là những cảm rác rất rất khó tả.
Đối với những người thiên về cõi tâm linh, hãy ghế đến các địa điểm văn hóa với sự hiện diện của rất nhiều ngôi chùa (chùa Linh Phước, Chùa Linh Quy Pháp Ấn, Thiền viện Trúc Lâm…) – Nhà thờ (nhà thờ Con Gà, nhà thờ Cam Ly, nhà thờ Domaine de Marie, nhà thờ tin lành, nhà thờ Vạn Thạnh, giáo sứ Thiện Lâm) – Thư viện tỉnh Lâm Đồng ( nằm ở số 22 đường Trần Phú, vốn là Thư viện Đà Lạt thành lập từ năm 1958) – Bảo tàng Lâm Đồng (thành lập 1978 với các hiện vật về dân tộc học từ một số bộ sưu tập cá nhân và của chính quyền Việt Nam Cộng hòa để lại, địa chỉ số 31 đường Trần Bình Trọng nhưng sau nhiều lần thay đổi địa điểm, năm 1999, bảo tàng đã chuyển về số 4 đường Hùng Vương, vốn là biệt thự của điền chủ Nguyễn Hữu Hào, cha của Hoàng hậu Nam Phương) và Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng.
Không gian dành cho các dân kiến trúc là chiêm ngưỡng các công trình có giá trị, các công sở, trường học, công trình công cộng… cùng hàng ngàn biệt thự xinh đẹp hiện diện khắp thành phố. Qua thời gian, những dinh thự, biệt điện xưa kia từng thuộc về các nhân vật quyền lực, ngày nay được mở cửa đón khách viếng thăm. Ba dinh thự nổi tiếng của Đà Lạt trước đây đều là địa điểm du lịch, nhưng hiện nay chỉ Dinh III còn giữ chức năng này và tiếp tục thu hút du khách. Dinh II, hay còn gọi Dinh Toàn quyền, được dùng làm khách sạn, nơi hội thảo của chính quyền địa phương còn Dinh I đã đóng cửa vài năm gần đây để sửa chữa. Một dinh thự khác của Đà Lạt, biệt điện Trần Lệ Xuân cũng trở thành điểm du lịch ngay từ năm 1964, ngày nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, nơi lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn. Bên cạnh những di sản kiến trúc Pháp, một vài công trình xây dựng những thập niên gần đây như thiền viện Trúc Lâm, biệt thự Hằng Nga hay XQ Sử quán cũng đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn.
Và còn rất rất nhiều nữa những địa điểm du lịch hấp dẫn, mà trong bài này sức mây lang thang không thể tả hết vì vậy du khách chỉ có thể đến và thưởng ngoạn thêm mà thôi.
Tuy nhiên có một số vấn đề đang tồn tại ở lĩnh vực này đó là:
- Một số địa điểm như thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở hay thác Prenn đã mất đi nét hoang sơ bởi sự xuất hiện của quá nhiều hàng quán, khu trò chơi và cây cảnh.
- Thác Voi, một thắng cảnh khác không xa Đà Lạt bị ô nhiễm nặng do những người dân sinh sống ở vùng thượng nguồn thường xả rác và chất bẩn xuống dòng suối. Vì vậy muốn cho du lịch phát triển ngoài việc phải làm cho nước trong trở lại thì dịch vụ phải “trong”, quy hoạch phải “sáng”.
- Khuôn viên nhà ga Đà Lạt, một trong những biểu tượng nổi tiếng của thành phố, trở thành bãi tập kết gốm sứ, cây cảnh và vườn rau bắp cải.
- Quần thể di tích kiến trúc Trường Cao đẳng Sư phạm không chỉ xuống cấp mà còn bị “chung cư hóa” bởi sự sinh hoạt của hơn 30 hộ dân cư.
- Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào từng bị bỏ hoang nhiều năm và trở thành địa điểm của những người nghiện ma túy và hoạt động dậm mai mại.
- Một số điểm check-in nổi tiếng bị xóa sổ như: Tiệm bánh Cối Xay Gió – Nhà thiếu nhi Đà Lạt – Cầu gỗ săn mây -Tiệm b. ánh Totto.
- Sự bất ổn rình rập chỗ nào cũng có dấu vết của cái lạ hòng truyền bá văn hóa để pha tạp giới trẻ khi mới đây, trên mạng xã hội loan tải hình ảnh được cho là những bức tượng tái hiện lại đội quân đất nung dưới lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Thiểm tây trung quốc đưa vào khu du lịch đồi mộng mơ.
- Đà Lạt cũng như nhiều tỉnh khác ở VN, nhiều dự án đứng sau là người nước lạ làm chủ ví dụ một số quán cà phê, nhà hàng nào mà có màu tím có thể đứng sau là chủ không phải người Việt. Nổi cộm 2016 quán cà phê Thanh Thủy ở Hồ Xuân Hương xảy ra việc quán này đã không phục vụ người Việt mà vồn vã với người trung quốc.
- Mấy năm trở lại đây, xuất hiện nhiều dự án du lịch với các hình hài quái dị, nhà thầu đa số là người trung quốc, điển hình là cầu đáy kính được xây dựng nối giữa thung lũng tình yêu và đồi mộng mơ.
Văn hóa ẩm thực của Đà Lạt
Khu chợ đêm Đà Lạt – Quán bún bò tím trên đường Huỳnh Thúc Kháng – Lẩu cá tầm Vạn Hạnh – B. ánh mỳ nướng muối ớt – Bún bò huế O Thy – Sữa chua cà phê Tùng – Nem nướng Phương Quang.
Thời gian qua, nhà nông ta thay vì quan tâm tới giá cà phê, giá tiêu, giá nông sản như:
- Giá cà phê ngày 15/03/2021 trong khoảng 31.800 – 32.700 đờ/ cân.
- Giá tiêu ngày 20/12.2020 trong khoảng 53.000 – 55.000 đờ/ cân tới ngày 15/03/2021 khoảng 71.500 đờ/cân.
Thì một số đã bị cuốn vào vòng xoáy, chỉ quan tâm tới Giá bất động sản
Bất Động Sản Đà Lạt
Nở rộ thiên hướng làm homestay, farm stay nhưng kéo theo tình trạng mua bán, giá cả, xây dựng, đất nông nghiệp, đất trồng rừng…pháp lý rất lung tung.
- Cho thuê: nhà đường Lữ Gia (6 triệu/tháng) – Phòng trọ Hùng Vương (1.2 triệu/tháng)…
- Chung cư: căn hộ Phạm Hồng Thái P10 (12 triệu/m2),…
- Thổ cư (một số là đất nông nghiệp): Trần Đại Nghĩa phường 8 (12 triệu/m2) – Trạm Hành (2,6 triệu/m2) – Xã Nam Hà (1 triệu/m2) – Đồng Tâm phường 4 (55 triệu/m2) – Lữ Gia phường 9 (34 triệu/m2) – Annada phường 8 (74 triệu/m2) – Nguyễn Du phường 10 (30 triệu/m2) – Trần Thái Tông phường 10 (40 triệu/m2) – Bùi Thị Xuân phường 2 ( 250 triệu/m2) – Đặng Thái Thân phường 3 (40 triệu/m2) – Huyền Trân Công Chúa phường 4 (40 triệu/m2) – Xuân Trường Cầu Đất (3,5 triệu/m2) – An Bình Phường 3 (18.8 triệu/m2) – Hai Bà Trưng (100 triệu/m2) – Nguyễn Siêu phường 7 (21 triệu/m2) – Trần Đại Nghĩa phường 7 (22 triệu/m2) – Ngô Thị Nhậm phường 4 (45 triệu/m2) – Phường 12 (11,5 triệu/m2) – Vạn Hạnh (23 triệu/m2) – Mănglin (12 triệu/m2) – Yết Kiêu phường 6 (43 triệu/m2) – Ngô Thì Nhậm phường 4 (42 triệu/m2) – Hoàng Hoa Thám phường 10 (25 triệu/m2) – Pasteur phường 4 (78 triệu/m2) – Lê Hồng Phong (60 triệu/m2) – Phù Đổng Thiên Vương phường 8 (90 triệu/m2) – Khu quy hoạch An Sơn phường 4 (50 triệu/m2) – Ngô Quyền phường 6 (50 triệu/m2) – Tô Hiệu (15 triệu/m2) – Xuân Thọ (15 triệu/m2) – Kim Đồng phường 6 (60 triệu/m2) – Tà Nung (500 triệu/sào)
Nhiều chuyên gia cùng người dân vì quá xót và lo lắng cho Đà Lạt đã góp ý:
Đà Lạt không nên tăng dân số, hạn chế phát triển trung tâm mà hãy tạo đô thị vệ tinh ở Đơn Dương, Bảo Lộc các vùng lân cận để phát triển đồng đều, tránh việc nóng chỗ này, bỏng chỗ nọ mà nguội lạnh chỗ kia
- Đà Lạt đang dần mất đi di sản, mất đi bản sắc, mất đi văn hoá và đánh mất “mã gien” của chính mình mà đây chính là thời điểm thích hợp để chữa lành các vết khuyết, tác hại của việc phát triển nóng đô thị.
- Đà Lạt cần phục dựng những kiến trúc cổ xưa đang bị biến dạng hay mất mát, chỉ cấp phép xây dựng ở những nơi không làm tiêu hao giá trị di sản.
- Và câu hỏi cuối cùng cũng giống như nhiều nơi khác, Đà Lạt có cần bê tông ngút ngàn như vậy không? Đà Lạt có cần các trung tâm thương mại to đùng đoàng ngấy sáng, có cần các công trình đồ sộ, bạt ngàn nhà kính che trời ngăn đất chặn cảnh quang… để thế chỗ mảng xanh, không gian trên nền đất cổ báu hay không?
Có lẽ người dân không cần, du khách cũng chẳng cần. Thứ tất cả mọi người cần ở Đà Lạt hay các vùng khác đó là một thành phố phát huy bản sắc thoáng rộng, bạt ngàn cây xanh, hiện đại trong tư duy quy hoạch gắn với thiên nhiên để bền vững phát triển.
4.5/5 - (4 votes)Từ khóa » đất ở đà Lạt Là đất Gì
-
Đà Lạt: Khí Hậu Và Thổ Nhưỡng Làm Nên điều Kỳ Diệu Cho Hoa
-
(PDF) ĐÁNH GIÁ THÍCH HỢP ĐẤT ĐAI ĐỐI VỚI LOẠI HÌNH SỬ ...
-
Đà Lạt – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trang Sau - Vung Dau Tu
-
Tiết Lộ TOP Khu đất Xây Dựng Đà Lạt Bán Gấp, Giá ưu đãi - Mizar Land
-
Đất Đà Lạt Và 5 điều Cần Lưu ý Khi đầu Tư!
-
Mua Nhà đất Đà Lạt Cẩn Thận 'tán Gia Bại Sản' Vì Không Biết Sớm ...
-
4 Lý Do Nên Mua Bán đất Vườn Đà Lạt
-
Những Lưu ý Khi Mua đất Nông Nghiệp Đà Lạt Với Giá Rẻ
-
Diện Tích đất Tối Thiểu được Tách Thửa Tại Tỉnh Lâm Đồng
-
Kinh Nghiệm đầu Tư đất Nền Lâm Đồng Từ Người Trong Cuộc
-
Bán đất Cầu Đất (Đà Lạt) Chuyển Biến Bất Ngờ Thế Nào?
-
6 Lý Do Nên đầu Tư Bất động Sản Đà Lạt Và Vùng Ven Đà Lạt
-
Mua Bán đất Thổ Cư Thành Phố Đà Lạt, Lâm Đồng Giá Rẻ, Mới Nhất ...