Tìm Kiếm Những Vẻ đẹp Bình Dị Của Cuộc Sống - Công An Nhân Dân

Bình Nguyên Trang không mất quá nhiều thời gian để nghĩ tên cho mỗi tác phẩm. Những “Đời còn có nhau”, “Bố về hưu”, “Huệ khôn ngoan của tôi”, “Vết thương ngày cũ”, “Không chỉ là ký ức”, “Nghĩ ngợi lan man trong quán cà phê”, “Cái ấm nhôm” giống như những ý nghĩ, ấn tượng bất chợt thoáng qua rồi vô tình ghi lại, nghe có vẻ bâng quơ, không quá màu mè nhưng lại chuyển tải được những quan điểm thẩm mỹ của tác giả. Điều đó kết hợp với tạng văn đầy chất thơ của một người làm thơ tạo nên những mảng màu bảng lảng buồn vui vừa trong sáng vừa thiết tha dẫu lắm lúc cuộc sống đầy oan trái, cay đắng.

Vẫn là chất tự sự chảy tràn văn xuôi Việt nói chung nhưng khác với nhiều tác giả trẻ đương đại cố tìm cho mình lớp vỏ lúc lỉu chữ nghĩa và nội dung nghe có vẻ đao to búa lớn thì hơi văn của Bình Nguyên Trang hiền lành hơn, giản đơn hơn. Những câu văn của chị ngăn ngắn, thậm chí rất ngắn, đôi khi có vẻ lơ đãng nữa… Trong “Đời còn có nhau”, những câu văn ngắn ngủn dường như hòa một điệu cùng nhịp lòng các nhân vật: “Yêu nhau như thế mà lại bỏ nhau, Mây nghĩ, cô lại cảm thấy tiếc. Thôi gọi cho Tình. Hẹn bảy giờ thì bảy rưỡi Tình đến. Mây cũng không buồn giận… Cà phê. Quán không vắng, không thưa. Nhạc không to, không nhỏ. Ngồi cạnh nhau. Tình lơ đãng, cả hai đều không biết nói gì”. Những dấu chấm giữa mỗi câu vừa như muốn chấm dứt cái tình yêu đang ngày càng trở nên nhàm chán, đơn điệu lại vừa như nuối tiếc và không đủ dũng cảm để vứt bỏ.

Cốt truyện trong văn Bình Nguyên Trang không có gì đặc biệt nếu không muốn nói là xoàng xĩnh. Một ông bố phong trần, lãng tử từ bỏ hạnh phúc thực sự để chạy theo những ảo vọng để rồi một ngày trở về khi đã rã rời trong “Gia đình”. Đôi trai gái yêu nhau năm năm trời để rồi một ngày bàng hoàng nhận ra họ vẫn đi song song bên cạnh cuộc đời nhau mà lại đang chán nhau; đang chán nhau mà lại không dám bỏ nhau trong “Đời còn có nhau”. Một cô sinh viên tỉnh lẻ mơ mộng muốn được chàng người yêu đưa đi du lịch hè nhưng vì anh ta quá bận kiếm tiền để xây đắp tương lai cho hai đứa nên ước muốn không thành, chán ngán cuộc sống hiện tại và quay về quê, làm khuynh đảo không khí hoang vắng, nhếch nhác nơi đó bằng phấn son thị thành trong “Mùa hạ cháy”…

Những câu chuyện trong cả tập sách đại loại chỉ có vậy, loanh quanh những vặt vãnh của cuộc sống thường nhật, dễ làm mất lòng ai kỳ vọng quá nhiều vào tính chất nội dung, tư tưởng của thể loại văn học này. Nhưng ẩn sâu dưới tình huống truyện (chính xác hơn là trạng huống) có vẻ bình thường đó, truyện ngắn của Bình Nguyên Trang đi xa hơn bởi những ngóc ngách li ti trong tâm hồn con người. Mỗi nhân vật của chị đều có những góc khuất mong manh và luôn phải âm thầm đấu tranh quyết liệt trong việc lựa chọn cách sống để tồn tại giữa đời và điều đó quyết định số phận của họ.

Đọc tập truyện ngắn của Bình Nguyên Trang, ta có thể thấy cuộc đấu tranh ấy chưa bao giờ ngơi nghỉ, hạnh phúc - khổ đau, quá khứ - hiện tại luôn song hành, làm phong phú thêm màu sắc đa chiều vốn ngột ngạt trong cuộc sống của mỗi người.

Bằng lối viết dung dị, không hoa mỹ, văn Bình Nguyên Trang đã lôi cuốn người đọc bởi niềm trắc ẩn dành cho thế giới xung quanh mình, buồn bã đó mà cũng đầy tình thương mến đó. Chính điều ấy sẽ làm lành vết thương mà cuộc đời nhiều khổ đau mang lại. Và con người vẫn còn tin nhau nhiều, khi mà chúng ta biết sẻ chia bởi những điều li ti, nhỏ nhặt như thế.

Bình Nguyên Trang viết nhiều về phụ nữ và dù họ có làm gì đi chăng nữa thì vẫn đáng được yêu thương và che chở. Hình ảnh những người phụ nữ hiển hiện trên trang viết của chị hồn hậu, bao dung và đầy chờ đợi. Chỉ có những người phụ nữ Việt Nam mới có nỗi đợi chờ như thế. Và dù mỏi mòn, cay đắng nhưng họ vẫn chờ những người đàn ông của mình trở về. Vì họ là những người đi ru cuộc đời bằng một đóa quỳnh thơm.

Gấp tập truyện ngắn này lại, tôi thấy nhẹ lòng bởi vẫn còn những người viết như Bình Nguyên Trang. Khi người đọc đương thời bị bủa vây bởi thứ văn chương nhão nhoẹt, u ám, những trào lưu đao to búa lớn và các tuyên ngôn nghệ thuật hùng hồn, thì qua những trang văn mộc mạc mà không kém phần sâu sắc, chị đã góp một tiếng nói thơ nhất, hồn nhiên nhất dành tặng bạn đọc của mình.

Ở đoạn kết truyện ngắn “Mùa đom đóm mở hội”, Bình Nguyên Trang viết: “Riêng ngôi nhà sát bờ sông, dì Lê tôi để cho đom đóm về mở hội đêm đêm, bởi dì tin rằng trong muôn vàn đốm sáng nhỏ nhoi ấy, có Gái thân yêu của dì”.

Và tôi tin trong muôn vàn đốm sáng nhỏ nhoi ấy, Bình Nguyên Trang cũng đang trên đường đi mở hội cho riêng mình

Từ khóa » Cái đẹp Bình Dị Là Gì