"Tìm Lại Cuộc đời" - Tìm Lại Chất Cải Lương Chuyên Nghiệp

2OFU4g4J.jpgPhóng to
Thanh Ngân (phải, Hương) và Dương Thanh (Trần Hùng) dù rất khó để chê trong sự cố gắng tròn vai; song cả hai đã diễn quá căng cứng
TTO - Khán phòng đông dần đến nghẹt cứng. Ra về, khán giả bàn tán đúng kiểu cải lương “tuồng này hay nè, đoàn này hát hay nè”… Vậy là thở phào cho qua nỗi lo: vở có đề tài chiến tranh - cách mạng quen thuộc, đã ăn khách trong bối cảnh đất nước mới giải phóng liệu có còn phù hợp...

Làn điệu cải lương và kịch bản văn học

Câu chuyện chiến tranh không hề công thức, nhàm chán, có gút mở ở kịch tính hấp dẫn: rơi vào trận địa phục kích, lính Mỹ, lính ngụy tranh nhau leo lên trực thăng tiếp cứu. Đông người, Mỹ được ưu tiên, ngụy bị đạp xuống. Không có chuyến thứ hai, thay vào đó là pháo của Mỹ dập cho chết hết đám lính ngụy vướng lại và rêu rao họ đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với Việt Cộng.

Được người phía bên kia bắt gặp, cứu chữa, thả đi, Trần Hùng tàn phế tìm về nhà thì con bị chết cháy, vợ do hoàn cảnh đưa đẩy trở thành vợ hờ một tên trung tá Mỹ. Người vợ, dù vẻ ngoài cao sang với cái tên Mỹ Jackly Hương cũng chẳng sung sướng gì với cái danh “me Mỹ” đầy tủi nhục. Dù cô đang mang thai, gã chồng hờ người Mỹ vẫn nhẫn tâm gạ bán cho một gã khác khi sắp về nước...

Không hô hào, tội ác ghê sợ của quân Mỹ cứ tự nó phơi bày qua bi kịch gia đình rất điển hình “Rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ sinh con…” của anh lính ngụy Trần Hùng.

Tính cách mạng trong ý đồ của tác giả Hoành Khâm - Điêu Huyền ở cái tên Tìm lại cuộc đời cũng tự nhiên, thuyết phục mà đến như một lựa chọn tất yếu.

Trần Hùng cảm tình với cách mạng vì đã nhận được sự đối xử đầy tình người; ném lựu đạn vào đám sĩ quan Mỹ bởi chúng là kẻ thù giết anh, giày xéo vợ và làm gia đình anh tan nát. . Hương theo cách mạng vì chỉ có con đường đó cứu vớt cuộc đời đau khổ, tủi nhục của cô.

WWEuPWI3.jpgPhóng to

Mỹ Hằng (ngồi, Oanh) có sức diễn mãnh liệt, tiến bộ rõ rệt.

Đáng kể nhất là sự phản tỉnh quay về chính nghĩa của viên đại úy ngụy Huy Bình - từng du học ở Mỹ, được đào tạo, nhồi sọ chống Cộng cực độ. Bình tôn thờ giá trị Mỹ, cho rằng: “Mỹ là người bạn, giúp chúng ta bảo vệ nền tự do độc lập”, tự cho mình là người có lương tri khi bất chấp sự vị nể, bắn chết con chó trẻ con Mỹ thả ra cắn người Việt.

Song, Huy Bình đã nhận ra mình chỉ là một công cụ để người Mỹ lợi dụng khi bị bắt buộc phải tự tay tra khảo, tù đày người yêu và em gái, giết chết anh rể Trần Hùng để bày tỏ lòng trung thành. Anh cũng không thể mắt nhắm tai ngơ trước thực tế do em gái và người yêu là những thanh niên trí trức yêu nước, chọn cách xuống đường đấu tranh vạch trần:

“Anh có mắt có tim sao không thấy ruộng vườn bị tàn phá, đất nước bị đầu độc, đồng bào bị tắm lửa gội bom, ông cha ta mồ mả bị san bằng… Ngôn ngữ nào cải biến được sự thật, sách vở nào che giấu được sự hiển nhiên, tiền bạc nào chữa được tội ác trời không dung đất không ta và cả loài người nguyền rủa?…Tự do bán nước cho ngoại bang; bắn giết, tù đày cũng là tự do sao?”… Nghệ sĩ Thoại Mỹ ngồi xem mà cứ xuýt xoa: “Văn chương của soạn giả hồi xưa sao hay quá! Từng lời từng lời đối đáp qua lại sắc sảo, lôi cuốn vậy biểu sao cải lương hồi đó không đông khán giả!”

Nhiều khán giả tấm tắc: “Tuồng này không có bị sửa bậy bạ, lung tung nè. Tuồng này ca nhiều nè, y như cải lương hồi xưa nè!”. Lời khen cũng là lời than của những khán giả ruột của cải lương nói lên một thực tế: lâu nay cải lương bị biến dạng thành “kịch nói đâm bài ca”, phần âm nhạc phong phú của nghệ thuật này bị làm nghèo đi, hầu như chỉ còn sử dụng hai điệu Vọng Kim Lang và Đoản khúc Lam Giang/

Dựng - diễn: quay về chuyên nghiệp!

hPLStvLB.jpgPhóng to
Trọng Phúc vào vai Huy Bình một cách thuyết phục
Gần như không có tiếng nhắc tuồng trong suốt vở! Dàn diễn viên tuy không quá trẻ nhưng chẳng phải là kỳ cựu đã diễn rất nhập tâm, có thần, có lửa, tuân thủ kịch bản để có thể nhận xét “vai nào ra vai đó”.

Trọng Phúc với sự chân phương của mình đã vào vai Huy Bình ngọt lùi, thuyết phục ở những đoạn tạc vào đầu khán giả như: “Giảo, mày hãy rút súng ra…”. Mỹ Hằng vào vai Oanh có sức diễn mãnh liệt, lên tay rõ rệt. Tiếc rằng Thanh Ngân và Dương Thanh đã diễn quá căng cứng, quá kỹ thuật nên thiếu cảm xúc và sự thu hút hơn cho vai Hương và Trần Hùng. Vai Tám cần thêm sự thâm trầm, sắc sảo ở một nhân vật cách mạng chìm.

Đạo diễn Hoa Hạ đã có một pha dựng rất “ăn tiền” với các cascaduer đu dây vù vù từ trên lầu, trên trần nhà xuống làm nên một trận đánh bất ngờ trên sân khấu, tạo thành một cái kết đẹp, hào hứng tràn ngập màu áo quân giải phóng.

Những cố gắng từ vở diễn này nói lên hi vọng cải lương đang tìm về với sự chuyên nghiệp, với cái chất ca kịch trữ tình rất đặc trưng của mình.

Và, cần phải ghi nhận nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm của chương trình “Nhà hát truyền hình” thuộc VTV3.

Tìm lại cuộc đời do VTV3 đầu tư kinh phí thực hiện, trước khi phát sóng trực tiếp toàn quốc vào 29-4 được cho công diễn trên sân khấu trước ba suất vào các ngày 8, 22 và 23-4-2006 để diễn xuất diễn viên được nhuần nhuyễn, đạo diễn chỉn chu lại bản dựng từ hiệu ứng của khán giả. Điều này sẽ tránh được những sự cố về dựng - diễn từng bị phản ứng gay gắt trong một vài kỳ “Nhà hát truyền hình” trước đây.

Tìm lại cuộc đời xứng đáng là công trình VTV3 chào mừng ngày thống nhất đất nước 30-4-2006.

Từ khóa » Vở Kịch Làm Lại Cuộc đời