Tìm Người ở ẩn Không Gặp – Thơ Và Họa | Nguvandhag

Ths. Phùng Hoài Ngọc

Ngũ tuyệt “Tầm ẩn giả bất ngộ” của Giả Đảo thời Đường

 Tùng hạ vấn đồng tử

Ngôn: sư thái dược khứ

Chỉ tại thử sơn trung

Vân thâm bất tri xứ

Tạm dịch:

Dưới gốc tùng hỏi em bé.

Em nói: thầy đi hái thuốc rồi,

chỉ ở trong  núi rừng này.

Mây dày chẳng biết (thày) ở chỗ nào.

Nguyên tác:

松下问童子

言: 师采药去

只在此山中

云深不知处

 

Bức họa cho bài thơ

(họa sĩ khuyết danh)

(5 chữ Hán trên tranh: 松下问童子 là câu mở đầu bài thơ).

Bình luận

Bài thơ của Giả Đảo kể chuyện nhà thơ đi tìm bạn đang ở ẩn ở chốn rừng sâu.

Gặp em bé chắc là đệ tử của ẩn sĩ.

Họ sĩ vẽ em bé buộc dây dẫn con ếch (hay con cóc) đi dạo chơi. Cổ ếch trơn trụi thế mà em bé buộc dây được, thật lạ. Trò chơi của em bé núi rừng cũng khác với mọi nơi.

Con ếch cũng ngóc đầu chăm chú ngắm ông khách lạ từ kinh thành đến thăm bạn nơi rừng núi.

Bài tứ tuyệt chỉ là một khoảnh khắc cảm xúc.

Đó là khi nhà thơ ngỡ ngàng trước em bé chỉ đường cho mình, rất hồn nhiên ngây thơ. Em bé quen sống núi rừng, làm gì có đường đi, có đường thì cũng chẳng có tên. Em đâu biết chỉ đường thế nào cho khách. Em nói “(Thầy) chỉ ở trong núi này”. Cuộc sống tự do tự tại, chẳng cần đường đi ở nơi núi rừng hoang vắng. Chân đi tới đâu thì đó là đường. Cái cách chỉ đường ngộ nghĩnh của em bé khiến nhà thơ ngỡ ngàng và làm bài thơ này. Nhà thơ hẳn là sống chốn thị thành, quen đi theo những “con đường mòn” có tên gọi, nay bỡ ngỡ  giữa chốn núi rừng. Đó là cảm xúc chính của bài thơ.

Bài tứ tuyệt không nhằm kể một câu chuyện có đầu có đuôi. Do đó bạn đọc mới đoán mò. Tối hôm ấy, ẩn sĩ đi hái thuốc sẽ về lại căn lều trú ngụ với em bé (đệ tử) và ắt sẽ gặp bạn nhà thơ.

Vì sao tôi dám kết luận: nhà thơ sẽ ở lại cùng ở với bạn? Lại dự đoán thôi. Nhà thơ vào chốn rừng xanh tìm bạn để làm gì ?- Bài thơ không nói lý do gì hết. Vậy ta có thể khẳng định, vào đây để ở ẩn thôi. Đó là biện pháp “không nói không tức là có”. Cái “không có” được mặc nhiên hiểu rằng “có”. Ta cũng còn dùng biện pháp loại trừ.

Bải thơ chỉ miêu tả cảm xúc mới mẻ của nhà thơ khi hỏi thăm chú bé, không có ý định kể một câu chuyện dài dòng có hậu. Đó là thơ trữ tình.

Họa sĩ hư cấu thêm hình ảnh em bé buộc dây dẫn một con ếch (hoặc cóc) đi chơi. Ở đồng bằng, thành thị hẳn sẽ không thể có chuyện đó, sẽ là một con chó mực đón khách, chẳng hạn. Con ếch cổ trơn, thuôn thuôn rất khó buộc dây, vậy mà em bé buộc được. Cái thú chơi của em bé núi rừng khác xa đồng bằng!

Đó là em bé núi rừng mà.

Họa sĩ đồng cảm với bài thơ nên đã vẽ ra cái sự kỳ lạ của núi rừng. Núi rừng khác xa đồng bằng, nhà thơ cũng ngỡ ngàng  từ cách chỉ đường của em bé.

Sự ngỡ ngàng thú vị đó làm nên tứ thơ, cốt lõi của bài thơ.

Bài thơ không nói rằng nhà thơ thất vọng quay về. Ta suy đoán, vậy sau đó sẽ gặp.

Đã gặp em bé đệ tử của ẩn sĩ thì nhà thơ ắt sẽ gặp ẩn sĩ. Đó là logic của câu chuyện.

Cái thú vị của thơ cổ điển là vậy chăng ? Mọi sự không thể minh bạch như chuyện kể dân gian.

Đọc xong bài thơ chúng ta còn liên tưởng ra bao điều khác (Nhà thơ chán nản cuộc sống xã hội xô bồ ? Nhà thơ bất mãn chế độ chính trị ? nhà thơ thất tình ? .v.v…) . Nhà thơ đi tìm người bạn cũ đã đi ở ẩn trước ông, bây giờ ông theo chân bạn…

PHN

Posted by Hoài Ngọc

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Thơ Lên Núi ở ẩn