Tìm Thấy Trống Đông Sơn Cổ Tại Thái Bình - Công An Nhân Dân

Phát hiện mới về khảo cổ học

Ngày 10/11/2010, các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ và Bảo tàng Thái Bình đã tiến hành khai quật địa điểm Đống Lãm tại thôn Phú Lạc, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Địa điểm nằm trong sân một ngôi chùa cổ có tên gọi là chùa Còng, còn được nhân dân gọi là chùa Đống Lãm. Nơi đây nằm ở tả ngạn sông Hồng và cách chân đê khoảng 20m.

Kết quả khai quật đã tìm được một tầng văn hóa dày khoảng 30cm chứa nhiều mảnh gốm thô, rìu đá. So sánh với nhiều địa điểm khảo cổ học đã khai quật trong các năm trước ở châu thổ sông Hồng, các nhà khoa học đã cho rằng, đây là dấu tích còn lại của một làng cổ có gốm giống với gốm của di chỉ Đường Cồ, Nam Chính (ngoại thành Hà Nội), Đại Lai (Bắc Ninh) mà từ lâu được định danh là loại hình "gốm Đường Cồ" của giai đoạn muộn thuộc văn hóa Đông Sơn.

Đó là những mảnh vỡ của đồ đựng và đồ nấu của nồi, bình, bát, vò... bằng gốm thô của người Việt cổ với những đặc trưng như gốm có màu trắng mốc, vàng nhạt và hoa văn in dây thừng thô. Xương gốm màu đen pha nhiều cát. Đợt khai quật này cũng tìm được một mảnh rìu đá làm từ chất liệu đá màu trắng ngọc, đôi chỗ có vân màu trắng ngà. Đây là mảnh rìu đã qua sử dụng và bị gãy mẻ.

Cuộc khai quật đã cho thấy đây là một làng cổ ven sông Hồng, mà người Việt cổ cư trú lâu dài. Trong quá trình cư trú họ đã để lại dấu tích: những mảnh gốm vỡ ra từ đồ gia dụng, lưỡi rìu đá vứt bỏ tại chỗ trong quá trình sử dụng bị sứt mẻ. Chính nhờ những vật này mà các nhà khảo cổ khẳng định đây là làng cổ chứ không phải là những phát hiện ngẫu nhiên không rõ nguồn gốc. Làng cổ này có niên đại vào khoảng vài thế kỷ trước Công nguyên.

Bước đầu, các nhà khoa học đã dựng lại được cảnh quan xưa của làng cổ Đống Lãm. Thời bấy giờ, chưa ai đắp đê sông Hồng (phải đợi đến ngàn năm sau, vào thời Lý, người Việt mới đắp đê trị thủy sông Hồng). Đôi bờ sông còn là những vùng đất bồi, trũng, nước ngập mênh mông. Vì thế, người Việt cổ chọn những gò đống cao để lập làng xóm.

Ngay tên gọi Đống Lãm cũng đã phản ánh thế đất cao của khu vực này so với xung quanh. Vùng đất trũng khi đó cũng cho thấy khả năng người Việt cổ có đời sống trồng lúa trên đất phù sa màu mỡ và khai thác sản vật trên sông (trong tầng văn hóa còn có những lớp vỏ hến ken dày). Đó cũng là một dạng hình kinh tế đặc thù gắn với sông nước của vùng này.

Đáng lưu ý là ngay trong tầng văn hóa chứa gốm thô, đã tìm được 2 chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện trước đó. Trống được ông Phạm Đức Luận, người trông coi chùa Đống Lãm đào được ngay trong lòng đất sân chùa, trong lúc đào một con lạch thoát nước. Khi đào xuống độ sâu khoảng 30cm (tức cùng với độ sâu của tầng văn hóa) thì gặp 2 chiếc trống lồng vào nhau, chôn ngửa. Trống đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình.

Hai chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện trong tầng văn hóa của một làng cổ quả là một tư liệu sử học đắt giá, nó chứng minh một cách chắc chắn người Việt là chủ nhân trống Đông Sơn và nhiều mối liên hệ sâu xa giữa trống đồng và toàn cảnh đời sống kinh tế xã hội của người xưa ở đồng bằng sông Hồng cách đây hơn 2.000 năm.

Hoa văn giữa mặt trống Đống Lãm tương tự trên trống Ngọc Lũ.

Số phận 2 chiếc trống qua sự giải mã khảo cổ học

Hiện vật dẫu quý giá đến mấy cũng chỉ là... hiện vật, nếu như không có nguồn gốc rõ ràng. Kể cả trống đồng rất đẹp nhưng chỉ mang giá trị mỹ thuật. Để những chiếc trống cất lên "tiếng nói mang hơi thở" của một thời đại, phải được các nhà khảo cổ tìm được trong một mối dây liên hệ biện chứng với nơi đào được, với một bức tranh toàn cảnh xã hội mà trống được tạo ra, phải được các nhà khảo cổ tìm tòi các chứng cứ khoa học.

Một công việc chẳng khác gì các chiến sĩ cảnh sát hình sự đang "soi" một vật chứng để lại nào đó của một vụ án, từ đó lần ra các "gút" thắt của một cuộn chỉ. Ấy là chỉ đơn thuần so sánh phương pháp tiếp cận sự thật mà thôi.

Hai chiếc trống đồng đều có dáng đẹp, cân đối. Chiếc trống to có đường kính mặt lên tới 78cm, chiều cao 61cm, tức là có dáng và kích thước xấp xỉ trống Ngọc Lũ (đường kính mặt là 79cm, chiều cao 63cm). Chiếc trống nhỏ cũng có hình dáng như vậy nhưng đường kính mặt nhỏ hơn, có 47cm.

Trống bị gỉ nhiều nhưng vẫn thấy được những hoa văn trang trí trên mặt chiếc trống lớn khá giống trống đồng Ngọc Lũ ở những điểm sau: Hoa văn ngôi sao có 14 cánh, giữa các cánh có hoa văn "lông công", chấm dải, vòng tròn tiếp tuyến, dích dắc, người múa hóa trang, chim bay...

Có thể kết luận được rằng: Chiếc trống to, được đặt tên là Đống Lãm 1 dường như là anh em sinh đôi với trống Ngọc Lũ nổi tiếng, tương tự kích thước, giống về nhiều họa tiết hoa văn. Rất tiếc chiếc trống mới tìm thấy bị gỉ nhiều và bị vỡ nên giá trị mỹ thuật không được như Ngọc Lũ.

Từ sự so sánh, có thể thấy, một số trống có kích thước lớn, hoa văn thuộc loại đẹp nhất như Ngọc Lũ, Cổ Loa, Đống Lãm 1 đều có niên đại và chủ nhân chính là cộng đồng người Việt cổ đã tạo nên những làng cổ như làng cổ ở Thái Bình vừa phát hiện, niên đại trống và làng đều vào khoảng vài thế kỷ trước Công nguyên.

Hai chiếc trống nằm trong tầng văn hóa cũng là sự hiếm thấy trong khảo cổ học. Thường thì trống đồng được phát hiện ngẫu nhiên đơn lẻ trong lòng đất (như tài liệu dân tộc học cho thấy người Mường sau lễ hội lại đem trống vào rừng chôn, đến khi có việc mới đem ra sử dụng), chôn giấu của cải (như trong lòng trống Cổ Loa có hàng trăm lưỡi cày và đồ đồng vụn), hình thức làm quan tài trống đồng (hai trống hay một trống một đồ đựng khác úp vào nhau, trong đó có thi thể người quá cố).

Trường hợp trống ở Đống Lãm thì hai trống lồng vào nhau và chôn ngửa. Vậy thì loại trừ trường hợp là mộ quan tài trống đồng. Vậy, phải chăng là trống trôi từ nơi khác theo dòng sông Hồng mà về làng cổ này? Cũng khó có khả năng xảy ra, vì khi đào được, trống được chôn ngay ngắn.

Còn nhiều giả thiết quanh hai chiếc trống này, trống của người làng cổ thì rõ nhưng lý do chôn cất thì vẫn còn là điều bí ẩn, nhất là ở một thời điểm mà xã hội Việt cổ thời đó đầy biến động: Thế kỷ thứ II trước Công nguyên nhà Hán xâm lược đã có chính sách tận thu trống đồng để hủy diệt nền văn minh bản địa và cũng là lúc người Việt chống lại sự đồng hóa phương Bắc mạnh nhất.

Từ nhiều sự so sánh, có thể hình dung ra đôi nét về kinh tế xã hội đương thời: người Việt là chủ nhân trống đồng Đông Sơn cũng như sáng tạo nên văn hóa Đông Sơn. Họ là những cư dân khai phá một vùng châu thổ rộng lớn để trồng lúa nước, kể cả các vùng còn lầy lội, vùng đồng chiêm trũng như Hà Nam, Thái Bình.

Không phải ngẫu nhiên mà sự hình thành dân tộc Việt lại gắn liền với sự bùng nổ xóm làng ở miền châu thổ sông Hồng, kể cả những vùng đồng chiêm trũng như làng cổ mới phát hiện. Trong sự gian lao khai phá đất đai, họ cũng là người sáng tạo nên trống đồng Đông Sơn tuyệt mỹ.

Những mảnh gốm vừa được khai quật ở làng cổ Đống Lãm, Thái Bình.

Trở lại vấn đề "quê gốc" của trống đồng Ngọc Lũ

Chiếc trống đồng đẹp nhất, niềm tự hào của mỗi người Việt là trống đồng Ngọc Lũ mang địa danh của xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, ven dòng sông Châu Giang. Một thời chiếc trống này được dân làng Ngọc Lũ thờ ở đình làng mình.

Mỗi khi có lễ hội, đình đám, trống được mang ra đánh. Đó là vào khoảng cuối thế kỷ XIX, cách đây đã gần 120 năm. Đến năm 1902, nhân có một cuộc trưng bày tại Nhà Đấu Xảo ở Hà Nội (nay là vị trí của Cung Văn hóa Việt-Xô), viên công sứ tỉnh Hà Nam cho đem trống Ngọc Lũ lên trưng bày. Sau trưng bày, Viện Viễn Đông Bác cổ đã mua lại với giá 550 đồng tiền Đông Dương bấy giờ. Từ đó, trống được lưu giữ lại trong Viện này cho đến tận ngày nay, khi Viện Viễn Đông Bác cổ bàn giao lại cổ vật cho Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, để tìm hiểu thêm về giá trị trống Ngọc Lũ, nhất là những vấn đề lịch sử cổ đại quanh trống đồng, các nhà khảo cổ đã lần lại hồ sơ và thấy rằng, thực ra trống Ngọc Lũ được đào trong lòng đất, nhưng lại không phải ở xã Ngọc Lũ mà ở nơi khác.

Đó là vào thời kỳ từ năm 1893 đến 1894, người dân xã Ngọc Lũ trong đó có ông Nguyễn Văn Ý, Nguyễn Văn Túc đi đắp đê sông Hồng ở xã Như Trác, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và đào thấy trống cùng với một chiếc nắp thạp úp trong lòng trống ở độ sâu 2m. Người dân Ngọc Lũ mới đem trống về đình làng mình. Như thế, "quê gốc" của trống Ngọc Lũ phải là Như Trác (nay thuộc về xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân) cách Ngọc Lũ theo đường chim bay khoảng 15km và là ven sông Hồng chứ không phải là ven sông Châu.

Chắc là không ai định đổi tên trống Ngọc Lũ thành trống Như Trác vì trống đã có tên gọi mang tính biểu tượng sâu sắc rồi. Nhưng đối với các nhà khảo cổ thì việc trống Ngọc Lũ đào được ven sông Hồng hay sông Châu lại là một vấn đề quan trọng. Trong dịp khai quật làng cổ này, chúng tôi lại có được một phát hiện ngẫu nhiên mà lý thú: đối diện với làng cổ nơi có trống đồng Đống Lãm vừa nói, chính lại là... nơi đào được trống đồng Ngọc Lũ nổi tiếng: Như Trác.

Đối diện, bên tả ngạn, bên hữu ngạn sông Hồng đã có được hai chiếc trống kích thước to lớn giống nhau, hoa văn đẹp tương tự đã cho thấy thời bấy giờ con sông Hồng đã là đóng một vai trò quan trọng đối với người Việt cổ nhường nào, chính là cái nôi sinh thành dân tộc Việt và nền văn minh Đông Sơn nổi tiếng vậy. Và trong tương lai, khu vực đào được trống Ngọc Lũ, trống Đống Lãm thuộc về hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình chắc là còn ẩn chứa nhiều vấn đề lịch sử người Việt cổ cần được khám phá thêm nữa

Từ khóa » Trống đồng Việt Nam Tìm Thấy ở Thái Lan