Tìm Vàng Trong Máy Tính – Hiểm Họa Khó Lường - Công An Nhân Dân

1. Chiều mùng 4 tết, tôi ghé thăm anh Bảy ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM, làm nghề "phân kim" - nghĩa là tách những kim loại có chứa vàng để lấy vàng. Vừa bước vào nhà, tôi đã ngửi thấy mùi hăng hắc, chua chua mà một lát, tôi mới biết đó là mùi axit sulfuric, axit clohydric bốc ra từ căn phòng phía sau - nơi có mấy người thợ đang chăm chú gỡ từng mẩu linh kiện gắn trong những tấm nhựa mỏng màu xanh lục. Tôi hỏi anh sao khai trương sớm thế? Anh Bảy cười: "Mình làm từ bữa mùng 2, hàng nhiều quá nên phải giải quyết cho lẹ để chuẩn bị nhận lô mới".

"Hàng" mà anh Bảy nói ở đây là những bo mạch chủ (main board) của những chiếc máy tính đời… hồi đó, đã lỗi thời, hết hạn sử dụng, hoặc hư hỏng đến mức không còn có thể sửa chữa được nữa. Nó được các đầu mối ở chợ điện tử Nhật Tảo, quận 10 thu gom từ những người mua bán "ve chai" hoặc từ những cửa hàng kinh doanh thiết bị công nghệ thông tin rồi sau khi lấy đèn hình, vỏ nhựa, dây dẫn, bộ cấp điện, quạt giải nhiệt… để tân trang, tái chế, bán lại cho người có nhu cầu, hoặc để lắp ráp, "mông má" thành máy mới, họ bán bo mạch chủ cho anh Bảy, đổ đồng 350 nghìn/cái. Theo lời anh Bảy, thì anh mới chỉ làm nghề này khoảng 5 năm nay, khi mà số máy tính hư hỏng, thải bỏ ngày càng nhiều.

Anh Bảy giải thích: "Trong bo mạch chủ, các cổng kết nối IDE, khe cắm PCI Express, PCI, AGP, ISA, slot cắm bộ vi xử lý và khe cắm DIMM dành cho RAM đều có phủ một lớp vàng dày từ một đến vài micron". Và mặc dù anh Bảy không cho biết số lượng vàng trong mỗi bo mạch chủ là bao nhiêu, nhưng anh nói cứ mỗi cái, tùy theo đời sản xuất, sau khi tách lấy vàng, anh bán được 500 đến 600 nghìn đồng.

Uống xong ly rượu nhỏ anh Bảy mời, tôi theo anh vào "xưởng tách vàng". Gọi là "xưởng" chứ thật ra đó chỉ là một căn phòng rộng chừng 16m2, có 2 dãy bàn kê đối diện nhau. Trên bàn, ngổn ngang kìm, kéo, tuốcnơvít, mỏ hàn chì, đèn khò cùng những chiếc bình thủy tinh chứa dung dịch axit sulfuric, axit clohyric, thuốc tẩy javen. Ở góc phòng, hàng trăm mảnh rác thải điện tử - là những bo mạch chủ của các hãng Compaq, Acer, Asus, Gygabite, Tatung, Genius… nằm ngổn ngang.

Anh Bảy nói: "Những con chíp vi xử lý đời 286, 386, 486 có nhiều vàng hơn so với thế hệ chíp mới sau này". Tuy là kim loại quý, đắt tiền nhưng với các đặc tính quan trọng như dẫn nhiệt, dẫn điện tốt, lại không bị gỉ sét do ôxy hóa nên ngành công nghiệp máy tính luôn cần đến một lượng vàng khổng lồ.

Tạp chí PC World cho biết mỗi năm trung bình có 130 triệu máy tính mới cứng được tung ra thị trường và mỗi năm có khoảng 40 triệu chiếc trở thành rác thải - chưa kể hơn 20 triệu chiếc cần có linh kiện để thay thế. Chính vì vậy, khá nhiều nơi trên thế giới đã hình thành một nghề - gọi là thu hồi vàng từ máy vi tính.

Theo Tập đoàn Umicore, Mỹ, chuyên về xử lý rác thải điện tử thì cứ 1 tấn bo mạch chủ của máy tính, họ tách được 250gr vàng trong lúc để khai thác 5gr vàng tại một mỏ có hàm lượng cao như mỏ Kalgold ở Nam Phi, cần phải đào bới, vận chuyển, sàng lọc 1 tấn đất, đá, hoặc với 1 triệu chiếc ĐTDĐ, họ thu hồi được 24kg vàng, 250kg bạc, 9kg palladium cùng hơn 9 tấn đồng bằng công nghệ tiên tiến, thích hợp và an toàn cho cả con người lẫn môi trường.

Tuy nhiên, ở TP HCM, chẳng riêng gì "xưởng" của anh Bảy - mà tất cả những "xưởng" khác có quen biết với anh - thì theo lời anh: "Họ cũng làm giống như tụi tôi thôi" - nghĩa là để tách vàng, anh Bảy sử dụng phương pháp điện phân bằng dung dịch axít sunfuric 90% với cực dương là than chì và cực âm là đồng, được tạo hình giống như một cái muỗng để có thể đặt lên đó các thanh kim loại tháo ra từ bo mạch chủ.

Tại những xưởng này, số lượng công nhân chỉ trên dưới 10 người, được chia thành nhiều bộ phận như bộ phận nhận "hàng", rửa sạch những tạp chất bám dính vào "hàng", bộ phận tách linh kiện, bộ phận điện phân. Riêng công đoạn kết tủa vàng thì chỉ chủ cơ sở và người thật thân tín mới biết quy trình pha chế các hóa chất. Anh Bảy nói: "Phải bí mật để họ khỏi ăn cắp nghề và cũng để họ không biết lượng vàng mình thu được là bao nhiêu".

Những thanh kim loại mạ vàng gỡ ra từ máy tính đang chờ được "phân kim".

2. Theo định nghĩa của Công ước Basel do Liên Hiệp Quốc phổ biến vào năm 1995, thì: "Rác thải điện tử hay thiết bị điện - điện tử là những sản phẩm dân dụng và công nghiệp đã đến điểm cuối của vòng đời sử dụng, không còn đáp ứng đuợc mục đích, có chứa chất độc nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người". Cùng với thời gian, lượng rác thải điện tử ngày càng gia tăng khủng khiếp.

Một báo cáo của UNEP (Chương trình Liên Hiệp Quốc về môi trường) cho thấy hàng năm thế giới thải ra khoảng 65 triệu tấn rác điện tử và đến 2017, khối lượng rác điện tử trên thế giới mỗi năm sẽ tăng 33% bởi lẽ hiện tại, hầu như ai cũng có ít nhất một điện thoại di động, một máy tính để bàn, bên cạnh đó còn có máy tính bảng, máy tính xách tay…, chưa kể tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, radio cassette, đầu đĩa CD và các vật dụng điện, điện tử khác ở nhiều hộ gia đình. Những vật dụng này không thể sử dụng suốt đời mà phải thay thế khi hư hỏng, thậm chí khi không còn hợp thời nữa thì bỏ đi, mua cái mới.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 500 nhà máy chuyên sản xuất các thiết bị điện, điện tử, và số sản phẩm bị hư hỏng trong quá trình sản xuất, hoặc lỗi thời, bị loại ra như rác, đang có chiều hướng tăng lên so với những loại rác thải khác. Chưa kể khoảng 20 năm trước, hàng điện tử "second hand" như đầu máy video, tivi màu, được một số thủy thủ tàu viễn dương đưa từ nước ngoài - chủ yếu là Nhật - về bán cho người ít tiền.

Năm 2000, kim ngạch nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử của Việt Nam là khoảng 900 triệu USD. Gần một thập niên sau - năm 2009 - con số này tăng lên 3 tỉ 900 triệu USD, còn bây giờ tròm trèm 9 tỉ USD. Hệ quả là tại Việt Nam, mỗi năm có từ 60 nghìn đến 113 nghìn tấn rác điện tử. Riêng TP HCM mỗi năm có chừng 16 nghìn tấn - bao gồm cả vỏ nhựa lẫn khung kim loại và đến năm 2020, con số rác điện tử có thể lên đến 25 nghìn tấn.--PageBreak--

Tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh Thuận - là người làm công cho anh Bảy. Không nhìn tôi và cũng chẳng nói năng gì, Thuận bốc một nắm những thanh kim loại bé tí đã được các công nhân khác gỡ ra từ những linh kiện trong bo mạch chủ, đặt lên chiếc thìa bằng đồng rồi nhúng vào chiếc bình thủy tinh đựng dung dịch axít. Nguồn điện sử dụng cho việc điện phân là một chiếc bình ắc quy 12V.

Anh Bảy nói: "Khi dòng điện chạy qua các cực thì quá trình điện phân sẽ xuất hiện. Đồng ở cực âm và các thanh kim loại tan ra rồi bám vào cực dương là than chì, còn vàng và các tạp chất khác lắng đọng thành cặn ở phía dưới". Bo mạch chủ sau khi lấy hết linh kiện được coi là "rác của rác".

Để xử lý vàng và những tạp chất khác, còn phải qua nhiều công đoạn nữa. Axit có chứa vàng được Thuận pha loãng rồi lọc bằng giấy lọc. Tiếp theo, hỗn hợp vàng được hòa tan bằng axit clohydric hàm lượng 35% và nước tẩy javen 5%. Quá trình hòa tan sinh ra khí clo - là loại khí cực độc - từng được một số quốc gia sử dụng làm vũ khí sinh học nhưng ở đây, anh Bảy và các công nhân "coi như phá"! Họ không cần sử dụng mặt nạ phòng độc, thậm chí khẩu trang cũng không có mà trang bị bảo hộ chỉ là những đôi găng tay bằng cao su.

Khi tôi nêu thắc mắc, anh Bảy chỉ vào cái quạt máy cỡ lớn rồi cười: "Không sao đâu. Chỉ có một ít clo thôi. Với lại tôi cho quạt thổi ra ngoài cửa sổ bay hết. Anh em tụi tôi làm đã mấy năm rồi mà có ai bị gì đâu".

Khí clo sinh ra tác dụng với vàng nằm trong giấy lọc, hình thành clorua muối vàng. Sau cùng, Thuận lọc thêm một lần nữa. Anh Bảy cho biết: "Giấy lọc sẽ giữ lại tạp chất, còn muối vàng chảy xuống đáy bình. Để kết tủa dung dịch muối vàng, tôi dùng Natri Hydro Sulfit". Chỉ cho tôi xem lớp bột óng ánh nằm dưới đáy bình, anh Bảy cho biết đó là vàng: "Bây giờ, chỉ cần dùng đèn khò, khò cho nó chảy ra là xong".

Tôi quan sát mẩu vàng hình tròn sau khi "khò", nó chỉ nhỏ bằng nửa hột đậu xanh trong lúc một công nhân của anh Bảy gom những bo mạch chủ đã lấy hết những linh kiện có chứa vàng, dồn vào cái bao tải lớn. Tôi hỏi anh Bảy xử lý số "rác" đó ra sao? Anh Bảy cười: "Thì cho vào bao rồi để xe rác tới lấy. Còn họ đốt hay chôn hay làm gì đó là chuyện của họ".

Tôi hỏi tiếp, rằng ở TP HCM có nhiều người làm nghề như anh không? Anh Bảy đáp: "Tôi không nắm hết nhưng những người tôi quen biết, thường xuyên gặp họ để trao đổi về kinh nghiệm và giá cả, thì khoảng trên dưới 30 người".

3. Tất cả rác điện tử mà cơ sở "phân kim" của anh Bảy thải ra, có nhiều chất cực độc như thủy ngân, chì, antimony trioxide, polybrominate, selenium, cadmium, chromium… Cadmium chẳng hạn, ký hiệu Cd, màu trắng ánh xanh, thường tồn tại trong các quặng kẽm và được sử dụng chủ yếu để chế tạo các loại pin dùng cho máy tính, điện thoại di động, máy chụp hình. Cd và các dung dịch, các hợp chất của nó là những chất cực độc, thậm chí chỉ với nồng độ thấp, chúng vẫn gây hại cho cơ thể.

Trong máy tính, nó là chất tạo ra sự ổn định cho tấm silicon của bo mạch chủ. Nếu thường xuyên hít thở phải bụi có chứa cadmium, lâu dài sẽ dẫn đến các bệnh lý đối với hệ hô hấp và thận, thậm chí tử vong - thông thường là do suy thận. Nuốt phải một lượng nhỏ cadmium có thể phát sinh ngộ độc tức thì do tổn thương gan, thận.

Các hợp chất chứa cadmium cũng là chất gây ung thư. Ở các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Nhật Bản, ngộ độc cadmium là nguyên nhân của bệnh itai-itai - tiếng Nhật nghĩa là "đau, đau". Ngoài tổn thương thận, nạn nhân của cadmium còn phải chịu các chứng loãng xương. Hay như polybrominate, là chất chống cháy, giúp cho máy tính không bị cháy khi nhiệt độ tăng lên quá cao. Nếu tiếp xúc lâu dài với nó, sẽ gây rối loạn thần kinh trung ương, buồn nôn, đau bụng, chán ăn, đau cơ, khớp.

Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì polybrominate cũng là chất gây ung thư gan, phổi, dạ dày…

Vậy mà anh Bảy cùng công nhân của anh, hàng ngày trực tiếp xử lý những bo mạch chủ chứa cadmium, thủy ngân, chì, polybrominate, nhưng lại không hề có trang bị bảo hộ gì ngoài đôi găng tay cao su. Theo Viện Khoa học - Môi trường thuộc Đại học Kỹ thuật Hà Nội, thì hơn 92% đơn vị thu gom rác thải điện tử hoạt động không có giấy phép, trong số này có đến 97% là những cơ sở tư nhân làm ăn nhỏ lẻ, và đương nhiên phương pháp xử lý đều mang tính thủ công, rất nguy hiểm đối với người trực tiếp thực hiện cũng như với môi trường.

Một giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết: "Phần lớn những rác thải điện tử ở nước ta đang đi theo hướng tái sử dụng. Còn nếu không sử dụng được nữa thì mới đưa ra bãi chôn lấp. Với quan niệm "cũ người, mới ta", một tivi thải ra thì tân trang rồi bán cho người ít tiền chứ không vứt đi".

Rác thải điện tử khi đem chôn lấp cũng là vấn đề đối với môi trường vì nếu không xử lý triệt để, những chất độc như chì, thủy ngân, cadmium… sẽ thấm vào nguồn nước ngầm, hoặc phân tán trong đất rồi tích lũy trong những loại rau, củ, động vật, gia cầm, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Chính vì vậy, đầu tháng 8 năm ngoái, Chính phủ đã ban hành quyết định về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, từ đầu năm 2015, các loại ắc quy, pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thuốc sử dụng cho người, dầu nhớt, mỡ bôi trơn… thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý.

Sang đầu năm 2016, máy photocopy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy giặt, săm, lốp thải bỏ phải bị thu hồi và đến đầu năm 2018, những loại phương tiện thải bỏ như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô các loại sẽ buộc phải thu hồi và xử lý

Từ khóa » Tách Vàng Từ Cpu