Tin đồn Bắt Cóc Trên Mạng Xã Hội Khiến Con Nít Cũng Hoảng!

Nỗi sợ của con trẻ

Kể cho chúng tôi về nỗi bất ổn, em Thảo Anh (13 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Trước đây con thường đạp xe một mình đến trường, nhưng sau các vụ bắt cóc đọc được trên mạng, con phải nhờ ba hoặc mẹ chở đến trường. Đi học thêm chỉ cách nhà 2 cây số nhưng con phải có người chở, đi một mình con rất sợ”.

Cha mẹ em lại thấy... bực vì con gái cứ ở ru rú trong nhà, sai làm việc gì mà phải đi ra đường là con từ chối vì sợ bị “bắt cóc”.

Sự bất an của Thanh Ba (12 tuổi, Dĩ An, Bình Dương) cũng tương tự: “Mỗi lần con lên mạng và chỉ cần gõ "bắt cóc trẻ em" là ra quá trời kết quả. Ở lớp, các bạn cũng bàn tán về các vụ bắt cóc trẻ em. Thậm chí các bạn còn kể những vụ bắt cóc trẻ em để mổ lấy nội tạng hoặc lớn như tuổi con bị bắt đi bán dâm. Con sợ đến nỗi không dám ở nhà một mình như trước. Con cứ tưởng tượng người lạ sẽ đột nhập bắt cóc hai chị em”.

Nhưng những nỗi lo sợ này của con trẻ không thể được dập tắt bằng mệnh lệnh của người lớn, rằng "đó chỉ là tin đồn"! Cha mẹ cần làm nhiều hơn thế...

Hành động của cha mẹ

Với mỗi sự việc, hầu hết con trẻ đều mong muốn được chia sẻ quan điểm từ phía cha mẹ. Tuy nhiên, sự chia sẻ trẻ nhận được có khi là các bài học và các quy tắc bắt buộc chưa rõ lý lẽ đối với trẻ.

Nói về chuyện xâm hại hoặc bắt cóc trẻ em chẳng hạn, nhiều bậc cha mẹ còn không muốn chia sẻ trực tiếp. Thay vào đó, chỉ nói con không được làm thế này, con phải làm thế kia. Việc này cũng giống như việc cha mẹ dùng hình ảnh ông kẹ để dọa trẻ con vậy.

Cuộc sống hiện đại với việc tiếp cận thông tin dễ dàng khiến tư tưởng của trẻ càng phát triển, trong khi nhiều bậc cha mẹ lại thấy tư tưởng của mình ngày càng không phù hợp với trẻ, từ đó có thể đưa ra những ý kiến mang tính ép buộc.

Tuy nhiên, không đứa trẻ nào thích bị bắt buộc, nếu cha mẹ không chia sẻ với con một cách cụ thể, rõ ràng và thuyết phục, càng khiến trẻ trở nên hoang mang. Do vậy, để trẻ không bị rối và có nhận thức rõ ràng, cha mẹ không chỉ cần nắm rõ các vấn đề của xã hội mà còn cần học cách chia sẻ những vấn đề nhạy cảm này một cách tế nhị, phù hợp với tâm lý và cách tiếp nhận của trẻ.

Chính vì vậy, TS giáo dục Nguyễn Minh Thức (Đại học Nguyễn Huệ) gợi mở: “Khi xuất hiện một thông tin có vẻ gây bất an, người lớn nên giúp trẻ nhận biết nguồn gốc, nội dung, mục đích thông tin đó”.

Theo TS Thức, cần dạy trẻ phân tích, sàng lọc thông tin, mà đặc biệt là kiểm chứng nguồn tin. Giúp trẻ cảnh giác với thông tin mạng cũng như các blog cá nhân. Nhất thiết cần phân tích để kiểm chứng độ xác thực thông tin. Nếu thông tin chính thống thì cùng trẻ trao đổi rõ ràng.

“Giúp con trẻ không nên tin ngay vào những gì mình nghe, mình đọc được mà còn phải trực tiếp quan sát, trao đổi thì đó mới là cách tiếp nhận có trách nhiệm” - TS Thức nhấn mạnh.

Không tham gia “buôn chuyện”

Trước những tin đồn đang bị thêm thắt, nhảm nhí hay những thông tin bịa đặt, cha mẹ nên dạy trẻ không nên tham gia "buôn chuyện", rồi truyền tin. Tốt nhất, trẻ nên biết giữ im lặng khi thấy mọi người đang bàn tán một câu chuyện chỉ với mục đích giải trí, nói đùa cho vui.

Khi con trẻ băn khoăn về một điều gì đó nên trao đổi thêm với cha mẹ, thầy cô hoặc với người nào mình tin tưởng để sàng lọc được thông tin.

Từ khóa » Hình ảnh Trẻ Em Bị Bắt Cóc Lấy Nội Tạng