Tín Ngưỡng Bản địa | Patrimoines Partagés - France Vietnam

Nhìn từ kiểu/loại, tư liệu thuộc mảng này là ấn phẩm độc lập và các bài viết trên báo chí, chủ yếu trên Nam Phong tạp chí, Tri tân, Bulletin des amis du Vieux Hué. Xét về hình thức văn tự, các văn bản về tín ngưỡng bản địa được viết chủ yếu bằng chữ quốc ngữ, và chữ Pháp, trong đó tư liệu bằng chữ quốc ngữ chiếm số lượng lớn hơn. Về thời gian và không gian địa lý, các ấn phẩm chủ yếu xuất hiện từ những năm 1920 đến 1945 tại một số thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội (Việt Nam), và Paris (Pháp).

Ở mảng tiếng Pháp:

Thuộc số ấn phẩm xuất hiện sớm nhất là Psychologie du Peuple Annamite của Paul Giran xuất bản năm 1904. Trong cuốn sách, ông đã tập hợp và nhận định những trải nghiệm, hiểu biết của mình về Việt Nam. Vấn đề đức tin trong hình thức tôn giáo và triết học được tác giả bàn trong chương 3 “Sự tiến hóa xã hội và chính trị”. Theo Paul Giran, các ý niệm này sẽ tạo cảm hứng cho phong tục tập quán, pháp luật – tức tổ chức xã hội, chính trị của một chính thể, một dân tộc. Đây là nguồn tư liệu có giá trị lịch sử, nhưng là một nghiên cứu gây tranh cãi do lập trường thực dân.

Năm 1926, ra đời một nghiên cứu về hội kín và các phong trào khởi nghĩa ở Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đến những năm 1920 mang tên Les Sociétés secrètes en terre d’Annam của tác giả Georges Coulet. Khi trình bày về các hoạt động đó, tác giả đã miêu tả hoặc cung cấp nhiều thông tin về các thầy phù thủy, về vai trò của phép thuật trong các hội kín, về những biểu tượng tĩnh như bùa hộ mệnh, ấn, cờ, sắc phong và những biểu tượng động như bài trí khung cảnh, những cử chỉ bí mật... – tức là vai trò của tôn giáo và tín ngưỡng trong các hội kín. Và theo khẳng định của tác giả thì, cũng như tôn giáo, nhiều tín ngưỡng bản địa Việt Nam thời kỳ đó đã cung cấp cho hội kín nghi lễ, lý tưởng đạo đức, và địa điểm hoạt động, giúp kết nối các thành viên, và trong các hoạt động của hội kín.

Khoảng những 1940, Léopold Cadière là học giả có đóng góp nổi bật trong phạm vi nghiên cứu này, với công trình Croyances et pratiques religieuses des Annamites (Impr. d'Extrême-Orient, Hanoi, 1944). Đây là chuyên khảo thực hiện theo phương pháp thực chứng (điền dã) kết hợp khảo sát văn bản, và tinh thần khách quan. Công trình đề cập đến nhiều hình thức tín ngưỡng của người Việt, như: tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, nhân thần, linh thần, tập tục thờ cúng tổ tiên, thành hoàng… Vì vậy, có thể xem đây là một tư liệu sinh động và quan trọng về tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam bản địa.

Ngoài ra, trong những năm 1930-1940 cũng xuất hiện nhiều tư liệu nghiên cứu bằng tiếng Pháp đi vào các hình thức tín ngưỡng riêng biệt, như:

- Tục thờ cúng tổ tiên: “Le Culte des ancêtres: précédé d’un exposé sur le bouddhisme, le taoïsme et le confucianisme” của Emile Tavernier in trong Société des études indochinoises, tome 1, n° 2 (1926) ; hai bài phê bình các cuốn  « Le culte des ancêtres en droit annamite » của M. Lê-Van-Dinh et « La polygamie dans le droit annamite » của M. Bui-Tuong-Chieu do Emile Tavernier viết và in trong Société d’enseignement mutuel du Tonkin, tome 14 (1934), v.v.

- Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng: « Essai sur le Dinh et le culte du génie tutélaire des villages au Tonkin » in trong Bulletin de l’école française d'Extrême-Orient, tome 30 (1930) ; De la cité jaune à l’Etat moderne »: introduction à l’étude de l’évolution de l’Extrême-Asie (1930) của H. Le Bréton, v.v.

- Tín ngưỡng thờ mẫu: “Documents concernant le temple Dên-Song, au Thanh-Hoa” của A. Lagrèze in trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, n° 1, Janv.-Mars 1941, v.v.

Dưới một hình thức đặc biệt, năm 1935, École d’art de Giadinh đã ấn hành tại Paris loạt sách tranh, Monographie dessinée de l’Indochine, về nghi lễ, tập tục, kỹ thuật, thương nghiệp của từng xứ trong liên bang Đông Dương, trong đó có 8 tập về Nam Kỳ, là:  Sites et gens (3 tập), Agriculture, industrie et commerce (3 tập), Théâtre sino-annamite, culte. Và năm 1938, là 4 tập về Bắc Kỳ mang tên Tonkin - Sites, Gens, Industrie, Commerce et Culture.

Mảng tư liệu chữ quốc ngữ:

Thời kỳ đầu chủ yếu là các bài báo khảo về các tập tục, tín ngưỡng truyền thống: lễ tế giao, tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ thành hoàng, tín ngưỡng thờ mẫu, thờ tổ nghề,… Trường hợp đặc biệt là các bài báo của Phan Kế Bính đăng trên Nam Phong tạp chí sau đó được tập hợp lại, in thành cuốn Việt Nam phong tục (1915). Nhũng năm tiếp sau, nhiều bài báo, khảo cứu nối tiếp các chủ đề trên, như: Đồng cốt kinh (1928); chùm bài về Tế Giao trên Nam Phong tạp chí các số 10, 45, 86, 182…; Tế Nam-giao của Nguyễn Xuân Nghị (1936); Việt Nam quốc lễ : Tế Nam Giao (1942) của Phương Nam, Hội phủ Giầy: Sự tích đức Liễu Hạnh công chúa (1942) của Phạm Quang Phúc, v.v.

Đến những năm 1930-1940, có thể tìm thấy những đánh giá về tín ngưỡng Việt Nam truyền thống trong các công trình của nhiều học giả Việt Nam, như Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Đào Duy Anh; Nguồn gốc văn minh, Văn minh sử (1943) của Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, La Civilisation annamite (tức Văn minh Việt Nam, 1944) của Nguyễn Văn Huyên, v.v.

Đây là những khảo cứu văn hóa thể hiện rất rõ rệt khát vọng của tầng lớp trí thức bản địa, đó là kiến tạo một nền văn hóa dân tộc đối diện với văn hóa thực dân. Đồng thời, qua những khảo cứu đó, quan điểm thực dân và dân tộc của các tác giả cũng được thể hiện rõ ràng.

 

Đăng tải tháng 2 năm 2021

Từ khóa » Tín Ngưỡng ở Việt Nam