Tín Ngưỡng Thờ Linga Và Yoni Của Người Champa
Có thể bạn quan tâm
Khi Ấn Độ giáo ra đời, theo thần thoại về Siva, thì vị thần này xuất hiện đầu tiên là một cột lửa hình dương vật. Sau này, con người đã biểu tượng hóa (Linga và Yoni) để thờ thần Siva, coi Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần. Dạng Linga kết hợp với Yoni hay còn gọi là Linga-Yoni được coi là biểu tượng sự sáng tạo của thần Siva. Ở dạng này, thần Siva còn được gọi là “Thần giấc ngủ”.Bộ phận sinh thực khí Linga –Yoni thường được thờ trong tháp Chăm, biểu tượng cho thần Siva và sự sinh sôi, phát triển.
Tượng thần Shiva bằng đá cát, cuối thế kỷ XII ở Tháp Mẫm, An Nhơn, Bình Định. Hiện Trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Linga, Yoni không chỉ được tôn thờ ở Ấn Độ, mà còn được tôn thờ khá phổ biến ở các nước có sự tiếp thu và chịu sự ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, trong đó có Chămpa lúc bấy giờ.
Linga và Yoni ở Chămpa có những đặc điểm riêng của nó và không ở đâu Linga -Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa dạng và kích thước lớn như ở Champa. Loại hình Linga, Yoni ở Chămpa có thể được coi là một trong những biểu hiện về sự ảnh hưởng sâu đậm văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ mà Chămpa lại là biểu hiện mạnh mẽ nhất về Chămpa hóa những yếu tố văn hóa, tôn giáo tiếp thu được của Ấn Độ giáo.
Hình tượng Linga ở điêu khắc Chămpa có một đặc điểm gần như phổ biến là trên đầu Linga thường hơi bằng, trừ số rất ít có hình vòng cầu hoặc hình chóp. Linga có ba loại cơ bản. Loại chỉ là một khối bốn cạnh. Loại Linga có hai phần, phần trên là khối hình trụ tròn, phần dưới là khối bát giác hoặc khối vuông. Loại thứ ba gồm có ba phần, phần trên là khối hình trụ tròn, phần dưới là khối bát giác, ở phần dưới cùng là khối vuông. Loại thứ ba khá phổ biến ở điêu khắc Chămpa, là biểu thị ý niệm tôn thờ cả ba vị thần của Ấn Độ giáo (Brama, Visnu, Siva) còn được gọi là “Tam vị nhất linh”, trong chừng mực nào đó lại mang ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố vương quyền ở Chămpa. Mặt khác, việc biểu thị Linga gồm ba phần như trên có thể còn mang ý nghĩa triết học của duy vật tự phát về sự giải thích quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của sự vật, cũng như việc quy tụ các vị thần thánh ba ngôi tối linh trong Ấn Độ giáo, là sự giải thích thế giới trong sự vận động với ba khuynh hướng tất yếu và căn bản là: sáng tạo (vật được sinh ra), bảo tồn (vật được tồn tại), hủy diệt (sự vật được biến đổi sang cái mới) của triết học Ấn Độ.
Ngoài ra Linga còn thể hiện loại hình có mặt người trên đỉnh, được gọi là Mukha-Linga. Hầu như trong điêu khắc Chămpa chỉ mới thấy một trường hợp, đó là Mukha-Linga ở trong lòng tháp chính Po klaun Garai và đó cũng có thể là hình tượng muốn biểu thị vua Po klaun Garai. Đối với trường hợp này, cho thấy sự biểu thị có hàm ý muốn nhấn mạnh sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền một cách chặt chẽ.
Hình tượng Yoni trong điêu khắc Chămpa cũng rất đa dạng, nhìn chung có các loại hình chính như loại khối hình chữ nhật hoặc gần khối vuông, loại hình khối tròn, được trang trí xung quanh hình cánh sen và đặc biệt Yoni loại khối tròn nhưng xung quanh lại trang trí hình ngực phụ nữ
Thông thường Linga và Yoni kết hợp với nhau tạo thành một chỉnh thể gọi chung là Linga-Yoni. Đa số mỗi bệ Yoni, trên đó được thể hiện một Linga; nhưng trong điêu khắc Chămpa có trường hợp ở bệ được thể hiện trên đó nhiều Linga và đặc biệt hơn nữa là trên Yoni lại được thay thế Linga bằng hình người (hay thần) ngồi trên đó, như bộ Yoni ở tháp chính Po Naga Nha Trang, có thể đây là hình tượng nữ thần Po Naga.
Tượng Linga- Yoni hiện đang trưng bày tại khu trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Hiện nay ở khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang trưng bày tượng LINGA – YONI, được làm bằng chất liệu đá cát, phục chế thế kỷ 9- thế kỷ 10, theo mẫu ở tháp Chiên Đàn, khu phế tích An Mỹ, xã Tam An, Phú Ninh, Quảng Nam.
Như vậy Linga và Yoni trong điêu khắc Chămpa rất đa dạng loại hình và có thể được hàm ý mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Chắc chắn không chỉ đơn thuần là biểu tượng của thần Siva theo cách nghĩ thông thường. Điều đó cũng đã nói lên rằng vì sao rất nhiều ý kiến khác nhau của việc giải thích về hình tượng Linga, Yoni trong điêu khắc Chămpa.
Cụm tháp Chăm Pô shai nư (Phan Thiết, Bình Thuận), xây dựng thế kỷ thứ VIII thờ thần Shinva, trong đó tại tháp A có bệ thờ Linga-Yoni.
Có thể nói, thế giới thờ cúng linga và yoni ở Mỹ Sơn ngoài mặt giá trị nghệ thuật, di sản còn phản ánh cả một thế giới văn hoá tín ngưỡng hết sức đặc sắc của người Chăm xưa. Bởi đó là thế giới của thần linh, của sự mong ước sinh sôi nảy nở, hoà hợp âm dương, của năng lực sáng tạo và cũng là thế giới biểu tượng cho sự chính thống, quyền uy và vĩnh cửu của một vương triều đã tạo dựng nên nó. Đặc biệt, linga và thần Siva còn chính là hiện thân của đấng bảo hộ cho các triều vua Chămpa, và rất nhiều lí do khác nữa mà chúng ta chưa có cơ may được hiểu thấu ngọn ngành.
Nguyễn Thu Hương-Phòng TBNT&KGTN (Tổng hợp)
Tài liệu tham khảo :
- Tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt Nam (phần văn hóa Chăm)của Trần Ngọc Thêm.
- Luận ánĐiêu khắc đá Chăm Pa (phần Linga)của Phạm Hữu Mý.
Từ khóa » Tín Ngưỡng Thần Vua Của Người Chăm
-
Tổng Quan Về Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Của Người Chăm
-
Tôn Giáo Của Người Chăm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những Linh Vật Linh Thiêng Thờ Cúng Của Người Chăm Pa
-
Tín Ngưỡng Của Người Chăm Và Những Văn Hóa độc đáo
-
Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Của Tín Ngưỡng- Tôn Giáo ở Vương ...
-
Mẫu Po Inư Nưgar Trong Tâm Thức Người Chăm - Báo Đắk Lắk điện Tử
-
[PDF] ĐỜI SỐNG, LỄ HỘI, PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI CHĂM
-
Người Chăm Và Văn Hóa Chăm ở Việt Nam - BBC News Tiếng Việt
-
Tìm Hiểu Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Của Người Chăm Qua Hình Tượng ...
-
Tín Ngưỡng Của Người Chăm Hồi Giáo Tại TP. Hồ Chí Minh
-
Tín Ngưỡng Phồn Thực Tạo Nên Bản Sắc Chăm
-
[PDF] NHẬN DIỆN CỘNG ĐỒNG CHĂM BÀNI Ở VIỆT NAM
-
[PDF] Quá Trình Hình Thành Tôn Giáo Bani