Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Là Gì? Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Có ý Nghĩa Như Thế ...

NỘI DUNG BÀI VIẾT
  •  
  • Tín ngưỡng thờ Mẫu là gì?
    • Thờ Nữ thần
    • Thờ Mẫu thần
    • Thờ Tam phủ - Tứ phủ
  • Ý nghĩa tín ngưỡng thờ Mẫu? 
    • Giúp phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc
    • Tôn vinh vai trò của người phụ nữ
    • Đáp ứng nhu cầu và khát vọng của con người
  • Tín ngưỡng thờ Mẫu Bắc Bộ khác Nam Bộ, Trung Bộ thế nào?
    • Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ
    • Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Trung Bộ
    • Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ

Tín ngưỡng thờ Mẫu là gì?

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian có lịch sử lâu đời gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước Việt Nam và biến chuyển, thích ứng với sự thay đổi của xã hội.

Thờ Mẫu chính là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ; được người đời cho rằng có quyền năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người như: trời, đất, sông nước, rừng núi….; thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được hình thành và phát triển từ tín ngưỡng bản địa thờ Nữ thần và Mẫu thần với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người, rồi tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để đạt đến đỉnh cao là đạo thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Tới thế kỷ 17-18, khi mẫu Tam phủ, Tứ phủ đã được hình thành và phát triển thì nó lại Tam phủ, Tứ phủ hóa tục thờ Nữ thần, Mẫu thần.

tin-nguong-tho-mau-la-gi-tin-nguong-tho-mau-co-y-nghia-nhu-the-nao-1

Thờ Nữ thần

Được thờ có thể là nhiên thần như: Thần sấm, thần Mây, thần Mưa, thần Chớp (Tứ pháp), Mẹ Lúa, Mẹ Chim, Mẹ Cá…có thể là nhân thần như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Ỷ Lan, Bà Trưng, Bà Triệu…

Thờ Mẫu thần

Sự phát triển từ thờ Nữ thần, trong đó chỉ có những Nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn là Mẫu. Danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Trong thờ Nữ thần có các nữ thần không bao hàm  yếu tố này như các “bà cô” (những người phụ nữ không có chồng, con hoặc chết trẻ).

Thờ Tam phủ - Tứ phủ

Đây chính là mức phát triển cao về nhiều mặt từ thờ Mẫu thần. Ở tín ngưỡng Tam phủ - Tứ phủ đã có sự “chưng cất” từ tín ngưỡng đa thần về một số vị nữ thần cơ bản và gọi là Mẹ, Mẫu, bao gồm: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thủy), Mẫu Địa (Địa Tiên Thiên Thánh Mẫu). Bốn vị Mẫu trên đại diện cho bốn không gian địa lý khác nhau, trong đó mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản vùng trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi, Mẫu Thoải cai quản ở vùng sông nước, Mẫu Địa cai quản miền đất.

Ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành của Việt Nam (các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra và thành phố Hồ Chí Minh) đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

21 tỉnh có tín ngưỡng thờ Mẫu gồm: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ đón bằng UNESCO ghi danh "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đã diễn ra vào ngày 2/4/2017.

tin-nguong-tho-mau-la-gi-tin-nguong-tho-mau-co-y-nghia-nhu-the-nao-2

Ý nghĩa tín ngưỡng thờ Mẫu? 

Tín ngưỡng thờ Mẫu là nét sinh hoạt văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tâm linh người Việt suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Giúp phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc

Thờ Mẫu là tín ngưỡng mang đậm bản chất bản địa và hàm chứa giá trị nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc, giúp phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm.

Mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là sự xuất hiện truyền thuyết mẹ Âu Cơ cùng với Lạc Long Quân sinh ra bọc “trăm trứng”. Truyền thuyết này tôn vinh người mẹ đối với vấn đề đoàn kết dân tộc, là sự kế thừa tín ngưỡng thờ Mẫu trong lịch sử, phản ánh nhu cầu đặt ra cho cả cộng đồng người Việt phải đoàn kết mới tồn tại và phát triển.

Trong suốt gần một nghìn năm Bắc thuộc và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những giá trị trong truyền thống nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng vẫn không ngừng được hun đúc trở thành sức mạnh đoàn kết to lớn ở phương diện văn hóa dân tộc giúp đất nước ta chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền.

Tôn vinh vai trò của người phụ nữ

Trong cuộc kháng chiến chống Tống, tín ngưỡng thờ Mẫu khẳng định vai trò đối với vận mệnh dân tộc và đã phát triển gắn với những con người phụ nữ có thật được huyền thoại hóa thành Thánh Mẫu là Nguyên phi Ỷ Lan. Nguyên phi Ỷ Lan vốn là một thôn nữ, được Vua tuyển dụng làm phi và với đức độ, tài năng giúp Vua lo việc nước. Với hai lần nhiếp chính dẹp thù trong và chống giặc ngoài cùng một lúc đã nâng tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam lên tầm cao mới. Với công đức của Nguyên phi Ỷ Lan, nhân dân ta đã tôn vinh Bà như một vị thánh bằng việc xây dựng đền thờ và các lễ hội hàng năm để tô thắm giá trị, ý nghĩa văn hóa dân tộc của tín ngưỡng Mẫu đối với vận mệnh đất nước.

tin-nguong-tho-mau-la-gi-tin-nguong-tho-mau-co-y-nghia-nhu-the-nao-3

Thánh Mẫu Liễu Hạnh lại được huyền thoại hóa khác với Nguyên phi Ỷ Lan. Nguồn gốc lại là một tiên nữ trên trời do đánh vỡ cái ly ngọc quý và bị đầy xuống trần gian rồi gần gũi, hòa mình vào cuộc sống thực của người lao động. Sau khi về trời, nhưng vì nhớ cõi trần nên đã giáng thế lần hai. Khác biệt với lần trước, lần này Liễu Hạnh đi chu du khắp thiên hạ và trừng phạt những kẻ thất đức, trong đó có cả hoàng tử con vua ngỗ ngược. Mặc dù có nhiều dấu hiệu của huyền thoại thể hiện tư duy trừu tượng của dân chúng tăng lên, nhưng vẫn mang đặc trưng của cách tạo thần, tạo thánh đậm sắc thái Việt Nam. Nó cũng nằm trong cái chung của niềm tôn kính nữ thần đất Việt và là bậc siêu thoát thanh cao trong sự thống nhất giữa Tiên - Phật - Thánh - Thần, đồng thời là khát vọng yêu thương nơi trần gian, là cốt cách, tâm hồn, đức hạnh người phụ nữ Việt Nam trinh - từ - hiếu - thuận. Những phẩm giá đó trở thành bậc “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong “tứ bất tử” của văn hóa tôn giáo dân tộc ta.

Ngoài những dấu ấn lịch sử trên còn có những biểu hiện khác của phát triển Thánh Mẫu Việt Nam. Vẫn theo mô tuýp tạo thần, tạo Thánh Mẫu của cộng đồng người Việt sống với nền văn minh lúa nước, phải đoàn kết chống thiên nhiên khắc nghiệt và chống giặc ngoại xâm tàn bạo thì còn biết bao những Thánh Mẫu ở từng địa phương, từng vùng và từng thời đại cụ thể. Chẳng hạn như: Tiên Dung Công Chúa gắn với Chử Đồng Tử ở Hưng Yên; Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh; Bà Chúa núi Bà Đen ở Tây Ninh; Vương Mẫu (Mẹ của Thánh Gióng) ở Hà Nội...

Nho giáo với tư tưởng "trọng nam khinh nữ" khi vào Việt Nam, những quan niệm về coi thường phụ nữ đã mất đi rất nhiều bởi sự tôn vinh vai trò người mẹ, mà biểu hiện tập trung ở tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Cái nhân của cá nhân bậc quân tử lại mang tính đại chúng, tính dân tộc rất cao và góp phần tích cực vào bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước.

Thiên Chúa giáo với vai trò tối cao của Đức Chúa Giêsu ở nước ngoài, nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì vị trí Đức Mẹ Maria lại được nâng cao lên. Những sự kiện lịch sử đó cho thấy, mặc dù sự xâm nhập của các tôn giáo, các đạo nước ngoài vào Việt Nam có sức mạnh rất lớn, được “hộ tống” bởi chính trị, quân sự, nhưng đều bị “Việt Nam hóa” bởi tín ngưỡng thờ Mẫu.

Hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời minh chứng cho sự tôn vinh người phụ nữ. Sự tôn vinh Mẹ Việt Nam Anh hùng chính là tiếp nối truyền thống phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam và mang bản sắc văn hóa tôn giáo dân tộc sâu sắc. 

Đáp ứng nhu cầu và khát vọng của con người

Thực hành cơ bản của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là thỏa mãn nhu cầu và khát vọng về cầu sức khỏe, bình an, làm ăn phát đạt… hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người.

tin-nguong-tho-mau-la-gi-tin-nguong-tho-mau-co-y-nghia-nhu-the-nao-4

Bên cạnh tính tâm linh thì nghi lễ hầu đồng có sức hút mạnh mẽ, hấp dẫn đông đảo người dân vì hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật: trình diễn, trang phục, hội họa, âm nhạc, ca từ… đặc biệt tính tương tác cao giữa người thực hành nghi lễ và những người dự hầu nên đã lôi cuốn người dân đến với tín ngưỡng. Những người thực hành tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thầy đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Bắc Bộ khác Nam Bộ, Trung Bộ thế nào?

Đạo Mẫu theo chân người Việt di cư vào phương Nam trong quá trình Nam tiến. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã giao thoa, tiếp biến với các tục thờ Mẫu của người Chăm, người Khmer, từ đó tạo nên các dạng thức địa phương của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ

Tại Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời tiền sử, tới thời phong kiến một số Nữ thần đã được cung đình hóa và lịch sử hóa để thành các Mẫu thần với việc phong thần của nhà nước phong kiến như Quốc Mẫu, Vương mẫu, Thánh Mẫu, chẳng hạn hiện tượng thờ Mẫu Âu Cơ, Quốc Mẫu Tây Thiên, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh nương, Đinh Triều Quốc Mẫu.

Từ thế kỷ 15 trở đi, hình thức thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được định hình và phát triển mạnh, đây cũng là thời kỳ xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Trung Bộ

Đặc trưng cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Trung Bộ là không có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần như thờ Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và hình thức thờ Mẫu thần như thờ Thiên Y A Na (Bà Chúa Ngọc - Po Ino Nưgar).

tin-nguong-tho-mau-la-gi-tin-nguong-tho-mau-co-y-nghia-nhu-the-nao-5

Phật Giáo là một tín ngưỡng dân gian của Huế, tích hợp Đạo giáo Trung Hoa đã thoái hóa với tín ngưỡng thờ Mẫu và nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác của người Việt. Sự ra đời của tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo ở Huế xuất phát từ sự gắn kết của Hội Sơn Nam với ngôi điện Huệ Nam thời Nguyễn. Hội Sơn Nam là những người dân từ Nam Định di cư vào Huế từ thời tiền Nguyễn. Tín ngưỡng đặc trưng của hội này là tín ngưỡng thờ Mẫu kết hợp với việc thờ Đạo giáo đã thoái hóa. Còn Huệ Nam điện vốn là ngôi đền thờ PoNagar của người Chăm. Tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo, người Việt đã “bản địa hóa” nữ thần PoNagar thành nữ thần Thiên Y A Na, tôn làm "thượng đẳng thần".

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ

Nếu như ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn. Nguyên nhân sự khác biệt này được giải thích do Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng.

Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ là Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thuỷ Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô,...và những Mẫu thần được thờ phụng là Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,...

Xem thêm: Ai có thể tham gia hầu đồng và các nghi thức trong hầu đồng là gì?

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Là Gì