Tín Ngưỡng Thờ Mẫu ở Nam Bộ - Tứ Phủ Thánh Mẫu

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, Mẫu vừa là người mẹ có công lao vô cùng to lớn đối với sự hoài thai một hình hài, nhân cách con người; vừa là khát vọng, mong muốn về cuộc sống ấm no hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, thoát khỏi thiên tai… Tín ngưỡng thờ Mẫu không ngoài mục đích là bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh mà còn cầu mong các vị thần chở che, bảo vệ con người.

Nam bộ là vùng đất mới nên trong quá trình khai hoang mở đất cũng là quá trình cư dân mang theo hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền khác nhau khi đến sinh sống tại Nam Bộ. Tín ngưỡng ở Nam Bộ vì vậy càng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Mặt khác, tín ngưỡng ở Nam Bộ còn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng cư dân. Vì vậy, có thể thấy các thành tố có trong tín ngưỡng từng tộc người cư trú ở Nam Bộ như: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đều có một ảnh hưởng nhất định trong việc định hình thể loại, diện mạo của các tín ngưỡng thờ Nữ thần cũng như thờ Mẫu ở Nam bộ.

Có hai dạng nữ thần, đó là nhiên thần và nhân thần. Các nữ thần mang tính siêu nhiên, thể hiện các yếu tố trong tính thiên nhiên như: thần mặt trăng, thần mặt trời, thần Đậu, thần Dâu, Năm bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)… Bên cạnh các nhiên thần, thì nhân thần vốn là những con người thật như các vị tướng khởi nghĩa ( Hai Bà Trưng), những người phụ nữ có công giúp dân dựng làng, lập ấp, lập chợ hay truyền thụ kiến thức, dạy nghề…

Ở Nam bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu có ít nhiều thay đổi so với tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc. Tục thờ Mẫu Liễu Hạnh ở miền Bắc khi vào đến miền Nam dần biến đổi thành tục thờ các vị nữ thần gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân miền Nam như: bà Đen, bà Chúa Xứ, bà Ngũ Hành… Nếu như ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định thì ở Nam Bộ ít có sự phân biệt hơn. Có thể thấy, thờ mẫu ở Nam bộ, không mang tính khuôn mẫu như ở Bắc Bộ, mang tính thông thoáng cởi mở, đã tích hợp nhiều loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu khác nhau. Từ nữ thần một số bà đã nâng lên, phổ biến với tên gọi Thánh Mẫu, có liên quan đến các yếu tố đất, nước, trời.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ

Người Kinh chúng ta lấy việc thờ cúng tổ tiên làm trọng và thờ cúng tổ tiên ba đời. Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, người Kinh còn thờ bà Đen, bà Chúa Xứ, bà Ngũ Hành, bà Chúa Ngọc, các vị Thánh Mẫu… Và do có sự giao lưu văn hóa cộng đồng nên các vị nữ thần hầu như được thờ phụng. Nếu như người Chăm thờ Bà Po Inư Nưgar thì sang đến người Kinh đã trở thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu với nhân dạng thân thế và thần tích phù hợp trong tâm thức người dân Việt.

Khi người Kinh vào khai phá vùng đất Nam bộ, tín ngưỡng thờ mẫu có nguồn cội từ quê cha đất tổ được các lưu dân mang vào Nam bộ vẫn tiếp tục một dòng chảy sâu rộng. Hầu khắp các tỉnh Nam bộ, nơi nào cũng có điện thờ Mẫu hoặc gian thờ Mẫu. Rất nhiều nguồn tài liệu cho biết việc thờ Mẫu ở Nam bộ có mặt ở khắp mọi nơi. Nhưng nổi bật trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Nam bộ là hiện tượng tôn thờ bà Chúa Xứ. Đặc biệt, thờ bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc là trung tâm của tín ngưỡng này. Hằng năm, nơi đây thu hút khách từ khắp mọi nơi đến đây cúng Bà, xin Bà ban lộc, cầu cho được nhiều may mắn, bình an. Truyền thuyết về Bà được kể như sau: “…

Ngày nọ, một số người vào núi đốn củi, tình cờ phát hiện một pho tượng phụ nữ ở giữa rừng bèn về báo với dân làng. Sau đó, bà con cùng nhau đưa tượng Bà về và lập miễu thờ.Truyền thuyết khác kể thêm rằng có một vị thần linh tự xưng là bà Chúa Xứ Châu Đốc, báo mộng cho dân làng: hãy chọn chín cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam đưa tượng ta về lập miếu thờ, ta sẽ phù hộ cho dân an lành và làm ăn phát đạt. Sau đó, chín cô gái được chọn cử lên đỉnh núi để tìm tượng và quả nhiên họ tìm thấy một bức tượng tạc hình một người đàn bà trong tư thế ngồi, khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn thẳng về phía trước, đưa về rửa sạch sẽ và lập miếu thờ. Từ đó, hằng năm dân làng lấy ngày tượng bà được “an vị” tại miễu làm ngày lễ Vía Bà.

Truyền thuyết gắn ngày lễ Vía Bà với tập quán sản xuất nông nghiệp ở địa phương, cho rằng tháng Tư là thời vụ bà con chuẩn bị xuống giống làm mùa. Họ làm lễ cúng tạ ơn Bà, hy vọng được Bà phù hộ, mùa màng sẽ bội thu. Chuyện kể rằng dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu đảm nhận trọng trách trấn giữ biên cương phía Tây, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần nghe tin giặc kéo vào quấy phá, vợ Thoại Ngọc Hầu thường đến miếu bà Chúa Xứ khấn vái, mong chồng mình được bà phù hộ đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Và những lời khấn cầu được ứng nghiệm. Để tạ ơn, vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại miếu to lớn và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong ba ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng cúng Vía Bà vào những ngày nói trên.”

Nơi thờ mẫu khác khá nổi tiếng ở Nam bộ là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu cũng có nhiều dị bản khác nhau, phổ biến là truyền thuyết sau đây:

“Bà tên Lý Thị Thiên Hương, còn có tên khác là cô Đen, võ nghệ cao cường, nhan sắc mặn mà. Thiên Hương là người mộ đạo, mỗi dịp Nguyên Tiêu, nàng thường vượt đường xa lên núi lễ Phật. Một ngày kia, trên đường lên núi viếng chùa, nàng bị bọn cướp chặn đường uy hiếp. Thiên Hương chống trả rất quyết liệt, nhưng vì thân gái thế cô, nàng đành lao mình xuống vực quyên sinh, quyết không chịu hoen ố thanh danh trong tay bọn chúng. Sau khi chết, Thiên Hương thường hiển linh, luôn ban phước lành cho chúng sinh, thiện tín mười phương, nên dân gian mới kính trọng gọi Thiên Hương là Bà, và để cho gần gũi người ta gọi là Bà Đen. Người ta lập đền thờ Bà trên núi, núi này cũng được gọi là núi Bà Đen”. Lễ hội Vía Bà chia làm 2 thời điểm: mùa xuân vào tháng Giêng và mùa hạ vào tháng 5. Lễ hội mùa xuân diễn ra vào ngày 18 và 19 tháng Giêng hàng năm. Nhưng trong suốt tháng Giêng và sang cả tháng 2, núi Bà Đen vẫn đón tiếp hàng triệu lượt khách đến hành hương cầu mong bình an cho gia đình. Và vào tháng 5 với nhiều quy cách tiến hành lễ cầu kỳ, bên cạnh đó là phần Hội được nhiều du khách thập phương tham gia hưởng ứng.

Đối với người Chăm, vai trò của Nữ thần Po Inư Nưgar đặc biệt quan trọng, Bà dạy người Chăm biết cách trồng lúa, dệt vải, là vị thần đầy quyền năng sáng tạo. Bà đã nâng đỡ người Chăm đi những bước đầu trong tiến trình lập quốc của mình. Hình ảnh Po Inư Nưgar là Bà mẹ nhiệm màu đã xóa đi mọi ngăn cách tôn giáo. Vậy nên dù là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào thì Bà cũng có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Bà được tôn thờ một cách độc lập và trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Chính vì thế mà trong hầu hết các nghi lễ, nữ thần Po Inư Nưgar luôn được người Chăm cầu xin ban phước và bảo vệ. Trong suốt mười mấy thế kỷ cho đến nay, người Chăm vẫn luôn tôn thờ một Bà mẹ xứ sở của từng thôn làng họ. Đặc biệt vào tháng 3 âm lịch hằng năm, từ Bắc tới Nam đều tiến hành “giỗ Mẹ”. Ở người Việt là lễ vía Thánh Mẫu Thiên Y A Na, còn người Chăm là lễ vía Thần nữ Po Inư Nưgar. Vào dịp này khách thập phương có thể chiêm ngưỡng sắc màu lễ hội, tạo nên không khí náo nhiệt trên khắp cả nước.

Còn đối với cộng đồng người Hoa, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu là một trong những hạt nhân phản ánh bản sắc văn hóa Hoa tộc trong đại gia đình văn hóa Nam Bộ. Nhắc đến người Hoa, người ta nhắc đến Bà Thiên Hậu, ngược lại khi nhắc đến Bà Thiên Hậu người ta nói đến người Hoa.

Tương truyền, từ khi sinh ra đến lúc đầy tháng người ta chẳng hề nghe thấy tiếng Bà khóc, vì vậy bà có tên là “Mặc nương”. Lúc lên bốn, năm tuổi, Bà rất thông minh đỉnh ngộ. Lớn lên, Bà quyết chí không lập gia đình, ở vậy và làm việc thiện giúp người, cứu đời. Năm 16 tuổi, Thiên Hậu nhặt được Thiên thư từ một giếng cạn và sau đó biết được mọi thần thông biến hóa và Thiên Hậu trở thành người cứu nhân độ thế, giúp nhiều người tai qua nạn khỏi. Sau khi mất, hồn bà vẫn linh hiển. Đặc biệt, sự hiển linh của bà Thiên Hậu đã cứu giúp nhiều ghe thuyền gặp nạn trên biển. Những người đi biển và dân cư vùng ven biển đều thỉnh hình Bà để thờ cúng, cầu xin Bà phù hộ được bình an, làm ăn thuận lợi trên hải trình. Người Hoa xem Bà Thiên Hậu là đấng linh thiêng, phù hộ độ trì, cứu giúp họ thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hằng năm lễ hội vía Bà Thiên Hậu vào ngày sinh Bà (23 tháng 3 âm lịch), được tổ chức chu đáo: Tế heo sống nguyên con làm sạch lông và tổ chức hát quảng… Vào dịp này không chỉ người Hoa, mà người Kinh ở nhiều vùng lân cận cũng đổ về chùa Bà Thiên Hậu cúng bái để cầu tài lộc. Lễ hội vía Bà Thiên Hậu mang đậm màu sắc dân tộc. Qua lễ hội này, thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái: Kinh – Hoa trong khối đoàn kết đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Về phương diện nghi lễ, ở Nam Bộ, nếu nơi nào có tục thờ Nữ thần và Mẫu thần thì thường có diễn xướng múa bóng, còn nơi có đền phủ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì có diễn xuớng hầu bóng (lên đồng). Đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các thần linh vào thân xác các ông, bà đồng nhằm cầu sức khoẻ, tài lộc, một dạng thức của shaman giáo tồn tại ở nhiều nước trên thế giới. Để thực hiện nghi thức mang tính shaman này, các hiện tượng văn hóa nghệ thuật như hát văn và nhạc chầu văn, múa thiêng… đã được sản sinh và tích hợp tạo nên một thứ sân khấu tâm linh, tượng trưng cho sự tái sinh và hiện diện của thần linh Tam phủ, Tứ phủ thông qua thân xác các ông đồng, bà đồng. Bên cạnh đó, thường thì tín ngưỡng dân gian gắn liền với lễ hội. Chúng ta có thể nhận diện được những hình thức tín ngưỡng thông qua các lễ hội như: lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương, Tây Ninh, lễ hội Bà Thu Bồn ở Duy Xuyên-Quảng Nam, lễ hội Kỳ Yên ở các đình làng ….

Ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Nam cần được quan tâm và phát huy theo đúng vai trò và đặc tính riêng của nó. Có một thực tế cần thừa nhận, một số người đang lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi. Các “thầy đồng, thầy bói, thầy cúng…” nổi lên quá nhiều, đây chính là nguyên nhân làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu biến tướng thành mê tín dị đoan. Một số người dân thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu và giá trị đích thực của nghi lễ “hầu bóng” nên bị lợi dụng. Đáng buồn hơn, một số người cho “hầu bóng” là một “mốt thời đại” nên đua nhau trình đồng, mở phủ rồi đi hầu bạt mạng, múa may quay cuồng, đua nhau sắm lễ thật to, vung tiền phát lộc thật lớn để khẳng định “đẳng cấp”. Và một thực trạng đáng buồn hơn, là vào các dịp lễ hội tại các ngôi chùa, đình, miếu thờ Mẫu người dân đua nhau đi lễ, chen chúc, xô đẩy gây ồn ào, mất trật tự… vô tình tạo ra hình ảnh xấu trong tín ngưỡng, tâm linh….Việc hầu Thánh đôi khi đã trở thành miễn cưỡng khi so sánh “hầu to, hầu nhỏ” làm mất đi những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã dành riêng một phòng trưng bày chuyên đề về “ Tín ngưỡng thờ Bà” ( Tín ngưỡng thờ Mẫu) nhằm góp phần trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ nói riêng. Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ là một sự tiếp nối của tục thờ mẫu truyền thống. Qua đó thể hiện ước mơ của con người mong muốn vạn vật được sinh sôi nảy nở nhằm đem lại cuộc sống no ấm cho con người. Đồng thời thể hiện đức tin của con người vào sự linh thiêng, phù hộ độ trì của các vị Thánh Mẫu để con người được bình yên trong cuộc sống. Tục thờ mẫu cũng thể hiện tâm lý uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam nói chung, Nam bộ nói riêng khi được sức khỏe, tài lộc và may mắn thì nhớ ơn những người đã phù hộ độ trì cho mình. Đây chính là giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và giá trị truyền thống Việt Nam.

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Mẫu ở Nam Bộ