Tín Ngưỡng Thờ Ông Bổn Và Vu Lan Thắng Hội Cầu Kè - Báo Trà Vinh
Có thể bạn quan tâm
Sau khi lên ngôi, triều đình nhà Thanh cử Trịnh Hòa làm sứ thần đi khắp các nước Đông Nam Á thương thuyết với triều đình các nước sở tại tạo điều kiện dễ dàng cho bộ phận Hoa kiều làm ăn, sinh sống. Sau khi Trịnh Hòa mất, vua nhà Thanh ban sắc phong thần với mỹ danh Bổn đầu công và Hoa kiều các nước Đông Nam Á xem ông là vị phúc thần cai quản về an cư lạc nghiệp. Như vậy, tín ngưỡng thờ Ông Bổn không có ở lục địa Trung Hoa mà chỉ hiện diện trong cộng đồng Hoa kiều di cư đi các nước.
Ảnh: BÁ THI
Người Hoa tại Trà Vinh cư trú rải rác nhưng có sự tập trung nhất định tại thành phố Trà Vinh, huyện Cầu Kè và huyện Trà Cú. Tín ngưỡng (và lễ hội truyền thống) người Hoa tồn tại hàng trăm năm, tạo ra sắc thái văn hóa dân tộc riêng và góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Trà Vinh. Trong đó, nổi bật là tín ngưỡng thờ Ông Bổn (vị thần cao quản việc an cư lạc nghiệp) với Vu lan thắng hội ở Cầu Kè, tín ngưỡng thờ Ông Bảo (vị thần cai quản về sức khỏe, sinh sản) với Nguyên tiêu thắng hội ở Trà Cú và tín ngưỡng thờ Quan Thánh đế (vị thần biểu trưng đạo đức truyền thống Trung Hoa) với Nguyên tiêu thắng hội tại thành phố Trà Vinh.
Truyền thuyết về Ông Bổn khi về vùng đất Cầu Kè có sự biến đổi nhất định so với nguyên bản. Đồng bào người Hoa tại vùng đất này ít quan tâm tới vai trò Trịnh Hòa mà tôn thờ bốn anh em kết nghĩa, tương truyền có công đưa thế hệ Triều Châu đầu tiên di cư đến vùng đất ven Sông Hậu này và khi mất đều hiển thánh. Trong đó, Minh Ðức Cung (chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân) thờ ông Nhứt; Vạn Ứng Phong Cung (chùa Giữa, xã Hòa Ân) thờ ông Nhì; Vạn Niên Phong Cung (chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè) thờ ông Ba và Niên Phong Cung (chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi) thờ ông Tư.
Ngoài ra, trên địa bàn Cầu Kè còn có hai ngôi chùa thờ Ông Bổn nữa là Vạn Đức Phong Cung (Tam Ngãi) và Thiên Đức Cung (Hòa Ân) cùng một số ngôi chùa cùng loại rải rác các huyện trong tỉnh.
Lễ hội cúng Ông Bổn Cầu Kè hay còn gọi là Vu lan thắng hội, diễn ra từ 25 - 28 tháng Bảy âm lịch, mà người dân Cầu Kè hay nhắc nhau qua câu thiệu: “Hai lăm vào đám, Hai tám ra giàn”, địa điểm chính là Vạn niên phong cung còn gọi là Chùa Chợ (vì gần chợ Cầu Kè), tọa lạc tại Khóm 1, thị trấn Cầu Kè.
Trong 04 ngày lễ hội có đến 20 lễ thức liên hoàn nhau trong một lịch bản rất chặt chẽ.
1. Ngày 25/7 âm lịch, diễn ra 08 lễ thức, bao gồm lễ Thỉnh chư Phật, chư Thần Thánh; Lễ Thỉnh kinh - đánh động; Lễ Hương tác; Lễ Trình tổ khai chung; Lễ Khai quang; Lễ Khai kinh; Lễ Xá hạc và Lễ Cầu quốc thái dân an. Trong đó, quan trọng và đông vui nhất là hai lễ Thỉnh chư Phật - chư Thần Thánh và Lễ Thỉnh kinh - đánh động.
- Lễ Thỉnh chư Phật - chư Thần Thánh được tiến hành vào sáng sớm ngày 25/7 âm lịch. Vị chủ lễ, ban quản trị chùa cùng đông đảo bà con bổn hội, đồng bào phật tử trong vùng tề tựu tại khuôn viên Vạn Niên Phong Cung, hình thành đám rước diễu hành qua các con phố chính, qua xã Hòa Ân, Tam Ngãi cung thỉnh chư Phật, chư Thần Thánh về Vạn Niên Phong Cung cùng Bổn Đầu công chứng giám và phối hưởng phẩm vật dâng làng dâng cúng.
Bên cạnh các Thần Thánh theo tín ngưỡng người Hoa như Quan Thánh đế, bà Thiên Hậu… còn có các vị Thần theo tín ngưỡng người Kinh (Thần Thành hoàng bổn cảnh), tín ngưỡng người Khmer (Neakta). Nghi thức này thể hiện tinh thần đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi giữa các dân tộc, các tôn giáo - tín ngưỡng mà cộng đồng dân cư Cầu Kè chăm chút gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.
- Lễ Thỉnh kinh - đánh động được tiến hành vào chiều ngày 25/7 âm lịch. Đám rước được hóa trang thành thầy trò Tam Tạng, diễn lại tích đi Tây phương thỉnh kinh. Nhờ những người vào vai Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng và cả các yêu quái đều là những người giỏi võ đạo kinh kịch Trung Quốc cũng như hát bội Việt Nam nên nghi thức này là màn biểu diễn nghệ thuật, vũ thuật ngay trên tuyến phố chính, rất được người dân sở tại và khách thập phương về dự hội ưa chuộng.
2. Ngày 26/7 âm lịch có 05 lễ thức chính là Lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn; Lễ Thỉnh thùng bổn mạng; Lễ Tế Tiên hiền - Hậu hiền; Lễ Cầu siêu; Lễ Giương phan. Trong đó, Lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn được tiến hành vào lúc rạng sáng là lễ thức chính của mùa Vu lan báo hiếu. Lễ Giương phan được tiến hành vào buổi chiều, với hai cây phan được giương cao giữa khuôn viên Vạn Niên Phong cung, hàm ý các cô hồn chưa siêu thoát tề tựu sẽ được che chở của chư Phật và chư Thần Thánh.
3. Ngày 27/7 âm lịch có 02 lễ thức chính là Lễ Cúng ngọ và Lễ Cầu siêu xà mã. Trong hai lễ thức này, chư tăng ni, hòa thượng lập trai đàn, tiếp tục đọc kinh cầu siêu để các cô hồn đói khát vất vưỡng quanh năm được một ngày no đủ, yên tâm nghe kinh mà sớm siêu thăng về miền tịnh độ.
4. Ngày 28/7 âm lịch diễn ra 04 lễ thức chính là Lễ Bái xám - Hoàn kinh - Xá hạc; Lễ Thỉnh tượng ngoại đàn; Lễ Phóng đăng - Phóng sinh và Lễ Chiêu u cô hồn - Đăng đàn thí thực.
- Lễ Bái xám - Hoàn kinh - Xá hạc và Lễ Thỉnh tượng ngoại đàn là nghi thức kết thúc phần trai đàn dâng cúng chư Phật, chuyển qua các lễ vật thông thường dâng cúng chư Thần Thánh. Lễ Phóng đăng - Phóng sinh được tiến hành bên bờ sông Cầu Kè, hàm ý tế Hà Bá cùng các Thủy thần…
- Lễ Chiêu u cô hồn - Đăng đàn thí thực là lễ thức chính, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương về dự hội tham gia. Từ buổi trưa ngày 28/7 âm lịch, mọi ngã đường hướng về Vạn Niên Phong cung đều “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Vào lễ, vị chủ lễ, các vị bô lão bày toàn bộ lễ vật mà dân làng và thiện nam tín nữ gần xa mang đến, nhất thiết phải có heo trắng toàn sinh toàn sắc (heo làm sạch để nguyên con, tượng trưng cho nghi thức hiến tế ngày xưa), heo quay, trà rượu, hoa quả, hương đăng… ra những chiếc bàn dâng cúng Bổn Đầu công, sau nữa là “chiêu u cô hồn” được tiếp một bữa no đủ.
Khi những hồi kinh Phật vừa chấm dứt là lúc những dàn lầu cấu (nhạc lễ người Hoa) vang lên sôi động cùng tiếng vỗ tay, reo hò của hàng ngàn người vây quanh. Trong nên bầu không khí vừa linh thiêng vừa ma quái rất đặc trưng của lễ hội, bất thình lình Bổn Đầu công “đạp đồng” về “nhập xác”. Đức ông sẽ “mượn xác” một người Hoa trung niên tại địa phương thể hiện oai linh của mình bằng cách múa may quay cuồng, nói thứ ngôn ngữ Triều Châu cổ, chân không đi trên những hòn than cháy đỏ, tự xuyên những thanh kim loại dài qua mặt mình, dùng dao bén tự rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa ban phát cho người dự hội. Xác Đức ông vừa đi “củ soát” (tức kiểm tra) các vật phẩm dâng cúng vừa cất lời tiên tri về thời tiết, mùa màng, chuyện làm ăn mua bán… của người bổn phố trong năm sắp tới.
Tín ngưỡng thờ Ông Bổn của người Hoa Cầu Kè khá tương đồng với tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh của người Việt. Trong bối cảnh tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa Cầu Kè luôn được đặt lên hàng đầu thì tín ngưỡng thờ Ông Bổn và lễ hội Cúng Ông Bổn đã có sự giao lưu, tiếp biến một cách hài hòa nhiều sắc thái tín ngưỡng - tôn giáo khác như Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Neakta… Qua lễ hội này, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Cầu Kè càng được củng cố, tăng cường.
Tín ngưỡng thờ Ông Bổn và Vu lan thắng hội tại Vạn Niên Phong cung là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của vùng đất Cầu Kè trong hơn 100 năm qua.
Song song với lễ hội này, trên địa bàn Cầu Kè còn nhiều địa chỉ có tiềm năng để hình thành một chuỗi du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh liên hoàn bao gồm Khu Tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), cù lao Tân Qui, nhà cổ và khu mộ cổ Huyện hàm Huỳnh Kỳ… cùng nhiều loại trái cây đặc sản như dừa sáp, măng cụt, chôm chôm, chuối táo quạ… đang chờ du khách khám phá, thưởng thức.
TRẦN DŨNG
Từ khóa » Chùa ông Bổn ở Trà Vinh
-
Chùa Ông Bổn Huyện Cầu Kè Tỉnh Trà Vinh-明德宮 - Facebook
-
Di Tích Minh Đức Cung (Chùa Ông Bổn)
-
Chùa ông Bổn ở Trà Vinh Và Những điều Bạn Chưa Từng Biết
-
Những điều Có Thể Bạn Chưa Biết Về Chùa ông Bổn Trà Vinh
-
Vãn Cảnh Chùa Ông Mẹt – Trà Vinh - Du Lịch Miền Tây
-
Lễ Hội ông Bổn ở Cầu Kè Trà Vinh - YouTube
-
NGHI THỨC CẮT LƯỠI TẠI CHÙA ÔNG BỔN CẦU KÈ TRÀ VINH ...
-
Ông Bổn - Cồ Việt Mobile - Tri Thức Việt
-
Cắt Lưỡi Lấy Máu Vẽ Bùa Thiêng ở Miền Tây - Xã Hội - Zing
-
CHÙA ÔNG BỔN Ở CẦU KÈ - LƯU KHÂM HƯNG (劉欽興)
-
TÌM HIỂU LỄ VU LAN THẮNG HỘI CÚNG ÔNG BỔN CẦU KÈ TRÀ ...
-
Chùa Ông Bổn Cầu Kè, Long Thành, Trà Vinh
-
Chùa Ông Bổn Huyện Cầu Kè Tỉnh Trà Vinh.