Tin Nhắn 'hồn Ma' - Trò đùa Quá đà Của Giới Trẻ - VnExpress Đời Sống

Suốt tuần nay, dù đã lên dây cót tinh thần để tập trung ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi đại học mấy tháng tới, nhưng Xuân (học sinh lớp 12 ở Sơn Tây, Hà Nội) vẫn không thể tập trung mỗi khi ngồi vào bàn học. Thủ phạm khiến cô nữ sinh này hoang mang chính là những tin nhắn của "oan hồn" được gửi tới từ một số điện thoại lạ gần đây.

"Lần đầu tiên, em nhận được tin nhắn như thế khi đang ngồi học một mình trong phòng, lúc gần 11 rưỡi, thấy sợ gần chết, không thể tiếp tục học nữa. Sau đó, khi nhận được liên tiếp hai tin nhắn với nội dung tương tự, em phải tắt máy rồi để nguyên đèn, chui vào chăn nhưng vẫn không tài nào ngủ được nên đành chui sang phòng ngoài nằm cùng bà", Xuân kể lại.

Ảnh: Minh Thùy.

Tin nhắn "ma" mới nhất mà Xuân nhận được. Ảnh: Minh Thùy.

Cô bé cho biết, không chỉ mình mà vài người bạn khác trong lớp cũng nhận được những tin nhắn kiểu như vậy, trong cả tuần liền. Người nhát, sợ ma thì chỉ biết xóa tin nhắn, tắt điện thoại rồi... run. Bạn nào bạo dạn hơn thì nhắn hay gọi lại, nhưng thường thấy số điện thoại lạ kia tắt máy hoặc tiếp tục nhắn các tin khác, kể tiếp về những "câu chuyện bị chết oan" rùng rợn.

Không chỉ nhận được những tin nhắn theo kiểu giả ma, hù dọa như trên, có những bạn trẻ còn nhận được các tin theo kiểu ép buộc lan truyền mang tính tâm linh.

Hai tuần trước, Thông (sinh viên năm thứ hai một trường Đại học tại TPHCM) nhận được một tin nhắn với nội dung: "0168.964.45... là số điện thoại của một người con gái bị tai nạn chết oan. Hiện số điện thoại này vẫn còn liên lạc được. Khi chôn cất, điện thoại và sim được chôn cùng. Nghe đồn đây là số điện thoại đã bị hồn ma của cô gái đó ám. Nếu xóa đi thì trong một ngày người mà bạn yêu quý nhất sẽ ra đi mãi mãi. Nếu gửi cho 10 người thì người yêu của bạn sẽ luôn bên bạn, 20 người thì 15 phút sau điều bạn muốn sẽ đến. Còn không gửi hạnh phúc của bạn sẽ mãi mãi là con số không".

Thông cho biết, vốn tính cũng hay sợ ma, nên khi nhận được tin nhắn này, cậu thấy rờn rợn, dù tin được gửi tới từ số điện thoại của một người bạn. Kèm theo tin này, người bạn cũng phân trần: "Thông cảm, tớ bị bắt buộc gửi vì nghe nói nó linh lắm".

"Giờ nghĩ lại em vẫn thấy sợ. Nhưng em chẳng gửi tiếp cho ai nữa vì nghĩ nếu cứ lan truyền tin này đi, thì sẽ giống như tung tin đồn nhảm, lại làm nhiều người khác lo sợ như mình. Em chỉ mong làm cách nào để không ai nhận được những tin nhắn kiểu này nữa", chàng sinh viên nói.

Từng là nạn nhân và cũng là chủ nhân của nhiều "tin nhắn từ âm phủ", Hoàng Minh, 20 tuổi (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, cậu cũng mất ăn mất ngủ vài lần sau khi đọc những tin kiểu như "Tôi bị cắt cổ chết. Tôi không thấy đầu mình đâu. Bạn hãy tìm giúp tôi", hay "Đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm, mình đang đứng ở cửa sổ. Bạn có thấy mình không? Mình mặc áo trắng, mặt dính máu và tóc rất dài. Hãy mở cửa cho mình vào với"...

Minh kể rằng, hơn một năm trước, cậu nhận được một số tin nhắn dọa ma từ những số lạ. Vốn tính nghịch ngợm, Minh đoán ngay đây là trò trêu chọc của đám bạn. Sau đó, chính cậu lại mua các sim khuyến mại, tự soạn hay dùng ngay những tin mình đã nhận được, có nội dung rùng rợn, gửi đi hù các bạn khác, nhất là mấy bạn nữ sợ ma.

"Có đứa kể với em là sau khi đọc các tin đó nó sợ đến nỗi cả tuần sau không dám cầm đến điện thoại nữa. Những đứa mất ngủ, bỏ ăn thì nhiều lắm. Em buồn cười quá nhưng phải cố nhịn. Chúng nó mà biết em là thủ phạm chắc sẽ không bao giờ thèm nhìn mặt em nữa", Minh hồn nhiên kể.

Khi được hỏi, tại sao chính mình cũng sợ những tin nhắn đó, lại biết làm các bạn mất ăn mất ngủ như vậy mà vẫn tiếp tục gửi chúng đi, Minh vô tư: "Tại em thích. Thấy mấy đứa yếu bóng vía sợ hãi, em thấy khoái".

Thực tế, những tin nhắn dọa ma đều xuất phát từ những số điện thoại khuyến mại, mà chủ nhân của nó đa số là những người bạn thân quen. Những bạn trẻ này coi đó là trò tiêu khiển mà không biết hậu quả vô cùng tai hại, khiến người khác hoang mang, sợ hãi, không tập trung được vào công việc, học tập.

Cách đây hơn hai năm, từng có trường hợp một nữ sinh viên trường Cao đẳng Phương Đông ở Đà Nẵng đã hoảng loạn tinh thần, nói nhảm, ngất xỉu và phải đi cấp cứu khi nhận được những tin nhắn ma liên tiếp với nội dung: "Đừng nhá máy cho tôi, hãy gọi lại cho tôi lúc 12h đêm. Lúc đấy tôi hiện hồn về được. Làm ơn đốt cho tôi cái quần cái áo. Ở âm phủ lạnh lắm".

Theo nhà tâm lý Trần Hùng, Văn phòng tham vấn tâm lý và thám tử Hoàng Nhân (Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội), những tin nhắn reo rắc sợ hãi, mê tín không có cơ sở gì về mặt khoa học hay tâm linh, mà thường chỉ trò đùa của những người thiếu ý thức.

Bởi thế, khi nhận được tin nhắn này, không có bất cứ lý do gì để sợ hãi. Với những tin nhắn theo kiểu ép buộc, như nếu xóa tin người thân của bạn sẽ bị nạn hay nếu không gửi bạn sẽ gặp chuyện xấu..., bạn cũng không cần hoang mang. Bởi nếu bạn tin điều này, và phát tán các tin nhắn kiểu đó, đã vô tình tiếp tay cho cái xấu, reo rắc sự sợ hãi cho những người thân quen của mình.

"Tốt nhất, nếu nhận được những tin nhắn như vậy, hãy làm lơ. Người trêu trọc khi không đạt được mục đích - thường là làm bạn hoảng sợ hay tò mò nhắn, gọi lại - sẽ tự động bỏ cuộc. Trong trường hợp họ tiếp tục gửi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của bạn, nên báo cho nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại để họ xử lý", nhà tâm lý chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện một số mạng di động như Viettel, Mobifone cho biết, họ chưa bao giờ nhận được khiếu nại, phản ánh của khách hàng về việc bị quấy nhiễu bởi những tin nhắn ma. Đại diện của các mạng này cho biết, khi cảm thấy bị làm phiền bởi những tin nhắn kiểu này, khách hàng có thể thông báo cho bộ phận giải quyết khiếu nại của nhà mạng, công ty sẽ xử lý theo quy trình chống thuê bao quấy rối là: Nhắn tin, gọi điện cảnh báo đến số điện thoại của "ma", nếu sau nhiều lần hành động này vẫn tiếp tục thì họ sẽ cắt, hủy số này.

Minh Thùy

Từ khóa » Dọa Ma Qua Tin Nhắn