Tin Tức Kinh Tế 24h Mới Nhất, Nổi Bật Nhất Ngày 25/7

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/7

Theo dõi KTMT trên

Miền Nam

Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, thị trường chờ quyết định của FED; Bộ Tài chính cảnh báo nhà đầu tư khi mua trái phiếu riêng lẻ... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 25/7.

Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, thị trường chờ quyết định của FED

Thị trường đang trong giai đoạn đầu của mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên nên nhìn chung sẽ có sự phân hóa, dòng tiền theo đó sẽ luân chuyển và tìm cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ.

Tại nhóm VN30, số cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo, và GAS là đầu kéo khiến chỉ số chính mất nhiều điểm nhất. GVR, VPB, MWG, HPG, CTG, MBB, TCB, TPB, ACB tác động tiêu cực đến chỉ số. Trên HoSE, 321 cổ phiếu giảm giá. Nhóm dầu khí, nguyên vật liệu, tiêu dùng, tài chính… giao dịch kém tích cực.

Cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm giá. Nhóm phân bón, hóa chất cũng điều chỉnh mạnh. Ngược lại, nhóm chăn nuôi có phần khởi sắc hơn cả. Bộ đôi HAG, HNG tăng với biên độ lớn 5-6%. DBC tăng 4,2%, và MML tăng nhẹ.

Còn lại, thị trường hôm nay không chứng kiến nhóm ngành nào đồng loạt khởi sắc. Tuần này, sự chú ý của thị trường được cho là tập trung vào tình hình kinh tế vĩ mô. Tháng 7, giá xăng đã 2 lần giảm mạnh và kỳ vọng sẽ kiềm chế được lạm phát trong nước.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/7 - Ảnh 1
Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, thị trường chờ quyết định của FED.

Trên thị trường thế giới, theo kế hoạch, FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) sẽ tiến hành cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 27/7. Có nhiều ý kiến cho rằng trong kỳ họp lần này, FED có thể tăng mạnh lãi suất với mức tăng 0,75 điểm %, tương tự như đợt tăng lãi suất hồi tháng 6 vừa qua, nhằm giảm nhu cầu và sức ép lạm phát.

Ngoài ra thông tin về GDP của Mỹ cũng được công bố cuối ngày thứ 5 (giờ Mỹ). Đây là thông tin quan trọng quyết định kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không vì Q1/2022 GDP của Mỹ đã giảm 1,6%. Dự báo Consensus hiện đang là GDP tăng 0,4% trong quý 2 trong khi theo dự báo của EconomyNow thì GDP của Mỹ dự báo giảm 1,6% quý 2.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,26 điểm (0,52%) xuống 1.188,5 điểm. HNX-Index giảm 3,45 điểm (-1,19%) xuống 285,38 điểm. UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,55%) xuống 88,35 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 10,5% và ở mức 8.760 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 150 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE.

Bộ Tài chính cảnh báo nhà đầu tư khi mua trái phiếu riêng lẻ

Ngày 25/7, Bộ Tài chính thông báo tình hình thị trường TPDN riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2022 và rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường TPDN tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn, thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4 và tăng trở lại vào tháng 5/2022 đến nay. Khối lượng mua lại TPDN trước hạn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng vào quý 1/2022 và khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng vào quý 2/2022.

Qua công tác kiểm tra, giám sát thị trường, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/7 - Ảnh 2
Bộ Tài chính cảnh báo nhà đầu tư khi mua trái phiếu riêng lẻ.

Bộ Tài chính khuyến cáo, TPDN riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.

“Khác với TPDN chào bán ra công chúng được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư, TPDN riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép. Với sự phát triển nhanh của thị trường TPDN trong thời gian gần đây, một số nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mua TPDN riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại). Khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải hết sức lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Do đó, nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này”, Bộ Tài chính khuyến cáo.

Bộ Tài chính lưu ý với nhà đầu tư, việc tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là, tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Về bảo lãnh phát hành trái phiếu, chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

“Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các cam kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, Bộ Tài chính cảnh báo.

Giá dầu châu Á tiếp tục giảm trong chiều 25/7

Phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Tokyo, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng Chín giảm 1,19 USD (1,2%), xuống 102,01 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn giảm 1,33 USD (1,4%), xuống 93,37 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm sau khi tăng vào đầu phiên.

Giám đốc điều hành Tetsu Emori của tổ chức quản lý quỹ Emori Fund Management Inc với trụ sở tại Nhật Bản, cho biết: “Giá dầu mỏ áp lực bởi tâm lý lo ngại ngày càng tăng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh, điều này sẽ làm nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và giảm nhu cầu nhiên liệu”. Ông cho biết thêm rằng “đà phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc cũng đè nặng lên tâm lý thị trường”.

Giá dầu kỳ hạn biến động trong những tuần gần đây khi giới đầu tư cố gắng điều hòa khả năng tăng lãi suất cao hơn nữa, vốn hạn chế hoạt động kinh tế và khiến cắt giảm tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu, cũng như chống lại việc thắt chặt nguồn cung do gián đoạn giao dịch dầu mỏ của Nga bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây do liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/7 - Ảnh 3
Giá dầu châu Á tiếp tục giảm trong chiều 25/7.

Các quan chức tại Fed đánh tiếng rằng ngân hàng trung ương có thể sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp diễn ra trong hai ngày 26-27/7.

Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, suýt chút nữa suy giảm trong quý II vừa qua khi chỉ tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, do chịu tác động xấu từ các đợt phong tỏa ngừa COVID-19, lĩnh vực bất động sản yếu kém và tâm lý thận trọng của người tiêu dùng.

Ông Kazuhiko Saito, nhà phân tích trưởng thuộc công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities Co Ltd. (Nhật Bản), cho hay xu hướng giảm vẫn bao trùm thị trường dầu do lo ngại lãi suất tăng sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu thế giới và một lượng dầu thô từ Libya sắp được đưa trở lại thị trường sẽ giúp xoa dịu tình hình nguồn cung thắt chặt trên toàn cầu.

Liên minh châu Âu tuần trước cho biết sẽ cho phép các công ty nhà nước của Nga vận chuyển dầu đến các nước thứ ba theo các biện pháp trừng phạt được điều chỉnh và đã được các nước thành viên đồng ý trong tuần trước, nhằm hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina ngày 22/7 cho biết Nga sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia quyết định áp đặt trần giá đối với dầu Nga.

Lạm phát cơ bản của Singapore trong tháng 6 tăng 4,4%, cao nhất 13 năm qua

Lạm phát cơ bản của Singapore trong tháng 6 tăng 4,4%, cao nhất 13 năm qua Theo dữ liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, lạm phát tổng thể của nước này trong tháng 6 đã tăng lên mức 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lạm phát thực phẩm trong tháng 6 tăng 5,4% so với mức 4,5% trong tháng 5 do giá cả dịch vụ ăn uống và thực phẩm tươi sống tăng lên. Lạm phát đối với bán lẻ và các hàng hóa khác cũng tăng lên mức 3,1% trong tháng 6, do chi phí thuốc men, các sản phẩm sức khỏe và quần áo, giày dép đồng loạt tăng mạnh hơn. Giá điện và khí đốt tăng lên, với lạm phát ở mức 20% trong tháng 6 đã kéo theo lạm phát vận tải giao thông tư nhân tăng gần 22%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/7 - Ảnh 4
Lạm phát cơ bản của Singapore trong tháng 6 tăng 4,4%, cao nhất 13 năm qua. (Ảnh minh họa: InvestAsian)

Trước tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, Cơ quan tiền tệ Singapore sẽ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ để làm chậm lạm phát. Đầu tháng 7 vừa qua, chính phủ nước này đã công bố gói hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ đôla Singapore nhằm giúp các nhóm thu nhập thấp và dễ bị tổn thương đối phó với chi phí gia tăng. Dự báo, trong cả năm, lạm phát cơ bản sẽ ở mức trung bình từ 3% đến 4%, trong khi lạm phát tổng thể vào khoảng 5% đến 6%.

Hà Lan

Từ khóa » Tin Kinh Tế 24h